Liên bang Đức

Nguyên Phó Thủ tướng Đức Philipp Roesler: “Việt Nam là định mệnh của tôi...”

Cập nhật lúc 29-04-2019 04:50:20 (GMT+1)
Ông Philipp Roesler. Ảnh: Lê Quang Nhật

 

Hơn một tháng sau khi ngồi vào vị trí Chủ tịch Hội đồng cố vấn VinaCapital Ventures, ông Philipp Roesler (nguyên Phó Thủ tướng Đức 2011-2013) đã có cuộc tiếp xúc với báo giới TP.HCM chiều 17.4. Trước khi ông bước vào phòng họp báo, Người Đô Thị đã có cuộc trò chuyện riêng với ông.


Kể từ khi rời Việt Nam cùng cha mẹ nuôi lúc còn rất nhỏ, ông đã mấy lần trở về mảnh đất nơi mình sinh ra?

Chừng sáu, bảy lần. Đầu tiên là năm 2006, tôi đi cùng gia đình với tư cách khách du lịch. Tại tuần lễ cấp cao APEC 2017 năm 2017, tôi tham dự với tư cách giám đốc Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Còn lần này là với tư cách Chủ tịch Hội đồng cố vấn của VinaCapital Ventures.

Trong những lần đến Việt Nam, khi tìm hiểu về không khí chính trị, môi trường làm ăn ở Việt Nam, ông thấy Việt Nam có gì khác biệt so với những môi trường mà ông từng kinh qua như Đức, Thụy Sĩ...? 

Việt Nam có môi trường kinh doanh tuyệt vời, được sự hỗ trợ rất tốt của Chính phủ. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Đà Nẵng, lần đầu tiên tôi thấy người đứng đầu một chính phủ dành nhiều quan tâm đến như vậy cho cộng đồng khởi nghiệp.

Suốt thời gian qua, ông có tin tức gì về những người ruột thịt còn ở lại Việt Nam không? Và nếu có, đến Việt Nam lần này, ông có ý định dành thời gian tìm lại người thân không? 

Tôi biết rằng tôi được sinh ra ở Việt Nam, nơi tôi luôn muốn quay trở lại. Việt Nam là niềm đam mê của tôi, là định mệnh của tôi.

Gia đình có đi cùng ông trong lần này?

Không. Tôi chỉ có 24 giờ tại Việt Nam, lịch làm việc khá dày. Sau buổi tiếp xúc với báo chí, tôi còn chương trình làm việc tại Đại học Quốc gia TP. HCM trước khi ra sân bay. Nhưng lần tới, có thể vào tháng 7 năm nay, thời gian thoải mái hơn, cả gia đình tôi sẽ cùng quay lại Việt Nam.

Được biết mấy năm qua ông đã chuyển công việc sang Thụy Sĩ. Cuộc sống của gia đình có bị xáo trộn nhiều không?

Trước đây tôi sống ở Geneva, là vùng nói tiếng Pháp, khác biệt khá nhiều với Hannover (Đức). Nhưng gần đây tôi chuyển đến Zurich, môi trường khá giống thành phố quê nhà, nên cuộc sống cũng không có thay đổi nhiều.

Quyết định chấm dứt sự nghiệp chính trị của ông nên được hiểu như thế nào?

Sau khi Đảng Dân chủ Tự do thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội ở Đức (thấp nhất trong lịch sử với 4,8% phiếu bầu và lần đầu tiên không có ghế trong Quốc hội - PV), tôi buộc phải từ chức, dừng sự nghiệp chính trị. Tôi đã phục vụ cho quân đội Đức, y tế Đức và bây giờ là cho xã hội Việt Nam.

Là một chính khách gốc Việt có ý nghĩa như thế nào trên chính trường Đức?

Chắc chắn họ rất dễ nhận ra tôi, vì tôi có vẻ ngoài của một người châu Á! Vì vậy điều này ít nhất là điềm may ngay từ đầu rồi. Nhưng nói cho cùng thì chuyện này cũng không phải lợi hay hại gì cả, vì bạn sẽ bị đánh giá dựa trên những quyết định bạn phải đưa ra từ ngày này qua ngày khác với tư cách một bộ trưởng.

Tôi nghĩ rằng đó cũng là minh chứng cho thấy Đức là một xã hội rất bao dung, nơi mọi người đều có cơ hội tiến tới những vị trí chính trị cao nhất, đơn cử là  trường hợp tôi trở thành phó thủ tướng như các bạn đã biết. Tôi nghĩ rằng tất cả như một món quà. Đổi lại, mình cảm thấy có trách nhiệm làm điều gì đó để đáp lại cho cộng đồng, cho quốc gia của tôi hiện tại, và nơi mà tôi đã sinh ra.

 

Thủ tướng Đức Angela Merkel và vợ chồng Philipp Roesler, dịp sinh nhật lần thứ 40 của Philipp Roesler (2013). Ảnh: DPA

Đâu là điểm khác biệt giữa vai trò lãnh đạo một quốc gia và lãnh đạo một doanh nghiệp, thưa ông?

Lãnh đạo một quốc gia, bạn phải tìm cách thỏa hiệp và đánh đổi nhiều hơn chứ không thể tự ra quyết định được. Ngay cả khi là một bộ trưởng, bạn cũng không thể tự mình ra quyết định. Bạn còn có trách nhiệm với đảng của mình, thành viên trong đảng, và cả xã hội nữa.

Khi lãnh đạo doanh nghiệp, bạn có thể chủ động nhiều hơn trong quá trình ra quyết định. Tuy nhiên, vai trò nào cũng đều đòi hỏi những người có khả năng làm việc nhóm, đều phải hiểu mình và xung quanh. Thế nên hai vai trò này có nhiều nét tương đồng hơn là khác biệt.

Nhìn lại những vị trí mà ông đã kinh qua, từ vũ đài chính trị, Diễn đàn Kinh tế Thế giới..., liệu điểm đến Việt Nam có phải là một bước lùi trong sự nghiệp? 

Với tôi, công việc tại Việt Nam là một bước tiến. Đức và Việt Nam có một điểm chung là phát triển kinh tế không dựa trên bán tài nguyên, mà chủ yếu là chất xám. Giờ đây tôi có thể đóng góp ý tưởng, sáng tạo của mình vào quá trình phát triển kinh tế, làn sóng khởi nghiệp tại Việt Nam. Với những kinh nghiệm, mối quan hệ tích lũy trong quá trình hoạt động là sự chuẩn bị tốt cho vị trí ngày hôm nay.

Tại sao ông quyết định gia nhập VinaCapital? 

Tôi biết ông Don Lam (đồng sáng lập và hiện là Tổng giám đốc VinaCapital) cách nay năm năm. Trước khi nhận lời làm việc, VinaCapital đã tạo cơ hội cho tôi tiếp cận với một số start-up (công ty đang trong giai đoạn khởi nghiệp). Khi VinaCapital ngỏ lời mời, tôi đồng ý ngay trong vòng một giây.

Những start-up như thế nào phù hợp với “khẩu vị” của chủ tịch Hội đồng cố vấn VinaCapital Ventures? 

Logivan, Fastgo là những trường hợp mà VinaCapital đã đầu tư có thể kể đến. Thực ra mô hình kinh doanh không phải quá quan trọng khi đưa ra quyết định đầu tư. Chúng tôi chú trọng vào yếu tố con người, những người sáng lập, dẫn dắt mô hình phát triển. Vai trò của tôi cũng không phải là lựa chọn doanh nghiệp để đầu tư. Nhiệm vụ chính của tôi là đưa những start-up ra thế giới, chẳng hạn như Berlin, Silicon Valley…

Ở chiều ngược lại, tôi nỗ lực đưa những nhà đầu tư đến với Việt Nam. Tháng 3 vừa qua, tôi có đưa hai nhà đầu tư Thụy Sĩ về Việt Nam tiếp xúc với một số start-up. Việc họ quyết định đầu tư khiến tôi rất tự hào dù tôi không thể công bố chi tiết những thương vụ này.

Tại sự kiện VinaCapital công bố TS. Philipp Roesler trở thành Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Quỹ đầu tư  mạo hiểm VinaCapital Ventures, ông Don Lam, Tổng giám đốc VinaCapital (thứ hai, từ phải) cho biết: Philipp Roesler là người có kinh nghiệm và tầm nhìn độc đáo, có thể đóng góp thiết thực vào hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam cũng như cố vấn cho các công ty được VinaCapital đầu tư. Ảnh: V.N.C

Trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu rộng với phần còn lại thế giới, theo ông đâu là (những) ngành mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh? 

Đây là câu hỏi tôi cũng thường tự vấn. Theo tôi, ở Việt Nam đang nổi lên hai mô hình đang được theo đuổi.

Một là bắt chước những mô hình đã được chứng minh ở thị trường khác. Hai là những mô hình thực sự đổi mới, ví dụ như Logivan, cung cấp dịch vụ xe tải trên nền tảng công nghệ. Đối với những start-up Việt Nam, tôi cảm nhận được hai điểm khác biệt. Một là “máu lửa”.

Hai là những bạn trẻ không quên di sản sau lưng mình. Trong quá trình sáng tạo, người trẻ chủ động giữ gìn di sản văn hóa trong thiết kế, sáng tạo. “Sự thuộc về” rất quan trọng trong điều kiện toàn cầu hóa. Chẳng hạn như sáng nay, tôi có trao đổi với một giáo sư đang hỗ trợ start-up trong lĩnh vực may mặc, đưa sản phẩm qua hội chợ thời trang tại London.

Xu hướng này không chỉ xuất hiện trong thời trang, mà còn ở những lĩnh vực khác nữa.

Ngoài công nghệ, ông còn nhìn thấy những cơ hội gì?

Những gì bạn cần cho môi trường kinh doanh tốt luôn giống nhau. Đầu tiên bạn phải có hạ tầng tốt. Hạ tầng ở đây không chỉ là đường phố hay đường tàu chạy. Đó có thể là năng lượng và tôi biết rằng năng lượng đang là một vấn đề lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Nếu nền kinh tế của bạn tăng trưởng nhanh, chắc chắn bạn cần có nguồn cung cấp năng lượng. Nếu bạn bắt đầu với cung cấp năng lượng, bạn cần nói về năng lượng sạch và năng lượng tái tạo. Đó là cơ hội.

Từng làm bộ trưởng y tế, tôi thấy lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cũng có thể là cơ hội tốt, có thể tiếp cận ở phân khúc cung cấp trang thiết bị cho thị trường. Già hóa dân số là xu hướng tất yếu. Khi đó, nhu cầu y tế sẽ nhiều hơn. Tạo ra một hệ thống chăm sóc sức khỏe cho (hơn) 90 triệu dân là một gợi ý về tầm nhìn.

Ngoài công việc ông có thú vui gì để thư giãn, cân bằng cuộc sống?

Thực sự là tôi rất bận rộn. Ít thời gian rảnh rỗi tôi chủ yếu dành cho gia đình. Ngoài công việc, tôi thích bay. Đấy là niềm đam mê của tôi từ khi còn là một cậu bé. 

Ông lái máy bay được không?

Có. Tôi có giấy phép bay.

Cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này.

Philipp Roesler sinh năm 1973 tại Sóc Trăng, sau đó được một cặp vợ chồng người Đức nhận nuôi lúc 9 tháng tuổi. Ông học Đại học Y khoa Hannover, nhận học vị tiến sĩ y khoa năm 2002, từng là bác sĩ phẫu thuật tim và lồng ngực. Philipp Roesler là bộ trưởng trẻ nhất trong chính quyền Liên bang Đức và là người gốc Việt đầu tiên trở thành bộ trưởng ở một quốc gia châu Âu vào năm 2009.

Ông cũng từng là chủ tịch trẻ nhất trong lịch sử đảng Dân chủ Tự do (FDP) của Đức, khi nhậm chức vào tháng 5.2011. Cũng từ năm này, ông được bầu làm phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghệ trong chính phủ Đức của bà Angela Merkel, đến tháng 12.2013. Sau khi rời chính trường, Philipp Roesler làm thành viên ban điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Thụy Sĩ.

Sau đó, ông trở thành Tổng giám đốc quỹ từ thiện HCCF tại New York (Mỹ). Về kinh doanh, ông tham gia quản lý High-tech Grunderfonds, đơn vị hợp tác công tư quản lý gần 3 tỷ EUR và ra mắt thành công hơn 500 công ty công nghệ cao. Ông cũng tham vấn cho Founder’s Fund, quỹ đầu tư nổi tiếng khi tham gia vào các công ty SpaceX, Uber, PayPal...

Ngày 15.3, VinaCapital công bố bổ nhiệm Philipp Roesler giữ chức Chủ tịch Hội đồng cố vấn Quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital Ventures, với nhiệm vụ tham vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước kết nối với nhà đầu tư và đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế...

Anh Khuê
Nguồn: nguoidothi.net.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo