Liên bang Đức

Một Việt kiều Đức và hành trình 40 năm đi tìm má nuôi

Cập nhật lúc 18-04-2015 16:06:39 (GMT+1)
Má Nguyễn Thị Thùy (ở giữa) cùng các con và ông Nguyễn Huy Thắng (thứ hai từ phải sang) trong lần hội ngộ ngày 17-6-2010. Ảnh

 

Gần 40 năm, ông Nguyễn Huy Thắng, cựu chiến binh (CCB), nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin, hiện đang sống tại Đức và làm việc cho tờ thoibao.de, luôn mong mỏi tìm được má nuôi Nguyễn Thị Thùy (ở xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi), người đã cứu sống và nuôi giấu ông thoát khỏi sự truy tìm của kẻ địch trong những năm chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. 


May mắn trong dịp trở về Việt Nam năm 2010, ông đã tìm gặp lại được người má nuôi của mình.

10 lần đi tìm và một sự tình cờ

Chiều 17-6-2010, trong ngôi nhà nhỏ ở ngõ 160, đường Trần Hưng Đạo, TP Quảng Ngãi, gia đình má Nguyễn Thị Thùy bất ngờ có một vị khách từ ngoài Bắc vào tìm. Đứng sững lại và nhìn chăm chăm vào ông khách, má Thùy thốt lên: “Má nhìn cái mắt của bay, cái miệng bay cười là má nhớ ra rồi. Bay còn sống hả?”. “Vâng, con Thắng đây. Thằng Thắng ở đơn vị 10 ngoài Bắc vô chiến đấu đây. Con bị thương, nhờ má nuôi mà con còn sống đến ngày hôm nay”-ông Thắng vội vàng đáp. Thế rồi, hai má con ôm chầm lấy nhau, nước mắt ứa tràn ướt đẫm bờ vai hai người... Có lẽ, cho đến hết cuộc đời, CCB Nguyễn Huy Thắng sẽ chẳng thể quên được má Thùy, người dám sẵn sàng hy sinh mạng sống và gia đình mình để nuôi giấu ông suốt 22 ngày đêm trong lòng địch tại thôn An Kỳ, xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi cách đây 38 năm.

Nhấp ngụm trà, ông Thắng chậm rãi kể lại: "Trong một đợt giao tranh ác liệt giữa quân ta và địch vào tháng 4-1972, tôi bị thương, được má Thùy cứu và đưa về nhà nuôi giấu. Khi tôi ở trong nhà má đến ngày thứ hai, thì em Định (con gái thứ hai của má), đi hoạt động cách mạng ghé về nhà. Thấy tôi là bộ đội ngoài Bắc ở trong nhà, cô liền kêu lên: “Trời ơi, sao má gan quá vậy?”. Má cười và bảo: “Nó tên là Thắng, ở ngoài Bắc vô chiến đấu bị thương. Má đưa về nuôi, không sao đâu, đừng lo”. Vừa nói xong thì địch ập đến đầu xóm. “Mau, địch, chạy mau!”. Tôi được má đưa xuống hầm bí mật ngay trong nhà. Lúc đó, cậu con trai út của má là Nguyễn Duy Thắng mới 4 tuổi, vừa chạy, vừa khóc. Thế là má Thùy vừa bế em Thắng, vừa ra mời tụi lính vào uống nước. Bọn lính vô nhà sục sạo qua loa rồi bật bia uống. Má Thùy còn hì hục nướng mực cho chúng nhậu. Chúng vừa nhậu, vừa chọc ghẹo, vừa đe dọa, vừa tra hỏi má đủ kiểu. Thú thực, khi đó tôi ngồi ở dưới hầm căng thẳng đến nghẹt thở. Tôi nghe được cả tiếng tim mình đập dồn dập. Thiếu bình tĩnh chút nữa là tôi đã bật dậy ném lựu đạn liều chết với chúng. Khi chúng rút đi rồi, má cười hiền, bảo: “Làm vậy chúng mới không nghi. Cho chúng ngồi uống bia hết giờ càn là chúng về mà”. Nhờ có sự nhanh trí, dũng cảm của má mà tôi đã thoát nạn trong gang tấc và ngay trước mũi kẻ địch...".

Từ đó, ông Thắng đã không dưới 10 lần trở về Việt Nam và về cả Quảng Ngãi để tìm má Thùy. Những người biết má nói rằng, có lẽ má theo con gái lên Sài Gòn ở rồi. Khi tia hy vọng đang dần trở nên vô vọng thì ngày 16-6-2010, sau khi từ đảo Lý Sơn về đất liền, tình cờ ông Thắng gặp được một người bà con của má Thùy, gọi má bằng cô. "Ngày hôm sau, tôi đã gặp được người má thân yêu của mình"-ông Thắng xúc động nói.

