Ẩm thực

Báo nước ngoài nghi ngờ phở Việt Nam bắt nguồn từ Pháp

Cập nhật lúc 18-06-2017 05:25:34 (GMT+1)
Phở là món ăn quen thuộc của người Việt.

 

“Cái tên “phở” có thể bắt nguồn từ “pot au feu” - một món ăn của Pháp” (pot au feu là món súp rất truyền thống của Pháp có điểm giống món phở), đầu bếp Corlou nói.


Hãng tin Pháp có một bài phóng sự khá thú vị về món phở - một nét đẹp văn hoá của Việt Nam.

Phở - một món ăn đơn giản gồm thịt bò, bánh phở, rau thơm và gia vị - xuất hiện từ khoảng 100 năm trước ở miền bắc Việt Nam và kể từ đó đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới, được các đầu bếp nổi tiếng của Pháp và các sinh viên Mỹ yêu thích.

Tại Việt Nam, ăn phở giống như một nghi lễ phổ biến - như cố nhà văn Nguyễn Tuân từng nói - và món ăn này, được tìm thấy trên mọi góc phố ở thủ đô Hà Nội, không thể thiếu đối với cuộc sống thường ngày của mọi người.

“Tôi đã ăn phở ở đây trong hơn 20 năm”, Trần Văn Hùng, cho biết khi anh xếp hàng chờ được phục vụ trong tiết trời mùa đông giá lạnh của Hà Nội bên ngoài quán Phở Thìn trên phố Lò Đúc.

“Nhân viên ở đây thường không lịch sự cho lắm nhưng tôi quen rồi. Tôi không quan tâm tới chuyện đó”, Hùng nói và cho biết thêm anh ăn phở tại quán này từ thời quán chưa mấy nổi tiếng.

 

 Phở là một món ăn quen thuộc của người Việt.

Trước kia phở là món ăn sáng, nhưng ngày này được phục vụ cả ngày tại những quán tương tự như Phở Thìn, nơi mỗi bát có giá khoảng 1 USD (khoảng 20.000 đồng). Người giàu hay nghèo đều thích ăn phở. “Phở là món ăn đặc biệt, đặc trưng nhất mà chỉ Việt Nam mới có”, đầu bếp Phạm Ánh Tuyết cho hay.

Theo đầu bếp Ánh Tuyết, bánh phở phải được làm bằng tay, độ dày vừa phải và không được sử dụng quá 4 giờ; gừng được nướng trên bếp than; nước dùng lấy nước hầm xương bò và các loại gia vị được ninh âm ỉ trên bếp than trong ít nhất 8 tiếng. “Mùi thơm của phở cũng là một phần vẻ đẹp của món ăn”, Anh Tuyet, người nổi tiếng với cách nấu phở truyền thống, nói.

“Không nước nào có món ăn giống như phở. Một trong những bí quyết là nước dùng phải trong và thơm”, bà chủ một nhà hàng nhỏ nằm trên tầng thượng một toà nhà ở khu Phố cổ của Hà Nội tâm sự.

Nguồn gốc chính xác của Phở vẫn còn nhiều tranh cãi. Phở thường được nấu bằng nước dùng thịt bò, nhưng thịt gà cũng được sử dụng kể từ những năm 1940 khi thịt bò khan hiếm.

Thịt bò không phổ biến trong các món ăn Việt từ đầu thế kỷ trước - vì bò là gia súc quan trọng để làm sức kéo. Nhưng khi người Pháp tới Việt Nam, xương và các phần khác đã được đưa vào làm nước phở.

Một số chuyên gia, như Didier Corlou, cựu bếp trưởng khách sạn Metropole Hà Nội, người từng giới thiệu món phở với các thực khách nước ngoài trong nhiều năm, cho rằng phở là món ăn Việt Nam bị ảnh hưởng của Pháp.

“Cái tên “phở” có thể bắt nguồn từ “pot au feu” - một món ăn của Pháp” (pot au feu là món súp rất truyền thống của Pháp có điểm giống món phở), đầu bếp Corlou nói, chỉ ra những điểm tương đồng giữa 2 món ăn như hành nướng trong món súp của Pháp và hành nướng trong phở.

Nhưng cũng có lập luận khác nói rằng phở bắt nguồn từ một đầu bếp giỏi ở thành phố Nam Định, từng là trung tâm dệt may lớn nhất Việt Nam thời thực dân, nơi cả người Pháp và người Việt đều lao động vất vả và nghĩ rằng một món súp sẽ làm hài lòng tất cả mọi người.

Nhưng nhiều người Việt Nam luôn bác bỏ mạnh mẽ sự ảnh hưởng của Pháp đối với phở, cho rằng nó bắt nguồn trước thời kỳ thực dân và chỉ miền bắc Việt Nam mới có.

Nhưng dù nguồn gốc thật sự có là gì đi nữa, “Phở vẫn là một trong những món ăn ngon nhất”, đầu bếp Corlou nói. “Đối với tôi, món ăn Việt Nam là ngon nhất trên thế giới”.

Corlou cho hay mặc dù các thành phần chính của phở vẫn giữ nguyên nhưng món ăn này cũng có sự thay đổi. Tại 3 nhà hàng của ông ở Hà Nội, Corlou phục vụ món phở cá hồi với giá 10 USD/bát. “Bạn không thể đưa phở vào bảo tàng”, ông nói.

Trong thập niên qua, các biến thể mới của phở truyền thống đã xuất hiện. Và khi Việt Nam giàu lên, nhiều món phở đắt tiền hơn - trong đó có một bón phở thịt bò Kobe giá 40 USD - đã xuất hiện.

Chuyên gia ẩm thực Tracey Lister, một đầu bếp hiện đang sinh sống tại Hà Nội, cho hay ngoài việc thêm thịt thì không thể làm gì nhiều để cải tiến món phở. Bà Lister cho rằng người Việt Nam xứng đáng được khen ngợi cho món phở nổi tiếng.

“Đó là một món ăn tuyệt vời, một món ăn nổi tiếng và tôi nghĩ chúng ta phải cho Việt Nam biết điều đó”, bà Lister, giám đốc Trung tâm dạy nấu ăn Hà Nội, cho biết.

“Phở thực sự đại diện cho ẩm thực Việt Nam. Đó là một món ăn đơn giản nhưng rất tinh tế, rất thanh lịch, tao nhã”, bà nhận xét.

Nguồn: Thể Thao Văn Hóa

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo