Séc-Slovakia

Trước thềm bầu cử, các chính khách lại muốn tranh thủ những lá phiếu của cử tri gốc Việt

Cập nhật lúc 26-09-2021 14:43:24 (GMT+1)
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

 

Liên minh Trikolóra Svobodní Soukromníci đã nhanh nhậy nhắn nhủ các cử tri gốc Việt về phương châm hành động của mình vì muốn có chân trong Quốc hội khoá tới. Tấm pa-nô đầu tiên bằng tiếng Việt đã sớm được dựng ngay trước cổng chợ Sapa, một trong những địa danh quan trọng tại thủ đô Praha của cộng đồng nói tiếng Việt ở CH Séc.


“Tôi đang đứng trước chợ Sapa, nơi chúng tôi đã cho đặt một tấm pa-nô lớn, chúng tôi muốn bày tỏ với cộng đồng Việt Nam, rằng chúng tôi rất thích thái độ của họ đối xử ra sao tại Cộng hòa Séc. Chúng tôi đặc biệt trân trọng tất cả, những ai đã đến nước ta, tôn trọng luật pháp của chúng ta, làm việc ở đây, xây dựng những giá trị và tạo ra công ăn việc làm,” chủ tịch liên minh Libor Vondráček chia sẻ trên tài khoản mạng xã hội Facebook của mình.

Chủ tịch Libor Vondráček tin tưởng, rằng nhiều người trong cộng đồng Việt Nam sẽ đọc được tiêu chí này. “Chúng tôi trân trọng thái độ của cộng đồng Việt Nam với các nguyên tắc đang áp dụng ở Cộng hòa Séc. Những nguyên tắc

đó dĩ nhiên chúng tôi muốn cải thiện hơn nữa,” Libor Vondráček viết tiếp. Và theo chủ tịch liên minh, đó chính là bớt thủ tục quan liêu, giảm công chức bàn giấy và đánh thuế thấp.

Ý tưởng tuyên truyền với cộng đồng nói tiếng Việt là của chủ tịch liên minh Libor Vondráček, vì khẳng định có quan hệ gần gũi với cộng đồng này. “Các đồng nghiệp rất hoan nghênh ý tưởng của tôi, và vì thế chúng tôi bắt tay vào thực hiện,” Libor Vondráček cho biết. Theo Libor Vondráček, tạm thời chỉ nhận được phản ứng tích cực về tấm pa-nô này: “Đây chắc chắn là pa-nô bằng tiếng nước ngoài đầu tiên của chúng tôi. Chúng tôi đã ghi nhận được rất nhiều phản hồi tích cực không chỉ từ cộng đồng Việt Nam, mà từ tất cả các công dân lương thiện khác mà hoàn toàn tán thành ba khẩu hiệu đó của chúng tôi.”

Libor Vondráček nhấn mạnh, rằng liên minh chắc chắn không chống người nhập cư. Nhưng tất nhiên phải là người nhập cư hợp pháp, những người muốn ở Séc để làm việc hay kinh doanh, chứ không chỉ để tận hưởng an sinh xã hội và phải tuân thủ triết lý “Đất nước ta, luật pháp của ta”.

“Người Việt họ rất tôn trọng nguyên tắc này và chúng tôi rất thích điều đó. Chúng tôi hài lòng, vì cuộc sống chung với họ vô cùng tốt đẹp, và chúng tôi muốn đánh giá cao điều đó,” Libor Vondráček viết.

Theo Libor Vondráček, chương trình hành động của liên minh không chỉ phù hợp với người kinh doanh Việt Nam, mà cho tất cả các doanh nhân khác. “Đó là điều mà cả người Séc cũng nên biết đến, và chúng tôi sẽ rất hài lòng nếu được tiếp tục phổ biến rộng,” Libor Vondráček bổ xung.

Trên chính trường Séc và cả Praha, đây không phải là hình thức tuyên truyền chính trị đầu tiên bằng tiếng nước ngoài. Ví dụ đảng ODS trên pa-nô tuyên truyền của mình đã sử dụng tiếng Việt để thể hiện khẩu hiệu “Hãy chứng tỏ sức mạnh của cộng đồng mình” trong cuộc vận động bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2014, khi ứng cử viên trẻ Nguyen Cong Hung tham gia.

Và mới đây nhất, trong khuôn khổ vận động bầu cử Quốc hội của mình, một số thành viên chính phủ của phong trào ANO do chủ tịch thủ tướng đương nhiệm Andrej Babiš dẫn đầu đã có chuyến thăm viếng và tiếp xúc cử tri tại TTTM Sapa ở Praha và được cộng đồng người Việt Nam tại đây chào đón nồng nhiệt. Các chính khách này khẳng định chuyến đi đã thành công mĩ mãn. (parlamentnilisty)

 

Các chính đảng chỉ muốn lợi dụng cử tri gốc Việt?

 Một số chính đảng ở Cộng hòa Séc đã sử dụng nhiều chiến thuật khác nhau nhằm mục đích thu hút những lá phiếu tiềm năng trong cộng đồng nói tiếng Việt. Theo chủ tịch danh dự Hội Séc- Việt Marcel Winter thì quan trọng nhất là các chính khách cần tiếp cận phù hợp với cử tri Việt Nam. Biên tập viên Jáchym Pivovar nhận định trong phóng sự trên trang điện tử Đài thanh Séc iRozhlas, rằng trong phương diện này tạm thời các chính đảng ở Séc chưa thành công. Bởi một thực tế, là tầng lớp người lớn tuổi trong cộng đồng Việt Nam mặc dù chú ý theo dõi diễn biến chính trường Séc, nhưng đại đa số họ không có quyền tham gia bầu cử, còn thế hệ trẻ trái lại nhiều người có quyền bầu cử thì không quan tâm tới chính trị.

Hồi tháng Tám trước cổng vào khu "Tiểu Hà Nội" liên minh Trikolora Svobodní Soukromníci đã đi tiên phong và cho đặt tấm pa-nô tuyên truyền cho mình bằng tiếng Việt.

"Tôi hoàn toàn không biết những người đó là ai và tại sao lại hứa hẹn gì đó cho chúng tôi, bởi chúng tôi cũng không thể đi bỏ phiếu. Còn những người Việt trẻ có quốc tịch Séc thì thường không làm việc ở đây," ông Trần Xuân Minh chủ một quán ăn trong TTTM Sapa ở Praha cho biết. Ông ta thú nhận, là không theo dõi chính trường Séc nếu như không có gì liên quan trực tiếp tới bản thân mình. "Không biết liệu nó có liên quan gì tới tôi, tôi không đọc thấy gì qua những khẩu hiệu đó," ông ta nói về tấm pa-nô mới dựng trước cổng chợ.

Cách đó một quãng chị Nguyễn Thùy Linh điều hành quán giải khát nước quả nhỏ. Chị cho biết theo dõi chính trường Séc chủ yếu thông qua các nhóm trên mạng xã hội Facebook. "Nhất là trong thời gian dịch bệnh chúng tôi đưa lên đó những tin tức, về những biện pháp đang áp dụng và những gì không còn nữa, nhưng có lẽ đó là tất cả. Còn bầu cử thì chủ yếu giới trẻ nên theo dõi, con gái tôi làm việc trong ngân hàng, cho nên có thể sẽ liên quan nhiều hơn với nó,"chị ta nói và bổ xung, là thế hệ lớn tuổi sử dụng tiếng Việt thì đa số không thể đi bầu. "Còn giới trẻ có thể đi bầu vì là công dân Séc, thì lại chỉ đọc được lõm bõm những khẩu hiệu đó," chị giải thích thêm.

Thực ra, nhiều người làm việc trong chợ Sapa cũng không để ý tới tấm pa-nô này. Và khi được phóng viên cho xem những tấm ảnh chụp lại, thường có nhận xét là những dòng chữ khổ lớn viết không chuẩn lắm. Nhưng ý nghĩa của nó thì cũng hiểu được.

 

Thế hệ thứ nhất và thứ hai

"Tôi không hiểu rõ lắm từ cái quảng cáo đó, muốn gì cụ thể. Thấy vấn đề đặt ra, nhưng không biết sẽ làm gì với thông tin ấy. Không có thêm bất cứ đường dẫn hay liên hệ nào, để thực thi ra sao," một phụ nữ khoảng bốn mươi tuổi kinh doanh hàng vải trong Sapa nói về cảm nhận của mình.

Theo nhà nghiên cứu chính trị Roman Chytilek từ Đại học Tổng hợp Masaryk, người mà luận án tốt nghiệp của mình là đề tài hội nhập chính trị của người Việt Nam tại CH Séc, thì có những chênh lệch rất lớn giữa những thế hệ người Việt Nam thứ nhất, thứ hai và thứ ba.

"Thế hệ người lớn tuổi còn có cả kinh nghiệm từ chế độ chính trị ở Việt Nam tạo điều kiện cho họ so sánh và cân nhắc thận trọng thái độ cả với chính trường Séc. Thế nhưng rất trớ trêu, là tuyệt đại đa số họ không có quyền bầu cử. Thế hệ trẻ, mà thường được gọi là trẻ chuối, thì trái lại có quyền bầu cử, nhưng họ không có khác biệt nhiều với thế hệ trẻ người Séc- không mấy quan tâm tới chính trị và vì thế sự nhạy bén chính trị của họ cả vì nền tảng sắc tộc có thể trở nên phức tạp hơn," Roman Chytilek nói với iROZHLAS.cz.

Điều này cũng được thanh niên 22 tuổi Dương Bảo Long công nhận khi đang đứng trước một quầy hàng trong chợ. Sinh ra ở Séc và tới Sapa hồi cuối tháng Tám từ Pháp, nơi đang đi du học. "Giới trẻ không mấy quan tâm tới chính trị. Còn những người lớn không được đi bầu. "Tôi cho rằng đa số người Việt cũng không biết gì về liên minh Trikolora Svobodní Soukromníci," anh ta nhận định.

 

Hướng đến công dân Séc

 Trong bối cảnh tương quan sức mạnh “tám lạng nửa cân” của các đảng phái trên chính trường Séc hiện nay, lá phiếu của các cử tri nói tiếng Việt quả thực có giá trị cho ai giành được. “Chúng tôi bao giờ cũng muốn tranh thủ nhóm cử tri, mà chúng tôi tin tưởng rằng chương trình hành động của chúng tôi sẽ giải quyết được những vấn đề nhức nhối của họ. Trong trường hợp này là những người kinh doanh trong cộng đồng Việt Nam sinh sống ở đây và tuân thủ luật pháp nước ta, là điều không phải tất cả người nhập cư đều hành động như vậy. Qua tấm pa-nô này chúng tôi còn muốn cả đánh giá cao họ về điều đó,” chủ tịch liên minh Libor Vondráček chia sẻ với iROZHLAS.cz lý do vì sao hướng đến thiểu số Việt Nam.

Theo đại diện Trikolóra Zuzana Majerová Zahradníková, thì đảng này quan tâm tới tất cả công dân Cộng hòa Séc chứ không chỉ định hướng tới cộng đồng thiểu số cụ thể nào. “Nhưng nếu như những người đồng bào này sử dụng ngôn ngữ khác, thì lẽ đương nhiên sẽ tạo điều kiện cho họ,” cô tuyên bố. Cả hai cùng cho biết, là đều nhận được phản ứng tích cực về tấm pa-nô Việt ngữ này.

Trả lời cho câu hỏi, là liệu hình thức tuyên truyền cho các sắc tộc thiểu số bằng Việt ngữ có đi ngược lại nguyên tắc ưu tiên bác bỏ “ý thức hệ về chủ nghĩa đa văn hóa” và nỗ lực “bảo vệ bản sắc dân tộc” mà đảng này tuyên bố trên website chính thức của mình hay không, Majerová Zahradníková khẳng định, rằng “thiểu số Việt Nam không đe dọa gia tăng bắt cứ mối nguy hiểm nào”.

Theo số liệu đến cuối năm 2020 của Ủy ban Thống kê Séc, tại CH Séc có 62 884 người nước ngoài quốc tịch Việt Nam sinh sống. Là những người không có quốc tịch Séc và quyền tham gia bầu cử.

 

Rủi ro thấp

Cả các chính khách khác cũng đã để ý tới người Việt Nam ở Séc. Đầu tháng Chín sau hội nghị với các đại diện cộng đồng Việt Nam, thủ tướng Andrej Babiš chủ tịch phong trào ANO cùng với một vài bộ trưởng của mình đã dạo trong TTTM Sapa. Bộ trưởng Tài chính Alena Schillerová (ANO), bộ trưởng Công- Thương và Giao thông Karel Havlíček (ANO) cũng như thủ tướng Andrej Babiš trên các tài khoản mạng xã hội của mình đã đăng nhiều trạng thái từ chợ Sapa.

Trong hội nghị, thủ tướng Andrej Babiš đã cảm ơn người Việt Nam định cư ở Séc về tính cần cù và hội nhập tuyệt vời vào cộng đồng xã hội Séc. Kết thúc chuyến thăm viếng, tại quầy vận động bầu cử trong khuôn viên chợ, chủ tịch ANO đã ký tặng sách mới của mình và chụp ảnh chung với nhiều người.

Trong chương trình vận động bầu cử của mình, cả liên minh Piráti- Starostů cũng có kế hoạch tranh thủ phiếu bầu của cộng đồng Việt Nam. “Chúng tôi đã cố gắng liên hệ với một trong những người Việt uy tín, nhưng không được phản hồi. Tạm thời hiện tại chúng tôi chưa có gì cụ thể, nhưng chúng tôi cởi mở đề tài này. Nhưng chúng tôi không có kế hoạch dựng pa-nô, mà chủ yếu tìm bằng hình thức trực tuyến, thông qua những cá nhân có ảnh hưởng và uy tín trong cộng đồng,” chuyên gia điều hành vận động bầu cử của Piráti Pavel Gruber cho biết.

Liên minh SPOLU thì chọn hình thức đôi chút khác biệt. “Hiện nay chúng tôi đang hoàn thiện tài liệu tuyên truyền bầu cử bằng tiếng Việt và Digan. Chắc chúng tôi sẽ có trong tay giữa tháng Chín,” người phát ngôn KDU-ČSL Kateřina Procházková thông báo.

Còn ČSSD hay SPD không có kế hoạch hướng tới thiểu số Việt Nam cũng như bất cứ thiểu số nào khác ở Séc trong chương trình vận động bầu cử của mình. “Trong chương trình tranh cử không thể phân biệt riêng lẻ bất cứ sắc tộc hay thiểu số nào trong cộng đồng xã hội,” phó chủ tịch ČSSD Jiří Běhounek khẳng định.

Theo nhà nghiên cứu chính trị Roman Chytilek, trong quá khứ hiếm khi có các chính đảng ở Séc nỗ lực đánh tiếng trực tiếp tới nhóm thiểu số nào. “Séc là quốc gia tương đối thuần chủng về dân tộc. Ngoài ra có thể còn vì lí do, là các đảng phái phải cân nhắc cực kỳ cận thận, xem liệu đánh tiếng trực tiếp với thiểu số cụ thể nào đó không làm mất cử tri tiềm năng trong “cộng đồng đa số”,” Roman Chytilek bình luận.

“Về phương diện này thì thiểu số Việt Nam là lý tưởng, vì hình ảnh của họ đã được cải thiện rất nhiều qua thời gian dịch bệnh. Vì thế cho nên nước cờ của liên minh Trikolora Svobodní và Soukromníci chắc sẽ không làm họ mất điểm, mà có thể xếp vào dạng “low risk-low gain” (ít rủi ro- lợi nhuận thấp),” Roman Chytilek nhận xét bổ xung về tấm pa-nô gần cổng chợ Sapa.

Chuyên gia về tuyên truyền tiếp thị chính trị từ Đại học Tổng hợp Masryk Otto Eibl cũng có nhận định tương tự. “Không như ở Hoa Kỳ, nơi ví dụ, giao tiếp bằng tiếng Tây Ban Nha có ý nghĩa. Cộng đồng Việt Nam có thể là một bộ phận bị bỏ rơi mà không có đại diện, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu ‘người Việt gốc Séc’ có nghiêng về đảng nào mà không cần tác động tới yêu sách dân tộc hay không,” Otto Eibl bình luận.

Chỉ lợi dụng

Chủ tịch danh dự Hội Séc- Việt Marcel Winter khẳng định nhiều người Việt theo dõi chính trường và tham gia bầu cử. “Họ nhớ rõ ví dụ ai đã đối xử với họ như thế nào. Chẳng hạn như khi thống đốc tỉnh Nam Morava (Jan Grolich z KDU-ČSL) từng công khai cảm ơn người Việt Nam về những móm quà tặng tài chính giành cho nhân dân vùng bị thiên tai, họ lập tức tìm hiểu xem ông ta thuộc đảng nào,” Marcel Winter nói với iROZHLAS.cz.

“Đó là điển hình về hội nhập của người nước ngoài vào cộng đồng chung. Nhưng nhiều người trong cộng đồng này không tham gia trực tiếp vào chính trường. Đó là thiếu xót cần phải khắc phục mà không được phép lảng tránh. Mặt khác, trong quá khứ đã có người Việt ra ứng cử, nhưng các đảng chỉ xếp họ vào những vị trí khó có thể được bầu, mà chỉ lợi dụng họ,” Marcel Winter chỉ trích ám chỉ tới trường hợp anh Nguyễn Công Hùng tranh cử vào nghị viện châu Âu cho đảng ODS vào năm 2014. Dạo đó Hùng cũng đã xuất hiện trên pa-nô Việt ngữ, nhưng được đặt ở vị trí khó có thể trúng cử trong danh sách ứng viên đảng này.

“Cần phải xây dựng lòng tin của họ. Với xã hội điều quan trọng, để sao cho người Việt thám gia vào chính trường, và nhất là các chính đảng quan tâm phù hợp tới họ,” Marcel Winter nhận định.

Trong năm 2019 một ứng viên khác là Trần Văn Sang đại diện cho phong trào Vì Sức khỏe và Thể thao ra tranh cử vào Nghị viện châu Âu. Mặc dù anh nhận được vài trăm phiếu bầu đại diện, nhưng phong trào này về tổng thể đã thất bại. Không đầu hàng trong nỗ lực chính trường, trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng Mười tới, Trần Văn Sang có trong danh sách ứng cử viên của Liên minh vì Tương lai.

Trần Văn Sang cho rằng, trước đây mối quan tâm của cộng đồng Việt Nam tới chính trường Séc là tối thiểu. Nhưng khi tôi chia sẻ với họ, là khi ai vào quốc hội và tác động ví dụ tới EET, dĩ nhiên là điều liên quan tới họ, thì bắt đầu quan tâm. Sự tranh cử của tôi như động lực đầu tiên khi cộng đồng thể hiện mình, cụ thể là trong quảng bá chính trị,” Trần Văn Sang nói với iROZHLAS.cz.

“Có cái nhìn tổng thể nào đó, biết về các đảng lớn. Nhưng mặc dù có những nhận thức như vậy tất nhiên vẫn còn tương đối lạ lẫm,” Sang lưu ý đồng thời không cho rằng các cử tri Việt Nam ưu tiên cho tiếng nói dân tộc. “Không nhất thiết đóng vai trò với chúng tôi. Bản thân tôi cũng đã từng thử,” Sang thú nhận. “Nhưng tôi nghĩ rằng đó là vô ích. Tôi không đặt cược vào điều đó.” (iROZHLAS., Novinky)

Theo Hương Sen

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

  • #1 Mạnh Hùng: Đùng dùng cụm từ LỢI DỤNG

    01-10-2021 22:36

    Hãy làm quen với cách vận động Bầu cử Tự do của các Đảng phái Chính trị Séc cũng như Âu Mỹ.. Chứ không phải kiểu ĐỘC ĐẢNG như VN CN CUB KRC.. Và đừng dùng cụm từ “LỢI DỤNG”…mà sai vấn đề …
Quy định bình luận
Vietinfo tạo điều kiện cho bạn đọc bày tỏ chính kiến, song không chịu trách nhiệm cho quan điểm bạn đọc nêu trong bình luận của bạn đọc. Quan điểm bạn đọc không nhất thiết đồng nhất với quan điểm của Vietinfo.eu. Khi bình luận tại đây, hãy:
- lịch sự, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau,
- bày tỏ quan điểm tập trung vào chủ đề bài viết,
- không dùng các từ ngữ thô tục, bậy bạ,
- không xâm phạm đến quyền riêng tư cá nhân hay một số cá nhân,
- không tỏ thái độ phân biệt trên bất cứ phương diện nào (dân tộc, màu da, giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp…).
Mọi nội dung không phù hợp với các tôn chỉ trên có thể bị sửa hoặc xóa.
Cách gõ tiếng Việt
Dấu mũ Â, Ê, Ô – gõ 2 lần: AA, EE, OO
Dấu móc Ă, Ơ, Ư – thêm phím W: AW, OW, UW
Dấu huyền – thêm phím F
Dấu sắc – thêm phím S
Dấu hỏi – thêm phím R
Dấu ngã – thêm phím X
Dấu nặng – thêm phím J
Xóa dấu – thêm phím Z

Ví dụ:
Casch gox tieesng Vieejt.
Cách gõ tiếng Việt.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo