Một vài mối lo ngại của người Việt ở Ba Lan trong kinh doanh
![]() |
Trong tình hình có nhiều biến đổi ở thị trường Ba Lan từ năm 2018, khi chính quyền Ba Lan tìm mọi cách để chống tham nhũng và hạn chế tối đa những thất thu thuế, đặc biệt là thuế VAT, người Việt đang sinh sống ở quốc gia này cũng đang cố gắng hòa nhập, chăm chỉ học hỏi (tổ chức những buổi nói chuyện và những khóa học tập huấn về thuế và hải quan) để công việc kinh doanh của mình ở đây có thể phát triển bền vững hơn và hạn chế những rủi ro trong làm ăn.
Hiện tại những người kinh doanh buôn bán hàng hóa đang có những mối lo ngại chủ yếu về độ tin cậy của các đối tác trong kinh doanh. Về vấn đề này thì cũng khó có thể trách chính quyền Ba Lan là cho đến thời điểm này vẫn chưa tìm ra được một công cụ hay những chế tài nào đó cụ thể để những người bán hàng có thể an tâm hơn trong công việc buôn bán hàng hóa.
Vấn đề thứ nhất: Làm thế nào để phát hiện ra là công ty đang bán hàng cho mình là một công ty không đáng tin cậy và họ cấp cho mình những hóa đơn mà sau này chúng ta có thể sẽ bị liên quan trách nhiệm, vì hàng hóa của họ không rõ nguồn gốc (liên quan đến những việc trốn thuế)?
Rất khó có câu trả lời cụ thể cho câu hỏi này, vì chính quyền Ba Lan đang muốn minh bạch hóa mọi công việc làm ăn, mọi giao dịch giữa các đối tác (yêu cầu hàng tháng phải viết bản báo cáo đưa vào mạng – Tệp Kiểm tra Đồng nhất). Trong mạng đều có mọi thông tin về các công ty lớn, cụ thể là có trong KRS (Trung tâm Đăng ký Kinh doanh Quốc gia) của Tòa án Kinh tế. Còn những người có giấy phép kinh doanh nhỏ cũng có thông tin do Ủy ban Quận hay Xã cấp (giấy đăng ký kinh doanh). Đơn vị kinh doanh nào cũng có mã số thuế NIP. Vậy chúng ta có khả năng vì chỉ có thể kiểm tra công ty mọi thông tin trong mạng, tức là là công ty này đã có đăng ký, có mọi số liệu đầu đủ. Nhưng chuyện làm ăn của từng công ty cụ thể ra sao thì khó mà kiểm tra hết được.
Vậy là chúng ta phải chấp nhận rủi ro trong công việc kinh doanh. Để hạn chế những rủi ro đó thì chỉ có cách là cần phải chọn bạn hàng thật tin cậy. Người giao hàng cũng phải tạo ra cho mình độ tin cậy thật cao để giao được nhiều hàng. Vậy là mác hàng (tên công ty, người môi giới v.v...) là luôn luôn rất quan trọng.
Không chỉ trong kinh doanh, mà trong cuộc sống (chưa thể hoàn hảo) của chúng ta cũng vậy. Khó mà ai lường trước được tất cả mọi gian dối của những người khác. Ở Ba Lan có luật là khi chúng ta mua đồ ăn cắp thì cũng có thể bị chịu tội hình sự gần tương đương với kẻ cắp. Bởi vì là người ta cho rằng nếu không có người mua thì sẽ không có kẻ bán (nếu kẻ trộm chỉ đi ăn trộm đồ cho chính bản thân thì... rất nhanh bão hòa, vì nhu cầu của họ cũng chỉ có hạn). Vậy là chúng ta phải tự tư duy, tại sao chiếc điện thoại di động có giá trị vài ngàn zloty mà có người là gạ bán cho chúng ta với giá chỉ vài trăm? Nếu chúng ta cứ cố tình mua, để rồi khi bị phát hiện là chiếc điện thoại đó là hàng ăn cắp thì dĩ nhiên là ngoài trách nhiệm hình sự, chúng ta phải chấp nhận là món hàng với cơ hội mua rẻ này sẽ bị cơ quan thẩm quyền tịch thu để trả lại cho chính chủ.
Vấn đề thứ hai: Khi công ty của chúng ta đã được công khai mọi nơi (có trong mạng, có treo biển tại quần bán hàng) thì mọi thông tin này được những người khác tiếp cận một cách quả dễ dàng với mọi số liệu. Giả sử nếu ai đó đi làm con dấu với số liệu của chúng ta và khi họ cứ „thay mặt chúng ta” buôn bán một cách bất hợp pháp như vậy thì chúng ta sẽ bị liên quan như thế nào, khi số lượng hàng hóa trốn thuế VAT của họ đã lên tới con số kinh khủng?
Lại cũng rất khó có câu trả lời cụ thể cho câu hỏi này, bởi vì là khi Phòng thuế cứ thấy có công ty nào liên quan đến vụ gian dối thuế má nào đó, thì họ sẽ tìm mọi cách truy cứu trách nhiệm tài chính của công ty đó (ngoài ra Viện kiểm sát cũng sẽ quy trách nhiệm hình sự, nếu số tiền nợ thuế quá cao). Chỉ có cách duy nhất là phải hợp tác thật tốt với chính quyền, để tìm ra được thủ phạm của vụ gian lận đó, khi đó thủ phạm phải chịu mọi trách nhiệm về hành vi của mình.
Trường hợp những cơ quan công quyền không tìm ra được thủ phạm của vụ gian lận thì sao? Công ty của chúng ta có phải gánh chịu mọi hậu quả của những hành vi do kẻ khác gây ra hay không?
Việc đó còn tùy thuộc vào cách nhìn nhận của phòng thuế. Để cho ra một văn bản xét phạt, họ phải (và họ sẽ tìm mọi cách) chứng minh được là chuyện thất thu thuế của nhà nước là do công ty của chúng ta gây ra. Khi vậy thì chúng ta sẽ tốn khá nhiều tiền của (thời gian và sức khỏe) để cùng luật sư tìm cách chứng minh là công ty của chúng ta cũng chỉ là nạn nhân trong vụ lừa đảo lớn, do những người khác (chưa phát hiện ra) đã gây ra, khi họ hoạt động quá tinh vi trong một nhóm tội phạm có tổ chức.
Hiện nay các cơ quan công quyền của Ba Lan đang chống tham những rất có hiệu quả. Tệ nạn công an giao thông nhận tiền của lái xe đã được giảm đi rõ rệt. Người ta cho ra những bộ luật khuyết khích người dân mạnh dạn đi tố cáo những hành vi của những người có chức quyền. Nếu ai đó đã trót đút tiền cho công an khi vi phạm giao thông, rồi ra cơ quan chống tham nhũng báo cáo thì sẽ được khoan hồng về hành vi đút lót. Như vậy nhiều người công an đã không dám nhận tiền của lái xe nữa. Ngược lại, khi lái xe có thái độ muốn đưa tiền cho công an, cũng có thể bị những người công an liêm chính lập biên bản luôn, quy thêm những tội khác nữa, ngoài hành vi phạm luật giao thông kia. Do vậy cả hai bên hiện nay luôn dè chừng nhau, không mấy ai dám cư xử như trước đây thường vẫn xảy ra.
Tương tự, trong kinh doanh, nếu công ty sẵn sàng hợp tác với các cơ quan công quyền, khai báo chân thành mọi chuyện, khi mới phát hiện ra những biểu hiện có chuyện gian lận thuế, để người ta tìm ra bằng được mọi thủ phạm, thì khi đó mọi chuyện có thể sẽ dễ dàng hơn nhiều đối với công ty của chúng ta.
Chính quyền cho ra những bộ luật mới, để hạnh chế tối đa những hành vi gian lận về thuế má. Do vậy khi công ty của chúng ta luôn hoạt động đàng hoàng, minh bạch mọi sổ sách chứng từ, bán hàng sỉ có hóa đơn đàng hoàng, bán hàng lẻ luôn bấm máy kasa tình tiền, đúng như mục đích của Phòng thuế, thì khi đó phòng thuế không còn là một điều đáng lo ngại nữa, vì mọi chuyện kinh doanh đều có thể giải thích được, ngoài ra chúng ta cũng luôn có quyền đến phòng thuế để tìm hiểu hỏi thêm mọi điều, khi chưa nắm rõ mọi chuyện. Kể cả khi có xảy ra những chuyện nhầm lẫn khi viết hóa đơn, chúng ta không hủy hay dấu giếm những chuyện nhần lẫn đó, mà công khai xuất ra những chứng từ mới, những tờ sửa đổi giải thích kèm theo với hóa đơn cũ. Khi đó các nhân viên phòng thuế sẵn sàng thông cảm và có thể không đưa ra những hình thức phạt nặng nề đối với công ty của chúng ta.
Chúc bà con người Việt ở Ba Lan sớm hòa nhập được với những quy định mới của chính quyền quốc gia sở tại.
Nguồn: Ngô Hoàng Minh/ Queviet.eu