Liên bang Đức

Gặp ông chủ gia đình người Việt duy nhất ở Moelln

Cập nhật lúc 19-11-2014 16:28:46 (GMT+1)
Nhạc sĩ Mai Lâm

 

Hà Nội sáng. Quán cà phê quen trên phố Trần Quốc Toản. Khi nào về Hà Nội, ông cũng chọn quán này, ngồi đúng cái bàn góc, gần ô cửa kính nhìn chếch ra đường. Chủ quán cũng là người quen, quen luôn cả thói quen của khách, dù một năm hay vài năm ông mới về ngồi đây một lần. Đó là vị khách hết sức đặc biệt: nhạc sĩ Mai Lâm – ông chủ của gia đình người Việt duy nhất ở Moelln (CHLB Đức).


"Tồn tại chứ không phải là sống”

Tôi gặp Mai Lâm trước khi ông quay trở lại Đức đúng 1 ngày. 

Những gì tôi biết về Mai Lâm quả thực không nhiều, chỉ biết Mai Lâm có bố dượng là cụ Cao Nhị, chị gái là nghệ sĩ Thu Hiền - người có giọng thuyết minh phim hút hồn bao thế hệ khán giả truyền hình. Nhiều nơi, nhiều người khi giới thiệu Mai Lâm còn phải "đính kèm” đây là cậu của Anh Quân – Mỹ Linh. Tất nhiên, cái sự đính kèm ấy cũng chả khiến ông vui hơn hay bận tâm điều gì. Vì có giới thiệu kiểu gì, Mai Lâm vẫn thế. 

Ông vốn là người được đào tạo bài bản từ Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), nhưng cái "sở học” ấy cũng chỉ giúp ông đứng chân được vài năm ở Dàn nhạc Ca múa Tổng cục Chính trị, vài năm tiếp nữa ở Dàn nhạc của Liên đoàn xiếc Việt Nam. Vốn liếng ấy chẳng thấm tháp gì khi ông chân ướt chân ráo đặt chân tới Đức mấy chục năm trước. Mai Lâm hóm hỉnh bảo, "trình như mình mà xin vào dàn nhạc ở Đức thì bị loại từ vòng gửi xe. Thế nhưng cũng không phải ai ngồi ở dàn nhạc bên Đức cũng ra được 2 CD như mình”. 

Sang Đức từ năm 1987 theo diện xuất khẩu lao động. Khi nước Đức thống nhất, như nhiều người Việt khác, gia đình ông có "nghề chính” là buôn bán quần áo. Nhiều người cứ ngại "công khai” điều này, Mai Lâm thì không. Ông bảo người Việt ở Đức có mấy nghề: bán quần áo, làm móng, mở quán ăn.  Mai Lâm thấy chẳng có gì phải giấu giếm, vì đó là công việc lương thiện, giúp ông và nhiều người Việt đủ ăn đủ tiêu nơi đất khách, thậm chí bằng sự chăm chỉ siêng năng mà cuộc sống còn dư dả hơn một số người dân sở tại. Cuộc sống không dư dật nhưng cũng tạm ổn. Nhưng điều đáng sợ nhất với anh là sự tẻ nhạt của cuộc sống.

Mai Lâm kể, bên này có nhà văn hoá Việt Nam, lâu lâu mới có một sự kiện để gặp gỡ giao lưu. Trong gần 20 năm ở Đức, ông cũng đã làm được mấy đêm nhạc riêng, thu hút nhiều người tới tham dự. Rồi ông cũng đôi ba lần được mời làm giám khảo. Tuy nhiên, nhiều lúc nghĩ cũng thấy khổ. Khổ vì dẫu gì vẫn là người xa xứ. Ở Moelln từ năm 1990 đến nay, vẫn chỉ có một mình gia đình Mai Lâm là người Việt, xung quanh đó toàn là hàng xóm người Đức. Muốn trò chuyện với bà con mình, thì phải đi gần nhất cũng là 60 km. Cái khổ nữa, theo Mai Lâm, "mình thấy khổ vì mình không được làm đúng nghề của mình. Nếu được làm đúng nghề, được đúng vị trí thì mình sẽ cảm thấy yên ổn hơn”. Vì thế, nhiều lần ông vẫn nói với vợ: "Mình ở đây là tồn tại, chứ không phải là sống”.

Theo nhạc sĩ Mai Lâm, nhìn vào tủ băng đĩa của các gia đình hoặc ở những khu chợ dành riêng cho người Việt có thể thấy khá nhiều băng đĩa nhạc Việt Nam. Tuy nhiên thế hệ sinh ra tại Đức lại không nghe nhạc Việt nhiều. Nguyên do đầu tiên là rào cản ngôn ngữ. Trong số các cháu sinh ra ở Đức có cháu nói được tiếng Việt nhưng có cháu hiểu được bố mẹ nói gì song lại rất khó khăn khi diễn đạt bằng tiếng Việt. Tất nhiên dù không biết tiếng nhưng âm nhạc có thể cảm nhận được, song với ca khúc Việt Nam thì không biết tiếng sẽ không hiểu được ý nghĩa của ca từ. Mặt khác, âm nhạc là không biên giới nên thế hệ sinh ra ở Đức có thể nghe nhạc của nhiều quốc gia khác trên thế giới. Nghe nhạc Việt chủ yếu là những người sinh ra ở Việt Nam. Âm nhạc Việt Nam ở Đức là một trong những cầu nối người Việt với quê hương, đất nước.

Theo nhạc sĩ Mai Lâm, nhìn vào tủ băng đĩa của các gia đình hoặc ở những khu chợ dành riêng cho người Việt có thể thấy khá nhiều băng đĩa nhạc Việt Nam. Tuy nhiên thế hệ sinh ra tại Đức lại không nghe nhạc Việt nhiều. Nguyên do đầu tiên là rào cản ngôn ngữ. Trong số các cháu sinh ra ở Đức có cháu nói được tiếng Việt nhưng có cháu hiểu được bố mẹ nói gì song lại rất khó khăn khi diễn đạt bằng tiếng Việt. Tất nhiên dù không biết tiếng nhưng âm nhạc có thể cảm nhận được, song với ca khúc Việt Nam thì không biết tiếng sẽ không hiểu được ý nghĩa của ca từ. Mặt khác, âm nhạc là không biên giới nên thế hệ sinh ra ở Đức có thể nghe nhạc của nhiều quốc gia khác trên thế giới. Nghe nhạc Việt chủ yếu là những người sinh ra ở Việt Nam. Âm nhạc Việt Nam ở Đức là một trong những cầu nối người Việt với quê hương, đất nước.

"Có tiền là lại về Hà Nội”

Mai Lâm bảo, nhiều Việt kiều có tiền thường đi du lịch châu Âu, hoặc đến với những thắng cảnh nổi tiếng trên toàn thế giới. Còn với ông, cứ có tiền là lại "kiếm cớ” về Hà Nội. Mà có khi chả có cớ gì, vẫn về. Có năm về vài ba lần, đến độ, bạn bè gặp hỏi: "Ông vẫn chưa đi à?”. Cũng có khi có người hỏi, ông về Hà Nội suốt để làm gì? Những lúc ấy Mai Lâm chỉ cười. Về Hà Nội là trở về nhà, ở đó có thể chẳng có việc gì, chẳng để làm gì. Về, có thể chỉ để lững thững đi trên những vỉa hè lá rụng, sà xuống mấy quán nước chè hay lững thững đi ngược Hàng Bài lên Đinh Lễ mua vài cuốn sách. Lần nào hành lý trở lại Đức cũng nặng trịch hơn chục kg sách vở. Lại có người bảo, người Hà Nội buồn cười quá, cứ ăn uống xì sụp ngoài vỉa hè. Ăn bát phở cũng phải xếp hàng dài chờ đợi. Mai Lâm lại cười mà bảo, ông nói thế là không hiểu người Hà Nội rồi. Người Hà Nội là thế, và họ thích thế. Thế mới là Hà Nội.

Yêu Hà Nội bằng một thẩm mỹ có phần cực đoan. Mai Lâm luôn nghĩ, Hà Nội thì nó phải vắng. Cái đẹp của Hà Nội nó phải hơi ẩn một chút, chứ không lồ lộ ra với kiểu "son phấn phố phường” như bây giờ. Cái thẩm mỹ nó không còn trang nhã nữa. Với Mai Lâm, Hà Nội bây giờ thay đổi chóng mặt, ồn ào, bụi bặm, tắc đường và loè loẹt hơn. Nhưng ông vẫn nhìn thấy vẻ lạc quan của người Hà Nội. Lần này về Hà Nội, ông vui vì được cầm trên tay cuốn sách "đầu tay”, do bạn bè ở Hà Nội xúi giục mà thành. Ông vẫn quyết chọn lại cái tựa đề "Từ xa Hà Nội” để đặt tên cho cuốn sách này. Vì cái tên ấy mới nói hộ ông được nhiều điều. Từ xa để ông nhớ, ông thương Hà Nội. Từ xa để mà thấy Hà Nội thật gần, thật nhiều thương mến. Cái làm nên hồn phố, với Mai Lâm thường bắt đầu từ những hồn người. Vì vậy, qua những trang "nhật ký trên facebook” giờ được in thành sách này, là một cách Mai Lâm nhớ về những năm tháng đã xa, nơi ấy có những người bạn,người anh, người cha đầy thương mến.


Bìa cuốn "Từ xa Hà Nội”

"Từ xa Hà Nội” cũng có thể coi là bức tranh phác vẽ ra đời sống của những người Việt ở Đức hôm nay. Những công việc mưu sinh nơi xứ lạ với đủ nghề được Mai Lâm kể hóm hỉnh, từ chuyện rửa bát thuê cho một nhà hàng người Hoa, hùn vốn mở cửa hàng bán pizza với một "đối tác” người Ý, chuyện cậu em mê xe hơi, leo lên xe là mắt sáng rực "như dành đủ tiền mua vé máy bay về Việt Nam”… Rồi qua đó, văn hoá giao thông cũng hiện lên sinh động qua chi tiết 20 năm sống ở Đức ông chỉ sử dụng còi xe không quá 20 lần, và cũng bị chừng ấy lần người ta "bóp còi” mắng mỏ. Soi lại Hà Nội, mỗi lần về là một lần inh tai nhức óc. Còi xe hỗn loạn mà giao thông vẫn tắc nghẽn…

Nhưng không vì thế mà ông thôi yêu Hà Nội – mảnh đất chứng kiến sự chào đời của ông đúng vào ngày 10-10-1951. Mai Lâm bảo, nếu còn viết và còn ra sách, kiểu gì tựa sách cũng sẽ phải có chữ Hà Nội. "Vì nó mà mình mới viết. Vì Hà Nội mà mình mới trở về”, Mai Lâm nói.

Nguồn: Hoàng Thu Phố/ Daidoanket

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo