Liên bang Đức

Tiếp tục xét xử bị cáo thứ hai trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin

Cập nhật lúc 25-11-2022 11:44:45 (GMT+1)
Hình ảnh phiên tòa. Photo: RTVS

 

Cả trong cáo trạng mới nhất, cơ quan công tố Đức cũng không nghi ngờ gì về việc Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc đã rời khu vực Schengen bằng chuyên cơ của chính phủ Slovakia. Chánh Công tố Slovakia Maroš Žilinka kêu gọi giới truyền thông đừng thao túng.


 Vào sáng thứ Hai vừa qua, một nhóm người đã quá quen mặt nhau tập trung trước Tòa án Tối cao Berlin. Nhà báo Việt Nam Lê Trung Khoa cũng có mặt, ông thuộc số những người đầu tiên lên tiếng, rằng cơ quan mật vụ Việt Nam đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ Berlin vào ngày 23 tháng 7 năm 2017. Ngoài ra còn có một số nhà báo khác đã đưa tin về vụ án trong nhiều năm qua.

Năm năm sau vụ bắt cóc, người Đức đang xét xử bị cáo thứ hai- Lê Anh Tú 32 tuổi, mà theo cáo trạng, đã lái chiếc xe thùng chở nạn nhân bị bắt cóc suốt chặng đường tới Slovakia đến khách sạn chính phủ Bôrik ở Bratislava. Thực tế này được chứng minh qua dữ liệu GPS và hình ảnh trích xuất từ camera trên cao tốc. Bị cáo được thẩm vấn trong lồng lắp kính chống đạn, và không nói một lời nào trong cả ngày xét xử.

Ngay sau khi bị bắt cóc xảy ra, bị cáo đã trốn về Việt Nam. Trở lại Praha sau 5 năm chắc bởi cho rằng mọi chuyện đã chìm vào dĩ vãng. Nhưng ngay lập tức bị cảnh sát CH Séc bắt và dẫn độ sang Đức, nơi từng gây án. Cộng hòa Séc cũng tham gia điều tra, những chiếc xe được sử dụng trong vụ bắt cóc mang biển đăng ký Séc, của một công ty cho thuê xe ở Praha do một người Việt Nam tên là Bùi Hiếu làm chủ.

“Tôi không biết liệu các bạn có biết không, nhưng tòa nhà này có một lịch sử khủng khiếp,” bà Petra Isabel Schlagenhauf, luật sư của Trịnh Xuân Thanh, nói. Họ biết nhau trước khi xảy ra vụ bắt cóc, Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn khỏi Việt Nam vì lý do chính trị, và luật sư đã giúp Thanh trong vấn đề Việt Nam yêu cầu dẫn độ anh ta về nước.

Dưới thời Hitler, hàng chục bản án tử hình giành cho những người kháng chiến và nhiều đối thủ khác của chế độ đã được tuyên tại tòa án. "Thẩm phán tồi tệ nhất của Đức Quốc xã, Roland Freisler, đã phán quyết ở đây," bà luật sư nói về thẩm phán, còn được gọi là đao phủ của Hitler, khi bà đi qua cửa kiểm tra.

Vì tính nhạy cảm của vụ án, các biện pháp bảo mật nghiêm ngặt trong quá trình xét xử. Không ai được mang theo bất kỳ thiết bị điện tử nào trong phòng xử án, chỉ có sổ tay và cây bút. Lê Anh Tú không chỉ bị cáo buộc tội bắt cóc mà còn tội gián điệp chống nhà nước Đức.

Có nhiều sự quan tâm hơn đến trường hợp đầu tiên mà người Đức đã kết thúc vào năm 2019. Một trong những kẻ bắt cóc là Long Nguyên Hải đã bị kết án ba năm mười tháng, và tòa án Đức vào thời điểm đó khẳng định  rõ ràng đây là một vụ bắt cóc. “Dạo ấy phiên xử nào cũng có hai nhà báo Việt Nam ngồi, viết lách gì đó liên tục như đúng rồi nhưng chưa đăng ở đâu bất kỳ bài báo nào,” bà luật sư cười và cho rằng chính cơ quan mật vụ Việt Nam mới là nơi những người này gửi báo cáo.

Viện Công tố Đức: Bọn họ đến từ Bratislava, kế hoạch bắt cóc được vạch ra trong cuộc họp của các bộ trưởng

Trong khi Chánh Công tố Slovakia Maroš Žilinka đặt câu hỏi liệu vụ bắt cóc có thực sự xảy ra hay không và liệu công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc có mặt trên chuyên cơ của chính phủ Slovakia hay không, thì  người Đức đã chắc chắn. Tòa án Đức không chỉ khẳng định  điều này trong trường hợp đầu tiên mà còn được nhắc lại trong bản cáo trạng mới nhất mà phóng viên Denník N có thể xem trực tiếp tại tòa.

Người Đức dựng lại toàn bộ sự việc một cách chi tiết trước tòa. Vào thứ Hai, tòa thẩm vấn các nhân viên cảnh sát truy nã những kẻ bắt cóc đã nghe lời khai của các nhân chứng đã nhìn thấy vụ bắt cóc trong công viên của sở thú. Luật sư bên bị phản đối tính hợp pháp của việc sử dụng các bức ảnh từ Khách sạn Berlin, Berlin, nơi những kẻ bắt cóc đã lưu trú.

"Chúng tôi buộc tội bị cáo, rằng tại Berlin, Praha, Brno và Bratislava và cả nhiều đô thị khác trong thời gian ít nhất từ ngày 14 đến 26 tháng Bẩy đã có hành động chống lại Cộng hòa Liên bang Đức vì một thế lực nước ngoài," các công tố viên Đức viết trong bản cáo trạng.

Luật sư của Trịnh Xuân Thanh: Thân chủ của tôi đã ở trên máy bay của các vị. Không thể phủ nhận được điều đó

Các phóng viên Denník N đã nói chuyện với bà luật sư ở Berlin sau phiên thẩm vấn xét xử bị cáo thứ hai bị buộc tội bắt cóc. Theo cáo trạng, Lê Anh Tú là người điều khiển chiếc xe van đưa người bị bắt cóc đến tận khách sạn chính phủ Bôrik ở Bratislava.

Bà đến với vụ Trịnh Xuân Thanh như thế nào?

Tôi đã có khách hàng Việt Nam trong ba mươi năm qua và tôi rất nổi tiếng trong cộng đồng. Tôi cũng đã làm việc trong một trường hợp rất nổi tiếng về thủ tục dẫn độ từ Đức sang Tây Ban Nha. Họ biết về tôi. Ông Thannh đến gặp tôi vì ông ấy đang chờ thủ tục dẫn độ về Việt Nam. Người quen của anh ta giới thiệu tôi với anh ấy. Anh muốn chuẩn bị bào chữa. Khi các thủ tục dẫn độ như thế này diễn ra, người đó thường bị giam giữ, nhưng trong trường hợp này thì không phải như vậy và điều đó thật bất thường. Chúng tôi đã tìm hiểu những gì diễn ra tại Interpol và được biết rằng Việt Nam đã yêu cầu dẫn độ anh ta. Tuy nhiên, nguyên nhân mà họ muốn dẫn độ được mô tả rất chung chung, không có dữ liệu cụ thể, lưỡn lẹo như kẹo cao su. Ông Thanh cũng theo dõi những gì đang xảy ra trong giới lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 2017. Tưởng chừng như có thể có gì đó thay đổi, nhưng rồi hóa ra là vô vọng và anh quyết định nộp đơn xin tị nạn. Đây là tình huống mà chúng tôi gặp phải vào mùa xuân năm 2017. Và rồi ngày 23 tháng 7 năm 2017 đã xảy ra.

Làm thế nào bà biết về vụ bắt cóc?

Vụ bắt cóc xảy ra vào sáng Chủ nhật ở công viên gần sở thú. Vào lúc 8 giờ sáng thứ Hai, luật sư đồng nghiệp Viktor Pfaff gọi cho tôi. Vào thời điểm đó, lẽ ra anh ta phải đang cùng Trinh tham gia một cuộc phỏng vấn chính thức với văn phòng nhập cư ở Berlin. Viktor và người phiên dịch có mặt tại văn phòng và Trịnh Xuân Thanh không đến. Họ lập tức báo động và gọi cảnh sát rằng có chuyện gì đó đang xảy ra. Khách hàng của tôi sẽ không bao giờ bỏ lỡ cuộc phỏng vấn này. Gia đình cũng đã liên lạc với tôi qua điện thoại. Tôi ngay lập tức liên hệ với chi nhánh cảnh sát đặc biệt, bộ phận phụ trách bảo vệ nhà nước và tội phạm chống lại nhà nước, là "Staatsschutzpolizei". Cực kỳ bực bội, lúc đầu họ hỏi tôi Trịnh Xuân Thanh là ai mà sao tôi lại cho đó là vấn đề chính trị. Tôi đã gửi cho Interpol ba trang để giải thích khách hàng của tôi là ai. Tôi muốn họ chặn anh ta trong hệ thống kiểm soát biên giới, rằng anh ta không phải là tội phạm, mà là một trường hợp có yếu tố chính trị. Tôi cũng có một câu chuyện thú vị về chuyện đó, nhưng nó sẽ quá dài.

Bà đã kể chuyện đó?

Cuộc phỏng vấn với nhân viên nhập cư lẽ ra phải diễn ra hai tuần trước vụ bắt cóc, nhưng khi viên chức nhìn thấy các tài liệu, anh ta nói rằng chưa sẵn sàng, rằng phải đọc nó và hoãn lại sau. Tôi không muốn bình luận. Trong khi đó, tôi phải đến phiên phỏng vấn vào thứ Hai đó. Anh chàng từ Staatsschutzpolizei khuyên tôi báo cáo chuyện một người mất tích. Tôi đã làm thế và ghi cả số điện thoại của Thanh vào đó. Trong khi đó, hoàn toàn độc lập với những gì tôi đề cập, các nhân chứng nhìn thấy vụ bắt cóc trong công viên đã tự mình đến trình báo với cảnh sát, hôm nay (thứ Hai, - ghi chú của biên tập viên) chúng tôi cũng đã cùng nhau nghe lời khai của họ trước tòa. Cảnh sát đã tìm thấy một chiếc điện thoại di động tại hiện trường vụ án và thấy rằng đó là số tôi đã đọc là của Trinh. Sau đó, cuối cùng họ đã kết nối các tình tiết với nhau. Đó là chiều thứ Hai.

David Nguyen- lược trích theo Denník N

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo