Liên bang Đức

Bà Trần Phương Hoa: ‘Nhiều người Việt ở Đức còn sống cứ như ở VN’

Cập nhật lúc 24-12-2018 16:09:32 (GMT+1)
Bà Trần Phương Hoa dạy nhạc cụ dân tộc Việt Nam tại Berlin.

 

Trong phỏng vấn với BBC trong một chuyến thăm London, bà Trần Phương Hoa, nghệ sĩ và giảng viên nhạc cụ dân tộc Việt Nam tại Berlin, nói về đời sống vẫn đầy thách thức với người Việt tại quốc gia trung tâm châu Âu này.


Là người Hà Nội và đã từng theo học tại trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), bà Trần Phương Hoa tới Đức cách đây hơn 20 năm.

"Cuộc sống hiện tại của tôi đã thay đổi rất nhiều. Thời cuộc nay đã khác và sự hội nhập của tôi cũng đã khác đi.

Bà cho biết về sự đa dạng, phức tạp của cộng đồng Việt nhập cư qua nhiều giai đoạn vào Đức:

"Có rất nhiều người Việt sinh sống tại Đức, đặc biệt là Berlin. Họ thuộc nhiều nhóm người khác nhau, bao gồm thuyền nhân, người lao động, sinh viên thời Cộng hòa Dân chủ Đức, người vượt biên, du học sinh và người tị nạn. Chính vì vậy, cộng đồng người Việt tại Berlin rất đa dạng và phức tạp.

"Một số người rất thành đạt nhưng một số người vẫn phải đi bán quần áo, bán đồ ăn...do gánh nặng 'cơm, áo, gạo, tiền'. Một số sang đây mà không có giấy tờ thì họ đi làm chui, ví dụ như đi trông trẻ.

Hội nhập thì rất yếu

Khi được hỏi về mức độ hội nhập nói chung của người Việt tại Đức, bà Trần Phương Hoa nói:

Bà Trần Phương Hoa dạy nhạc cụ dân tộc Việt Nam ở ba điểm tại Đức với học sinh nhỏ tuổi nhất là bốn tuổi và lớn nhất là 77 tuổi

Trẻ em VN tại Đức học nhạc cụ dân tộc

"Đặc biệt, sự hội nhập của thế hệ lớn tuổi còn yếu vì đến bây giờ họ vẫn chưa hiểu tiếng Đức, mặc dù đã sống ở đây hơn mấy chục năm. Đấy là một điều đáng buồn, vì nếu không biết tiếng thì sẽ không tự chủ được cuộc sống của mình".

"Ngoại trừ các bạn sinh viên, vẫn còn rất nhiều người Việt chưa thể hội nhập với cuộc sống ở Đức. Điều đó thể hiện qua cách họ ứng xử với nhau từ gia đình ra ngoài xã hội.

Người Việt Nam có câu 'nhập gia tuỳ tục', nhưng tôi nhận thấy họ chỉ mới 'nhập gia' mà chưa 'tuỳ tục'. Nhiều người vẫn ứng xử như khi còn ở Việt Nam."

"Ví dụ, ở Đức có chế độ giảm 50% học phí cho các gia đình có thu nhập thấp, với điều kiện họ có giấy chứng minh có thu nhập thấp từ cơ quan nhà nước ở đây.

Nhiều người Việt không nộp giấy này khi có yêu cầu mặc dù nhà trường đã gửi giấy hẹn nhiều lần, nhưng sau đó lại làm ầm lên khi nhà trường không giảm học phí".

Bà Hoa nói chế độ an sinh xã hội ở Đức rất tốt và người mẹ được tạo mọi điều kiện tốt nhất để nuôi con.

Bà cho biết chế độ an sinh xã hội ở Đức rất tốt và người mẹ được tạo mọi điều kiện tốt nhất để nuôi con.

"Nếu người mẹ không đủ tài chính thì chính phủ sẽ trợ cấp tiền nuôi con. Người Việt ở Đức hiểu rất rõ lợi ích này," bà Hoa nói.

Bà Hoa cho biết bà dạy nhạc cụ dân tộc Việt Nam ở ba điểm tại Đức với học sinh nhỏ tuổi nhất là bốn tuổi và lớn nhất là 77 tuổi.

"Tôi nhận thấy người nước ngoài không học chơi, mà học có mục đích. Họ đi học đúng giờ và luôn nghiên cứu, tìm tòi và hỏi rất kỹ các thông tin mà họ cần. Vì vậy, tôi luôn chú trọng giải thích cho học sinh của mình về nội dung và đặc điểm vùng miền của các bản nhạc dân ca.

Bà Trần Thị Phương Hoa và cháu ngoại ở Berlin

"Chúng tôi lưu diễn rất nhiều nơi ở Châu Âu và luôn được chào đón nồng nhiệt. Khán giả ở đây rất trân trọng âm nhạc dân tộc Việt Nam.

Tôi thường nhận được rất nhiều câu hỏi về các nhạc cụ hay sự khác biệt giữa âm nhạc dân tộc Việt Nam với Thái Lan, Trung Quốc và các nước phương Tây.

"Nhờ sống ở Châu Âu lâu năm, tôi có điều kiện thưởng thức và tham gia các chương trình của các nghệ sĩ nổi tiếng.

Gần đây, tôi được làm việc chung với một ban nhạc đứng thứ năm thế giới và một trong những nhạc trưởng tài ba nhất hiện nay. Mặc dù là những nghệ sĩ giỏi và nổi tiếng, họ rất khiêm tốn và hoà đồng.

Đấy là điều đáng để tôi học hỏi," bà Hoa nói với BBC News Tiếng Việt.

Nguồn: BBC

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo