Người Việt sẽ trở thành một dân tộc thiểu số tại Séc?
![]() |
Những công dân Séc trong dân tộc thiểu số Việt Nam? Ảnh: krajane.czu. |
Với số lượng đông đảo thứ ba trong số các cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống tại Séc, đã nhiều năm nay Hội người Việt cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Séc làm việc và vận động để cộng đồng người Việt được công nhận là dân tộc thiểu số.
Theo con số thống kê của Séc, tính đến ngày 30/11/2011 có 55.585 người Việt Nam tại đây, trong đó có 37.497 người định cư (trvalý) và 18.088 người có thị thực cư trú khác. Ngoài ra, theo dự đoán có hàng nghìn người Séc gốc Việt.
Người Việt Nam tại CH Séc bắt đầu từ những năm 50 của thế kỷ trước, tiếp đó vào những năm 60, 70, 80 của thế kỷ trước là các thế hệ người Việt đến học tập và lao động tại Tiệp Khắc cũ. Người Việt Nam sinh sống liên tục tại CH Séc và cho đến nay có thể được tính đã có 3 thế hệ, trong đó, thế hệ thứ nhất của nhưng năm 50 và 60 có rất ít người còn sống. Thế hệ thứ hai là những sinh viên, học sinh học nghề, thực tập sinh và công nhân hợp tác lao động tại Tiệp Khắc cũ từ những năm 70, 80. Thế hệ thứ ba sinh ra và lớn lên tại CH Séc có thể được tính từ những năm 90 của thế kỷ trước. Có thể nói, cộng đồng người Việt Nam làm ăn, sinh sống, học tập và lao động tại CH Séc đã trải qua trên 60 năm và đã có ba thế hệ liên tục sống và gắn bó với CH Séc nơi được xác định là “quê hương thứ hai“ của mình.
Cách đây bốn năm, Hội người Việt Nam tại CH Séc đã đệ đơn lần thứ nhất lên Hội đồng Chính phủ CH Séc về dân tộc thiểu số nhưng chưa được Chính phủ xem xét giải quyết.

Ngày 16.9.2011 tại văn phòng chính phủ Séc, phó thủ tướng Karolina Peake (đảng VV) đã có buổi làm việc về vấn đề công nhận cộng đồng người Việt là dân tộc thiểu số tại Séc cùng với bí thư thứ nhất Đại sứ quán VN tại CH Séc Đinh Văn Hiển, chủ tịch Hội người VN tại Cộng hoà Séc Hoàng Đình Thắng, chủ tịch Hội người Séc gốc Việt Phạm Công Tú và đại biểu thường xuyên, đại diện cho Hội người Việt nam trong các phiên họp Hội đồng các dân tộc thiểu số của chính phủ Séc Dương Việt Dũng.
Chiều 8/2/2012, tại Hạ viện Quốc hội CH Séc, đại diện Đại sứ quán Việt Nam, ông Đinh Văn Hiển bí thư thứ nhất và Hội người Việt Nam tại CH Séc đã có buổi làm việc với với bà nghị sỹ Marta Semelová, thành viên Ủy ban các vấn đề xã hội và Giáo dục của Hạ viện. Nội dung của buổi làm việc là thảo luận một số vấn đề về hội nhập của cộng đồng người Việt Nam, trong đó tập trung bàn luận về thủ tục, các bước tiến hành việc đề nghị Chính phủ và Quốc hội CH Séc xem xét công nhận dân tộc thiểu số của cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc.

Hai ông Nguyễn Duy Nhiên và Trần Việt Hùng thay mặt Hội người Việt Nam cho rằng nguyện vọng chính đáng của toàn thể (?) bà con cộng đồng người Việt hiện đang làm ăn, sinh sống, học tập và lao động tại đây là rất mong muốn được Chính phủ và Quốc hội CH Séc xem xét sớm quyết định công nhận và được hưởng qui chế về dân tộc thiểu số tại CH Séc.
Nghị sỹ Marta Semelová (thành viên đảng cộng sản Séc – Morava, chủ tịch chi hội đảng Cộng sản tại Praha) đã đánh giá cao sự cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo của các thế hệ trước của người Việt và đặc biệt là con em người Việt sinh ra và lớn lên tại CH Séc ngoan, học giỏi và cần có điều kiện để hội nhập vào xã hội Séc. Bà khẳng định sự có mặt của cộng đồng người Việt tại đây trong những năm trước đây và hiện nay ít nhiều cũng đã có những đóng góp tích cực cho xã hội Séc, đồng thời họ cũng là nhịp cầu nối tình hữu nghị truyền thống từ lâu đời giữa hai dân tộc Séc - Việt. Bà hứa sẽ đưa sớm vấn đề này ra xem xét tại kỳ họp Quốc hội và chính phủ.
Dân tộc thiểu số
Qui chế dân tộc thiểu số đem lại nhiều cái lợi cho cộng đồng người Việt nhưng lại là ngánh nặng tài chính cho nước sở tại. Quá trình để được công nhận là dân tộc thiểu số vì thế không hề đơn giản. Những phát biểu tốt đẹp của các chính trị gia về cộng đồng Việt chưa hứa hẹn gì cả và cái chính để quyết định điều này lại là sự hội nhập của cộng đồng.
Nhiều hoạt động bề nổi như văn hóa, thể thao do cộng đồng tổ chức hay kết quả học tập của thế hệ trẻ vẫn chưa đủ cho tiêu chuẩn hội nhập. Người Việt có hòa nhập thật sự, tôn trọng luật pháp nước sở tại trong cuộc sống và kinh doanh hàng ngày hay không mới là câu hỏi cần câu trả lời.
Người Việt cho đến nay vẫn còn vi phạm nhiều qui định luật pháp trong kinh doanh và chưa tôn trọng phong tục tập quán. Các vườn cần sa, mạng lưới ma túy pervitin tại Séc đang dần dần được thống trị bởi một số băng đảng người Việt. Theo thống kê của bộ Tư pháp Séc, tính đến 11/2011, trong số 1728 người nước ngoài bị giam tù, người Việt Nam đứng thứ 2 với 322 người (18,6%), trong khi đó năm 2010, số tù nhân Việt Nam chỉ là 196 người (12%). Như vậy, số tù nhân người Việt tại Séc trong năm 2011 tăng thêm đáng kể và chủ yếu liên quan đến tội phạm hình sự.

Loạt bị cáo người Việt trong phiên tòa xét xử liên quan đến ma túy, ảnh: čt.
Việc nộp đơn đề nghị công nhận cộng đồng người Việt là dân tộc thiểu số tại Séc do Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc vào thời điểm này chưa chắc đã phù hợp. Cộng hòa Séc hiện nay đang trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế chung, vấn đề người Digan nóng bỏng và những vết bẩn trong cộng đồng người Việt tại đây còn quá nhiều. Nộp đơn và vận động hành lang của các hội công dân người Việt với sự tham gia của Đại sứ quán liệu có góp thêm sức mạnh cho cộng đồng hay chỉ thêm sự quan ngại của các chính khách nước sở tại?
Việt Nam và Séc nằm trong hai hệ thống chính trị khác nhau. Hoạt động vận động với sự tham gia của cơ quan đại diện cũng có thể đưa ra suy luận sai lệch về sự lãnh đạo “triệt để” của nhà nước Việt Nam lên cộng đồng người Việt trong xã hội dân chủ Séc.
Minh Đức - Vietinfo.eu