Liên bang Đức

Berlin, mùa hè xanh

Cập nhật lúc 18-04-2017 17:53:22 (GMT+1)
Không gian xanh Berlin.

 

Tôi muốn dùng màu xanh để mở đầu cho bài viết này, bởi màu xanh là màu của nước, của cây cối, màu của sự trong sạch, màu của hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn của người Việt mình trên nước Đức xa xôi đang ngày càng hiện ra rõ nét hơn.


Mưa và lũ

Tôi rời Hà Nội đến Berlin vào một ngày trung tuần tháng 5, khi Hà Nội đang nắng nóng gay gắt đầu mùa lên đến 40 0 C, thì tại nước Đức nhiệt độ đang là 15 0 C, có hôm chỉ còn 12 độ, ban đêm 7 0 C, trời mưa nhiều. Dù châu Âu đã là mùa hè nhưng nhiệt độ tại Đức có nhiều bất thường. Nước Đức vừa trải qua tháng 3 lạnh nhất trong lịch sử 70 năm gần đây. Cây cối vừa mới mọc lá trở lại trong tháng 4 nên giờ đang khoe những cành lá xanh non mơn mởn. Màu xanh mướt mát có thể khiến lòng người thư thái hơn sau những mệt mỏi của công việc. Người Đức vẫn thường tự hào là Thủ đô của họ không rộng như London hay Paris nhưng mật độ cây, khoảng không gian xanh trong thành phố lại nhiều hơn hẳn các Thủ đô khác ở châu Âu. Sang tháng 6, như mọi năm, đây là thời điểm khách du lịch đến châu Âu rất nhiều, thế mà cả châu Âu vẫn mưa nhiều và lạnh. Những tia nắng yếu ớt lẻ loi đầu mùa chưa đủ xua tan cái lạnh như đại hàn của Hà Nội giữa mùa hè Berlin. Mưa nhiều nên nước sông ở đầu nguồn dâng cao khiến nhiều thành phố ở nước Đức và một số nước châu Âu bị ngập sâu trong nhiều ngày. Người dân Đức tự nhủ mùa hè năm nay kỳ lạ đến thế.

Xa xứ, không xa quê hương

Anh Xuân là người sang Đức lao động hợp tác từ năm 1988. 25 năm, anh chứng kiến bao thăng trầm của người thân, bạn bè mình trên nước Đức. Khi biết tôi có ý định tìm hiểu về cuộc sống của người Việt tại đây, câu đầu tiên anh chia sẻ với tôi là: “Họ đều có cuộc sống khá ổn định rồi”. Nhưng để có được ngày hôm nay, họ phải trải qua những tháng ngày rất vất vả, thậm chí đe dọa tính mạng. Anh Xuân đưa tôi đến thăm khu nhà gần như là đại bản doanh của người Việt những năm 90 của thế kỷ trước, ở phía Đông Berlin. Trong khuôn viên rộng chừng 5.000m 2 , có 3 khối nhà chung cư cao 5 tầng, trước đây có cả nghìn người Việt sinh sống. Chủ yếu là những người đã mất việc hoặc hết hạn hợp đồng nhưng không về nước, sống quần tụ với nhau. Giấy tờ cư trú chưa hợp pháp nên họ phải làm nhiều nghề, chủ yếu là mở quán ăn, bán quần áo, làm phụ bếp. Một số người còn liều lĩnh bán thuốc lá lậu vỉa hè, tại các ga tàu điện. Họ làm lụng vất vả, lại luôn sống trong phập phồng lo sợ. Lo bị cảnh sát kiểm tra giấy tờ và trục xuất bất cứ lúc nào. Sợ bị nhóm đầu trọc tấn công. Sợ bị chính người Việt trấn lột, cướp bóc, hành hung… Nói rồi anh Xuân chỉ tay vào khoảng sân rộng trước mắt và bảo: tại đây đã có không ít lần người Việt dùng súng đuổi bắt, thậm chí bắn chết nhau vì tranh giành khu vực, mối hàng và cướp tiền của nhau. Những người này đã gây ra cái nhìn không thiện cảm của người Đức, làm ảnh hưởng đến cả cộng đồng người Việt ở Đức. Bây giờ tình hình đã khác, hầu như người Việt ở đây đều có giấy phép cư trú vô thời hạn. Nhiều người nhập quốc tịch Đức. Cuộc sống của người Việt cũng thong thả hơn khi được hưởng an sinh xã hội tốt từ một nước phát triển.

Người Việt sinh sống, học tập rải rác khắp các bang ở cả Đông và Tây Đức, đông nhất là ở Berlin. Khu Đồng Xuân ở Berlin là trung tâm buôn bán của người Việt. Ở đây bán nhiều đồ quần áo, hàng gia dụng, văn hóa phẩm, thực phẩm nhập từ Việt Nam và các nước châu Á. Vào những ngày thứ bảy, chủ nhật, người Việt đến khu Đồng Xuân mua hàng đông nườm nượp. Họ đến không chỉ để mua hàng mà còn để được nhìn hình ảnh chợ Việt, được nói tiếng Việt và để cảm thấy quê nhà như gần gũi hơn. Người Việt ở Đức được đánh giá là cộng đồng hướng nội. Tại Berlin có hai ngôi chùa là chùa Linh Thứu và chùa Phổ Đà do người Việt dựng lên và có sư trụ trì là người Việt. Những lúc rảnh, người Việt thường đến đây lễ phật theo phong tục quê hương. Sống xa quê càng lâu, người ta ngày càng có nhu cầu quần tụ và thưởng thức những sản phẩm từ quê nhà. Trong khu Đồng Xuân có một số cửa hiệu văn hóa phẩm Việt khá lớn, rộng cả trăm mét vuông, lúc nào cũng đông khách mua sách báo, băng đĩa ca nhạc, phim Việt về xem. Tôi tiến đến một kệ báo để ngay phía ngoài cửa hiệu để xem người Việt mình đọc những loại báo nào ở nơi xa xứ và không khó để nhìn thấy tờ Sức khỏe&Đời sống cũng xuất hiện ở đây trong số ít đầu báo bày bán. Theo lời chị chủ hiệu, nhiều người thường xuyên mua báo Sức khỏe&Đời sống về đọc và lưu giữ lại cẩn thận vì họ rất quan tâm tới những thông tin về cách chăm sóc bản thân và gia đình, nhất là cách chăm sóc con nhỏ mà các bài báo cung cấp. Đáng quý hơn đó lại là những thông tin do chính các bác sĩ và chuyên gia y tế khuyên nhủ. Đây là điều họ rất cần vì nơi xa này, họ có ít bạn bè để chia sẻ kinh nghiệm khi gặp những trục trặc nho nhỏ về sức khỏe.

Báo Sức khỏe&Đời sống tại cửa hiệu văn hóa phẩm ở Berlin.

Thế hệ tương lai đầy hy vọng

Người Đức vốn có tính kỷ luật cao, họ dạy con phải tự lập và sống nghiêm túc từ nhỏ. Tôi rất ít khi thấy họ bế bồng con trên tay mà thường để cho con nằm xe nôi hay tự đi tự đeo ba lô đồ dùng cá nhân của mình trên vai khi ra phố. Nhiều em bé chỉ chừng 3- 4 tuổi đã đạp xe ra đường theo mẹ và được mẹ dạy bảo luật giao thông cặn kẽ. Khi đủ 18 tuổi, con tự quyết định và chịu trách nhiệm về tương lai của mình, ngoài giờ học phải tranh thủ làm thêm. Những em bé gốc Việt cũng không phải là ngoại lệ. Đã sinh sống trên nước Đức phải tuyệt đối tuân thủ luật pháp. Ở một nước phát triển như nước Đức, con người làm việc rất nguyên tắc thì không thể trông đợi vào sự may mắn, mà chỉ có cách cố gắng học tập và lao động. Ý thức được điều đó nên đa số học sinh Việt học rất giỏi. Trong một vài trường chuyên, số học sinh giỏi gốc Việt tương đương với số học sinh giỏi người Đức. Người Đức cũng thẳng thắn và rõ ràng. Trong trường học, thầy cô luôn răn dạy học sinh về thất bại trong chiến tranh là sai lầm của quá khứ và không bao giờ được chia rẽ hận thù, lặp lại sai lầm của lịch sử. Dù phải giao thoa giữa hai nền văn hóa Việt và Đức, nhưng người Việt cũng luôn tìm cách dạy con hòa nhập tốt nhất với văn hóa bản địa. Nhiều em tốt nghiệp bậc trung học phổ thông đạt điểm tuyệt đối. Đây là điều rất hiếm, ngay cả với học sinh gốc Đức. Thế hệ thứ hai, thứ ba của người Việt sinh ra, lớn lên, học tập trên nước Đức được đánh giá là một ví dụ tốt đẹp cho sự hội nhập với xã hội, văn hóa Đức hơn cả cộng đồng Ba Lan hay Thổ Nhĩ Kỳ. Khi đến thăm một số gia đình thuần Việt, tôi được nghe chuyện về những em chỉ 11, 12 tuổi học rất giỏi, dù là con độc đinh, được sống trong điều kiện đầy đủ, nhà cửa đẹp đẽ, bố mẹ đi xe hơi sang trọng, nhưng em luôn hỏi bố mẹ đi làm có vất vả không? Bố mẹ đừng thưởng cho con đồ gắn mác (đồ hiệu) mà tốn kém. Con chỉ dùng đồ bình thường như các bạn thôi. Chả bù cho mấy đứa cháu tôi đang học cấp 2 ở trong nước, chúng không cần biết lương tháng bố mẹ được bao nhiêu mà cứ muốn gì là phải được đấy. Có cháu còn về nhà “khoe” với mẹ hôm nay chúng con không chơi với bạn A vì nhà bạn ý chỉ có xe matiz thôi. Lối sống đem đồng tiền ra làm thước đo đã tiêm vào đầu con trẻ những suy nghĩ méo mó ngay từ nhỏ.

Trong các bữa cơm gặp mặt, những món ăn Việt là cầu nối giúp người Việt ở Đức cảm thấy gần gũi với hương vị quê hương.

Những điều đọng lại

Nước Đức đẹp, hiện đại, sạch sẽ, tĩnh lặng. Người Đức làm việc gì cũng cẩn thận, chuẩn xác, rất hạn chế làm đi làm lại, vì người Đức cũng nổi tiếng thế giới về tiết kiệm. Luật pháp của họ rất nghiêm. Trên đường không có cảnh sát giao thông đứng làm nhiệm vụ nhưng giao thông cứ răm rắp đường ai nấy đi. Tôi chứng kiến những dòng xe hơi dày đặc mà không có hiện tượng cướp đường, lấn đường ưu tiên của xe buýt, tàu điện. Lái xe luôn có ý thức cao về việc ưu tiên cho người đi bộ. Trên đường phố, xe nào vi phạm luật sẽ được camera ghi lại và phải chịu phạt rất nặng. Nên nói đến trách nhiệm là ai cũng hoảng. Chỉ chủ quan chút thôi, làm liều là có khi cả đời cũng không hoàn thành trách nhiệm trả nợ và không thể trốn nợ được. Khi bị ốm phải đi khám bệnh thì không sợ vì bác sĩ khám chữa bệnh công tâm, không phân biệt màu da, sắc tộc, địa vị, đẳng cấp. Ai đến trước khám trước, không có chuyện đưa phong bì. Bệnh viện chỉ dành cho những trường hợp cấp cứu, tai nạn và những bệnh cần có sự giám sát của bác sĩ. Nếu ốm bình thường thì đến khám tại phòng khám đa khoa (bác sĩ gia đình) hoặc đến phòng khám chuyên khoa (răng – hàm – mặt, da liễu…). Nếu chẩn đoán được bệnh thì bác sĩ kê đơn thuốc, nếu bệnh phải khám chữa ở nơi khác thì bác sĩ sẽ viết đơn giới thiệu đến đó. Chính vì mô hình này mà bệnh viện không bao giờ quá tải. Người nhà bệnh nhân chỉ được phép thăm ban ngày, không “được” phục vụ người bệnh, mọi việc đều có y bác sĩ đảm nhiệm. Ở Đức, giá cả sinh hoạt so với thu nhập thì rất rẻ. Thịt lợn 3 – 4 euro/kg (1 euro tương đương 28.000đ), gà 2 euro/con, sữa tươi 60 cent/lit. Các loại hàng hóa mỹ phẩm còn rẻ hơn ở Việt Nam. Đã vậy, giá lương thực thực phẩm trong nhiều năm không có biến động lớn.

Anh Dirk – một người Đức thân thiết với nhiều người bạn Việt Nam từ cách đây 30 năm. Anh cũng đã đến Việt Nam du lịch dài ngày nên khá hiểu cuộc sống và tâm tính người Việt. Anh cứ ngỡ tôi đưa con sang Đức là ở lại lập nghiệp. Khi thấy tôi chuẩn bị hành lý bay về, anh ngạc nhiên lắm. Tôi đã tự hào nói với anh rằng: Dù nước tôi còn nghèo nhưng ở một vài lĩnh vực, chúng tôi phát triển không thua kém các nước tiên tiến như: internet, truyền hình, điện thoại, các trung tâm thương mại hiện đại, cao ốc… Chúng tôi được làm chủ trên đất nước của mình. Chuyến đi đã cho tôi có cái nhìn rộng mở hơn về thế giới nhưng nhất định tôi phải trở về quê hương của tôi… Nói đến đây, bỗng cảm giác nhớ nhà trào dâng trong tôi mạnh mẽ, giữa bầu trời Berlin lộng gió…

Bài, ảnh: Đào Kim Hoàn
Nguồn: nuocduc.org

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo