Séc-Slovakia

Gặp gỡ tác giả Đêm giữa ban ngày

Cập nhật lúc 09-03-2020 09:49:08 (GMT+1)
Ảnh FB Văn Lang

 

Ngày 14/3 Nhóm Văn Lang tổ chức gặp mặt nhà văn Vũ Thư Hiên. Ông cũng là dịch giả của những đầu sách quen thuộc với người Việt sống tại miền Bắc Việt nam trước thời mở cửa như Bông hồng vàng (Pautovsky), Truyện ngắn Pautovsky.


THÔNG BÁO: HOÃN BUỔI GẶP NHÀ VĂN VŨ THƯ HIÊN VÀ GIỚI THIỆU SÁCH ĐÊM GIỮA BAN NGÀY DO NHÀ XUẤT BẢN TỰ DO PHÁT HÀNH.
==================
Do diễn biến phức tạp của dịch coronavirus tại CH Séc, Nhóm Văn Lang quyết định tạm hoãn Buổi gặp với Nhà văn Vũ Thư Hiên, dự kiến tổ chức vào thứ Bảy ngày 14/3/2020 sang một dịp khác.

Rất mong sự thông cảm của quý bạn bè.
Trân trọng.
Nhóm Văn Lang.

Tuy nhiên, nhân dịp cuốn hồi ký của ông mang tên Đêm Giữa Ban Ngày được xuất bản lần thứ hai – với sự giúp đỡ của Nhà xuất bản Tự do, cuộc gặp mặt lần này sẽ tập trung vào cuốn sách. Đây là một trong các nỗ lực của ông nhằm phác họa thực tế xã hội Việt nam thông qua những gì xảy ra với ông, với gia đình và xung quanh ông.

Dưới đây là một cuộc phỏng vấn nhỏ với ông, để cộng đồng người Việt tại Séc làm quen với cách nhìn thoáng đạt, chẳng chút phán xét của tác giả, và cũng là lời mời của Ban tổ chức gửi tới cộng đồng.

Thời gian: từ 17.00 - 20.00, thứ Bảy 14/3/2020
Địa điểm: TRƯỞNG THÔN QUÁN, TTTM SAPA. Libušská 319. Praha 4

Người Việt định cư ở nước ngoài có thể tự nhủ, VN của thế kỷ trước đã quá xa để mà quan tâm, hãy an vui cuộc sống bên này. Ông nghĩ sao về suy nghĩ này?

Người Việt định cư ở nước ngoài chẳng khác khác người Việt ở trong nước, mỗi người mỗi vẻ. Tôi chúc mừng những người đã tìm thấy sự an vui trong cuộc sống mà họ có. Tôi chia sẻ nỗi nhớ khôn nguôi nơi những người không có được sự an vui khi xa quê hương.

Lòng yêu nước không thuộc bản năng sinh vật, không phải là cái vốn có, cũng chẳng phải là điều tất phải có ở mỗi người thuộc bất cứ sắc dân nào. Nó thuộc lĩnh vực tình cảm. Mà tình cảm ở mỗi người mỗi khác, ở mỗi thế hệ mỗi khác.

Tôi đã gặp những người Việt ra đi từ những năm rất xưa, thậm chí không biết nói một câu tiếng Việt – họ đã trở thành người bản địa, dù mang dạng hình nhân chủng khác. Cũng như thế, thế hệ trẻ sinh ra ở nước ngoài chỉ biết ngôn ngữ bản địa, cái còn lại của nguồn gốc có thể là một cái họ, và thế là hết. Ta không vui, mà cũng chẳng nên buồn trước hiện tượng này.

Ngay trong phần mở đầu của Hồi ký, ông có nói "tôi không đơn thuần là nạn nhân. Về mặt nào đó, trong chừng mực nào đó, tôi còn là thủ phạm". Ông có thể giải thích, ông lại là thủ phạm trong mặt nào? Trong chừng mực nào?

Mọi người đã tham gia cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đều có chung nỗi buồn trước tình cảnh đất nước hôm nay – tình trạng lạc hậu về nhiều mặt so với các nước khác, kể cả các nước lân bang, nạn tham nhũng tràn lan, nông dân mất đất, người dân mất nhà… Tất cả những cái đó hoàn toàn không phải thuộc tính của cuộc cách mạng mà họ đã góp phần.

Mặc cảm thủ phạm là trong ý nghĩa ấy. Tôi đã làm báo, tôi đã nhắm mắt những điều tôi thấy mà không dám nói, tôi không dám phản kháng khi trong lòng bất bình với những điều sai trái. Hãy đọc “Hồi Ký Của Một Thằng Hèn” của nhạc sĩ Tô Hải để hiểu cảm giác thủ phạm của chúng tôi.

Văn của ông làm không ít bạn đọc ngạc nhiên, bởi không thấy bóng dáng của sự giận dữ, căm thù trong câu chữ. Trong khi đó thì có lẽ sẽ không quá sai khi nhận định rằng sự giận dữ lan tràn trên không gian mạng, và từ những người có chưa hề trải qua bất cứ trải nghiệm nào kinh khủng như ông.. Xin được hỏi ông, đã có lúc nào ông giận dữ, căm thù? Nếu có thì điều gì đã làm ông thay đổi? Nếu như không... làm thế nào mà ông tha thứ được, để không giận dữ, căm thù cả với những người đã đầy đọa cha mẹ, người thân của mình?

Tôi đã có lần phải trả lời một câu hỏi tương tự. Giận dữ, căm thù kẻ hãm hại mình và những người thân của mình thì ai chẳng có, tôi không phải ngoại lệ. Nếu các bạn không thấy cái đó biểu lộ trong Đêm Giữa Ban Ngày thì đó chỉ là vì cuốn sách được viết ra với mục đích khác – nó không nói về “cái tôi”, về sự trải nghiệm “của tôi”, mà về cái xã hội trong đó tôi là một thành viên bất đắc dĩ.

Sự thật là cái quan trọng hơn cả, khi ta muốn nói về một mô hình xã hội tồi tệ mà nên tránh xa và cần được xoá bỏ. Sự chửi bới chẳng mang lại ích lợi trong chuyện này.

Trong không gian mạng xã hội, người ta bộc bạch tâm trạng bức bối của mình bằng mọi cách khả dĩ, cũng là chuyện bình thường. Nhưng để đấu tranh cho một tương lai tốt đẹp thì chửi bới không phải là một lựa chọn tốt nhất để “nâng cao dân trí là việc hằng ngày phải làm” như Trần Độ dặn lại những người đi chung hàng với ông.
Đối tượng của việc nâng cao dân trí là những người chưa hiểu sự cần thiết phải có một xã hội khác, hoặc những người bảo vệ chế độ hiện hành, dùng cách chửi bới họ thì có khác nào đẩy họ ra xa. Nên, và cần nhìn mọi người Việt trước hết là đồng bào mình (trong nghĩa cổ xưa: cùng một bọc) và ta phải thương yêu trong niềm tin kẻ trước người sau đều có cùng một đích đến.

“Quá khứ sẽ chẳng có ích cho ai bởi sự hồi tưởng đơn thuần. Quá khứ chỉ có ích khi con người lấy nó làm cái để mà suy nghĩ, rút ra từ trong lòng các sự kiện của nó bài học cho tương lai". Ông thấy giới trẻ chẳng hạn, có thể rút được kinh nghiệm như thế nào từ quá khứ?

Cần phải có con mắt tỉnh táo để nhìn lại quá khứ - nó là cái không thể sửa chữa được, nhưng là cái rất có ích nếu ta thấy trong đó những sai lầm để ta có thể ngăn chặn không cho chúng không lặp lại trong hiện tại và tương lai – ích lợi đó rất lớn, lớn hơn ta tưởng rất nhiều.

Căm thù hay giận dữ quá khứ là vô ích. Chửi rủa nó cũng vậy. Quá khứ chung của một đất nước cũng chẳng khác quá khứ của mỗi người. Nhìn lại nó để hiểu nó, cả cái xấu và cái đẹp, là điều nên làm. Với một con người sự nhìn lại quá khứ không chỉ giúp người ấy rút ra kinh nghiệm cho bản thân, mà còn có thể giúp những người khác trong tinh thần và trách nhiệm chia sẻ.

Đêm giữa ban ngày đã được viết cách đây trên 20 năm, liệu ông có điều gì muốn nói thêm, muốn truyền đạt thêm tới bạn đọc?

Không có cuốn sách nào nói được đủ những gì mà tác giả muốn nói với người đọc. Cảm giác bất lực ấy có ở mọi nhà văn. Tôi không tự coi mình là nhà văn, tôi chỉ là người chép sự đời, thì cảm giác ấy còn lớn hơn rất nhiều.

Với Đêm Giữa Ban Ngày, tôi đã gắng sức nhiều nhất có thể để ghi lại tâm sự của một người phải sống trong cái xã hội, mà theo tôi, hoàn toàn không xứng với Con Người.

Một xã hội hoàn toàn xứng với Con Người là một xã hội lý tưởng, trong đó mỗi Con Người là một “đấng sáng tạo” như Marx từng mơ ước, sẽ chẳng bao giờ có.

Nhưng những xã hội hoàn toàn không xứng với Con Người thì đã có rồi. Loài người không thể điều hoà với một xã hội như thế và tất yếu phải xoá bỏ nó, càng nhanh càng tốt.

Thanh Mai- vietinfo.eu

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Quy định bình luận
Vietinfo tạo điều kiện cho bạn đọc bày tỏ chính kiến, song không chịu trách nhiệm cho quan điểm bạn đọc nêu trong bình luận của bạn đọc. Quan điểm bạn đọc không nhất thiết đồng nhất với quan điểm của Vietinfo.eu. Khi bình luận tại đây, hãy:
- lịch sự, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau,
- bày tỏ quan điểm tập trung vào chủ đề bài viết,
- không dùng các từ ngữ thô tục, bậy bạ,
- không xâm phạm đến quyền riêng tư cá nhân hay một số cá nhân,
- không tỏ thái độ phân biệt trên bất cứ phương diện nào (dân tộc, màu da, giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp…).
Mọi nội dung không phù hợp với các tôn chỉ trên có thể bị sửa hoặc xóa.
Cách gõ tiếng Việt
Dấu mũ Â, Ê, Ô – gõ 2 lần: AA, EE, OO
Dấu móc Ă, Ơ, Ư – thêm phím W: AW, OW, UW
Dấu huyền – thêm phím F
Dấu sắc – thêm phím S
Dấu hỏi – thêm phím R
Dấu ngã – thêm phím X
Dấu nặng – thêm phím J
Xóa dấu – thêm phím Z

Ví dụ:
Casch gox tieesng Vieejt.
Cách gõ tiếng Việt.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo