Séc: Tạm thời chưa áp đặt mức A2 cho người đề nghị vĩnh trú
![]() |
Ảnh minh họa. Nguồn: internet |
Sớm hay muộn, những người nước ngoài từ các quốc gia thứ ba khi muốn nhận được qui chế vĩnh trú sẽ phải chứng minh khả năng Séc ngữ ở mức A2. Qui định mới này lẽ ra đã bắt đầu áp dụng từ năm 2021, nhưng vì diễn biến dịch bệnh covid nên tạm thời trì hoãn.
Từ lâu, bộ Giáo dục đã kêu gọi thắt chặt và nâng cao yêu cầu khả năng Séc ngữ cho những người muốn giành được qui chế vĩnh trú, nhưng qui chuẩn từ năm 2009 đến nay vẫn chưa có gì thay đổi và duy trì ở mức A1, là mức cơ bản đơn giản nhất.
Theo kế hoạch, áp dụng qui định mức độ A2 bắt đầu thực hiện từ năm 2021, nhưng corona virus đã buộc thời điểm này phải lùi lại. Mặc dù vậy, bộ trưởng Giáo dục Robert Plaga (ANO) vẫn tính đến khả năng thực hiện trong năm nay, để những người ngoại quốc đến từ các quốc gia thứ ba khi nhận quyền vĩnh trú trên lãnh thổ CH Séc phải có khả năng Séc ngữ cấp A2.
“Không hiểu ngôn ngữ quốc gia định cư là một trong những trở ngại lớn nhất để hội nhập, bởi người ngoại quốc không đủ khả năng tự mình giao tiếp,” phát ngôn viên bộ Giáo dục Aneta Lednová tuyên bố. Đề xuất của bộ trưởng Robert Plaga hiện đang chờ Hội đồng Lập pháp Chính phủ xem xét.
Nhưng trên thực tiễn thì hiện nay nhiều người nước ngoài đã than phiền, rằng thủ tục sát hạch Séc ngữ không đơn giản, nhất là đối với những người mà ngôn ngữ mẹ đẻ không thuộc nhóm Sla- vơ, trong đó có các công dân từ Việt Nam. Mới đây thì thêm cả nhiều công dân Anh, mà hậu brexit đã bắt đầu bị liệt vào các quốc gia thứ ba, nếu muốn định cư tại Séc không thể tránh sát hạch ngôn ngữ. “Tôi đã sống ở đây tám năm và đã trải qua một kỳ sát hạch Séc ngữ thất bại. Mặc dù nhiều người gồm cả các công chức khẳng định không phức tạp, nhưng tôi không thể hiểu nổi một số câu hỏi, nhất là phần nghe thì tôi chịu,” chuyên viên lập trình 45 tuổi Peter chia sẻ với phóng viên tờ Lidové noviny.
Theo kinh nghiệm thực tế, thì khó nhất đối với người Việt là phần kiểm tra vấn đáp, nơi mà rất đông trong số họ thực sự bất lực. Trong khi đó, chính người Việt cùng với dân Ukraina chiếm số lượng đông nhất trong những người đề nghị cấp vĩnh trú. Mỗi năm có hàng nghìn người Việt đệ đơn “xin” vĩnh trú, nhưng tỉ lệ thất bại trong sát hạch lên tới khoảng 39 phần trăm.
Và chính thực tế đó làm bộ Giáo dục cảm thấy lo ngại. Bởi sau 5 năm tạm trú, là điều kiện tiên quyết buộc phải có để có thể chuyển sang vĩnh trú, thì lẽ ra người nước ngoài đã phải thạo Séc ngữ hơn. “Trong khuôn khổ EU chỉ có Pháp ấn định mức A1 tương tự như CH Séc, các quốc gia EU khác đặt yêu cầu cao hơn trong sát hạch dạng này,” phát ngôn viên bộ Giáo dục lưu ý đồng thời nhấn mạnh, là so với các quốc gia châu Âu khác qui chế vĩnh trú ở Séc mạnh hơn nhiều: “Người ngoại quốc với qui chế vĩnh trú có quyền tương đương với công dân Séc, ngoại trừ quyền bầu cử.”
Theo bộ Giáo dục, nâng cấp kiểm tra sát hạch Séc ngữ không phải là hình thức phân biệt, mà trái lại nhằm mục đích thúc đẩy nâng cao khả năng Séc ngữ của người nước ngoài, để sao cho không gặp khó khăn khi tự định hướng trong môi trường xã hội sở tại.
David Nguyen- Lidové noviny
©Vietinfo.eu