Nắp hầm má đậy bằng cả trái tim

Cũng nhờ hành trình gần 40 năm đi tìm má nuôi mà ông Nguyễn Huy Thắng đã được nghe nhiều câu chuyện về má Thùy. Má Nguyễn Thị Thùy (sinh năm 1928) vốn là cơ sở cách mạng nuôi giấu nhiều cán bộ trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Chồng của má, ông Nguyễn Viên (bí danh Gạch), sinh năm 1927, quê ở Tịnh Kỳ, nguyên đội viên Đội du kích Ba Tơ hoạt động cách mạng trước tháng 8-1945. Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, ông tập kết ra Bắc. Cuối năm 1959, ông xung phong vào miền Nam chiến đấu. Đến năm 1967, ông về Quảng Ngãi công tác và một lần được về Tịnh Kỳ thăm vợ con.

Lần về thăm đó, ông Viên đã để lại giọt máu cuối cùng trong người vợ trẻ. Giọt máu lớn dần, ngày 16-3-1968, đúng ngày thảm sát ở Sơn Mỹ, má Thùy đã sinh ra em Nguyễn Duy Thắng (nay là cán bộ thanh tra thuộc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi). Ngày 10-3-1970, ông Nguyễn Viên hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ. Lúc đó, ông giữ cương vị Đại đội trưởng Đại đội Quân giới tại chiến trường Phú Yên.

"Nếu nhìn bề ngoài, không ai có thể thấy má Thùy là người gan góc, dũng cảm đến như vậy"-ông Nguyễn Huy Thắng chia sẻ. Người dân ở đây kể lại rằng, ngày 16-3-1968, lính Mỹ dồn hết dân xã Tịnh Khê vào trong một thôn rồi nổ súng sát hại cả làng. Hôm sau, chúng lại dồn hết dân ở xã Tịnh Kỳ ra bãi cát để chuẩn bị bắn. Bỗng một người phụ nữ bế đứa bé còn đỏ hỏn, gí vào mặt tên lính, hét lớn: “Chúng mày bắn đi, bắn đi. Hôm qua chúng mày giết hết cả làng trên rồi. Hôm nay, đến lượt làng chúng tao phải không. Bắn đi, bắn đi. Dân tao đã chuẩn bị sẵn sàng chết rồi đây. Nhà nào nhà nấy đã buộc dây vào rồi”. Trước hành động dũng cảm của người phụ nữ, kẻ địch tay lăm lăm cầm súng nhưng bước lùi dần, lùi dần. Được thế, dân trong làng xông lên vây lấy tên thông ngôn và tên sĩ quan Mỹ. Tên sĩ quan thấy vậy liền gọi điện và một lát sau có máy bay trực thăng đến chở hết lính Mỹ đi. Bà con xã Tịnh Kỳ được chúng thả tự do. Cả làng thoát chết trong gang tấc.

Câu chuyện về người phụ nữ dũng cảm đó đã trôi qua hơn 40 năm và đi vào lịch sử quê nhà, đôi khi không còn ai nhắc đến nữa. Nhưng đến tháng 5-2012, khi ông Thắng trở về Quảng Ngãi, được chị Nguyễn Thị Nhân (con gái lớn của má Thùy) dẫn đi thăm Khu chứng tích Sơn Mỹ. Tại đây, chị Nhân kể rất nhiều về các gia đình bị sát hại ở Tịnh Khê năm 1968 mà chị quen biết; về sự dũng cảm của nhân dân Tịnh Kỳ lấy dây thừng buộc chặt gia đình mình, sẵn sàng chết dưới họng súng của bọn Mỹ; về hành động của má Thùy ôm em Thắng mới sinh còn đỏ hỏn tiến lên đấu tranh với Mỹ. “Xâu chuỗi những câu chuyện lại, tôi nhận ra rằng, người phụ nữ dũng cảm đã đi vào huyền thoại của cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước không ai khác chính là má Nguyễn Thị Thùy”-ông Thắng nhận định.

Ngày 25-9-2012, tức ngày 10-8 Âm lịch, má Thùy vĩnh viễn ra đi, hưởng thọ 85 tuổi. Ngày giỗ đầu má, ông Thắng cùng đồng đội về Quảng Ngãi thắp hương cho má. Trong giây phút xúc động, ông Thắng đã đọc bài thơ “Lòng má miền Trung” do ông sáng tác, trong đó có đoạn: Đi chiến đấu giải phóng quê hương/ Con bị thương vô làng ẩn trú/ Má thương con khó khăn gian khổ/ Đón con về chăm sóc nuôi con/ Địch càn bao phen lòng má sắt son/ Má giấu con trong hầm địa đạo/ Tiếp cho con bát cơm hạt gạo/ Quần áo sờn má vá thâu đêm/ Những lúc địch yên má đón con lên/ Má chăm con uống thêm đường sữa/ Vết thương con đau, bàn tay má rửa/ Để mau lành con khỏe thêm nhanh…/ Nhưng trước mũi súng quân thù không thể nào khui được/ Một cửa hầm má đậy bằng trái tim.

Những câu thơ như lời tri ân của ông gửi tới má Thùy-một người mẹ, người phụ nữ có trái tim thép khi đứng trước quân thù, nhưng lại có tấm lòng vô cùng nhân hậu, bao dung.

Nguồn: Linh Oanh/Quân đội Nhân dân


Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo