Một nửa trẻ em Việt ở Séc có bà người Séc
![]() |
Bà dạy cháu nấu ăn, ảnh: iHned. |
Theo ước lượng không chính thức thì cứ hai trẻ em Việt Nam có một em được trông nom bởi bà Séc. Họ giúp thế hệ trẻ này hòa nhập vào xã hội Séc nhưng cũng có thể khiến chúng rời xa cha mẹ hơn.
Thường đi mua hàng ở một quầy thực phẩm Việt, rồi một hôm, một người phụ nữ Séc đã đem về theo mình cặp trẻ sinh đôi mới vài tuần tuổi. “Mẹ chúng làm việc từ sáng đến tối nên không có thời gian chăm sóc. Cô ấy đã thuyết phục tôi để chăm sóc bọn nhỏ,“ Růžena Kopáčková nay đã 60 tuổi nói. Thế là cách đây 6 năm bà có những đứa cháu Việt Nam đầu tiên. Sau đó, chúng đã chuyển nhà đi nơi khác nhưng cả cặp sinh đôi lẫn anh trai của chúng vẫn gọi điện về cho bà và bà vẫn đến với chúng trong mỗi buổi sinh nhật.
Như là cháu ruột
Ngay sau đó, bà đã bắt đầu mua giường cho trẻ em và lôi từ trong kho đồ chơi của con mình ngày xưa và trở thành bà trông trẻ chuyên nghiệp. “Gia đình này mang bồn tắm đến còn gia đình kia lại mang xe tập đi còn nơi thay tã tôi tự làm bằng cách đặt một miếng gỗ phẳng lên hai chân ghế,“ bà Kopáčková nói. Những đứa cháu ruột của bà giờ đã 20 tuổi nhưng không nhớ về bà nhiều. “Khi chúng nhỏ thì tôi vẫn còn đi làm. Bây giờ tôi có thời gian thì chúng lại không,“ bà cho biết thêm.
Đã trông nhiều trẻ con Việt Nam nhưng giờ bà chỉ có cô bé tên My. Ngày nào cũng vậy, cứ 10 giờ sáng là cha mẹ đem đứa trẻ đến rồi đi làm. “Tôi thích trông trẻ Việt Nam vì chúng ngoan hơn. Chúng hiểu là bố mẹ còn phải làm việc nhiều,“ bà chia sẻ. Chính bà cũng là người đưa cô bé đi khám, cầm thẻ bảo hiểm và phiếu tiêm chủng của đứa trẻ. Cuộc sống của bà hiện giờ trông như với các cháu của mình, chỉ khác ở chỗ mỗi tháng bà nhận được 7000 korun trong phong bì. Khoảng 250 korun một ngày, đó là giá mà người Việt thường trả cho người trông trẻ mà ngày đó có thể chỉ là vài tiếng đồng hồ hoặc cả ngày.

Trẻ em Việt Nam - trẻ em "chuối" hội nhập, ảnh: čt24.
Sống với bà Séc cả tuần
“Tôi và em trai sống với bà Marta từ lúc tôi 9 tuổi trong khoảng 4 năm và nhiều khi chúng tôi không muốn về nhà cuối tuần,“ Trinh Thuy Duong 23 tuổi nhớ về tuổi thơ của mình ở Teplice. Cha mẹ cô đã nợ rất nhiều để sang Séc nên phải làm việc và không muốn còn mình phải ở cùng họ cả ngày trong giá lạnh. Theo Duong, vì gặp bà ruột chỉ vài ngày nên cô thân với bà Séc hơn và đã được bà dạy nấu ăn. Cả gia đình Duong đều coi bà như người nhà và khi muốn ăn đồ Séc thì đều bảo bà nấu cho. “Tôi không giận vì cha mẹ bỏ mình cho người ngoài mấy năm liền. Họ không có sự lựa chọn và tôi sống với bà rất tốt,“ cô sinh viên kinh tế nói. Khoảng một nửa trẻ em ở Teplice cũng sống với bà Séc như cô và những người không có bà Séc thì lại gần gũi với văn hóa Việt Nam hơn.
Hội nhập văn hóa
Nhưng cũng khó nhận biết những đứa trẻ đã từng được bà Séc trông hay không. Có thể chúng thường không giỏi tiếng Việt và không ăn mặc diêm dúa, thay vào đó là quần bò và áo phông đơn giản. Hơn nữa trẻ em ăn đồ Séc thì không nhỏ nhắn và thon thả.
Theo Eva Pechová từ Klub Hanoi, hiện tượng thuê bà trông trẻ thông dụng ở các vùng biên giới và ít hơn ở Praha. Những người bà này góp phần thúc đẩy hội nhập trẻ em vào xã hội Séc cũng như thay đổi cả một chút văn hóa trong cộng đồng Việt Nam. Hình ảnh người bà Séc sẽ theo chúng suốt đời.
Ở Písnice, nơi chợ Sapa đang hoạt động, bà Marie Maslowska cũng kiếm tiền từ việc trông trẻ Việt Nam, nhưng bà không coi đó là một dịch vụ. Hai nhà nhờ đứa trẻ mà thường xuyên thăm hỏi và giúp đỡ nhau. Bà đặt tên Séc cho đứa trẻ là Zuzana. Hàng ngày sau khi đi học, Zuzana đi về nhà chơi với bà và luôn vui khi được mẹ cho ngủ cùng bà.
Những gia đình Séc thế này không chỉ dậy chúng nấu ăn mà thường đem chúng đi thăm quan và dạy chúng họ. “Nếu không có ông người Séc thì tôi không thể học trượt băng, trượt tuyết và đi xe đạp. Khi tháng 1 lớp tôi có khóa trượt tuyết, ông chăm lo cho tôi sao cho đủ dụng cụ,“ Truong My Ngoc, cô gái năm nay đã 15 tuổi vẫn gọi điện cho ông bà mỗi khi cần sự giúp đỡ vì họ hiểu cô nhất. Ngay cả đi họp thì cũng là ông bà đi chứ không phải bố mẹ.

Điệu múa về hai nền văn hóa, ảnh: cvs-praha.
Giữa hai nền văn hóa
Sống với bà Séc nhưng cả với cha mẹ Việt Nam nhiều khi khiến lũ trẻ gặp phải những vấn đề văn hóa. “Ông bà hướng tôi đến việc nói lên quan điểm của mình còn ở nhà thì cha mẹ muốn tôi nghe lời và không thoáng như ở ông bà,“ Ngoc kể tiếp. Nếu cô bé muốn đi chơi thì nói với bà là được đi ngay còn với bố mẹ thì phải có sự đồng ý. Nếu họ không đồng ý, Ngọc sẽ phải ở nhà và không tranh cãi về vấn đề này.
“Công việc và áp lực làm sao cho con cái thành đạt trong xã hội Séc mang đến cả những hậu quả mà họ không lường được,“ Eva Pechová nhận xét. Theo cô, cha mẹ thường mong rằng con cái sẽ hiểu tình hình mà họ gặp phải, nhưng cũng có những đứa trẻ không muốn về với cha mẹ nữa.
“Khi mẹ tôi thấy tiếc vì tôi quen với bà nhiều quá và đến 9 tuổi vẫn chưa biết tiếng Việt và bị họ hàng chê bai thì mẹ đem tôi về với mình,“ Nguyen Thao Hien 19 tuổi nói. Cô đã được bà nuôi dưỡng từ lúc 3 tháng tuổi. Lúc không được đến bà nữa, Hien đã khóc rất nhiều và còn trốn mẹ sang bà. Nói chuyện với bố mẹ là điều khó hơn, vì lúc đó cô bé phải học thêm tiếng Việt cũng như những thói quen Việt Nam.
“Tôi học cách nói lại bà như mọi trẻ em Séc khác nhưng ở trong gia đình Việt Nam thì không được, thế nên chúng tôi luôn cãi nhau. Khi bố mẹ để bà Séc dạy dỗ tôi thì họ không thể bất ngờ rằng tôi là người thế này,“ Hien nói.

Khi lớn lên họ gặp rào cản với cha mẹ, ảnh: Lidovky.
Còn đối với cha mẹ? “Chúng tôi muốn con mình sống trong môi trường Séc và học được tất cả những gì trẻ con Séc biết. Tương lai của chúng là ở đây,“ Nguyen Phuong Vien một ông bố 42 tuổi nói. Họ làm việc trong Sapa nên vào cuối tuần, con trai họ luôn ở cùng bà người Séc. Họ không coi bà là người ngoài và hiện nay họ cũng không cần trả tiền bà nữa mà chỉ gửi quà và đưa con trai mình cùng bà hay chồng bà đi nghỉ mát.
Con trai anh tiếp nhận văn hóa Séc từ bà. “Nó nói thằng cho chúng tôi biết mình không đồng ý với điều gì và còn phê bình chúng tôi. Vì chúng tôi ở Séc nên phải chấp nhận điều đó dù ở Việt Nam không được làm vậy,“ anh Nguyen Phuong Vien nói. Anh và vợ trân trọng sự hội nhập của con trai, song cũng luôn quan tâm để con mình đề cao sự giáo dục và sự tôn trọng đối với Việt Nam. Kể cả khi bà nói tốt về cháu hay khi cháu được điểm hai thì họ vẫn muốn cháu cố gắng để giành được kết quả tốt hơn. Người cha 42 tuổi này cũng hy vọng rằng con trai mình sẽ tìm được đường về cội nguồn nếu thằng bé muốn.
Bára Procházková - iHnedDịch:Nghiêm Trang – vietinfo.eu