“Chúng con đã về đây”
![]() |
Còn ít người biết rằng ở thủ đô Berlin (Cộng hòa Liên bang Đức) có một Câu lạc bộ hội tụ những người Việt đã từng tham gia hải trình ra với Trường Sa. Có dịp được chứng kiến buổi trưng bày hiện vật về Trường Sa thân yêu và cách thức sinh hoạt của họ, chúng tôi mới cảm nhận được tình cảm của những người con xa quê luôn hướng về quê hương, đất nước, trong đó những quần đảo của Tổ quốc như thế nào.
Chuẩn bị hình ảnh cho cuộc triển lãm về Trường Sa tại Berlin
Đoàn chúng tôi đến với Berlin trong hành trình hướng về kiều bào xa Tổ quốc vào một buổi chiều cuối thu 2017. Và thật tình cờ khi được mời tham gia vào một cuộc hội ngộ và triển lãm nhỏ với các kỷ vật được các thành viên CLB Trường Sa mang về từ quần đảo Trường Sa. Đó là trái bàng vuông, là những con ốc mang theo hơi thở của biển cả, cuốn lịch trình chứa đầy những dòng lưu bút, những kỷ niệm và dấu ấn của các đảo trong hành trình bà con đã đi qua. Đặc biệt, những tư liệu của chuyến đi ra Trường Sa năm 2015, những hình ảnh về chủ quyền biển đảo của Việt Nam được sắp xếp cẩn trọng, trình bày và in trên hơn 40 tấm pa nô. Việc thành lập CLB này là ý tưởng được anh Nguyễn Văn Cường và anh Phạm Mạnh Cường sau chuyến đi 10 ngày ra thăm quân và dân tại Trường Sa và nhà giàn DK1.
Không chỉ tạo ra những không gian trưng bày về biển đảo phục vụ cộng đồng mỗi dịp lễ tết và các sự kiện lớn, anh Nguyễn Văn Cường còn tạo sự kết nối với thế hệ trẻ - con của các chiến sĩ, sĩ quan đang công tác tại Trường Sa. Ba năm qua, anh đã hỗ trợ và miễn phí thuê phòng cho từ 10-14 cháu sinh viên đang học tại Hà Nội. Không chỉ thế, anh còn đang mong muốn tạo cơ hội cho các cháu được du học tại CHLB Đức.
Được biết, CLB Trường Sa đã được thành lập tại Berlin vào ngày 23.4.2017. CLB gồm những người Việt tại CHLB Đức đã từng ra với Trường Sa. Từ chuyến đi đầu tiên của đoàn kiều bào Đức với 3 thành viên năm 2014, đến nay đã có hơn 20 đại diện cho cộng đồng người Việt tại CHLB Đức tham gia những chuyến đi đặc biệt này. Các thành viên CLB Trường Sa đã có nhiều hoạt động hướng về biển đảo như thuyết trình về chuyến đi Trường Sa năm 2016, kêu gọi cộng đồng ủng hộ hướng ra Trường Sa và xây dựng các buổi trưng bày, các bài báo khẳng định chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. CLB Trường Sa đã trở thành ngôi nhà, nơi hội tụ và chia sẻ nhiều tình cảm gắn bó với chuyến đi cũng như quân và dân trên quần đảo Trường Sa thân yêu của Việt Nam.
Bà Bùi Thị Thu Minh, đồng Chủ nhiệm CLB Trường Sa, Berlin (CHLB Đức) cho biết: Chúng tôi muốn tập hợp tất cả những người đã đến với Trường Sa và những người yêu mến Trường Sa để tập hợp lại trong một CLB để tuyên truyền, kể lại với nhau những cảm xúc về biển đảo và muốn làm một điều gì đó có ích nhất cho Trường Sa. Bà Chu Thị Châu, đồng Chủ nhiệm CLB Trường Sa, Berlin (CHLB Đức) nói rằng, “chúng tôi rất muốn được ủng hộ, đóng góp một cái gì nhỏ bé của mình đối với biển đảo quê hương. Ngày hôm nay, các thành viên của CLB Trường Sa đang cùng luyện tập bài hát “Hoàng Sa không xa, Trường Sa không xa” để chuẩn bị cho buổi gặp gỡ với cộng đồng, kết nối cộng đồng với biển đảo quê hương”. Lời bài hát ngân vang mang theo nỗi lòng của những người con xa quê. “Hoàng Sa ơi, Trường Sa ơi chúng con đã về đây. Dù ở nơi đâu không quên mảnh đất này. Giữa ngàn trùng khơi biển Đông sóng gió. Quần đảo của ta đó, Trường Sa Hoàng Sa. Hoàng Sa của Việt Nam ta…
Những kỷ vật từ Trường Sa
Người sáng tác bài hát này là nhà báo Huy Thắng, một cựu chiến binh đã đi qua hai cuộc chiến - chiến tranh chống Mỹ cứu nước và chiến tranh biên giới. Trong chiến tranh chống Mỹ, Huy Thắng là một trong những chiến sĩ của tiểu đoàn pháo binh Quảng Ngãi anh hùng, ông là thương binh hạng A (2/4), là nạn nhân chất độc da cam. Lần đầu tiên ra với Trường Sa năm 2014 đã đem đến cho ông Huy Thắng nhiều cảm xúc kỳ lạ. Với ông, chuyến đi đặc biệt này còn là một ý thức, một nhận thức, một tình cảm với Trường Sa. Chia sẻ với chúng tôi những cảm nghĩ khi sáng tác bài hát “Hoàng Sa ơi! Trường Sa ơi! Chúng con đã về đây”, ông Huy Thắng cho biết vẫn rạo rực, ùa về căng tràn lồng ngực cảm xúc về sự tự hào, sự kiên cường của lính đảo. Bài hát sau được viết lại ngay trên chiếc lá tại đảo và được ông Huy Thắng lưu giữ cẩn thận.
Tinh thần hướng ra biển đảo quê hương đã lan tỏa đến thế hệ trẻ người Việt và các sinh viên Việt Nam đang học tập tại CHLB Đức. Các bạn trẻ đã xây dựng 4 dự án: Lọc nước biển, bảng thông minh, sách điện tử và tập san Sivi Duc. Các dự án đã được trình bày với cộng đồng, chọn lọc và CLB Trường Sa sẽ đồng hành để đưa ra Trường Sa.
Anh Nguyễn Việt Anh, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam toàn Liên bang Đức cho biết: “Chúng tôi đã có 4 dự án đóng góp ý kiến, cùng với cộng đồng người Việt và CLB Trường Sa có thể triển khai 4 dự án này đi thẳng vào đời sống của các anh chiến sĩ, cộng đồng, dân quân ngoài biển đảo. Đây không chỉ là món quà tình cảm của Hội Sinh viên chúng tôi mà chúng tôi nghĩ đây cũng là món quà của các thế hệ sinh viên Việt Nam đang sinh sống, học tập tại CHLB Đức cũng như các nước khác trên toàn châu Âu”.
Khi chúng tôi tạm biệt các thành viên CLB Trường Sa ở Berlin cũng là lúc các dự án đã được khởi động và có sự ủng hộ lớn từ cộng đồng người Việt tại CHLB Đức. Từ những hạt nhân là thành viên CLB Trường Sa tại Berlin, tình yêu với biển đảo quê hương đã lan tỏa và là nhịp cầu kết nối tâm thức của cộng đồng người Việt cùng hướng về Tổ quốc. Tại đó, lời bài hát “Hoàng Sa ơi, Trường Sa ơi! Chúng con đã về đây” lại vang lên đầy tự hào.
Nguồn: Lê Hoàng Anh/ baovanhoa.vn