Thực trạng việc dạy và học tiếng Việt ở Berlin và Brandenburg
![]() |
Cô giáo Phạm Trần Thịnh và học sinh lớp tiếng Việt |
Theo số liệu thống kê của cá nhân tôi, mặc dù còn chưa được đầy đủ như còn thiếu một vài nơi nào đó ở Berlin đang dạy tiếng Việt mà tôi chưa biết, nhưng về cơ bản đã có thể vẽ lên bức tranh tổng quan về việc dạy và học tiếng Việt ở Berlin và Brandenburg.
Hiện nay ở cả Berlin và Brandenburg có khoảng 25 giáo viên dạy tiếng Việt (Brandenburg 6 cô và Berlin 19 cô). Có thể nói đây là một đội ngũ giáo viên hùng hậu: phần lớn đã tốt nghiệp đại học và đại học sư phạm, có nhiều năm làm làm công tác giảng dạy tiếng Việt. Hiện có các địa điểm dạy tiếng Việt ở Berlin và Brandenburg như sau:
- Ở bang Brandenburg có 6 điạ điểm, gồm: Thành phố Potsdam (bắt đầu dạy từ 2002), Cottbus (2003), Wittenberge (2005), Brandenburg (2005), Füsterwalde (2012) và Bernau (2013) với 6 cô giáo, 8 lớp với trên dưới 100 Học sinh. Mỗi lớp ở Brandenburg bắt buộc phải có 12 cháu. Các lớp dạy tiếng Việt ở bang Brandenburg thuộc Dự án dạy tiếng mẹ đẻ cho học sinh có nguồn gốc nhập cư của bang từ năm 2002 do RAA (Regionale Arbeitsstellen für Ausländer) quản lý, được dạy trong các trường phổ thông với tư cách môn học ngoại khóa. Các hội người Việt ở các địa phương này có vai trò quan trọng trong việc tập hợp học sinh, giới thiệu giáo viên và đề nghị với Ban quản lý dự án để mở lớp.

Học sinh lớp tiếng Việt ở Cottbus trong ngày khai giảng (lớp của cô giáo Trần Kim Hoa)
- Ở Berlin cũng có 6 địa điểm do các hội đoàn tổ chức, gồm: Trường tiếng Việt Sao Mai thuộc TTTM Thái Bình Dương có số học sinh đông nhất với 4 lớp, tổng cộng trên 50 học sinh và 5 cô giáo; AWO quận Friedrichshain-Kreuzberg có 2 lớp với 25 học sinh; Hội người Việt ở Sewan Straße có 2 lớp với khoảng 25 học sinh; Hội thiện từ tâm Berlin có 2 lớp với 10 cháu; Hội trống cơm có 1 lớp 12 cháu; Văn phòng BI có 1 lớp với 8 cháu. Như vậy tổng cộng các hội đoàn ở Berlin có 12 lớp, 130 cháu.

Trường tiếng Việt Sao Mai khai giảng. Ảnh: Quang Chí
- Ngoài ra, ở Berlin một số trường phổ thông đã đưa tiếng Việt vào dạy với tư cách môn học ngoại khóa như: 2 trường tiểu học ở quận Köpenick gồm 4 lớp; 1 trường ở quận Friedrichshain với 1 lớp và ở quận Lichtenberg là trường Gymnasium Barnim với 2 lớp. Tổng cộng ở các trường cũng có tới 7 lớp vớí khoảng 70-80 cháu.

Lớp học tiếng Việt tại Barnim-Gymnasium, Berlin-Lichtenberg. Ảnh: Nguyễn văn Cường
Như vậy chỉ cần nhìn trên con số ta đã thấy quy mô dạy tiếng Việt ở hai bang Brandenburg và Berlin hiện nay là tương đối lớn: 27 lớp tiếng Việt với khoảng 300 cháu. Các lớp tiếng Việt thường học 2 tiết/tuần, riêng ở bang Brandenburg là 4 tiết/tuần. Các lớp ở trường phổ thông thì dạy vào buổi chiều các ngày trong tuần, còn các lớp của hội đoàn thì thường dạy vào cuối tuần.
Quy mô dạy tiếng Việt ở hai bang Brandenburg và Berlin như trên đã phản ánh một sự cố gắng lớn của các hội đoàn, sự đóng góp của đội ngũ các cô giáo dạy tiếng Việt cũng như sự quan tâm của các bậc phụ huynh trong nhiều năm qua. Cũng phải kể đến sự quan tâm từ phía chính quyền và ngành giáo dục Đức, đặc biệt của bang Brandenburg và một số trường phổ thông ở Berlin. Hiện nay Đại sứ quán cũng đặc biệt quan tâm đến việc dạy tiếng Việt cho con em của cộng đồng.
TS Nguyễn Phúc Hiền thay mặt ĐSQ tặng sách Tiếng Việt cho trường Sao Mai. Ảnh Quang Chí
Tuy nhiên, trong quá trình cố gắng để giữ tiếng Việt cho thế hệ nối tiếp của cộng đồng không phải không có những vấn đề cần được nhìn nhận để khắc phục trong việc tiếp tục phát triển hoạt động vốn đã có nhiều khó khăn thách thức này. Sau đây là một số ý kiến cá nhân của tôi từ kinh nghiệm tham gia hoạt động dạy tiếng Việt cho con em cộng đồng.
Nếu chúng ta phỏng vấn các cháu học sinh và nêu ra câu hỏi: „Vì sao cháu tham gia lớp học tiếng Việt?“, thì không phải cháu nào cũng trả lời là vì cháu muốn nâng cao trình độ tiếng Việt. Có những cháu trả lời trung thực và đơn giản rằng: cháu đến lớp để được chơi với các bạn, hoặc bố mẹ cháu bắt đi học…
Như vậy ta thấy nhiều cháu đến lớp tiếng Việt không phải do nhu cầu thực của các cháu mà là … nhu cầu của bố mẹ! Đó cũng là điều dễ hiểu, vì các cháu sống trong môi trường tiếng Đức, học trường Đức nên không phải cháu nào cũng có ý thức và nhu cầu học tiếng mẹ đẻ.
Khi việc học tiếng Việt không xuất phát từ nhu cầu thực sự của các cháu thì hệ quả tất yếu là các cháu không có ý thức tự giác cao trong học tập. Trong thực tiễn, đã có nơi mở lớp tiếng Việt ban đầu thì đông nhưng dần dần con số đến học cứ hao hụt và tình trạng lớp tiếng Việt tan vỡ cũng đã xảy ra. Ngay ở bang Brandenburg, việc dạy tiếng Việt được bao cấp hoàn toàn và được học trong tuần chứ không phải học cuối tuần mà vẫn có lớp tiếng Việt tan rã như ở Rathenow hay thành phố Brandenburg, là những nơi có khá đông học sinh ngưòi Việt.
Có thể thấy không thể đổ lỗi cho những lớp tiếng Việt này không thành công vì thiếu tiền, thiếu địa điểm, cơ sở vật chất eo hep hay thiếu thờì gian… Có thể khẳng định lớp tiếng Việt tan rã là có vấn đề từ con người. Mở lớp tiếng Việt đã khó nhưng duy trì đuợc lớp tiếng Việt còn khó hơn gấp nhiều lần.
Về đội ngũ giáo viên: Dạy tiếng Việt không phải hoạt động chính và và hoàn toàn không phải nguồn thu nhập chính của các cô giáo mà trước hết là do tâm huyết của các cô với việc dạy tiếng Việt cho các cháu. Phải khẳng định rằng các cô giáo đã và đang duy trì được các lớp tiếng Việt hiện nay đều rất tận tâm với các cháu và đã có cố gắng rất lớn để thu hút các cháu và giữ được lớp học. Nhiều cô được các cháu rất yêu quý và theo học nhiều năm.
Tuy nhiên trong những trường hợp lớp học không giữ được thì cần thẳng thắn nhìn nhận là có một phần nguyên nhân về phía cô giáo. Khi học sinh có động lực không cao mà phương pháp giảng dạy và cách giao tiếp ứng xử của cô không thu hút được các cháu thì việc chán học dẫn đến bỏ học của các cháu là tất yếu. Các cháu học sinh tuy nhỏ tuổi nhưng sinh ra ở Đức và học trường Đức nên các cháu khá „sòng phẳng“. Nếu giờ học mà không hấp dẫn các cháu thì các cháu có thể bỏ sau vài ba buổi.
Về phía các hội đoàn: Việc tổ chức các lớp tiếng Việt là có công đóng góp quan trọng của các hội đoàn. Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, nơi nào mà ban lãnh đạo hội đoàn người Việt cũng như ban phụ trách lớp tiếng Việt nhiệt tình, năng nổ và quan tâm sâu sát đến tình hình học tập của các cháu và quan tâm động viên các cô giáo thì nơi đó lớp tiếng Việt được thực hiện và phát triển tốt hơn. Tuy nhiên cũng đã có những trường hợp các biện pháp quản lý không thích hợp, hoặc không động viên được các cô giáo làm giảm lòng nhiệt tình của các cô với việc dạy học và ảnh hưởng trực tiếp đến lớp học.
Về vấn đề kinh phí: Việc dạy học trong trường phổ thông của Đức hoàn toàn được bao cấp nên toàn bộ các lớp học tiếng Việt ở bang Brandenburg và các trường phổ thông ở Berlin hiện nay bố mẹ không phải trả tiền. Các lớp học do các hội đoàn của cộng đồng tổ chức thì có lớp tìm được một phần hỗ trợ kinh phí từ nhà nước, có lớp hoàn toàn tự túc. Vì vậy đa số các lớp tiếng Việt này tồn tại đuợc là nhờ vào tiền đóng góp học phí cuả bố mẹ (mức đóng góp chung hiện nay là 10 Euro/ 1 cháu mỗi tháng). Nếu nơi nào đông học sinh thì còn tạm đủ nhưng nơi nào ít học sinh thì có thể không có đủ để trả thù lao cho giáo viên, dù mức thù lao khiêm tốn.
Tóm lại, việc dạy tiếng Việt ở các bang Berlin và Brandenburg đã được thực hiện từ nhiều năm nay với những thuận lợi và khó khăn. Để tiếp tục phát triển việc dạy tiếng Việt cần giữ vững các lớp hiện có và mở các lớp học mới, đặc biệt là tận dụng cơ hội dạy tiếng Việt trong trường phổ thông để tận dụng sự bao cấp giáo dục của nhà nước Đức. Những kinh nghiệm thành công cần được phát huy, những khó khăn và vấn đề tồn tại cần được trao đổi để rút kinh nghiệm và khắc phục.
Mong rằng với sự chung tay của các bậc cha mẹ, các hội đoàn cùng các cô giáo, với sự quan tâm của Đại sứ quán Việt Nam và chính quyền phía Đức, công tác dạy học tiếng Việt và giữ gìn văn hóa Việt cho các thế hệ nối tiếp của cộng đồng được tiếp tục phát triển.
Phạm Trần Thịnh (Berlin) Nguồn: Nguoiviet.de