Liên bang Đức

Đức cấm uống rượu, bia trên các phương tiện công cộng

Cập nhật lúc 28-12-2011 14:53:08 (GMT+1)
Hình minh họa

 

Vài thành phố ở Đức bắt đầu áp dụng quy định cấm uống rượu, bia trên các phương tiện giao thông công cộng. Một thành viên cấp cao trong Hội đồng thành phố Berlin tuyên bố, ông không muốn tàu hỏa, tàu điện ngầm và xe buýt bị ô nhiễm bởi mùi khó chịu từ những kẻ say xỉn.


Tại Munich - thủ đô của bia Đức, trước ngày Giáng sinh, khoảng 2.000 người đã tập trung trong một buổi tiệc chia tay để uống cho đã đời trước khi lệnh cấm rượu, bia trên các phương tiện giao thông công cộng chính thức có hiệu lực ngay sau đó.

Nhiều thành phố áp dụng

Dù hình ảnh những người Đức bước lên tàu điện với chai bia trong tay vô cùng quen thuộc ở đất nước này, nhưng gần gây cư dân của nhiều thành phố đã bắt đầu ngán ngẩm với những chiếc vỏ chai lăn lóc trên sàn, đồ uống rơi rớt khắp nơi và những hành khách la lối om xòm, làm mất trật tự vì say xỉn.

Nhiều thành phố Đức đã cấm uống rượu, bia trên các phương tiện công cộng

Sau Hamburg, Munich và Nuremberg cũng ban hành quy định cấm uống rượu, bia trên tàu hỏa, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề đối nội của Berlin - Frank Henkel cũng bày tỏ sự ủng hộ việc ban hành quy định cấm triệt để việc uống rượu trên các phương tiện giao thông công cộng ở thành phố này. Quy định này cho phép tài xế và nhân viên bảo vệ được quyền đuổi những người uống rượu xuống khỏi các phương tiện công cộng.

Phong trào này dấy lên mạnh mẽ kể từ khi những kẻ say xỉn gây ra nhiều vụ bạo lực và hành hung hành khách trên phương tiện công cộng. Ông Henkel nói: “Việc cấm uống rượu trên hệ thống giao thông công cộng nhằm làm sạch đẹp bộ mặt thành phố”. Tuy nhiên, một vài nhà quan sát cho rằng, ban hành lệnh cấm này là điều hoàn toàn không cần thiết vì đã có quy định về việc cấm ăn uống trên xe buýt, tàu điện, tàu hỏa.

Vẫn có ý kiến trái ngược

Tuy nhiên, ngay trong Hội đồng thành phố cũng có sự bất đồng nhất định về vấn đề này giữa đảng Dân chủ thiên chúa giáo bảo thủ và đảng cực hữu Dân chủ xã hội (SPD). Bản thân ông Henkel đã thất bại khi lần đầu tiên trình đề xuất cấm uống rượu trên các phương tiện giao thông công cộng.

Ông Christian Gaebler - Thư kí Hội đồng thành phố thuộc đảng SPD cho rằng: “Ban quản lý giao thông công cộng Berlin (BVG) không nên ra mặt đề xuất một quy định pháp luật nhằm hỗ trợ họ quản lý an ninh trật tự trên các phương tiện giao thông này. BVG phải tự đảm bảo an ninh chứ không phải chính quyền thành phố. Thông qua một điều luật cấm uống rượu thực sự là vô nghĩa bởi trên thực tế đã có quy định cấm ăn uống trên tàu rồi”.

Các quan chức điều hành tổ chức BVG lại không đồng ý với ý kiến đó. Người phát ngôn của BVG nói: “Nếu thành phố muốn một lệnh cấm uống rượu trên các phương tiện công cộng có hiệu lực thì họ phải quy định điều đó trong luật. Với tư cách là một công ty hoạt động trong lĩnh vực giao thông, BVG không có chức năng triển khai thực thi quy định cấm”.

Thomas Kleineidam - nghị sĩ thuộc đảng SPD cho rằng: “BVG đang tìm cách đẩy trách nhiệm giám sát và thực thi lệnh cấm này sang phía cảnh sát bởi vì họ không có đủ nhân viên để làm việc này”. Phía cảnh sát thành phố cũng đã lên tiếng khẳng định, họ cũng không có đủ nhân lực để thực hiện. Kleineidam cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ ý tưởng về một lệnh cấm miễn là luật pháp sẽ không coi hành vi này là phạm tội nghiêm trọng và đưa ra mức phạt nặng nề.

Những thiệt hại trên tàu điện ngầm do những người say xỉn gây ra ước tính khoảng 100.000 euro. Thủ đô một số quốc gia châu Âu đã áp dụng lệnh cấm tương tự trong đó có London với quy định cấm rượu, bia trên tàu điện ngầm nổi tiếng từ tháng 6/2008.

Nguồn: Giaothongvantai

 


Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo