Những giấc mơ từ tiệm tạp hóa
![]() |
Ảnh minh họa. Nguồn internet |
Người Nam Hàn tại miền Nam Los Angeles đã từng sở hữu ba phần tư các tiệm bán hàng – cho tới khi tất cả đều bị cháy rụi. So Yun Um đã lớn lên từ một trong các tiệm đó, nhưng cô không muốn để mình bị nuốt chửng cả trong ngọn lửa, cả trong cơn giận bấy giờ thường bùng nổ mọi nơi tại đó. Thay vào đó, cô vớ lấy camera và quay Những giấc mơ từ tiệm hàng. Bộ phim như một liều thuốc đã thay đổi cuộc sống không chỉ riêng gia đình cô, hiện nó đang được chiếu tại Liên hoan phim Một thế giới.
Cha tôi không bao giờ muốn có súng. Một khi cơn giận bao trùm toàn bộ không gian tiệm hàng, bạn chẳng thể biết, chuyện gì sẽ xảy ra.
“Tại sao con phải lăn ra làm trong tiệm nhà mình khi mà các bạn bè khác của con cũng là người Hàn lại không phải làm? Tại sao cha mẹ họ lại nói tiếng Anh, lại làm việc nơi văn phòng rồi chiều chiều được ở nhà? Không lẽ chỉ có mình con phải sống cảnh này sao? Chỉ mình con cảm thấy sự khác biệt này hay sao?”
Cô bé trong bức hình mặc bộ váy truyền thống hanbok của người Hàn, cô mang chiếc mũ có những đồng tiền vàng và trước mặt cô là một bàn đầy ắp các loại hoa quả. Cô bé khoảng một tuổi, song giọng nói đang kể cho tôi về bức hình là giọng nói của một phụ nữ đã trưởng thành: “Đây là tôi, So. Đứa trẻ từ tiệm hàng. Nhưng tôi ấp ủ những giấc mơ thật lớn”
Đây là bài phỏng vấn về những giấc mơ, về nỗi sợ hãi và sự hòa giải....
Cô bé trong bức hình nay đã hơn 30 tuổi. Chị là So Yun Um, chị đã quay một bộ phim rồi mang phim đó tham dự các Liên hoan phim quốc tế và (một cách xứng đáng) đang thu gặt hết các đánh giá ngợi khen này đến ngợi khen khác. Những giấc mơ từ tiệm hàng là một câu chuyện gia đình đầy riêng tư, mà cũng là bức họa lớn mang tính lịch sử về dân di cư gốc Hàn tại Los Angeles. Nó cho người ta thấy cả nỗi đau và sự thấu cảm. Không chỉ giữa những người thân, nhưng cả giữa những người khác màu da sắc tộc – dường như sẽ thoải mái hơn, nếu như chẳng cần phải nói tới những điều như chủng tộc.
Nếu tới rạp xem Những giấc mơ từ tiệm hàng – Liên hoan phim Một thế giới đang mang đến một cơ hội như vậy – thì có thể bạn sẽ thấy những gì chính bạn đang biết rất rõ, mặc dù miền Nam Los Angeles và CH Séc cách nhau cả ngàn kilomet. Đó là hình ảnh các ông bố bà mẹ vật lộn tới tận khuya cả bảy ngày trong tuần để con cái mình không phải làm điều đó. Ở đây thì người Việt, bên kia bờ Đại Tây Dương thì người Hàn. Các khuôn nếp và sự xa cách, song cả sự thông cảm giữa các bên, không phải đều có chung cội rễ hay sao?
Vậy mà chưa bao giờ Khu phố Hàn của chúng ta bị thiêu rụi như từng xảy ra tại Los Angeles trong thời bạo loạn mùa xuân năm 1992. Ở Séc đây, những người chủ cửa hàng người Việt chưa từng xuống đường súng trong tay rồi nhả đạn. Phụ nữ Việt bán hàng cũng không bắn trẻ da đen vô tội nào. Mọi kỳ vọng, mọi hy vọng không thành, những khởi sự mới và thất bại mới, hiểm họa và tình yêu và sự hy sinh bản thân, tất cả “sự hổ nhục và tức giận mà tôi cảm nhận khi lớn lên trong tiệm bán hàng của cha mẹ, đã thôi thúc tôi quay thành phim cảnh sống của gia đình tại nơi này”.
**
Nhìn bức ảnh cô bé mặc bộ váy áo hanbok, tôi chợt nhớ một tục lệ truyền thống mà ngày nay nhiều gia đình người Hàn vẫn còn giữ. Dịp con cái họ tròn một tuổi, họ đặt con ngồi trước bàn có bày đủ các vật dụng như bút viết, tiền, bánh vv… rồi quan sát con mình sẽ nhặt vật gì đầu tiên, vật này sẽ xác định tương lai và nghề nghiệp của con. Chị đã nhặt vật gì vậy?
Tôi nhặt cây bút. Tức là tôi sẽ là người viết hoặc sẽ là người kể lại câu chuyện của mình. Cha mẹ tôi sau đó có kể lại rằng toi chơi với cây bút suốt ngày mà không chịu buông tay. Cha mẹ sợ tôi bị đau sao đó, như bị bút đâm vào mắt chẳng hạn, nhưng rồi vẫn để tôi chơi.
Đôi mắt của chị vẫn nguyên vẹn, tức là bút không gây hấn gì. Nhưng cha mẹ chị có nghĩ vậy không? Đầu phim chị có hỏi cha mình, xem ông nghĩ gì về việc chị trở thành nhà làm phim. “Thật lòng ư? Bố những muốn con có công việc gì đó đáng tin tưởng hơn. Bố lo là con làm một việc thật khó”, đó là câu trả lời của người làm việc 15 tiếng đồng hồ trong tiệm hàng cả 7 ngày trong tuần trong suốt hai mươi năm. Ông nghĩ gì khi nói tới công việc đáng tin tưởng hơn nhỉ?
Một việc gì đó ổn định, là nơi được trả kha khá tiền. Lý tưởng nhất là làm luật sư hay là một nhà nghiên cứu với được một chỗ tử tế ở trường Đại học Tổng hợp. Một tương lai sáng lạn. Việc làm phim thì lúc lên, lúc xuống và chắc chắn nó không ổn định về mặt tài chính.
Khi cha chị đi lấy hàng cho cửa hàng, một người bán hàng người Hàn tại siêu thị đã vui vẻ nói với ông: Tôi thấy trên báo có bài viết thật dài về con gái bác! Cô ấy rồi sẽ là ngôi sao Holiwood! Ông trả lời vẻ ngượng ngập: đâu có đâu! Nhưng có thể thấy ông thật tự hào về chị…
Chị có lý, song tôi tự nhủ, liệu cha sẽ nghĩ như vậy khi công việc của tôi không mang lại thành công đến thế? Dẫu sao thì đúng là như vậy đó, nhất là sau các phản hồi tích cực đối với Những giấc mơ từ tiệm hàng. Mọi người đi xem phim rồi chia sẻ với cha, bộ phim tác động tới họ ra sao, và có ý nghĩa gì đối với họ. Còn ông thì ghi sâu trong lòng mọi chia sẻ ấy. Tôi nghĩ, hiện ông rất mừng rằng tôi đã không vâng lời ông, khi ông từng thuyết phục tôi bỏ phim.
“Cảm ơn chị đã quay bộ phim này và chia sẻ câu chuyện của mình cũng như của Danny. Đối với tôi, câu chuyện thật vô cùng xúc động và nó buộc tôi phải suy nghĩ về các trải nghiệm của mình. Mà tôi cũng thấy tự hào cới nguồn gốc Hàn-Mỹ của mình. Có lẽ lần đầu tiên trong đời, mà là sau 44 năm, và là điều đáng nói. Một lần nữa cảm ơn chị và chúc chị một sự nghiệp lâu bền – cả trong lĩnh vực phim ảnh, cả trong việc làm cuộc đời người ta biến chuyển” (khán giả Suzi từ Sanfransisco)
Chúng ta sẽ nói thêm câu chuyện của Danny, bởi vì cả câu chuyện ấy cũng làm tôi xúc động, rốt cuộc thì toàn bộ bộ phim cũng vậy, mà tôi thì xuất thân từ một gia đình đã hàng thế hệ trú ngụ tại một quốc gia cố định. Song đồng thời, quốc gia ấy cũng phản ánh nhiều điều được nói tới trong phim của chị. Chị và Danny bạn chị là “những đứa trẻ từ tiệm bán hàng”, tức là con cái của những người nhập cư sang Hoa Kỳ từ Nam Hàn. Cộng hòa Séc là quê hương của những đứa “trẻ chuối”, con cháu của những người Việt di cư tới Đông Âu. Chị làm bộ phim Những giấc mơ từ tiệm hàng, tại CH Séc đây, Dusan Duong, một người thuộc thế hệ của chị đã quay bộ phim Bố Hải, trong đó anh đã ghi lại hình ảnh cha mình và chính anh trong một tiệm bán hàng, hệt như bộ phim của chị. “Trẻ chuối” là những người bên ngoài thì “vàng” và bên trong lại “trắng” – và là đứa trẻ từ tiệm bán hàng. Tên gọi này có ý nghĩa gì với chị chăng?
Tôi được biết tới tên gọi này lần đầu tiên là từ một người bạn, tôi thấy nó thật thích hợp. Bạn là đứa trẻ luôn làm bài tập tại tiệm hàng. Luôn phụ việc mỗi khi cần. Luôn có mặt ở đó suốt vì cha mẹ bạn ở đó trong toàn bộ khoảng thời gian của họ.
Lớn lên tại tiệm hàng – nhưng không phải là một tiệm hàng vô thưởng vô phạt nào đó. Tiệm hàng này (nguyên bản tiếng Anh Liquor store, chuyên bán đồ uống có cồn) không giống với các tiệm tạp hóa. Người ta mở cửa chỉ vì một số đối tượng khách hàng nhất định và các giao tiếp nhất định. Ví dụ, cửa hàng nào cũng có thể bị cướp tấn công, nhưng mức độ rủi ro ở đây hẳn là cao hơn.
Có lẽ không phải tình cờ mà trong phim, tấm kính quanh quầy đạn bắn không thủng…
Không, chắc chắn là không. Và một khi người ta trải qua tất cả những điều này lúc nhỏ, thì nó sẽ len vào mọi khía cạnh trong tính cách, định dạng của họ, nó tìm cách gây ảnh hưởng tới cách họ sử xự với người khác. Họ đã trải qua và chứng kiến bao điều mà lẽ ra không nên chứng kiến khi còn là đứa trẻ.
Và là những điều làm nặng đầu cả cha mẹ họ. Mà không có thời gian để nói, để xử lý điều này, bởi phải phục vụ trong tiệm. “Ngày nhỏ, cái Tivi đã trông tôi”, chị từng nói như vậy trong phim. Rằng chị thường sợ hãi và tức tối giận. Chị kể thêm về điều đó được không?
Giai đoạn trưởng thành là quãng thời gian khó khăn cho tất cả mọi người. Nhưng như chị nói đấy, cha mẹ không có thời gian nói chuyện với tôi, vì thế tôi phải tự sắp xếp mọi thứ sao đó trong đầu mình.
Tôi có một đám bạn, tất cả đều là người Hàn, nhưng đồng thời chúng tôi mới khác nhau làm sao! Tôi lớn lên tại một quận, mà khoảng một nửa dân cư ở đó là người châu Á, một nửa kia là người da trắng, một vùng ngoại ô, nơi chẳng có gì để làm, thế là tụi trẻ cuối cùng lang thang ngoài đường và tụ tập các kiểu, đơn giản là nặng nề và cơn tức tối cứ thế cuốn theo sao đó. “Tại sao tôi phải lăn ra làm trong tiệm nhà mình khi mà các bạn bè khác của tôi cũng là người Hàn lại không phải làm? Tại sao cha mẹ họ lại nói tiếng Anh, lại làm việc nơi văn phòng rồi chiều chiều được ở nhà? Không lẽ chỉ có mình tôi phải sống cảnh này sao? Chỉ mình tôi cảm thấy sự khác biệt này hay sao?”
Sự thật là trong 30 năm qua đã có nhiều thay đổi xảy ra. Cuối những năm 80, người Nam Hàn tại miền Nam Los Angeles đã từng sở hữu ba phần tư các tiệm bán hàng; khi bộ phim của chị ra đời thì đó không còn là thực tế. Nhưng hãy tiếp tục ngồi lại với quá khứ một lát, tại thời điểm khi những dạng người kiểu “gã bán hàng người Hàn điên dại” xuất hiện, như trong bộ phim Rơi tự do của Michael Douglas, khi mà truyền hình nói về những người Mỹ gốc Hàn như các bạn với những ngôn từ kiểu “cái lũ nực cười, chỉ dùng được một lần”. Tôi không muốn nhắc tới những cách nói lạ kỳ thường gặp khắp nơi vậy. Nhưng thế nào mà những bấy nhiêu người Hàn đã mở tiệm sau khi tới Hoa kỳ thế này?
Cả bộ phim của tôi cũng đề câp tới câu hỏi này. Tôi mất khá nhiều thời gian để tìm hiểu và thường là tình cờ mà khám phá được – chị có nhớ John Lee, ông bí thư của Liên đoàn các thương gia ngành thực phẩm tại chi nhánh California? Ông ấy luôn nói với những người nhập cư một câu bất hủ rằng “người đón các vị tại sân bay sẽ quyết định về công việc của các vị”. Người đó sẽ dẫn chị vào môi trường quen thuộc của mình và chị sẽ làm hệt như thế.
Song nó cũng không phải là một sự tình cờ đến vậy. Chúng ta đã nhắc tới vụ bạo loạn tại Los Angeles hồi 1992, những vụ này được cả thế giới biết đến rộng rãi, song từ 1965 Los Angeles đã trải qua một làn sóng biểu tình khác, nổ ra là bởi sự tàn bạo của cảnh sát do các yếu tố sắc tộc.
Làn sóng đó mang tên cơn lốc từ Watts, vốn là tên một quận tại Los Angeles. Ngòi nổ của sự việc là vụ xung đột xảy ra vào tháng 8 năm 1965 giữa một bên là cảnh sát, và bên kia là một người Mỹ gốc Phi tên là Marquett Fryer; vụ này bùng lên thành một cuộc chiến trên đường phố kéo dài trong 6 ngày, làm hơn 30 người bỏ mạng và hơn ngàn người bị thương.
Đây là xung đột lớn nhất trên các con phố Los Angeles, trước khi nổ ra sự kiện hồi cuối tháng 4, đầu tháng 5 năm 1992, mà được gọi là cuộc bạo loạn của Rodney King. Quyết định của phiên tòa xóa án cho một nhóm cảnh sát, những người đã hành hung dã man một người Mỹ gốc Phi tên là Rodney King, khiến các cơn bão lớn nổ ra trên đường phố. Hồi đó, hơn 60 người đã bỏ mạng, thiệt hại về tài sản lên tới hơn một tỉ đô la.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính của cả hai sự việc, cũng như đợt biểu tình Black Lives Matter trong thập kỷ trước, chính là sự kỳ thị chủng tộc. Sự kỳ thị này không chỉ giữa người da trắng và người Mỹ gốc Phi. Cả người Mỹ gốc Phi và người châu Á cũng đầy định kiến, kỳ thị sâu sắc với nhau.
Việc Rodney King bị hành hung tới chết không phải là ngòi nổ duy nhất cho các bạo loạn xảy ra trong năm 1992. Ngòi nổ thứ hai là cái chết của một cô bé 15 tuổi người Mỹ gốc Phi tên là Latashy Harlins, cô này đã bị một người phụ nữ Hàn tên là Soon Ja Du bắn chết ngay trong tiệm của mình, bởi theo lời khai, cô này đã ăn cắp một chai nước cam. Theo như những người làm chứng, Ja Du đã khai man, dẫu vậy người phụ nữ này chỉ bị án treo. Bà chánh án lập luận rằng Ja Du không giống một kẻ giết người. Quyết định này của tòa gây bất bình, một phần của sự bất bình ấy đã đổi hướng và nhắm vào các tiệm hàng của người Hàn.
Hơn 2300 cửa hàng của người Hàn đã trở thành đối tượng bị cướp bóc và bạo hành, khi đó cảnh sát chỉ bảo vệ người Hàn cho lấy lệ. Ngược lại thì những người Hàn đã nhanh chóng thành lập một đội ngũ tự vệ linh hoạt, và có vũ trang. Truyền hình bắt đầu phát những đoạn phim nổi tiếng quay cảnh hai thương nhân người Hàn bắn chỉ thiên về hướng những người cướp phá. Người Hàn đã tự vệ, họ không phải là kẻ nổ súng đầu tiên, và họ làm như vậy chỉ bởi vì cảnh sát đã không phản ứng trước lời kêu cứu của họ.
Thiệt hại tại Coreatown lên tới hơn 400 triệu đô la. Đối với cộng đồng Nam Hàn tại Los Angeles, sự kiện mang tên Saigu này (tiếng Hàn có nghĩa là “bốn-hai-chín” tức là 29/4, ngày nổ ra sự kiện) là một bước ngoặt khiến họ, ngoài một số thay đổi khác, đã tích cực hơn trong việc tham gia vào cuộc sống công cộng, chính trị và các phong trào xã hội.
Vậy thì chuyện gì đã xảy ra sau cơn lốc từ Watts và năm 1965?
Rất nhiều người đã đi khỏi đây, nhất là các cư dân da trắng và các thương nhân. Rồi những người Hàn xuất hiện lấp đầy các khoảng trống, đó là làn sóng nhập cư lớn đầu tiên sau thế chiến. Họ tìm việc làm và tìm thấy chỗ trống trong thị trường, nơi họ có thể có phát huy khả năng rồi họ lại dẫn tiếp những người khác tới và cái vòng xoắn cứ thế tiếp diễn.
Tôi nghĩ, chính bối cảnh này đã dẫn cha tôi tới đây – đây là công việc không quá khó khăn để người ta nhảy vào làm. Và là công việc kiếm ra tiền. Chắc chắn là phải làm như trâu như ngựa và có thể khá nguy hiểm, nhưng đó là một sự rủi ro cần thiết.
Năm 1992, chị chưa được 2 tuổi, nhưng những ai còn nhớ giai đoạn đó, sẽ kể như thế nào về mùa xuân 1992 nhỉ? Chị có bao giờ trò chuyện với cha mẹ về điều này?
Hiếm ai bỏ xứ sở ra đi mà không có lý do thực sự. Sau chiến tranh Triều tiên, khá nhiều người Hàn đã bỏ ra đi, tìm hy vọng và tìm cả những gì mà họ có thể gọi là “của mình”. Đồng thời, họ mang trong mình một lòng tự hào nhất định mà theo tôi, có liên quan cả tới giai đoạn bị Nhật chiếm đóng – tôi nghĩ, người Hàn tự hào vì họ là người Hàn, cả vì danh tính của họ đã bị đe dọa trong một thời gian khá dài. Điều này có nguồn gốc lịch sử.
Song đồng thời, phần lớn họ tới Los Angeles mà hoàn toàn không biết tới lịch sử của người Mỹ gốc Phi, những người đã sống ở đó trước cả họ. Không biết lịch sử của sự tàn bạo ấy (không chỉ) của cảnh sát.
Thêm nữa, ngay từ đầu Nam Hàn đã chịu ảnh hưởng của một cường quốc lớn là Hoa Kỳ và đó là ảnh hưởng của người Mỹ trắng. Định kiến đối với người da đen phát sinh một phần bởi không biết, một phần là do các định kiến đã có từ trước, thường là trước cả khi đi khỏi Hàn quốc. Và rồi khi tới đây, họ vấp phải rào cản ngôn ngữ, vấp phải các văn hóa khác biệt và đó thực sự là rất khó khăn.
Sự kiện hồi mùa xuân 1992 không phải tự nhiên từ trên trời rơi xuống, trước đó đã có hàng năm dài thiếu cảm thông lẫn nhau, với nhiều oan ức, đụng độ ở cả hai bên. Và đầy thất vọng, oán giận. Vụ giết Latashy Harlins rốt cuộc chỉ là ngòi nổ.
Chị có cho rằng, nếu diễn ra thời nay, phiên tòa ấy sẽ có kết cục khác?
Tôi cho rằng lúc bấy giờ chính định kiến của nữ thẩm phán đã có ảnh hưởng rất lớn tới quyết định này. Định kiến đối với cả hai bên. Bởi vì nếu không phải vậy thì quyết định của bà ấy thật phi lý, và sự phẫn nộ mà nó gây nên, là hoàn toàn chính đáng.
Tôi thắc mắc bởi trong vài năm cuối đây, tại Hoa Kỳ người ta để ý nhiều hơn tới người Mỹ gốc Á – nhất là những người gốc đông Á. Mặc dù không được thừa nhận, song giải Oscar cũng cho thấy đề tài này trên bình diện chính trị.
Tôi hiểu những ai không phải là người Hoa Kỳ và ngạc nhiên, tại sao người Mỹ suốt ngày quay đi quay lại với các đề tài chính sách, chủng tộc vv… về mặt bản sắc căn cước. Có điều là chạy đâu cũng không thoát được nó. Tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống của chúng tôi đều liên quan mật thiết tới đề tài này. Nó quyết định từng câu trả lời, từng địa điểm, nơi chúng tôi cư ngụ.
Tôi những muốn trả lời chị, rằng ngày hôm nay phiên tòa có thể sẽ có kết cục khác, tôi hy vọng vào điều này. Song thật tình thì sao? Tôi không chắc chắn.
Người châu Á có lẽ đan thắng các giải Oscar, nhưng họ cũng là nạn nhân thường xuyên hơn trong các cuộc tấn công trên đường phố. Họ làm chúng tôi nổi tiếng trong lĩnh vực nghệ thuật, song điều đó không phản ảnh thực tế cuộc sống.
Dẫu vậy tôi vẫn muốn hy vọng rằng phiên tòa ngày hôm nay sẽ khác. Cũng nhờ mạng xã hội mà người ta có tiếng nói và nó được lan tải xa hơn, so với việc bạn sẽ đi biểu tình ngay trước tòa án.
Nhưng chính bạn đã nhắc tới sự bạo hành trên đường phố. Không có vẻ như sự oán giận, thất vọng mà chúng ta vừa nói đến, đã tan biến.
Có lẽ nó sẽ phụ thuộc vào việc mỗi người chúng ta sẽ quyết định làm gì. Ví dụ như cha tôi không muốn có vũ khí. Thậm chí không muốn gần súng đạn, chứ không nói gì đến sở hữu. Tôi không muốn có súng trong tay, ông hay nói vậy, vì không ai có thể biết, sẽ có chuyện gì xảy ra.
Tôi hiểu cha. Tiệm bán đồ có cồn đôi khi đầy sự cuồng nộ. Đôi khi, những người khách đầy tức tối cứ lần lượt theo nhau vào, và họ chất mọi cơn bực dọc ấy lên chúng tôi. Rồi họ đi, rồi họ hết giận, và bạn phải ngồi lại với cơn giận dữ, bạn không thể cho phép mình đóng tiệm, rồi đi đâu đó xả giận.
Khi tôi bán tại tiệm, chuyện này thường xuyên xảy ra với tôi, tôi chẳng ưng chút nào những gì xảy ra với mình, song tôi có thể bỏ đi, nhưng cha tôi thì không.
Chị từng nói: “cuộc sống trong tiệm bán đồ có cồn đã để lại dấu ấn nặng nề cho tất cả chúng tôi, cả từ góc độ gia đình, nhưng nhiều nhất là đối với cha tôi”. Được biết là các bạn thường xuyên tranh cãi, rằng mỗi người nhìn cuộc sống một khác. Có thể gặp trong phim một trong những lần to tiếng ấy, khi chị bắt gặp bản tin thời sự về buổi biểu tình sau cái chết của George Floyd và bạo lực bùng phát tại một số nơi. Cha của chị lại nghiêm hơn, ông không thông cảm với sự bùng nổ ấy. Chị phản đối cha và chị nhắc tới những khuynh hướng ngầm phát triển trong xã hội mà từ đó bạo lực phát sinh, song cha chị vẫn cho rằng đó là không thể tha thứ.
Chị có nói rằng, rất nhiều người nhập cư Nam Hàn không biết tới khuynh hướng ngầm đó. Song chứng kiến tranh cãi này tôi chợt nghĩ, mà không phải là lần đầu tiên, rằng người ta phải biết tới sự bạo hành của cảnh sát từ ở Hàn quốc chứ. Ách thống trị của Nhật, rồi tới chế độ quân sự độc tài trị, các nhà tù của an ninh mật vv.. Các nước khác nhau có lịch sử khác nhau, song cùng có kinh nghiệm với sự đàn áp. Các bạn có bàn luận về những chuyện đó ở nhà?
Cảnh tranh cãi đó là lần đầu tiên khi tôi nói chuyện với cha về một điều gì đó có liên quan tới màu da sắc tộc. Còn về sự tàn bạo thì chúng tôi chỉ nói đển việc này trong khía cạnh có liên quan tới thế hệ của cha, chứ không liên quan tới chính cá nhân cha.
Ví dụ như Bong Joon Ho (đạo diễn nổi tiếng với bộ phim Ký sinh trùng) từng nói, khi còn là sinh viên, anh đã xuống phố biểu tình, nhưng cha anh lại như từ một thế giới khác. Anh sinh ra trong một gia đình nghèo có tới 8 người con, anh như sống sót từ ngày này qua ngày khác, rồi sang Hoa Kỳ lúc khoảng 20 tuổi.
Anh không mấy quan tâm tới mấy vấn nạn bạo lực này. Thậm chí, anh còn mơ ước trở thành cảnh sát, hay là đi lính. Với anh, công việc này không liên quan tới bạo lực, anh chỉ thấy cơ hội được phục vụ cho đất nước, một nghề lương thiện và được tôn trọng. Bất kể mọi điều đã từng xảy ra tại Nam Hàn.
Trong khi đó thì… Lần tôi ở Island, tôi đang lái xe, bỗng dưng cảnh sát dừng tôi lại – tôi sợ hết hồn! Chị biết gì không? Họ chỉ muốn tôi biết là đèn xe của tôi không sáng. Họ đề nghị giúp được giúp tôi.
Cú sốc văn hóa, đúng không? Tôi nhớ, một người bạn từ Island có dạo đã kể cho tôi, ngày còn nhỏ, bạn ấy tới trường muộn. Bạn chạy như bay trên con phố vắng vẻ của Reykjavik và bỗng nhiên, một chiếc xe dừng bên cạnh và trong xe là Bà tổng thống! Thấy bảo người lái xe đã cho bạn ấy tới trường. Câu chuyện làm cả tôi cũng kinh ngạc, mà ở Séc những năm 90 thì khá hoang dại. Với người Mỹ thì hẳn đó là chuyện hoang đường.
Công nhận! (chị cười) Thật như từ thế giới khác vậy.
Thế còn thế giới của Danny thì sao? Cuối cùng chúng ta cũng nói tới anh: bạn chi, anh Danny Park, một đứa trẻ từ tiệm bán đồ có cồn, từ nhỏ đã mơ ước sẽ vào làm việc cho hãng Nike.
Và là đứa trẻ toại nguyện, khi lớn lên, anh đã chạy từ nhà mình ở L.A. tới vùng Portland cách đó gần 1600km, là nơi Nike đặt trụ sở. Anh chạy 45 ngày, với bản tiểu sử cá nhân trong túi, hàng ngày anh ghi lại tư liệu về hành trình của mình trên mạng xã hội, rồi khi chạy tới nơi, anh đã nhận được công việc mình hằng mơ ước. Gia đình tự hào về anh, Danny thì phấn chấn – song rồi cha anh mất.
Danny quyết định đi khỏi Nike và quay về với tiệm bán đồ có cồn. Nghĩa vụ với gia đình, chỗ dựa cho mẹ, nhưng cả một giấc mơ mới: cùng với mẹ, từ một tiệm bán đồ uống trên Skid Row, một trong những nơi ảm đạm nhất Los Angeles, Danny thiết lập môt trung tâm của một cộng đồng những người láng giềng và cùng giúp đỡ lẫn nhau. Họ mang đến cho người ta niềm hy vọng và cả công ăn việc làm, mà chẳng hề quan trọng màu da, chủng tộc và đã có quá khứ ra sao.
Một trong những cảnh cảm động nhất trong phim đã ghi lại nghi lễ của người Hàn dành cho người đã khuất, trước cửa hàng họ thắp hương cho cha của Danny, cho cả Latashy Harlins cùng nhiều người khác. Rồi tất cả cùng hát và nhảy múa, không còn là sắc dân nào, tất cả đều là hàng xóm.
Tôi nói thế này có thể hơi giàu cảm xúc, nhưng quả là như thế. Danny đã thực hiện được một trong những ước mơ của chị từ tiệm hàng: “là thế hệ (nhập cư) thứ hai, tôi luôn ao ước một tương lai, nơi các cộng đồng không đối chọi lẫn nhau, mà cùng đứng bên nhau và cùng hành động”. Có lẽ tôi không phải là người đầu tiên muốn biết, Danny hiện nay ra sao. Anh đã trải qua những thời điểm hết sức khắc nghiệt, thêm vào đó, quan hệ phức tạp với cha anh lại quay trở lại và đầy đau đớn; đoạn cuối phim có phần u tối. Tôi gần như không dám hỏi…
Chị đừng có ngại! May mắn là anh ấy khá ổn. Tiệm hàng giờ không còn mở vào những ngày chủ nhật, và là một thay đổi rất lớn, mà là tốt hơn – không ai nên làm việc cả 7 ngày một tuần, 6 ngày cũng là nhiều. Thế là bây giờ mọi người bắt đầu được nghỉ ngơi.
Có thể do không còn cách nào khác. Ai cũng biết, sống tại Skid Row là việc không đơn giản, ở đó hàng ngày có người chết trên phố, ở đó người ta phải đối mặt với biết bao vấn nạn… Danny biết, để có thể giúp đỡ được mọi người, anh phải chăm sóc cho cả bản thân, nếu không, không thể kham được. Và quả thật là anh rất cố gắng.
Đó vẫn là điều không hề dễ dàng, nhưng đã khả quan hơn rất nhiều.
Cha của chị giờ thế nào? Bộ phim kết thúc như chyện cổ tích vậy: cha mẹ chị từ lâu đã muốn bán tiệm hàng, để về nghỉ hưu và cuối cùng thì cũng bán được. Tức là một hồi chuông vang lên và họ sống hạnh phúc trọn đời?
Chị biết không, dường như nó là như vậy đó. Cha mẹ tôi giờ đang hưởng thụ tuổi hưu trí. Bố mẹ vẫn sống với nhau, cùng nhau đi dạo, cùng học hỏi làm cái này, cái khác khi mà chẳng có việc phải làm.
Trong lúc đó thì chị gái tôi sinh được hai đứa con, thế là cha mẹ thoải mái thời gian dành cho cháu, cha tôi cứ cách ngày lại sang trông cháu. Năm cuối cùng đây, sau khi phim Những giấc mơ từ tiệm hàng được công chiếu, cha mẹ cùng tôi tham dự các Liên hoan phim.
Chúng tôi có nhiều thời gian bên nhau hơn. Và chúng tôi cũng dễ dàng trò chuyện với nhau hơn, cởi mở với nhau hơn.
Nghe như thể lại một giấc mơ lớn từ tiệm hàng đã thành hiện thực vậy. Bộ phim của chị có tác dụng như một liều thuốc.
Hoàn toàn có thể nói như thế về bộ phim. Tôi khá tự hào về nó. Tôi làm bộ phim này vì biết rằng nó sẽ vượt qua cả cuộc đời các con của các con tôi, rằng những gì bộ phim đề cập đến sẽ chẳng biến khỏi cuộc sống loài người.
Tôi những muốn, làm sao để những ai xem bộ phim này, đều được chữa lành ít nhiều. Và làm sao để họ hiểu rằng họ không cần phải thấy mình đơn độc đến thế.
Theo denikn
Thanh Mai Nguyen chuyển ngữ