Lễ ăn mừng của người Việt Nam qua con mắt người Séc
![]() |
Phóng viên của báo Séc aktualne.cz đã tham gia buổi của lễ ăn mừng của cộng đồng người Việt tại chợ SAPA. Cùng với những phản ứng của bạn đọc Séc cho thấy cùng về một sự kiện, nhưng góc nhìn của người Séc rất khác so với góc nhìn từ cộng đồng Việt. Vietinfo xin tóm tắt một vài ý chính để bạn đọc tham khảo.
Bài của tác giả Tereza Krobová và phóng sự ảnh của tác giả Jiří Kůrka được đăng tại trang:
http://aktualne.centrum.cz/domaci/regiony/praha/fotogalerie/2013/07/25/vietnamci-slavili-konecne-jsou-mensinou/
Người Việt Nam sống ở Séc cuối cùng cũng được chính thức công nhận là thiểu số
Mặc dù thể chế thiểu số chỉ liên quan đến người có quốc tịch Séc nhưng từ góc độ người Séc, họ không phân cộng đồng người Việt Nam ra người Việt Nam có quốc tịch Séc hay người quốc tịch Việt Nam được định cư. Giới thiệu cho bài phóng sự, tác giả nhắc lại về việc chính phủ Séc đã chính thức công nhận người Việt Nam là một sắc tộc thiểu số tại CH Séc:
"Người Việt Nam sống ở Séc cuối cùng cũng được chính thức công nhận là thiểu số. Cùng với những thành viên mới là Belarus – họ được tham gia hội đồng của chính phủ cho các sắc tộc thiểu số. Nhờ là thành viên của hội đồng họ có thể tham gia đàm phán với các cơ quan nhà nước và có thể nhận được tài trợ cho các hoạt động văn hóa. Cộng đồng Việt Nam được chính thức công nhận sau nhiều năm vận động. Vì vậy vào thứ tư 24.7 khoảng 2000 người đã tập trung ở chợ SAPA – một chợ lớn nhất Séc, một ốc đảo nhỏ của Việt nam để ăn mừng. Tham dự buổi vui có phái viên sứ quán Việt nam, Thái lan, Truyền hình Việt Nam và cả Malá Hà Nội (Hà Nội nhỏ)."
Phóng viên quan tâm đến vệ sinh khu chợ và phong tục khác biệt của người Việt
Tác giả bài phóng sự không quên dạo quanh chợ và chụp những quầy hàng hay đống rác rưởi lộn xộn của chợ. Những lời bình luận cho ảnh được viết với một giọng văn pha chút hài hước:
“Chính thức khai mạc vào lúc 20 giờ nhưng người Việt nam có trong giấy mời từ lúc 19:30 vì họ thường đi muộn hơn cho lịch sự”
“Các cô gái phục vụ mặc áo dài chăm lo cho khách đại biểu.."
"…còn các khách khác được phục vụ bởi những quầy bàn tạm thời”
“Để trở thành thiểu số ở Séc thì làm sao mà thiếu được bia với xúc xích”
“Ba xe công an theo dõi để không ai vui quá …“
“Cả nhà sư cũng quan sát nhìn từ trên cao…”
“Cả chó cũng canh giữ…”
“Tiếp theo là những lời phát biểu của các tổ chức Việt nam khác nhau. Tất cả đều bảo rằng ngày 3.7 là cái mốc quan trọng trong lịch sử Việt Nam”
"Phát biểu nhiều quá rồi mãi mới đến phần vui vẻ.."
Phần biểu diễn với những bài hát cũ của Karel Gott và Vondráčková khiến tác giả không mấy hứng thú và chụp ảnh đứa trẻ con bịt tai với lời bình" "Không phải ai cũng thích chương trình này..."
Câu hỏi này có lẽ do phóng viên nghĩ ra hơn là có cháu bé Việt nam hỏi thật:
“Mẹ ơi vậy bây giờ con giống như người Séc rồi à”? một cô bé hỏi mẹ ở cổng Malá Hà Nội
Tổng thống Zeman gửi lời chào
Ông Kmoníček, Trưởng Ban đối ngoại Văn phòng Tổng thống là người Séc đầu tiên được nói với thiểu số mới: “Chúng tôi người Séc cũng giống như người Việt Nam vậy. Chúng tôi đi sinh sống ở khắp hành tinh này nên chúng tôi biết thế nào là sống ở nước lạ, trở thành một bộ phận của của nước đó mà không mất tình yêu với đất nước cội nguồn của mình”
“Tôi đã đến thăm Việt Nam mấy lần và tôi luôn ngạc nhiên thấy người Việt nam rất mạnh mẽ và kiên cường”. Ông đã gửi lời chào quan trọng: “Tổng thống Zeman chúc mừng tất cả các quí vị“
Phản ứng của bạn đọc Séc: người Việt chăm chỉ, cả trong việc trồng cần sa
Những bài viết về người Việt thường kèm theo các của bạn đọc kẻ chê người khen. Sau đây là một số bình luận tiêu biểu của độc giả Séc dưới bài phóng sự:
Ông JM - Họ chăm chỉ làm đến mức trở thành những người trồng cần sa mạnh nhất, chuyện này liên quan đến việc lấy trộm điện và phân phát ma túy ra ngoài biên giới Séc. Đúng là họ có cái mà tự hào!
Bà BD - Tôi không ghét người Việt vì họ làm việc,
Ông KJ – Nếu bà nghĩ họ tích cực chăm sóc hoa thuốc phiện và không trả thuế thì tôi hoàn toàn đồng ý với bà…
Ông JH - Khác với nhiều người khác họ chăm chỉ, mặc dù có khó khăn ngoại ngữ họ cũng vẫn tìm được việc làm, và không phải đăng ký xin trợ cấp ở sở lao động.
Ông JH – Bản thân tôi nhìn thấy nhiều cửa hàng và của hàng thực phẩm ở các làng nhỏ. Họ mở gần như không nghỉ, nhiều hơn là những bãi trồng cần sa. Trong mỗi cộng đồng đều có những bọn tội phạm và ăn bám.
Bà BD - Tôi đồng ý với ông JH.
NM - Vietinfo