Séc-Slovakia

Tâm tư với Lãnh sự quán

Cập nhật lúc 07-07-2022 00:00:00 (GMT+1)
Phố Rašínovo Nábřěží, Praha. Ảnh atlasceska.cz

 

Kính gửi các cấp có thẩm quyền Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Lâu lắm rồi kể từ khi nhập quốc tịch nước sở tại, nên ngoại trừ những lần lên làm thủ tục đề nghị cấp giấy Miễn thị thực thì cũng không mấy có dịp tiếp xúc với cơ quan đại diện Nhà nước Việt Nam ở Praha. Nhưng mới đây bất chợt gặp phải một thực tế làm cảm thấy mủi lòng, nên đành bầy tỏ chút tâm tư với các cán bộ Lãnh sự quán Việt Nam ở Praha đồng thời tới các cơ quan có thẩm quyền khác của Nhà nước.


Số là hiện đang cần phải làm một thủ tục pháp lý ở Việt Nam và vì điều kiện sức khỏe cùng công việc không cho phép bay đi bay về nhiều lần, nên tôi cần phải soạn thảo đơn từ, giải trình và cả giấy ủy nhiệm cho người trong nước giải quyết. Cũng nghĩ đơn giản, rằng sau khi soạn thảo các văn tự cần thiết, mang theo các loại giấy tờ tùy thân, căn cước, hộ chiếu và trước sự chứng kiến của nhân viên công quyền Việt Nam sẽ ký vào những văn tự đó. Và công chức lãnh sự sẽ triện cho con dấu xác thực đúng người là xong. Bởi trong mối quan hệ song phương Việt Nam và Tiệp Khắc mà CH Séc hiện nay kế thừa vẫn tồn tại hiệp định hỗ trợ tư pháp nên giấy tờ chính thức của quốc gia này được bên đối tác chấp nhận.

Thế nhưng hỡi ôi, từ đây yếu tố người nước ngoài bắt đầu được (hay bị) nhấn mạnh. Nghĩa là vì chỉ có duy nhất một quốc tịch Séc chứ không phải song tịch hay công dân Việt Nam. Nên năng lực Việt ngữ của tôi bỗng trở nên vô dụng. Nghĩa là phải làm lại toàn bộ từ đầu. Trong trường hợp của tôi vì là công dân Séc nên cần soạn thảo lại các văn bản bằng Séc ngữ rồi mang ra Czechpoint công chứng chữ ký. Đem ra nhờ văn phòng dịch vụ chuyển ngữ sang tiếng Việt với dấu tròn của thông dịch viên có trong danh lục tòa án CH Séc. Sau đó rồi mới có thể “xin” lãnh sự xác nhận cái con dấu của thông dịch viên.

Dĩ nhiên phải thực hiện thêm thủ tục này chỉ liên quan tới các đối tượng là công dân ngoại quốc, cụ thể ở đây là công dân Séc, mà không xem xét đến đó là ai hay năng lực Việt ngữ của người đó ra sao. Nói theo kiểu tiếng Việt, thì nếu là người Việt Nam (trong trường hợp này là công dân Việt Nam đang sử dụng hộ chiếu Việt Nam hay mang hai hộ chiếu Séc và Việt Nam) thì được dùng tiếng mẹ đẻ. Còn quyền sử dụng tiếng mẹ đẻ của những người Việt Nam mà (nhưng) đang sử dụng hộ chiếu nước ngoài thì không còn nữa, bất chấp khả năng viết, nói và hiểu tiếng Việt của người đó như thế nào.

Cũng dĩ nhiên, rằng các quan chức Lãnh sự quán sẽ khẳng định, có thể đó là qui định từ cấp trên. Thế nhưng từ đây lại sẽ nảy sinh ra câu hỏi khác, rằng cấp trên đó là cấp trên nào cao tới đâu? Nói trắng phớ ra luôn, thì qui định đang tồn tại này dựa trên cơ sở pháp lý của đạo luật nào, điều khoản bao nhiêu hay thông tư nghị định do cơ quan nào ban hành ra vào ngày tháng năm mấy mươi của thế kỷ gì? Bởi sao thấy nó có gì đó sai sai với chủ trương chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước về đoàn kết với kiều bào, khi chợt thấy hai chữ “đồng bào” đối với bản thân mình bỗng trở nên xa tắp. Khi cần tranh thủ thì được nở mũi hãnh diện là "khúc ruột ngàn dặm", khi không thì sự việc bỗng trở nên phức tạp đành tủi thân chấp nhận vì "có yếu tố nước ngoài".

Chắc rằng ai cũng biết, Cộng hòa Séc là một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới, nói theo cách mà ta thích dùng, thì từ lâu đã công nhận qui chế sắc tộc thiểu số của người Việt Nam ở CH Séc. Mà qui chế này bảo đảm cho người Séc gốc Việt quyền sử dụng tiếng Việt mẹ đẻ khi tiếp xúc với cơ quan công quyền nếu muốn. Hơn nữa, ở các quốc gia văn minh trong trường hợp quan hệ với cơ quan công quyền trong đó có tòa án, cảnh sát, v.v...các đối tượng liên quan bao giờ cũng được quyền lựa chọn ngôn ngữ mà mình thành thạo nhất.

Qua những dòng tâm tư trên kính mong các cấp có thẩm quyền đèn giời soi xét, để cho đứa con tha hương mà vẫn còn đang rất đậm đà bản sắc dân tộc với dòng máu Lạc Hồng vẫn đang chảy hừng hực trong huyết quản này không phải cảm thấy bị hắt hủi như kẻ lạc loài.

David Nguyen- Praha, tháng Bẩy 2022.

Gửi đăng Vietinfo.eu

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

  • #2 Mr Hung: Tiền

    15-07-2022 11:54

    Chung quy vấn đề là TIỀN..Lãnh sự quán, Can bộ LS đều phải bỏ TIỀN mua việc ở LS các nước nói chung và LSQ tại Praha nói riêng nên để "mua" các loại giấy tờ liên quan đến VN bạn không tự nhiên mà có theo luật...mà phải mua bằng TIỀN...
  • #1 Nguyen: Nhà nước quái đản

    10-07-2022 18:32

    Không cho sử dụng tiếng mẹ đẻ. Chỉ có nhà nước quái đản mới dung túng cho những qui định nhố nhăng như vậy.
Quy định bình luận
Vietinfo tạo điều kiện cho bạn đọc bày tỏ chính kiến, song không chịu trách nhiệm cho quan điểm bạn đọc nêu trong bình luận của bạn đọc. Quan điểm bạn đọc không nhất thiết đồng nhất với quan điểm của Vietinfo.eu. Khi bình luận tại đây, hãy:
- lịch sự, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau,
- bày tỏ quan điểm tập trung vào chủ đề bài viết,
- không dùng các từ ngữ thô tục, bậy bạ,
- không xâm phạm đến quyền riêng tư cá nhân hay một số cá nhân,
- không tỏ thái độ phân biệt trên bất cứ phương diện nào (dân tộc, màu da, giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp…).
Mọi nội dung không phù hợp với các tôn chỉ trên có thể bị sửa hoặc xóa.
Cách gõ tiếng Việt
Dấu mũ Â, Ê, Ô – gõ 2 lần: AA, EE, OO
Dấu móc Ă, Ơ, Ư – thêm phím W: AW, OW, UW
Dấu huyền – thêm phím F
Dấu sắc – thêm phím S
Dấu hỏi – thêm phím R
Dấu ngã – thêm phím X
Dấu nặng – thêm phím J
Xóa dấu – thêm phím Z

Ví dụ:
Casch gox tieesng Vieejt.
Cách gõ tiếng Việt.
Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Thảo luận

Quảng cáo