Liên bang Đức

Nữ họa sĩ kiều bào Đức đam mê triển lãm tranh Việt

Cập nhật lúc 22-10-2009 11:36:05 (GMT+1)
Họa sĩ Đoàn Thanh bên các tác phẩm của mình.

 

Tranh của Đoàn Thanh mang lại một tình cảm mới, một sự tò mò đầy thích thú với bạn bè nước ngoài, khiến họ càng muốn biết, muốn đến Việt Nam hơn.


Triển lãm theo chủ đề Ấn tượng Nürnberg và các bản làng Việt Nam của nữ họa sĩ gốc Việt Phạm Thị Đoàn Thanh, được tổ chức ngày 3 – 21/11 tại Tòa Thị chính của thành phố Nürnberg, CHLB Đức. Với gần 40 bức tranh lụa và khắc gỗ trưng bày ở sảnh chính của tầng trệt và tầng hai Tòa Thị chính, Phạm Thị Đoàn Thanh tiếp tục đem đến cho công chúng yêu hội họa của Nürnberg một góc quê hương Việt Nam.

“Tôi rất vui và tự hào vì được thành phố Nürnberg dành cho một vị trí tuyệt vời để giới thiệu về Việt Nam qua các tác phẩm hội họa”, chị Đoàn Thanh nói.

Tranh lụa, khắc gỗ, sơn dầu và thuốc nước

Tranh của họa sĩ Đoàn Thanh được thể hiện trên bốn chất liệu chính: lụa, khắc gỗ, màu nước và sơn dầu. Trong triển lãm lần này, các bức tranh về bản làng Việt Nam sẽ mang tới cho người thưởng lãm Đức một cái nhìn mới về đất nước và con người Việt Nam hiền hòa, cởi mở và yêu chuộng hòa bình. Nghĩa Lộ, Mường La, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Lào Cai… là những nơi Đoàn Thanh đã đến, đều được tái hiện trong từng bức vẽ.

Thế mạnh của nữ họa sĩ gốc Việt này là tranh lụa và khắc gỗ. Những sắc màu tươi đậm thường được họa sĩ khắc họa trong nhiều tác phẩm tranh khắc gỗ; còn ở những bức tranh lụa, chị lại thổi vào những sắc màu mềm mại. Đoàn Thanh cho biết: “Nếu tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh (thầy giáo của chị) trầm tĩnh với gam màu nâu, đen, trắng và xanh lá cây thì tranh của tôi lại ào ạt các gam màu tươi sáng, trẻ trung và mạnh mẽ. Tôi luôn thích thể hiện tác phẩm theo cách riêng của mình!”

Nỗi nhớ qua từng nét vẽ

Sống xa quê hương, nỗi nhớ nhà của nữ họa sĩ kiều bào Đức như được nhân lên gấp bội và để rồi đưa chị tìm đến khung vải, những gam màu yêu thích và bắt tay vào niềm đam mê tái hiện quê hương - đổi mới, cởi mở, sẵn sàng chào đón khách quốc tế tới du lịch và đầu tư.

Tranh của Đoàn Thanh đã mang lại một tình cảm mới, một sự tò mò đầy thích thú đối với bạn bè nước ngoài, khiến họ càng muốn biết, muốn đến Việt Nam hơn. Chị Thanh nói: “Tôi hiểu rõ mình phải biết nâng cao nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình để tránh không bị lai căng. Xem tranh của tôi, người Đức và người Áo rất thích, họ nói sẽ dành thời gian để đi du lịch đến Việt Nam”. Nhiều người Đức khi xem tranh, đã không ngờ Việt Nam có những cảnh đẹp thơ mộng, còn số khác lại thích cách ăn mặc của những cô gái Thái, H'Mông và coi đó như là một kiểu mốt mới ở Đức...

Chị Thanh tâm sự rằng bản thân sẽ cố gắng làm hết những gì có thể cho nghệ thuật và cho quê hương. Theo chị, xem tranh đồng nghĩa với hiểu người. Chị mong muốn thông qua các bức tranh để giới thiệu cái đẹp của Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Những triển lãm ấn tượng

Đoàn Thanh từng bước khẳng định mình trong giới họa sĩ nước ngoài thông qua việc tham gia nhiều các cuộc triển lãm với các hoạ sỹ tên tuổi ở Việt Nam, Trung Quốc, Nga, Phần Lan, Đức... Các triển lãm cá nhân của chị cũng liên tiếp được tổ chức tại Đức và Áo, như: “VN con người và tác phẩm” tại Saalfeldent, CH Áo; “Lời chào từ đất nước xa xôi” tại Nhà nghệ thuật TP. Saalfeldent năm 2000; “Sinh hoạt & phong cảnh VN” nhân dịp Tết Nguyên đán của Đại sứ quán VN tại tòa nhà thị chính Tây Berlin Schoneberg năm 2002…

Năm 2006, họa sỹ Đoàn Thanh có hai cuộc triển lãm riêng gây tiếng vang lớn trong dư luận. Triển lãm “Bản làng trong thung lũng – 30 năm sau chiến tranh” hồi tháng 3 tại Cung văn hóa Nachbarschaftshaus Gostenhof, TP Nurnberg; và “Bản làng trong thung lũng” vào tháng 11 tại Lichthof Kreisverwaltung Bad Doberan, TP Rostock.

Tháng 12/2008, lần đầu tiên sau 20 năm xa xứ, Đoàn Thanh đã mang “Bản làng trong thung lũng” về giới thiệu tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, với 42 bức tranh lụa, khắc gỗ, màu nước và sơn dầu - tươi vui và thấm đượm tình cảm thương mến đối với quê hương. Tháng 5/2009, Đoàn Thanh cũng tổ chức triển lãm “Sự hài hoà - Ấn tượng một đất nước thanh bình” tại 16 Ngô Quyền, Hà Nội.

Phạm Thị Đoàn Thanh sinh năm 1950 tại Vĩnh Phúc. Từ những năm 1960, chị gắn bó với màu và cọ. Năm 1989, với mong muốn tiếp tục học tập sâu hơn về nghệ thuật, chị đến Đức. Được biết, ngoài thời gian sáng tác, nữ họa sĩ còn tham gia nhiều hoạt động giúp đỡ những nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Theo Đất Việt

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Thảo luận

Quảng cáo