Ẩm thực

Dưa muối: món ăn dân dã, dùng đúng cách cho nhiều lợi ích sức khoẻ

Cập nhật lúc 25-05-2017 17:02:19 (GMT+1)
Dưa muối - món ăn dân dã, được nhiều người yêu thích (Ảnh qua: Songkhoe.vn)

 

Dưa muối là món ăn rất quen thuộc với bất kỳ gia đình nào ở Việt Nam. Ngon miệng, kích thích vị giác, và nhiều lợi cho sức khoẻ, nhưng bạn cũng cần lưu tâm khi ăn dưa muối để tránh nguy cơ ngộ độc.


Dưa muối vốn là món ăn dân dã truyền thống trong ẩm thực của người Việt, “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ…” đã là một phần không thể thiếu làm nên hương vị ngày Tết quê hương.

Dưa muối có một ưu điểm là dễ chế biến, bảo quản được dài ngày. Mùa hè nóng bức cơm nuốt không trôi thì đây đúng là giải pháp tiện lợi.

Lợi ích của dưa muối

1. Giàu lợi khuẩn probiotic

Ngâm muối là một hình thức của quá trình lên men. Khi các loại rau và trái cây lên men, vi khuẩn có lợi giúp phá vỡ cellulose khó tiêu hóa trong thực phẩm, cũng như một số các đường tự nhiên. Đây là lý do tại sao một số người không dung nạp lactose có thể ăn sữa chua.

Những lợi khuẩn giúp giữ cho thực phẩm lên men ít có khả năng bị hư hỏng, và làm bổ sung các vi khuẩn có lợi trong đường ruột của bạn khi ăn.

2. Giàu chất chống oxy hóa

Các chất chống oxy hóa tự nhiên được tìm thấy trong trái cây và rau quả có tác dụng chống lại các gốc tự do vốn được hình thành tự nhiên trong cơ thể, có thể gây tổn thương tế bào và dẫn đến các vấn đề về bệnh tim mạch, ung thư và lão hóa cơ thể.

Đa số các thực phẩm khi nấu lên đều có thể làm phá vỡ một số các chất dinh dưỡng nhạy cảm với nhiệt, bảo quản rau bằng cách ngâm muối có thể giữ lại các chất chống oxy hóa gần như nguyên vẹn.

Ngoài ra dưa muối còn nhiều tác dụng khác như giúp hấp thụ muối khoáng tốt hơn, có tác dụng trong giảm cân, tốt cho não để xử lý căng thẳng thông qua kết nối “ruột-não”…

Ngộ độc dưa muối – những điều bạn cần lưu ý

 

Chọn loại đúng loại dưa muối tốt hoặc tự làm để đảm bảo vệ sinh (Ảnh: Internet)

Món dưa muối có thể được làm từ khá nhiều loại rau, củ tùy theo sở thích của từng người và từng vùng miền, chẳng hạn như cải bẹ, cải xanh, củ cải, cà rốt, su hào, ngó sen… Có rất nhiều nguyên nhân khiến người ăn bị ngộ độc, ví dụ như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, không đảm bảo vệ sinh…

Ngoài ra, một số cơ sở sản xuất vì chạy theo lợi nhuận đã tận thu những loại rau, củ, quả bị dập, hư, nhiễm khuẩn gây bệnh, ký sinh trùng với giá rẻ để chế biến món dưa muối rồi đưa ra thị trường.

Do đó, chúng ta cần lưu ý khi ăn dưa, chọn loại được muối đúng cách như: dưa có màu vàng và trắng ngà, giòn, không hăng, tươi màu, không ăn dưa muối xổi, không ăn dưa muối trong thùng nhựa, xô nhựa không hợp vệ sinh….

Những loại dưa muối để lâu, xuất hiện nấm mốc trên bề mặt, hoặc dưa có mùi hôi khú cũng tuyệt đối không sử dụng.

Những người cần hạn chế ăn dưa muối

Dù là món ăn rất phổ thông và dễ ăn nhưng dưa muối không thích hợp cho tất cả các đối tượng.

  • Những người bị đau dạ dày

Dưa chua chứa nhiều muối, tính a xít và có thể cay hoặc rất cay, như món kim chi chẳng hạn. Do vậy người đau dạ dày nên rất hạn chế ăn món dưa chua, mặc dù đó có thể là món khoái khẩu của bạn.

Ngay cả khi bạn không bị đau dạ dày, đừng ăn dưa chua lúc đói hoặc ngay đầu bữa ăn vì có thể làm cho dạ dày bạn cồn cào hoặc lấn át vị giác của các món ăn tiếp theo.

  • Người mắc bệnh tim mạch, huyết áp, bệnh về gan thận

Dưa muối thường có nhiều muối, vị cay. Đó đều là những thứ các chuyên gia dinh dưỡng khuyên tránh dùng ở người bệnh tim, tăng huyết áp hoặc bệnh gan, thận vì muối và các gia vị kích thích có thể tăng những nguy cơ bất lợi cho sức khỏe.

  • Trẻ em

Mặc dù con bạn có thể thích một vài món dưa muối, nhưng hãy hạn chế cho bé ăn vì hệ tiêu hóa của bé còn chưa hoàn chỉnh. Bạn nên bổ sung các lợi khuẩn cho bé từ các sản phẩm khác tốt hơn như sữa chua, men tiêu hóa… hơn là cho bé ăn dưa chua.

Nguồn: ĐKN

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo