Ba Lan

Người Việt chạy trốn chủ lao động Ba Lan

Cập nhật lúc 08-06-2012 07:49:45 (GMT+1)
Người Việt bị bắt tại Ba Lan. Ảnh minh họa.

 

Họ, 14 thợ may đến từ Việt Nam, may đồ xa sỉ trong xưởng Mat-Pol của ông chủ người Ba Lan - Maciej Polakowski, ứng cử viên đảng PJN (Polska Jest Najważniejsza - "Ba Lan Quan Trọng Nhất”) trong bầu cử Quốc hội, đồng sáng lập chương trình kinh tế cho đảng này. Nhưng người Việt nói họ đã bị lừa. - sau đây là bài trên trang Bến Việt tóm lược nội dung bài báo của Gazeta Wyborcza.


> Một chính trị gia Ba Lan giam giữ và bóc lột người Việt?

Phóng sự tiêu đề "Xưởng may quan trọng nhất" ra mặt trên trang đầu của nhật báo lớn nhất Ba Lan là Gazeta Wyborcza ngày thứ 2 đầu tuần, mùng 4 tháng 6. Bài viết nói chung bênh vực và khích lệ các nạn nhân bị chủ Ba Lan bắt nạt. Bài viết đã gây chú ý tới dư luận, truyền thông Ba Lan, giúp dư luận quan tâm hơn tới cộng đồng người Việt và các khó khăn của họ. Gazeta Wyborcza sẽ còn dành chỗ cho đề tài này vào ngày thứ 4 này. Hôm nay, thứ 3, trong chương trình phát sóng trực tiếp của đài truyền hình quốc gia, TVP2 sẽ gặp mặt 2 nhân viên của Quỹ La Strada để nói về đề tài này.

Họ đến Ba Lan trong bốn đợt, tháng 10 và 11 năm ngoái, tháng 2 và 3 năm nay. Trong xe ô tô từ sân bay Warszawa đến xưởng may Bydgoszcz hộ chiếu của họ đã bị giữ và cả điện thoại di động cũng phải nộp cho ông Polakowski. Ông chủ lao động Polakowski có giải thích lấy máy điện thoại chỉ để đổi thẻ điện thoại sang thẻ Ba Lan, song không bao giờ trả lại chúng cho chủ nhân.

Chế độ làm việc rất khắc nghiệt, các lao động Việt Nam không được phép rời bỏ vị trí làm việc để giải quyết vệ sinh cá nhân, thậm chí khi một cô công nhân lịm đi vì mệt nhọc, ông chủ vẫn không cho phép cô rời máy và ép cô uống rượu để lấy sức. Trong các ngày lễ, khi công nhân bản sứ được nghỉ ngơi thì người Việt vẫn bị ép buộc làm việc khi 1 công nhân nam gánh những cú đánh đập của ông chủ. Trong cả ngày làm việc 13 tiếng công nhân chỉ có một ca giải lao 1 giờ để nấu nướng và ăn vội vàng vài miếng cơm rang. Thực phẩm của họ do ông chủ mang đến mỗi tuần một lần với số lượng ít ỏi, thực phẩm nói chung hôi thối, cứ tới cuối tuần tất cả đều đói. Làm việc khổ sở thế song mỗi tháng người Việt chỉ lĩnh được khoảng 600 zloty (chưa tới 200 usd).

Người chạy trốn đầu tiên là Hoa, 24 tuổi. Cô bỏ xưởng nhân lúc ông M.Polakowski vắng mặt. Tại Việt Nam, theo lời môi giới hấp dẫn của cơ quan xuất khẩu lao động Việt Nam, cô quyết định ra đi, để lại 2 đứa con còn nhỏ (con gái 4 tuổi, con trai 2 tuổi) cho người chồng và bố mẹ ở quê chăm sóc. Song, để đi được, bố mẹ cô đã phải đặt cọc ngôi nhà để vay số tiền 7000 đô la nộp cho chủ môi giới. Ngôi nhà này có nguy cơ bị mất nếu cô Hoa không kiếm được việc làm ra tiền để gửi về trả nợ vốn và lãi xuất cao. Nhờ sự giúp đỡ của một số người Việt và người Ba Lan tại Bydgoszcz, cô đã đến được trụ sở Qũy La Strada (qũy chống buôn người và nô lệ) và nhận được giúp đỡ của Quỹ.

Trớ trêu thay Hội NVN tại Ba Lan mật thân với Đại sứ quán Việt Nam lại không giúp đỡ gì, mà còn 'làm hại', như trường hợp anh Van The. Anh cùng 5 người nữa đã trốn khỏi trại làm việc bằng cách tụt từ tầng trên xuống đất bằng sợi dây nối từ ga trải giường. Qua người quen Van The tìm đến Hội NVN tại Ba Lan nhờ giúp đỡ nhưng không được giúp gì. (xem thêm). Không lâu sau đó anh bị vào tay Cảnh sát biên phòng Ba Lan để trục xuất. Vào phút chót, Qũy La Strada với sự cộng tác của Tôn Vân Anh đã bảo lãnh anh ra khỏi trại trục xuất. Anh cũng có món nợ khoảng 5000 đô la phải trả, nếu không sẽ mất biến ngôi nhà của cha mẹ.

Ngoài những phí tổn lớn, gia đình các công nhân còn phải ký nhiều loại giấy tờ bất lợi, vô nhân đạo, như phải chịu trách nhiệm tài chính nếu các hợp đồng lao động không thành công, và họ phải ký đồng ý cho hỏa táng xác nếu bị chết.

Cuộc chạy trốn của nhóm công nhân và đơn tố cáo của chủ tịch Qũy La Strada khiến cho cơ quan pháp luật vùng Bydgoszcz vào cuộc. Maciej Polakowski bị nghi lưu giữ hộ chiếu trái phép và giam cầm nhóm công nhân.

Maciej Polakowski, trong cuộc nói chuyện với ký giả báo Gazeta Wyborcza thừa nhận thu hộ chiếu của người Việt "theo yêu cầu của chủ nhân" bởi ông tin người Việt có thể lấy cắp hộ chiếu của nhau, có thể tự hủy hộ chiếu của mình để chạy sang Tây Âu sinh sống. Ngoài ra, ông bác bỏ đã hạn chế tự do của các công nhân.

Irena David-Olczyk của Qũy La Strada thì nói bà hòan tòan tin lời người Việt bởi nhiều năm kinh nghiệm tiếp xúc với người nước ngoài mách bảo bà, rằng sự đàn áp phải tới mức không thể chịu nổi nhóm công nhân mới quyết định bỏ trốn.

Tin giờ chót: Công tố tỉnh Bydgoszcz sau khi thu thập lời khai của các nhân chứng đã thừa nhận phần nào các cáo buộc có cơ sở thực tế.

Lời biên tập: Người Việt tại Ba Lan, dầu gặp nhiều cản trở khách quan, vẫn đang dần dần hội nhập vào xã hội Ba Lan. Đáng chú ý rằng người Việt đã bạo dạn hơn khi biết tận dụng các công cụ có sẵn trong xã hội dân chủ Ba Lan như truyền thông độc lập để tranh thủ ủng hộ của dư luận. Đây là các bước tiến đáng chú ý và rất nên khích lệ.
Những người được La Strada giúp đỡ hiện đang được Quỹ La Strada bảo trợ, giúp hợp thức thủ tục giấy tờ, nằm trong chương trình bảo hộ nhân chứng / nạn nhân của Bộ Nội Vụ Cộng Hòa Ba Lan.

Nguồn: Benviet.org

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Thảo luận

Quảng cáo