Liên bang Đức

Dự lễ tốt nghiệp ở Đức mùa dịch

Cập nhật lúc 21-06-2020 11:14:41 (GMT+1)

 

Tôi chạy ba trăm rưởi cây số từ Frankfurt đến Hannover để ngày hôm sau kịp dự lễ tốt nghiệp phổ thông của đứa cháu. Đang mùa dịch, chưa có máy bay sang Đức nên bố mẹ cháu không từ Việt Nam sang được, chỉ còn mình tôi nên dù đang bận cũng phải thu xếp đi bằng được.


Tôi muốn cháu có cảm giác ấm áp và cũng để quay trực tiếp cho vợ chồng em trai tôi ở Việt Nam nhìn thấy con gái mình trong ngày trọng đại của gia đình. Cháu tôi sang đây mới được 3 năm. Trường này là trường trung học quốc tế của tỉnh Hannover nên chương trình học bằng tiếng Anh. Khoá có 52 bạn thì chỉ có 12 em là người Đức, và cháu tôi là người Việt Nam duy nhất. Ban đầu cháu định theo học môn tâm lý, nhưng trong quá trình học thì đổi sang môn Vận chuyển quốc tế. Tức là trong 8 năm trung học này, học sinh có thể thay đổi ý thích cũng như trong quá trình học tập giáo viên cũng sẽ có góp ý để hướng các em tới những môn nào thích hợp.

Ở Đức, đi học là bắt buộc, trẻ em thì phải đến trường. Khác với Việt Nam là hệ 12 năm thì ở Đức chỉ bắt buộc học đến lớp 9, tức là hết cấp hai.

Là đất nước liên bang, thế nên mỗi bang sẽ có thẩm quyền riêng và tự quyết định hệ thống giáo dục của bang. Tuy nhiên nội dung giảng dạy, chương trình học là giống nhau. Trẻ em đi học trường công thì không phải mất tiền và sách giáo khoa cũng không phải mua mà được nhà trường cho mượn. Cuối năm học thì trả lại để cho lớp sau sử dụng tiếp. Ai làm bẩn, làm rách, làm mất thì phải bồi thường.

Trước khi vào lớp 1 trẻ em đã được đi nhà trẻ và mẫu giáo. Ở đó trẻ sẽ được học ăn, học đi, học nói, học vẽ, học ứng xử. Chuẩn bị những điều cơ bản làm hành trang bước vào đời.

Cấp một từ lớp 1 cho đến lớp 4, các em được học như nhau những kiến thức cơ bản và cả những kỹ năng sống như bơi lội, đi xe đạp, nấu ăn v. v... nhưng từ lớp 5 (cấp hai) các em bắt đầu có những chương trình học khác nhau tuỳ thuộc vào năng lực, sở thích và ý chí. Sơ sơ có thể kể: Trường Hauptschule (chương trình kéo dài từ lớp 5 tới lớp 9) cho những em học lực kém hoặc trung bình. Trường này chú trọng về thực hành để sau khi tốt nghiệp các em có thể đi học nghề. Những em khá hơn thì theo học trường Realschule (chương trình kéo dài từ lớp 5 tới lớp 10). Ở đây sau lớp 6 hoặc là sau lớp 10 vẫn có thể đổi vào trường Gymnasium (xem bên dưới), vì thế không cần phải quá gượng ép và vội vàng ép các em học Gymnasium ngay sau cấp 1 nếu chưa sẵn sàng. Tốt nghiệp trường này, các em sẽ được chuyển sang đào tạo nghề cao cấp.

Những em khá nữa thì học trường Gymnasium (chương trình kéo dài từ lớp 5 cho tới lớp 12). Ở đây các em sẽ được tập trung học các môn cơ bản như toán, lý, hoá và ngoại ngữ. Những năm cuối các em không còn phải học tất cả các môn mà học chuyên sâu về môn sở thích mà mình định sau này thi vào đại học.

 

Hai chú cháu sau lễ tốt nghiệp

Nói như vậy để hiểu hệ thống giáo dục của Đức đã chuẩn bị đường dài và ngành nghề cho học sinh từ rất sớm. Tuy nhiên, trong quá trình học các em có thể thay đổi trường nếu có sở thích và đủ năng lực.

Cháu tôi tốt nghiệp trường Gymnasium, là trường trung học tập trung vào việc chuẩn bị cho học sinh vào một trường đại học. Từ đầu năm tôi đã được thông báo về lễ tốt nghiệp này. Đây là một dịp trọng đại đối với cuộc đời học sinh nên hàng năm, vào tháng sáu ở nước Đức ta thường nhìn thấy những chiếc xe nhỏ dán dòng chữ “Abitur” (Bằng tốt nghiệp được đăng ký vào các trường đại học) đằng sau kính chạy trên đường. Đó là sự tôn vinh của các bậc phụ huynh cho con để đánh dấu kỳ tốt nghiệp, cầm chiếc vé trong tay để bước vào các giảng đường đại học.

Vấn đề là năm nay, lễ tốt nghiệp lại vào đúng dịp nước Đức đang có lệnh cách ly trong thời điểm dịch Covid đang hoành hành. Để có thể vẫn có một buổi lễ tốt nghiệp long trọng cho 52 học sinh và gia đình, nhà trường đã phải tự đi tìm một bãi rộng duy nhất còn được phép cho tổ chức sự kiện và xin phép Sở Y tế của thành phố.

May mắn thay, không phụ sự cố gắng của nhà trường. Sở y tế đã đồng ý với một số những quy định khá khắt khe kèm theo để ngày thứ bẩy 13/6/2020, chúng tôi được dự buổi lễ đặc biệt này.

Tôi nhận được giấy mời và một bản quy định trước đó nửa tháng để đăng ký biển số xe với ban tổ chức qua email. Mỗi một học sinh được mời hai người trong gia đình đến dự và mỗi xe sẽ có người hướng dẫn chỗ đỗ cách nhau từ 3 - 4 mét. Xe nhỏ đỗ trước, xe to đỗ sau. Sao cho tất cả mọi người đều có thể nhìn rõ lễ đài và cả màn hình. Không được nổ máy xe. Cửa kính chỉ được mở tới 50%.

Khoảng 10 giờ sáng, khi chúng tôi đến thì đã thấy một dẫy xe xếp hàng tuần tự trong bãi. Một nhân viên sau khi xem giấy mời, hướng dẫn chúng tôi chạy xe đến nơi đón tiếp. Chúng tôi được nhận một chiếc làn, trong đó có đồ ăn, nước uống, dao dĩa và một chai sâm banh với lời nhắc nhở: Nếu người lái xe uống thì nên để xe lại, đi taxi về.

Ngoài ra còn có tờ chương trình, bản chỉ dẫn lối đi đến nhà vệ sinh và không quên nhắc nhở phải đeo khẩu trang khi rời xe đi đến đó.

Đúng 11 giờ, trên sân khấu ban nhạc của trường chơi bản nhạc dạo đầu. Bà hiệu trưởng và đoàn học sinh từ cổng đi vào và bước lên sân khấu. Từ radio trên xe với băng tần 93,5 MHz của sóng FM mà trong tờ hướng dẫn đã ghi, đồng thời với hình ảnh trên màn hình khổ lớn, người xem không hề gặp trở ngại gì trong việc theo dõi chương trình. Các em ngồi trên sân khấu theo trật tự chữ cái. Tên cháu tôi là Vũ Hà Vi nên ngồi hàng ghế gần cuối. Mỗi khi xong lời phát biểu hoặc ban nhạc chơi một bài, khán giả “vỗ tay” bằng đèn nháy của xe. Đến khi từng học sinh ra nhận bằng rồi quay trở lại chỗ ngồi thì một cách tự phát, tất cả các còi xe bấm lên như những lời chúc mừng nồng nhiệt.

Bà hiệu trưởng khai mạc: “Năm nay, do tình hình dịch bệnh nên không thể tổ chức quy mô như mọi năm mà có một chút đặc biệt. Nhưng cũng có thể nét đặc biệt ấy lại sẽ để lại ấn tượng cho chúng ta mỗi khi nhớ về ngày lễ này”. Tiếp sau là lời chúc mừng của bà Edelgard Bulmahn - cựu phó chủ tịch Hạ viện của Đức, còn gọi là Viện Dân biểu, nhiệm kỳ 2013-2017, từng là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang là phần ca nhạc rất hay và chuyên nghiệp của ban nhạc nhà trường với những bài hát truyền thống của lễ tốt nghiệp như School’s Out (Alice Cooper), School Days (AC/DC)và cả những lời ca vui nhộn:

Không bao giờ đi học nữa/ Không học nữa/ Bởi vì thực tế đã biết/ Đi học quá nhiều khiến bạn phát ốm/ Vâng vâng! (Nie mehr Schule- Falco). 

 

Giỏ quà dành cho phụ huynh

Và sau hết là những lời ca kiêu hãnh của tuổi trẻ:

Không có thời gian cho kẻ thua cuộc/ Vì chúng ta là nhà vô địch của thế giới (We Are the Champions - Queen).

Tôi cũng đọc được những ý kiến của phụ huynh được chiếu chạy trên màn hình. Ba em học sinh được chọn lên phát biểu cảm nghĩ. Có một cậu là trưởng ban nhạc tôi đặc biệt ấn tượng. Cậu này là con trai một giáo sư toán nổi tiếng của Đức. Lúc mới vào học, cậu trả lời khi được khuyên nên học chuyên toán (khoá học có 52 học sinh thì có 8 chuyên khoa để hướng tới ngành nghề sau này khi chọn trường đại học): Tôi đã nghiên cứu chương trình của nhà trường và thấy trình độ của tôi hiện nay đã cao hơn trình độ chương trình tốt nghiệp ở đây (về toán). Vả lại bố tôi đã là nhà toán học thì tôi xin được học về văn học”. 

Quả nhiên cậu học rất xuất sắc môn văn. Cậu cũng là người tìm ra địa điểm này để nhà trường thuê khi đi nghe ca nhạc.

Nhà trường cũng không quên mời những nhân viên vệ sinh, bảo vệ lên để các em được cảm ơn và nghe lời dặn dò. Một bà nói:

- Rất nhớ các em, trong thời gian qua các em cũng khá bừa bộn. Nhưng tôi tin rằng các em đã học được nhiều để sau này ngăn nắp hơn trong cuộc sống.

Mãi đến trước khi lên xe về tôi mới có cơ hội chụp một bức ảnh cùng cô cháu gái. Nước Đức đang vào hạ với những vạt hoa anh túc cỏ đỏ rực ven đường.

Ngồi trên xe tôi cứ miên man nghĩ. Chỉ một buổi lễ tốt nghiệp phổ thông trong lúc dịch Covid đủ nói lên văn hoá của đất nước này.

VŨ QUỐC LỘC (TỪ FRANKFURT - CHLB ĐỨC)
Nguồn: Tienphong.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo