Biển Đông

Cái nhìn toàn cảnh về nước Mỹ và vấn đề Biển Đông

Cập nhật lúc 02-11-2016 15:18:31 (GMT+1)
Ảnh minh họa. (Nguồn: internet)

 

Tranh chấp Biển Đông có liên quan mật thiết tới lợi ích của Mỹ. Sự trỗi dậy của Trung Quốc khiến những động thái của nước này ngày càng có ý nghĩa quan trọng và cũng đáng lo ngại hơn so với các bên khác. Vì vậy, chính sách của Trung Quốc không những phải được lưu tâm một cách đặc biệt mà còn cần được đánh giá dựa trên bối cảnh rộng hơn – trong quan hệ tương tác với mục tiêu và động thái của các bên khác.


Bài viết của các tác giả:

Jeffrey Bader là thành viên cấp cao của Hội đồng John C. Whitehead chuyên về ngoại giao quốc tế của Viện Brookings.

Kenneth Lieberthal là thành viên cấp cao về chính sách đối ngoại, kinh tế thế giới và sự phát triển toàn cầu của Viện Brookings.

Michael McDevitt là thành viên cấp cao của Tập đoàn CNA, một trung tâm nghiên cứu phi lợi nhuận.

Trong sự nghiệp của mình, cả Bader và Lieberthal đều từng nắm giữ chức vụ giám đốc cấp cao về châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ. Chuẩn đô đốc McDevitt (thuộc Hải quân Mỹ, đã về hưu) đã từng làm nhiệm vụ tại Thái Bình Dương, và ông cũng từng đảm nhiệm nhiều vị trí trong ban Chính sách Đông Á trực thuộc Văn Phòng Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ tư lệnh Thái Bình Dương. Bài viết được đăng trên Brookings.


* *

*

TÓM TẮT

Tranh chấp Biển Đông có liên quan mật thiết tới lợi ích của Mỹ, cụ thể là ở các khía cạnh như tự do hàng hải, các chuẩn mực và luật pháp quốc tế, quan hệ với các đồng minh và đối tác quan trọng cũng như kỳ vọng của Mỹ về một biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp. Sự trỗi dậy của Trung Quốc khiến những động thái của nước này ngày càng có ý nghĩa quan trọng và cũng đáng lo ngại hơn so với các bên khác. Vì vậy, chính sách của Trung Quốc không những phải được lưu tâm một cách đặc biệt mà còn cần được đánh giá dựa trên bối cảnh rộng hơn – trong quan hệ tương tác với mục tiêu và động thái của các bên khác.

Những nhà hoạch định chính sách Mỹ nên nhìn nhận vấn đề Biển Đông theo hướng làm sao để giải quyết hiệu quả những vấn đề tồn đọng. Làm được điều đó, Mỹ sẽ vừa giảm thiểu được căng thẳng, ngăn chặn được các bên viện tới biện pháp vũ trang, vừa bảo vệ được các quyền hợp pháp của cộng đồng quốc tế, dung hòa được lợi ích bên, vừa duy trì được quan hệ hữu hảo và uy tín của mình với đối tác. Những mục tiêu này đòi hỏi Mỹ phải triển khai cùng lúc một loạt các chính sách mang sắc thái rõ ràng để có thể xoay chuyển tình trạng ngày một nguy hiểm (trên Biển Đông) theo hướng ổn định, tích cực hơn. Mỹ không nên coi tranh chấp Biển Đông như ngòi nổ cho một cuộc chiến tranh lạnh với Trung Quốc hay một vấn đề chiến lược trọng tâm trong quan hệ Mỹ – Trung. Cách tiếp cận này có thể khiến Mỹ không những không đạt được mục tiêu của mình mà còn làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ song phương, gây hoài nghi về ý định chiến lược giữa hai bên và tăng nguy cơ các bên tranh chấp hành xử khinh suất.

Kiến nghị của chúng tôi được đưa ra với mục đích dung hòa các lợi ích trái ngược này. Kiến nghị được xây dựng trên nền tảng nhằm giảm thiểu căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như giữa các bên tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, bảo vệ lợi ích của Mỹ trong các vấn đề biển, củng cố lòng tin của các nước trong khu vực về sự hiện diện an ninh lâu dài của Mỹ, đồng thời tránh được kịch bản uy tín Mỹ bị lung lay khi Mỹ không thể sử dụng biện pháp quân sự. Không chỉ có vậy, các kiến nghị này cũng nhằm bảo vệ lợi ích rộng lớn của Mỹ trước những vấn đề Mỹ không thể kiểm soát được trong quan hệ với Trung Quốc.

I. CÁC VẤN ĐỀ TẠI BIỂN ĐÔNG

Chính sách của Mỹ đã góp phần đáng kể vào việc tạo điều kiện cho Châu Á trở thành đầu tàu cho sự phát triển của thế giới nói chung và của Mỹ nói riêng trong suốt 35 năm qua. Sự hiện diện an ninh của Mỹ và các hoạt động đi kèm đã giảm thiểu nguy cơ xung đột bùng nổ trên diện rộng trong suốt quãng thời gian đó, vun đúc cho sự thịnh vượng kinh tế Châu Á. Tuy nhiên, tranh chấp lãnh thổ tại khu vực biển Hoa Đông và Biển Đông lại đang ngày một đe dọa những lợi ích cốt yếu của Mỹ.

Dưới góc nhìn rộng lớn hơn, tình hình khu vực Châu Á hiện đang biến chuyển cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng như các hoạt động ngày một tăng của nước này tại các thể chế khu vực và toàn cầu, bao gồm việc khẳng định mạnh mẽ lợi ích tại Tây Thái Bình Dương. Mặc dù việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng và lợi ích của mình là điều dễ hiểu, rất nhiều người Mỹ và người dân Châu Á lại không tránh khỏi lo ngại về vấn đề này, đặc biệt là khi các phương tiện quân sự và bán quân sự được triển khai.

Sự năng nổ tích cực mà Trung Quốc đang thể hiện trên toàn cầu cũng khẳng định rõ ràng thêm một thực tế: hầu hết mọi thách thức chủ chốt trong kỉ nguyên này, điển hình là khủng bố, tình trạng phổ biến vũ khí hạt nhân, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh mạng, phong trào phản đối tự do hóa thương mại và đầu tư… sẽ dễ giải quyết hơn một khi Mỹ và Trung Quốc có thể bắt tay hợp tác hay hành động theo cùng chí hướng. Ngược lại, các thách thức sẽ khó nằm trong vòng kiểm soát nếu hai cường quốc có những lợi ích trái ngược nhau. Sự gia tăng nghi kị giữa Trung Quốc và Mỹ đối với lập trường của nhau trong vấn đề tranh chấp Biển Đông và Hoa Đông sẽ không chỉ khiến cho quan hệ đôi bên bị ảnh hưởng mà còn có thể gây hậu quả tiềm ẩn, vượt quá phạm vi của các tranh chấp biển ban đầu.

Bắc Kinh đã nhìn nhận sai lầm rằng xung đột trên Biển Đông và Hoa Đông gia tăng là do chiến lược ngầm của Mỹ khuyến khích các nước khác, đặc biệt là Nhật Bản, Việt Nam và Philippines cùng hợp tác với hy vọng rằng những phản ứng của Trung Quốc sẽ khiến các nước này cùng với ASEAN đoàn kết hơn và dựa vào Mỹ hơn do quan ngại hành động của Trung Quốc. Đồng thời, cách tiếp cận mang hơi hướng “bắt nạt” của Trung Quốc trong các tuyên bố chủ quyền trên biển đang khiến nhiều người ngả về phía những nhà phân tích coi sự “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc là sự ảo tưởng và rằng sự cạnh tranh khốc liệt, nếu không muốn nói thẳng ra là xung đột, giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ quyết định tương lai của thế giới.

Mặc dù có một vài nét tương đồng nhưng tranh chấp Biển Đông và tranh chấp Hoa Đông lại rất khác nhau ở một số điểm quan trọng. Tranh chấp biển Hoa Đông chỉ liên quan đến hai bên yêu sách là Trung Quốc và Nhật Bản, chủ yếu xoay quanh một nhóm nhỏ các đảo không người ở, được cả hai bên tuyên bố chủ quyền và có liên hệ mật thiết tới cách diễn giải Hiệp ước Tương trợ An ninh Mỹ – Nhật. Trái lại, tranh chấp Biển Đông có liên quan đến một khu vực biển rộng lớn, bao gồm cả các đảo không người lẫn đảo có người chiếm đóng. Các bên trong tranh chấp Biển Đông đưa ra tuyên bố và đối đầu nhau một cách phức tạp hơn nhiều về lãnh thổ và tài nguyên. Thách thức đặt ra với luật quốc tế cũng lớn hơn và có sự không cân bằng về lực lượng giữa các bên có tranh chấp. Bài viết này sẽ chỉ đề cập đến tranh chấp Biển Đông.

Trong tranh chấp Biển Đông, Trung Quốc đối đầu với 5 bên yêu sách chủ quyền khác, bao gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Đài Loan. Trong số đó, rất nhiều tuyên bố chồng lấn với nhau. Tranh chấp Biển Đông xoay quanh:

• Tuyên bố chủ quyền dựa nhiều vào cảm tính đi kèm với chủ nghĩa dân tộc dâng cao trong khu vực

• Nguy cơ xảy ra các xung đột bất ngờ có thể leo thang

• Những yêu sách đối lập nhau về các nguồn tài nguyên phong phú (có tiềm năng khai thác)

• Hiểm họa đối với tự do hàng hải trong các Vùng Đặc quyền Kinh tế

• Xung đột về cách diễn giải và khả năng ứng dụng luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển (UNCLOS).[1]

Tranh chấp Biển Đông cũng liên quan đến lợi ích của Mỹ, đặc biệt là về vấn đề tự do hàng hải, luật và quy chuẩn quốc tế, quan hệ với các đối tác và đồng minh quan trọng và việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

Mỹ có lợi ích cốt yếu trong việc bảo đảm với các đồng minh và đối tác của mình trong khu vực và rằng Mỹ sẽ duy trì hiện diện mạnh mẽ về an ninh tại đây để ngăn chặn nguy cơ “khoảng trống quyền lực” (power vacuum) xuất hiện khi Trung Quốc trỗi dậy. Điều này đòi hỏi Mỹ tiếp tục tham gia tích cực tại Biển Đông, tiến hành các bước đi khuyến khích cách hành xử có trách nhiệm và ngăn chặn những hành động cưỡng ép từ tất cả các bên. Philippines, một trong số các bên tranh chấp, là đồng minh hiệp ước của Mỹ. Mỹ cần phải tôn trọng hiệp ước an ninh của mình, trong đó bao gồm cả các hòn đảo chính của Philippines cũng như “tàu và máy bay công của nước này.”

Mặc dù vậy, Mỹ cũng không nên thổi phồng những gì đang diễn ra tại Biển Đông cũng như không nên coi đây là một “phiên bản Châu Á” của việc Nga xâm phạm Ukraina. Các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc tại Biển Đông đã có từ lâu. Quân đội không tham chiến và không có thiệt hại về người. Việc quản lý các yêu sách tranh chấp là quan trọng nhưng nếu có bên nào thi thoảng lại tăng cường yêu sách của mình thì điều đó cũng không phải thách thức quá nghiêm trọng đối với đường biên giới đã được công nhận và sự toàn vẹn lãnh thổ của các bên khác.

Hành động của Trung Quốc tại Biển Đông không giống như hành động của Đức tại Sudetenland (Đức Quốc xã, vào những năm 1930, yêu cầu Tiệp Khắc nhượng lại vùng này cho mình, nếu không Đức sẽ dùng vũ lực để cưỡng chiếm – ND) như nhiều người nghĩ. Căng thẳng dâng cao về các yêu sách trên biển đòi hỏi một chiến lược đa diện nhưng Mỹ không nên phóng đại tầm quan trọng của các yêu sách trái ngược nhau đối với một vài trăm đảo, đá hay bãi san hô nhỏ không người ở. Tự do hàng hải và quyền qua lại vô hại tại khu vực này liên quan đến lợi ích sống còn của Mỹ nhưng bản thân các yêu sách lãnh thổ thì không.

Do vậy, Mỹ cần phải đánh giá một cách đúng đắn về vấn đề Biển Đông, định hình một chiến lược nhằm giảm thiểu tối đa khả năng bị cuốn vào đối đầu hay xung đột có thể khiến hàng loạt các vấn đề cốt yếu khác (như chương trình hạt nhân tại Iran và Bắc Triều Tiên; thúc đẩy thương mại, đầu tư và phát triển kinh tế; chống biến đổi khí hậu hay gìn giữ hòa bình ổn định eo biển Đài Loan và Hoa Đông) trở nên khó giải quyết hơn rất nhiều.

II. VÀI NÉT CƠ BẢN VỀ VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG

Mặc dù đã xuất hiện từ nhiều thập kỉ trước nhưng chỉ trong một vài năm gần đây, tranh chấp Biển Đông mới trở nên rõ rệt và căng thẳng đến như vậy. Các quốc gia đưa ra rất nhiều lý do để giải thích cho sự căng thẳng này. Vì thế, việc phân tích rõ động thái của các bên có tranh chấp trước khi đưa ra cacs kiến nghị chính sách cụ thể cho Mỹ là rất quan trọng.

Biển Đông trải dài trên khu vực đại dương có diện tích 1.4 triệu dặm vuông, bao gồm hàng trăm các đảo, đá, bãi cạn, bãi san hô nhỏ với tổng diện tích là 6 dặm vuông.[2] Các đảo ở đây không có người dân bản địa sinh sống mà chỉ có một số lượng nhỏ người cư trú do các quốc gia đưa ra để thúc đẩy yêu sách của mình. Biển Đông có trữ lượng tài nguyên biển giàu có, vốn được khai thác từ lâu đời bởi các nước trong khu vực. Trữ lượng dầu và khí vẫn còn chưa được xác định rõ, phần lớn trong số đó thuộc diện khó khai thác nên cho đến nay vẫn chưa được khai thác. Hơn một nửa tổng lượng giao thương hàng hóa trên biển và gần một nửa tàu chở dầu trên toàn thế giới phải đi qua vùng nước Biển Đông.

Biển Đông bao bọc bốn nhóm quần đảo chính: quần đảo Đông Sa (Pratas) nằm ở phía Đông Bắc, quần đảo Hoàng Sa tại phía Bắc, quần đảo Trường Sa tại phía Nam và bãi cạn Hoàng Nham (Scarbor­ough Shoal) tại vùng trung Đông. (Bãi Macclesfield chỉ là một quần thể đá ngầm chìm hoàn toàn dưới mặt nước nằm ở trung tâm Biển Đông.) Tất cả những quần đảo này đều được Trung Quốc lục địa và Đài Loan tuyên bố chủ quyền. Trong khi đó, Việt Nam đòi chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa còn Philippines khẳng định Trường Sa và Hoàng Nham là của mình. Malaysia và Brunei chỉ yêu sách một vài đảo ở Trường Sa. Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát Hoàng Sa kể từ khi nước này dùng vũ lực đuổi quân đội miền Nam Việt Nam đóng tại đảo vào Tháng Một năm 1974. Tuy nhiên, tại Trường Sa, Việt Nam lại là nước kiểm soát nhiều đảo nhất (khoảng 25 đảo tất cả). Trung Quốc và Philippines chiếm đóng khoảng 7 – 8 đảo tại đây, Malaysia chiếm 4 đảo và Đài Loan chiếm 1 đảo.

Đặc điểm địa hình của các đảo khiến cho việc xây dựng cơ sở quân sự lớn tại đây không mấy dễ dàng. Đài Loan nắm giữ đảo lớn nhất Trường Sa mang tên Ba Bình (Itu Aba). Trên đảo có sân bay có thể chứa máy bay C-130 và một đơn vị đồn trú nhỏ. Các đường băng, điểm đậu máy bay trực thăng hay hệ thống ra-đa nằm rải rác trên đảo và dự kiến Đài Loan sẽ cho xây dựng thêm nữa. Xây dựng các cơ sở đầy đủ thiết bị và tiện nghi không chỉ tốn kém mà còn có rủi ro bởi Biển Đông là nơi hay có bão đi qua. Về mặt lịch sử, Biển Đông là khu vực đặc biệt nhạy cảm về quân sự đối với Trung Quốc. Ngày nay cũng vậy bởi căn cứ tàu ngầm tối quan trọng của nước này được đặt tại đảo Hải Nam, nơi các tàu rời bến và cập cảng đều phải đi qua các vùng nước của Biển Đông.

Trong suốt 50 năm qua, nhiều vụ đụng độ hay các sự cố quy mô nhỏ đã xảy ra tại Biển Đông, thậm chí một số còn gây ra thiệt hại về người, điển hình là trận hải chiến Hoàng Sa có nhắc đến ở trên do quân Trung Quốc gây ra, vụ Trung Quốc tấn công người Việt Nam trú trên Đá Gạc Ma (Johnson South Reef) năm 1988 hay vụ Trung Quốc chiếm đóng và cho xây dựng tại Đá Vành Khăn (Mischief Reef) vào những năm 1994 – 1995 bất chấp phản ứng mãnh liệt từ phía Philippines. Sau vụ việc tại Đá Vành Khăn, Trung Quốc phải đối mặt với hoài nghi và hiềm khích chồng chất từ phía các nước Đông Nam Á về hành vi và ý định của mình ở Biển Đông. Ngoại giao của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, dưới sự dẫn dắt của Bộ trưởng bấy giờ là Tiền Kỳ Tham (Qian Qichen) đã cố gắng làm dịu các mâu thuẫn và dẫn đến việc Trung Quốc cùng các nước thành viên ASEAN kí một thỏa thuận khu vực không ràng buộc mang tên Tuyên bố Ứng xử trên Biển Đông (DOC) vào Tháng 11 năm 2002.[3] Văn bản này kêu gọi các bên chủ động kiềm chế các hành vi có thể gây căng thẳng và tham gia tham vấn, đối thoại thay vì sử dụng các biện pháp cưỡng chế để giải quyết tranh chấp.

Trong những năm sau đó, hàng loạt các vụ việc xảy ra như nước này bắt giữ ngư dân trên tàu cá nước kia, biểu tình phản đối khoan dầu khí tại các vùng biển tranh chấp hay tàu Hải quân Trung Quốc đi tuần với tần suất dày hơn và lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc được mở rộng hơn. Lời cam kết rằng DOC sẽ được sử dụng như một công cụ đàm phán ngoại giao để giải quyết tranh chấp đã không thành hiện thực mặc dù đối đầu quân sự trực tiếp đã không xảy ra. Cũng trong thời gian này, thế giới được chứng kiến hai cuộc đụng độ nghiêm trọng của Hải quân Mỹ và Trung Quốc khi hoạt động trinh sát của hải quân Mỹ tiến hành bên ngoài vùng lãnh hải của Trung Quốc nhưng lại nằm trong vùng Đặc quyền Kinh tế của nước này.

Phản ứng trước căng thẳng ngày một tăng cao trong khi đàm phán tiến tới một Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) lại không có tiến triển, trong một cuộc họp của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) tại Hà Nội năm 2010, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đưa ra các nguyên tắc định hướng chính sách của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông: tự do hàng hải, thương mại hợp pháp không bị cản trở, chỉ công nhận các quyền trên biển dựa trên chủ quyền đối với các thực thể đất liền và được phân định phù hợp với UNCLOS, một tiến trình ngoại giao “mang tính hợp tác” giữa các bên yêu sách để giải quyết tranh chấp lãnh thổ liên quan tới chủ quyền đối với các thực thể đất liền trên Biển Đông và khuyến khích đàm phán tiến tới ký kết COC.[4]

Trung Quốc đã phản ứng rất dữ dội theo hướng tiêu cực trước các sáng kiến của Ngoại trưởng Hillary, bắt đầu là cuộc tranh luận gay gắt tại Hà Nội với Bộ trưởng Dương Khiết Trì, đại ý khẳng định tranh chấp Biển Đông không phải chuyện của Mỹ và cảnh báo các bên tranh chấp không nên ngả theo lời dụ dỗ của nước này. Trong những năm sau đó, một số sự việc đáng lo ngại đã xảy ra, bao gồm việc Trung Quốc trục xuất tàu Philippines khỏi khu vực đánh cá tại Bãi Hoàng Nham (Scarborough Shoal) vào năm 2011[5], va chạm giữa Trung Quốc và Philippines liên quan đến việc tiếp tế cho một đơn vị quân đồn trú nhỏ của Philippines đóng trên một con tàu hoen rỉ bị mắc cạn tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal)[6] hay vụ việc tàu Trung Quốc và Việt Nam đụng độ khi Trung Quốc triển khai một giàn khoan nước sâu ngay tại vùng biển tranh chấp, dẫn đến làn sóng bài trừ Trung Quốc dữ dội tại Việt Nam trong Tháng 5 và Tháng 6 năm 2014 vừa rồi.[7]

Yêu sách của Trung Quốc đối với “các quyền lịch sử” mơ hồ trong cái được gọi là “Đường chín đoạn” đang làm phức tạp tình hình tranh chấp Biển Đông lên rất nhiều. Đường chín đoạn lần đầu được Cộng hòa Trung Hoa đưa ra vào năm 1947 và sau đó được Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kế thừa và công nhận. Các đoạn trên bản đồ của Trung Quốc, bao gồm cả bản đồ trình lên Liên Hợp Quốc, gần như bao phủ toàn bộ Biển Đông.

Giới chức Trung Quốc từ chối việc làm rõ các quyền của mình trong Đường chín đoạn. Hành động và lời nói của Trung Quốc ám chỉ rằng Trung Quốc hưởng quyền đối với các nguồn tài nguyên nằm ở bất cứ nơi nào trong Đường chín đoạn. Ví dụ, văn bản “Các biện pháp thực thi” (Implementation Methods) của chính quyền tỉnh Hải Nam đối với Luật Ngư nghiệp Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 1/1/2014, đều dựa trên Đường chín đoạn.[8] Một số học giả Trung Quốc khẳng định Trung Quốc được hưởng “các quyền lịch sử” đối với tài nguyên nằm trong Đường chín đoạn trong khi một số khác lại tuyên bố trên phương diện cá nhân rằng Đường chín đoạn chỉ phác ra khu vực mà Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền với toàn bộ các thực thể đất liền trên biển, cộng với các quyền phát sinh do áp dụng Công ước Luật biển lên các thực thể đó mà thôi. UNCLOS không công nhận các yêu sách trên biển theo kiểu diễn giải bành trướng như của Trung Quốc đối với ý nghĩa của Đường chín đoạn.

Trong 4 năm trở lại đây, các bên tranh chấp thuộc ASEAN đã thất bại trong việc tập hợp lực lượng, thống nhất cùng một quan điểm để kiềm chế Trung Quốc. Chính phủ Mỹ đã đưa ra hàng loạt các tuyên bố chỉ trích các hành động của Trung Quốc, miêu tả các hành động này bằng các từ như “khiêu khích”, “gây hấn” hay “làm mất ổn định” và vạch trần cách hành xử gây rối theo kiểu bắt nạt và hăm dọa của Trung Quốc. Mỹ đã đạt được một thỏa thuận với Philippines nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng và triển khai luân phiên quân đội Mỹ tại Philippines, quan hệ Việt – Mỹ về mặt quốc phòng cũng được củng cố. Mỹ và Nhật đều cam kết cung cấp các tuần duyên cũng như các phương tiện khác nhằm cải thiện an ninh biển của nước này.

III. NGUYÊN TẮC VÀ LỢI ÍCH CỦA MỸ

Như đã đề cập ở trên, trong cuộc họp ARF vào tháng 7/2010 tại Hà Nội, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã đưa ra các quy tắc định hướng chính sách của Mỹ đối với khu vực Biển Đông. Các nguyên tắc này đã tạo thành nền tảng, mặc dù không phải toàn bộ, cho các lợi ích của Mỹ trong khu vực.

Vậy thì, những nguyên tắc này hé lộ điều gì về những lợi ích cụ thể Mỹ? Những lợi ích nào Mỹ cần phải tập trung bảo vệ?

1) Tự do hàng hải/quân sự: Quyền tự do tại biển cả được UNCLOS ghi nhận là điều tối quan trọng với vai trò toàn cầu của Mỹ với tư cách là người đảm bảo an ninh tại tất cả các vùng biển trên thế giới kể cả những vùng biển xa xôi nhất. Dưới cách diễn giải Luật biển của Bắc Kinh, các hoạt động tình báo hay tàu quân sự quá cảnh qua Vùng Đặc quyền Kinh tế của Trung Quốc đều phải được sự đồng thuận của nước này trước khi thực hiện. Mặc dù Trung Quốc chưa bao giờ thành công trong việc áp dụng cách diễn giải này với Mỹ, lập trường này có thể mang hậu quả tiềm tàng đối với quân đội Mỹ nếu như các tuyên bố chủ quyền bành trướng nhất tại Biển Đông của Trung Quốc trở thành hiện thực. Hiện giờ, lập trường của Trung Quốc vẫn được xem là quan điểm thiểu số trong cộng đồng quốc tế và Mỹ cần đảm bảo điều này sẽ không thay đổi.

2) Tự do hàng không: Khi Trung Quốc tuyên bố thành lập Vùng Nhận diện Phòng không (ADIZ) tại biển Hoa Đông, các nước khác, bao gồm Mỹ, lập tức lo ngại về việc một vùng tương tự được Trung Quốc đưa ra tại Biển Đông. Nếu như ADIZ của Trung Quốc được lập tại Biển Đông, bao trùm cả các vùng mà các nước yêu sách, khu vực sẽ trở nên bất ổn, căng thẳng sẽ dâng cao và do vậy, khả năng này cần được loại bỏ. Tuy vậy, giả sử như khả năng này có xảy ra thật, chúng ta cũng có thể tin tưởng rằng vùng này sẽ không được thực thi theo hướng làm ảnh hưởng tiêu cực tới các tuyến hàng không, cũng giống như ADIZ tại Hoa Đông cho đến nay vẫn chưa gây ra ảnh hưởng nào trầm trọng tới các tuyến đường bay.

3) Thương mại không bị cản trở: Do tất cả các quốc gia trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, bao gồm chính Trung Quốc, đều có lợi ích lớn trong việc gìn giữ tự do thương mại trên Biển Đông nên khả năng lợi ích chung này bị đe dọa một sớm một chiều là rất hiếm.

4) Giải quyết tranh chấp hòa bình, tránh các biện pháp cưỡng bức: Điều này nên được coi là mục tiêu cốt yếu của Mỹ tại Biển Đông, cũng như tại các khu vực khác, bởi đây là nguyên tắc nền tảng xây dựng nên trật tự quốc tế và là nguyên tắc thiết yếu để duy trì ổn định khu vực. Trung Quốc là bên tranh chấp với khả năng sử dụng ngoại giao cưỡng bức lớn nhất. Cái Trung Quốc gọi là “trỗi dậy hòa bình” (hay “phát triển hòa bình” như các quan chức nước này thường nhắc đến) là điều mà cả thế giới kỳ vọng, đang được đem ra kiểm chứng ở Biển Đông. Mới đây, Trung Quốc đã triển khai hành động trong vùng xám: Trung Quốc không tấn công các đảo do các nước khác kiểm soát, không sử dụng Hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) mà dựa vào lực lượng cảnh sát biển để củng cố yêu sách. Tuy nhiên, Trung Quốc đã đẩy quân Philippines khỏi Bãi Hoàng Nham – ngư trường truyền thống người dân Philippines. Trung Quốc cũng đã điều một hạm đội cảnh sát biển và tàu cá đến khu vực giàn khoan tại Hoàng Sa để ứng phó với tàu Việt Nam. Những hành động kiểu như vậy càng làm gia tăng nghi ngại đối với các bên yêu sách cũng như các nước khác trong khu vực Đông Á về những hành động gây hấn mà Trung Quốc có thể gây ra trong tương lai.

4) Các tuyên bố chủ quyền phải phù hợp với UNCLOS: Yêu sách các quyền bành trướng nhất tại Biển Đông là Đường chín đoạn – đường khoanh vùng hầu như toàn bộ Biển Đông. Trung Quốc và Đài Loan đều không thể giải thích ý nghĩa của Đường chín đoạn – liệu nó vạch ra yêu sách của Trung Quốc đối với các quyền trên toàn bộ vùng biển nằm trong đường này (và nếu quả thực như vậy thì chính xác là các quyền gì?) hay nó chỉ đơn giản biểu thị yêu sách của Trung Quốc đối với các thực thể đất liền nằm trong đó? Mỹ phải để tâm tới vấn đề này bởi tôn trọng luật lệ và quy chuẩn quốc tế là nền tảng quan trọng của hệ thống quan hệ quốc tế. Việc áp đặt những tuyên bố chủ quyền với phạm vi rộng lớn như Đường chín đoạn sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới quyền lợi của nhiều nước khác và gây bất ổn nghiêm trọng. Không chỉ có vậy, các công ty và chủ thể Mỹ có thể sẽ muốn tiến hành thăm dò hay đánh bắt tại những khu vực đáng nhẽ ra là biển quốc tế này.

5) Một tiến trình ngoại giao mang tính hợp tác để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ: Mỹ có lợi ích khi các bên tranh chấp đàm phán để dàn xếp yêu sách của mình, dù tiến trình đó là song phương như mong muốn của Trung Quốc hay đa phương như mong muốn của các nước ASEAN. Tuy nhiên, khả năng đàm phán nghiêm túc các yêu sách lãnh thổ trong tương lai gần là không có. Vì vậy, mối quan tâm hiện nay của Mỹ nằm ở việc ngăn ngừa các bên tranh chấp tranh sử dụng các biện pháp cưỡng chế để làm thay đổi hiện trạng hơn là dồn nguồn lực ngoại giao để các bên ngồi lại đàm phán giải quyết các yêu sách.

6) Đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử (COC): Trong “Tuyên bố Ứng xử của các bên tại Biển Đông” (DOC), được kí kết vào tháng 11/2012 vốn không mang tính ràng buộc, các bên yêu sách trong ASEAN có tuyên bố chủ quyền cùng với Trung Quốc đã nhất trí rằng việc áp dụng Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông sẽ góp phần hơn nữa vào việc duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực. Dựa trên nền tảng của sự đồng thuận, các bên đã đồng ý sẽ theo đuổi mục tiêu này đến cùng. Do các tranh chấp về chủ quyền của các thực thể đất liền tại Biển Đông khó có thể được giải quyết trong tương lai gần, một Bộ Quy tắc Ứng xử với những quy định rõ ràng về cách khẳng định quyền của các bên sẽ là công cụ thiết yếu cho việc quản lý tranh chấp.

IV. KIẾN NGHỊ

Nhiều, thậm chí là hầu hết các vấn đề tranh chấp tại Biển Đông sẽ không thể được giải quyết triệt để trong nhiều năm tới. Đây là vùng biển mà các quốc gia ven biển đều tìm cách tối đa hóa sức mạnh và giá trị của những yêu sách của mình. Một số bên đang ngày càng tìm cách lôi kéo Mỹ vào tranh chấp tại Biển Đông để làm đối trọng với Trung Quốc. Sự trỗi dậy của Trung Quốc khiến cho những hành động của quốc gia này có thể gây hậu quả đáng lo ngại hơn so với các bên có tranh chấp chủ quyền khác. Do đó, những động thái của Trung Quốc được quan tâm và đánh giá nhiều hơn nhưng chúng cũng cần phải được đánh giá trong bối cảnh rộng hơn về mục tiêu cũng như động thái của các bên có tranh chấp khác.

Vấn đề Biển Đông đã đưa Mỹ vào thế “tiến thoái lưỡng nan” trong việc cân bằng và chọn lựa giữa các lợi ích trái ngược nhau. Các bên có tranh chấp đều quan ngại về nguy cơ những tuyên bố chủ quyền của mình sẽ thiếu sự ủng hộ của Mỹ, còn các quốc gia Châu Á khác thì lo ngại về hệ quả lớn hơn của sự trỗi dậy của Trung Quốc một khi nước này áp dụng thành công chính sách ngoại giao gây sức ép để củng cố yêu sách ở Biển Đông. Mỹ cần nhận thức và hiểu được những mối quan ngại chính đáng này. Đồng thời, Mỹ cũng cần tránh những động thái gây tổn hại trầm trọng đến quan hệ Trung – Mỹ như việc ủng hộ theo phản xạ (reflexively) các bên có tuyên bố chủ quyền khác trong khi tất cả các bên đều theo đuổi chiến lược riêng để tối đa hóa lập trường của mình. Mỹ không muốn bất ngờ bị lôi kéo vào những xung đột về một vấn đề hay sự kiện mà trong đó Mỹ không có lợi ích quốc gia quan trọng. Do vậy, Washington không nên công bố những chính sách mà Mỹ không sẵn sàng để bảo vệ bởi nó có thể gây ảnh hưởng xấu tới uy tín của Mỹ. Thay vào đó, Mỹ nên nêu rõ mối quan tâm của mình về những nguyên tắc quan trọng được đề cập trong bài viết này, nhưng cũng phải có sự nghiêm ngặt trong việc xác định những lợi ích cốt lõi của Mỹ để Washington có thể sử dụng vũ lực để bảo vệ chúng khi cần.

Đối với vấn đề Biển Đông, những nhà hoạch định chính sách của Mỹ cần cân nhắc phương thức hiệu quả nhất để đạt mục tiêu giảm thiểu căng thẳng, ngăn ngừa việc sử dụng vũ lực của tất cả các bên, bảo vệ những quyền hợp pháp của cộng đồng quốc tế, khuyến khích các biện pháp hòa giải giữa các bên có tranh chấp và duy trì uy tín và quan hệ tốt đẹp của Mỹ với tất cả các bên. Những mục tiêu đan xen này đòi hỏi một loạt các chính sách mà nếu được áp dụng cùng lúc sẽ xoay chuyển tình hình vốn đang khó khăn và ngày một căng thẳng ở Biển Đông sang hướng ổn định hơn. Washington không nên coi tranh chấp Biển Đông như một dấu hiệu khởi nguồn cho cuộc “chiến tranh lạnh” với Trung Quốc hay là vấn đề chiến lược trung tâm trong quan hệ Mỹ – Trung. Cách tiếp cận như vậy khó có thể giúp Mỹ đạt được những mục tiêu của mình, và thay vào đó còn có thể gây căng thẳng trong quan hệ Trung-Mỹ, khiến hai nước nghi kị lẫn nhau về mục tiêu chiến lược, đồng thời tăng cường nguy cơ các bên có yêu sách khác hành động một cách bất cẩn.

Do đó, những thách thức đặt ra từ vấn đề Biển Đông đòi hỏi Mỹ phải có một chiến lược ngoại giao chủ động và hợp lý. Sự quan tâm của chính phủ Mỹ đối với vấn đề Biển Đông đã mang đến cả lợi ích lẫn rủi ro. Nếu như sự can dự của Mỹ, vốn được thể hiện rõ ràng nhất kể từ năm 2010, có thể tạo đà cho các bên có tranh chấp dàn xếp được những khác biệt, như họ đã từng làm được khi đạt thỏa thuận DOC năm 2002, thì sự can dự này là đáng giá. Ngược lại, nếu như sự can dự của Mỹ lại khiến cho chủ nghĩa dân tộc và thái độ gây hấn của Trung Quốc ngày một gia tăng, hoặc khiến cho các bên có tranh chấp nghĩ rằng họ có sự ủng hộ của Mỹ mà thực hiện các bước đi mạo hiểm, thì sự can dự của Mỹ đã phản tác dụng đối với lợi ích của Mỹ và khu vực.

Chúng tôi tin rằng Mỹ có thể xây dựng một vai trò tích cực tại Biển Đông dựa trên các nguyên tắc mà cựu Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton đã vạch ra vào năm 2010, nhưng điều này chỉ xảy ra nếu như chính sách ngoại giao của Mỹ tại Biển Đông là một chính sách toàn diện, rõ ràng, hợp lý và hướng tới tương lai. Vậy đâu là nhân tố cơ bản cho một chiến lược như vậy?

• Chính sách của Mỹ phải được dựa trên các nguyên tắc, chứ không đi theo bất kì bên nào. Washington cần phải làm rõ lập trường của mình về việc không yêu sách của bất kì bên nào. Đây là lập trường hiện tại của Mỹ, và nó cần được giữ vững trong tương lai.

• Những nguyên tắc được vạch rõ bởi cựu Ngoại trưởng Clinton, và nay được tiếp nối bởi Ngoại trưởng Kerry là những nguyên tắc đúng đắn nếu được áp dụng như mô tả dưới đây: Mỹ cần triệu tập không chỉ Trung Quốc mà tất cả các bên có tranh chấp khi các bên này có động thái vi phạm những nguyên tắc trên. Tuy nhiên, các quan chức và người phát ngôn của Mỹ nói chung cũng cần phải “hạ nhiệt” trong các nhận định công khai của mình. Lấy ví dụ, trong các tuyên bố của mình, Mỹ đã nhiều lần lên án hành động của Trung Quốc là “khiêu khích” và “gây hấn” nhưng lại im lặng đối với những động thái làm thay đổi nguyên trạng của các bên khác. Điều này có thể khiến Bắc Kinh càng có lý do để tin rằng Mỹ thiên vị các bên có tranh chấp khác và sử dụng vấn đề này để kiềm chế Bắc Kinh.

• Mỹ cần tập trung tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với hai mục tiêu cốt lõi trong chính sách ngoại giao của Mỹ ở Biển Đông, đó là: 1) tuân thủ quy định của UNCLOS trong việc phân định tất cả các quyền trên biển vốn được phát sinh từ các thực thể đất liền có liên quan; và 2) ủng hộ việc đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử giữa các nước ASEAN với Trung Quốc mà trong đó quy định rõ thống nhất các luật lệ, thủ tục và quy tắc, bao gồm cả cam kết giải quyết tranh chấp mà không sử dụng vũ lực.

• Thượng viện Mỹ cần phê chuẩn UNCLOS. Mặc dù hiện nay Mỹ vẫn tôn trọng và tuân thủ những điều khoản của UNCLOS tuy chưa phê chuẩn công ước này, lập trường của Mỹ sẽ có giá trị hơn rất nhiều nếu Mỹ chấm dứt sự tách biệt của mình với cộng đồng quốc tế vốn được hình thành dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Reagan đối với công ước này. Đây từ lâu đã là quan điểm của Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ và các nhân vật chủ chốt trong cộng đồng doanh nhân Mỹ. Do vậy, Thượng viện Mỹ nên chiểu theo quan điểm của họ.

• Để UNCLOS được thực thi một cách hiệu quả, Mỹ và cộng đồng quốc tế cần kêu gọi Bắc Kinh làm rõ lập trường của mình Về đường chín đoạn sao cho phù hợp với các điều khoản liên quan của UNCLOS mà Trung Quốc đã phê chuẩn và kí kết. Tương tự, Mỹ cũng cần gây áp lực để Đài Loan làm rõ lập trường đối với đường chín đoạn. Việc làm rõ ý nghĩa của đường chín đoạn cũng là vấn đề chính mà Philippines đệ trình lên Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) để được phân xử.

• Với bất cứ tranh chấp nào còn tồn tại liên quan tới ranh giới Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ), Mỹ cần khuyến khích các bên tranh chấp đạt được thỏa thuận toàn diện hoặc từng phần về các vùng đánh bắt cá để cho phép ngư dân của tất cả các bên có tranh chấp đều được quyền đánh bắt tại vùng biển của mình mà không bị can thiệp. Tuy nhiên, phải có giới hạn về mức độ đánh bắt để tránh tình trạng đánh bắt quá nhiều và đe dọa tới sự tồn tại của các sinh vật biển. Mỹ cũng nên ủng hộ nguyên tắc về khai thác chung giữa các bên yêu sách để phát triển nguồn tài nguyên đáy biển của những vùng EEZ tranh chấp.

• Mỹ nên ủng hộ tất cả các diễn đàn đàm phán và các phương thức đàm phán không thể hiện sự ưu ái của Mỹ đối với bất kì diễn đàn hay hình thức đơn lẻ nào, trừ khi có sự đồng thuận của cả khu vực. Những đàm phán song phương, như vừa thực hiện giữa Philippines và Indonesia, là rất hữu ích. Những đàm phán đa phương giữa các bên liên quan trực tiếp chắc chắn sẽ là cần thiết trong tương lai để giải quyết các tuyên bố chủ quyền chồng lấn bao gồm nhiều bên. Tòa trọng tài quốc tế là một công cụ hữu ích và lý tưởng nếu có sự đồng thuận của cả hai bên có tranh chấp và trong mọi trường hợp ít nhất chúng cũng cho thấy được quan điểm của tòa quốc tế.

• Mỹ cần phải hành động để chứng tỏ rằng những động thái mang tính cưỡng bức của một bên có tranh chấp sẽ khiến bên đó phải trả giá. Cách hành xử của Trung Quốc những năm gần đây đã khiến cho một số nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam và Philippines tìm cách tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ. Mỹ cần đáp ứng lại những yêu cầu của các bên có yêu sách, trong đó có Việt Nam, để nâng cao khả năng bảo vệ an ninh biển của những bên này. Nga, Hà Lan và Pháp đều đã bán vũ khí cho Việt Nam; do đó Mỹ cũng nên dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí của mình đối với Hà Nội để cho phép hai bên xây dựng các điều khoản về điều khiển và kiểm soát cũng như các trang thiết bị phục vụ công tác hải giám.

• Washington cũng cần tái khẳng định lập trường về tự do hàng hải và hàng không dành cho các tàu quân sự và dân sự và máy bay, kể cả đối với những Vùng Đặc quyền Kinh tế, và cần phải có hành động phù hợp trong trường hợp bị thách thức. Việc Trung Quốc đưa tàu thăm dò vào Vùng Đặc quyền Kinh tế của Mỹ tại Hawaii hồi tháng 7/2014 trong thời gian diễn ra cuộc tập trận RIMPAC 2014 đã cho thấy sự hai mặt của Trung Quốc trong việc diễn giải những hoạt động được phép thực thi trong Vùng Đặc quyền Kinh tế.

• Mỹ cần khuyến khích tất cả các bên có tranh chấp, nếu có thể, “đóng băng” các hoạt động xây dựng căn cứ quân sự trên các đảo hay thực thể nửa chìm nửa nổi đang có tranh chấp, hoặc nếu không thì chí ít cũng kiềm chế những hoạt động này. Mỹ cũng cần thúc đẩy các bên cùng nhất trí rằng những căn cứ quân sự này phải được sử dụng với mục đích tuần tra chứ không phải là mục đích triển khai sức mạnh.

Những kiến nghị trên được đề ra nhằm tạo nên sự cân bằng giữa các mối lợi ích đối nghịch nhau: để giảm thiểu những căng thẳng có chiều hướng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc và giữa các bên có yêu sách ở Biển Đông; để bảo vệ lợi ích của Mỹ đối với các vấn đề biển mà Mỹ quan tâm; để tạo dựng lòng tin đối với các chủ thể trong khu vực rằng sự hiện diện an ninh của Mỹ là lâu dài; và để tránh gây ảnh hưởng tới uy tín của Mỹ trong những tình huống mà Mỹ khó có thể sử dụng biện pháp quân sự để bảo vệ lập trường của mình. Những đề xuất này cũng có mục đích bảo vệ lợi ích rộng lớn hơn của Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc và giúp Mỹ tránh trở thành nạn nhân trong các vấn đề Mỹ không thể kiểm soát được.

Nếu Trung Quốc thay đổi cách tiếp cận của mình tại Biển Đông sang một hướng quyết tâm gây hấn bằng quân sự và đe dọa nghiêm trọng tới ổn định khu vực, thì Mỹ cần tìm kiếm những phương án khác để ngăn chặn tình hình diễn biến theo chiều hướng đó. Để ngăn cản một diễn tiến như vậy, Mỹ cần đảm bảo rằng chiến lược ngoại giao của mình tập trung vào các vấn đề cốt lõi như tự do hàng hàng hải, sự tôn trọng các quy tắc quốc tế và việc tạo dựng một môi trường mà việc sử dụng vũ lực và các hành vi cưỡng ép là không khả thi. Để làm được điều này, Mỹ nên giảm bớt giọng điệu chỉ trích của mình, cùng hợp tác với tất cả các bên (chứ không chỉ một vài chủ thể) và đánh giá đúng tầm quan trọng của vấn đề Biển Đông.

Nguồn: NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG (2014)

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo