Người Việt trong báo cáo 2009 của Trung tâm bài trừ ma tuý Séc
![]() |
Cuối quí một, Trung tâm bài trừ ma tuý quốc gia đã cho công bản báo cáo thường niên về tình hình công tác, những nhận định đánh giá của cơ quan này trong năm 2009. Theo đánh giá của bản báo cáo này, thì tình hình liên quan tới vấn đề gọi là “indoor“-canh tác cần sa bằng vườn nhân tạo vẫn tái diễn theo chiều hướng đáng lo ngại. Trong phần sơ lược, chúng tôi chỉ quan tâm chủ yếu đến giới hạn liên quan tới người Việt Nam.
Phần nói về chất ma tuý tổng hợp metamfetamine, theo báo cáo thì sản phẩm này trên thị trường CH Séc có chất lượng cao, mức độ sạch của nó lên tới 70-80%. Chế xuất loại ma tuý này chủ yếu là người Séc, nhưng cảnh sát cũng đã thu giữ được tang vật trong đó có cả hướng dẫn điều chế metamfetamine bằng tiếng Việt Nam. Việc bán lẻ thứ ma tuý này cũng chủ yếu là người Séc. Song người Việt Nam cũng tham gia buôn bán metamfetamine, nhưng thường là “tiện thể“ phối hợp với các hình thức tội phạm khác.
Loại ma tuý heroine được nhập khẩu vào CH Séc phần lớn trong các bưu kiện, và nặng nhất không vượt quá 10 kg. Với heroine, CH Séc không chỉ là đích đến mà còn là vùng trung chuyển thông qua “con đường Balkan“ sang các nước Tây Âu. Tại CH Séc, hoạt động vận chuyển, buôn bán chủ yếu nằm tronámự điều khiển của những băng đảng tội phạm người Albani, việc phân phối bán lẻ cấp thấp hơn nữa thì cả người Digan và Việt Nam cũng tham gia.
Trong năm 2009, vấn nạn cần sa nhân tạo vẫn phát triển với chiều hướng đáng lo ngại. Theo bản báo cáo, thì lợi nhuận từ cây sợi gai dầu này sau khi được chế biến thành ma tuý marihuan là vô cùng lớn. Tại CH Séc một kg marihuan được bán với giá khoảng 60 nghìn korun, nhưng khi mang được ra thị trường nước ngoài, thì giá cả giao động ở mức 4 nghìn euro/kg. Bản báo cáo khẳng định, tại CH Séc tham gia vào hoạt động canh tác cần sa nhân tạo chủ yếu là người Việt Nam (chiếm khoảng 80% những vụ đã bị cảnh sát phát hiện). Phần lớn các đối tượng này là những thành phần trước đó từng hoạt động tội phạm với hình thức khác, như sản xuất thuốc lá lậu, làm tem thuế giả...
Cơ cấu tổ chức của các băng nhóm canh tác cần sa có nét đặc trưng. Trực tiếp có mặt, làm nhiệm vụ chăm sóc cây là những nông dân “lớp dưới“, đại đa số họ là người Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại CH Séc, bị truy nã hay truy tố (cả từ các nước châu Âu khác) vì nhiều tội phạm, thành phần này thường hoàn toàn không biết tiếng Séc. Nhưng “nông dân“ này thường nằm tại vườn trong suốt thời gian sinh trưởng của cây, và nhiều khi là qua nhiều vụ trồng liên tục. Sự có mặt của họ ngoài việc chăm sóc cho cây phát triển còn vì lí do bảo vệ đề phòng trộm cắp của những nhóm trồng cây hay buôn bán ma tuý khác.
Những “nông dân“ này được tầng lớp người Việt Nam khác qua lại “thăm hỏi“, tiếp tế lương thực thực phẩm và cây giống, phân bón. Việc thu hoạch lại do bộ phận người Việt Nam khác đảm nhiệm, sau đó đồng thời làm nhiệm vụ phân phối. Toàn bộ các quá trình hoạt động này do những người Việt Nam khác điều khiển,tổ chức, đầu tư...Thường thì những nhóm thành phần này không quen biết nhau, và điều chắc chắn, là “nông dân“ không được biết đến người tổ chức chính.
Từ phương diện cảnh sát, thì việc điều tra, thống kê lập hồ sơ tài liệu để xác minh, vạch trần hoạt động canh tác cần sa là hết sức phức tạp vì cơ cấu tổ chức lắt léo này, chứng minh mức độ phạm tội của từng đối tượng hay cả nhóm tổ chức để truy tố là vô cùng khó khăn.
Cảnh sát cũng đã nắm được một số biểu hiện cho thấy, các băng nhóm người Nga đã tổ chức đưa marihuan từ CH Séc sang Nga.
Địa bàn hoạt động
Diễn biến trong lĩnh vực tội phạm hình sự ma tuý tại Praha đã và đang nổi lên hoạt động của các nhóm tội phạm nói tiếng Việt, tổ chức sản xuất và buôn bán marihuan. Đã nắm được biểu hiện những băng nhóm này đang nỗ lực vươn tay sang phân phối ma tuý tổng hợp (metamfetamine). Người Việt Nam thường hoạt động kín đáo, hướng chủ yếu vào trong cộng đồng của mình và chính vì lí do này nên tính phức tạp về thời gian, chi phí để theo dõi điều tra lập hồ sơ các vụ án rất cao.
Trên địa bàn Praha, hoạt động của các vườn cần sa nhân tạo đã có chiều hướng giảm, “chỉ“ còn được làm trong các căn hộ hay cùng lắm là nhà riêng. Các vườn cần sa thực sự lớn đã không còn trên địa bàn Praha, mà lan rộng khắp toàn quốc.
Tại khu vực Tây Séc, những địa bàn phức tạp nhất là Plzeň, Karlovy Vary, Cheb và Sokolov. Chiều hướng phát triển tiêu cực là sự tham gia trở nên phổ biến của người Việt Nam vào việc buôn bán ma tuý, chủ yếu là marihuan, metamfetamine và heroine. Tại nhiều nơi có thể nói là người Việt Nam đã chiếm lĩnh thị trường ma tuý và đánh bật dần các đối thủ cạnh tranh khác.
Trong năm 2009, trên địa bàn tỉnh Bắc Séc ghi nhận chiều hướng cộng đồng người Việt Nam tham gia tương đối phổ biến vào hoạt động canh tác cần sa.
Tại Brno và vùng Nam Morava, việc bán lẻ heroine chủ yếu là do người Việt Nam và Digan thực hiện. Nhưng các băng nhóm người Việt Nam không chỉ điều hành việc phân phối heroine trên địa bàn tỉnh này, mà các nhóm Việt Nam có tổ chức đã lan tràn hoạt động trên toàn lãnh thổ CH Séc. Đã có sự liên kết giữa người Việt Nam với những đối tượng từ Nam Tư cũ đóng vai trò nhà cung cấp và người Digan là chi nhánh bán lẻ cuối cùng. Chất lượng heroine của nhóm chân rết này thường rất kém.
Các nhóm tội phạm người Việt Nam tại Brno cũng đã bắt đầu tham gia canh tác cần sa với mức độ lớn và buôn bán metamfetamine.
Trong năm 2009, đã có 131 công dân Việt Nam tại CH Séc bị bắt giữ vì liên quan tới các tội phạm ma tuý, đông nhất trong số các nghi phạm người nước ngoài. Công dân CH Séc có 2114 đối tượng.
David Nguyen lược dịch