Biển Đông

Biển Đông: Chóp bu Việt Nam không ưa Mỹ nhưng vẫn phải cần Mỹ

Cập nhật lúc 16-10-2017 05:22:53 (GMT+1)
Tàu khu trục USS Chafee của Hải quân Mỹ (Ảnh: REUTERS/Hugh Gentry)

 

Vừa có thêm một bằng chứng mang tính phản bác đối với “Mỹ cần Việt Nam hơn là Việt Nam cần Mỹ” – một luận điệu vẫn đang trơ trẽn tồn tại trong một bộ phận giới quan chức Việt Nam.


 Vừa có thêm một bằng chứng mang tính phản bác đối với “Mỹ cần Việt Nam hơn là Việt Nam cần Mỹ” – một luận điệu vẫn đang trơ trẽn tồn tại trong một bộ phận giới quan chức Việt Nam.

Ngày 10/10/2017, tàu khu trục Chafee của Hải quân Mỹ đi vào vùng nước gần với các đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền thuộc Quần đảo Hoàng Sa. Đây là lần tuần tra gần nhất để chống lại những gì mà Washington cho là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hạn chế quyền tự do hàng hải trong vùng biển chiến lược.

Ngay sau đó, Bắc Kinh tuyên bố: “Hành động của chiếc tàu Mỹ vi phạm pháp luật Trung Quốc và luật pháp quốc tế, làm tổn hại tới chủ quyền và các lợi ích an ninh của Trung Quốc. Trung Quốc cương quyết phản đối.”

Hai ngày sau sự kiện trên, vào ngày 12/10 người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói tại buổi họp báo thường kỳ: “Với tư cách là quốc gia có chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và là thành viên Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), Việt Nam đã nhiều lần khẳng định lập trường nhất quán của mình, theo đó, tất cả các quốc gia đều được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982.” – một cách nói cho thấy “tàu Mỹ tự do giao thông ở Biển Đông”.

Vào cuối tháng Mười năm 2015, khi diễn ra sự kiện một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường khác của Hoa Kỳ là USS Lassen đi qua khu vực 12 hải lý quanh Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa (bãi đá này Trung Quốc đã tiến hành cơi nới xây dựng thành đảo nhân tạo), người phát ngôn Việt Nam đã chỉ nói chung chung là Việt Nam: “tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông” và “kêu gọi các bên liên quan đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định” ở Biển Đông.

Nhưng gần hết năm 2015 đã không xảy ra biến cố lớn nào trong quan hệ Việt – Trung, ngoài một số vụ tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam như vẫn diễn ra từ nhiều năm qua. Chỉ đến cuối năm 2015 mới xảy ra vụ “tàu lạ” (từ ngữ của hệ thống báo đảng chuyên dùng mà không dám mở miệng trực chỉ “bạn vàng” Trung Quốc) tấn công tàu cá Việt Nam. Một nhóm người mang tiểu liên AK đã nhảy sang tàu cá Việt và bắn chết ngư dân Trương Văn Bảy. Vụ bắn giết này đã mở màn cho hàng loạt hành động tấn công khác của Trung Quốc đối với tàu cá và ngư dân Việt trong năm 2016.

Không chỉ tấn công tàu cá Việt, Trung Quốc còn gây sức ép quân sự lộ liễu đối với quần đảo Trường Sa. Đến giữa năm 2016, lần đầu tiên một tin tức đặc biệt được tiết lộ “Việt Nam đưa tên lửa ra Trường Sa”. Đáng chú ý là tin tức này được tiết lộ không phải bởi Bộ Ngoại giao hay báo đảng Việt Nam, mà từ… hãng Reuters. Sau tin tức đột biến này, viên tướng ba sao Nguyễn Chí Vịnh – thứ trưởng bộ quốc phòng Việt Nam – đã biểu lộ thái độ không xác nhận nhưng cũng không hề phủ nhận trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo nước ngoài.

Rõ là từ đầu năm 2016, đã xuất hiện mối nguy hiểm không nhỏ từ phía Trung Quốc mà Hà Nội không thể nhún nhường hơn.

Còn vào năm 2017, chủ trương “Việt Nam đưa tên lửa ra Trường Sa” thậm chí còn gần như phá sản trước sự coi thường không giấu diếm của “đồng chí tốt”. Vào tháng Bảy năm 2017, trước sức ép của Trung Quốc và thậm chí Trung Quốc còn đe dọa sẽ tấn công các cứ điểm quân sự của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa, chính quyền Việt Nam đã phải yêu cầu ngừng hoạt động thăm dò khí đốt của Repsol – một công ty Tây Ban Nha liên doanh với Việt Nam – ngay tại Bãi Tư Chính luôn được xem là “thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam”, cùng lúc phải ngậm đắng nuốt cay khi không thể khoan và xuất khẩu dầu ở Bãi Tư Chính để bù đắp cho lỗ hổng toang hoác của nền ngân sách rỗng ruột.

Vụ Bãi Tư Chính tháng Bảy năm 2017 đã khiến lộ ra một sự thật quá cay đắng: trên trường quốc tế, chính thể Việt Nam chưa bao giờ cô độc đến thế. Liệu chính thể này có tiếp tục kiếm được tiền ở Biển Đông hay không?

Không ưa Mỹ nhưng vẫn phải cần Mỹ, chỉ khoảng nửa tháng sau biến cố Bãi Tư Chính, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam là Ngô Xuân Lịch đã vội vã “thăm Hoa Kỳ”, trong đó có cuộc hội đàm quan trọng với Bộ trưởng James Mattis, để nhận được lời hứa hẹn của phía Mỹ về việc sẽ có một tàu sân bay Mỹ cập cảng Việt Nam vào năm 2018.

Một số tin tức ngoài lề cho biết trong thời gian gần đây, giới chóp bu Việt Nam đặc biệt thích bàn thảo với Mỹ về “an ninh Biển Đông”, và nếu chuyện bàn thảo tiến hành thuận lợi thì sẽ có thể tiến đến cơ chế “tập trận chung”, cùng sự có mặt của hạm đội Mỹ ở Biển Đông trong tương lai gần.

Để “hù” Trung Quốc…

Nguồn: Thiền Lâm/Cali Today

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo