Liên bang Đức

Nghị sỹ Đức gốc Việt: Đừng lo 'du học sinh không về'!

Cập nhật lúc 24-12-2015 12:41:36 (GMT+1)
Ông Nguyễn Đắc Nghiệp.

 

Bàn về việc du học sinh nên về hay ở lại, ông Nguyễn Đắc Nghiệp, chính trị gia người Đức gốc Việt cho rằng: “Chúng ta không lo về chuyện chảy máu chất xám. Người Việt ở nước ngoài vẫn đang từng ngày cống hiến cho quê hương theo nhiều cách khác nhau”. 


Ông Nguyễn Đắc Nghiệp - Nghị sỹ thành phố Thale (CHLB Đức); Tổng giám đốc của Công ty Sapa Thale đã có những chia sẻ với phóng viên PetroTimes bên lề một hội thảo về giáo dục ở Hà Nội.

Những ngày qua, việc nhân tài một đi không trở lại là vấn đề được dư luận quan tâm. Về vấn đề này, ông Nguyễn Đắc Nghiệp cho rằng: Thực tế tôi cũng chứng kiến rất nhiều trường hợp nhiều sinh viên sang Đức học và khát khao ở lại. Trước đây nhiều người cũng sang đó học và có quy định là phải về nhưng nhiều sinh viên cố xoay sở bằng mọi cách hợp pháp hóa giấy tờ để được ở lại.

Những người giỏi thật sự thì ngay các công ty lớn, trường đại học cũng đến xin, đề nghị ký hợp đồng để mời ở lại.

Hiện tại, dân số ở Đức đang giảm sút, tình trạng thiếu trí thức diễn ra phổ biến. Họ đang cần nhiều trí thức, tài năng, kể cả người nước ngoài để xây dựng nước họ. Nên với các sinh viên nước ngoài học tập và tốt nghiệp ở Đức rất được tạo điều kiện để tìm việc làm.

Đơn cử nếu một sinh viên tốt nghiệp nếu có công ty, cơ quan nào tuyển dụng, ký hợp đồng ngay thì Đức cho ở lại thử thách 3-5 năm.

Cơ chế cho người nhập cư bây giờ cũng thoáng hơn, nhiều người nước ngoài được ở lại Đức nhiều hơn và có cơ hội phát triển hơn.

Theo ông Nghiệp thì việc học xong ở lại nước ngoài làm việc không phải là chảy máu chất xám. Người Việt mình học xong mà được làm ở công ty lớn, trở thành những nhà khoa học lớn thì là một điều tốt.

Chúng ta không nên lo việc sẽ chảy máu chất xám vì người Việt có tình cảm dân tộc, tình cảm với quê hương rất lớn. Những người thành đạt sau này khi có điều kiện họ đều hướng về quê hương, nghĩ về cội nguồn và mong muốn đóng góp công sức của mình vào sự phát triển của đất nước.

“Vậy nên, quyết định ở lại nước ngoài hay về nước làm việc là tùy vào điều kiện, hoàn cảnh của mỗi người. Như bản thân tôi, ngay bây giờ khi đã có điều kiện tôi muốn phát triển hệ thống giáo dục ở Việt Nam, đóng góp quan hệ Đức - Việt… Như việc quyết định xây dựng hệ thống giáo dục Sapa Thale tại Việt Nam, mục tiêu của tôi là mang hệ thống giáo dục chuẩn quốc tế đến Việt Nam” – Ông Nghiệp nói.

Từng quan sát nghiên cứu kỹ về việc dạy ngoại ngữ ở Việt Nam, ông Nghiệp nhận xét: Nhiều học sinh Việt học ngoại ngữ tại Việt Nam nhưng khi sang Đức nghe và nói đều kém, giọng phát âm không chuẩn nên người nước ngoài không hiểu được.

Hiện tạihệ thống giáo dục Sapa Thaleđang liên kết với các trường trên thế giới như Anh, Mỹ, Úc, Canada, Đức  để  học sinh còn được liên thông, học tập, nghiên cứu.

Chia sẻ bí quyết học ngoại ngữ, ông Nghiệp chia sẻ: Thứ nhất phải có một chút năng khiếu nhưng quan trọng nhất vẫn là phương pháp. Đối với ngoại ngữ phải thực hành nhiều, vận dụng hàng ngày qua va chạm giao tiếp, giao dịch. Thứ hai là phải viết nhiều để rèn luyện.Viết để nhớ rất nhanh. Dù có nhồi cách nào mà không có va chạm thực tế thì không thể hòa nhập được.

Ông Nguyễn Đắc Nghiệp được biết đến là một chính trị gia người Đức, gốc Việt thành công. Ông sinh ra ở Vĩnh Phúc, từng là kỹ sư âm thanh tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Năm 1987, ông sang Đức. Trước khi là Tổng giám đốc của Công ty Sapa Thale CHLB Đức, ông Nguyễn Đắc Nghiệp từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần GF 2000 AG tại Leipzig.

Năm 2014, ông trở thành người nhập cư duy nhất trúng cử vào Nghị viện Thành phố Thale, Đức.

Huy An
Nguồn: Petrotimes

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo