Biển Đông

Hội thảo chủ đề biển Đông tại Warszawa

Cập nhật lúc 20-03-2018 18:08:05 (GMT+1)
Các diễn giả trong buổi hội thảo

 

Tối ngày 19.03.2018 tại hội trường A trong Cung Văn hóa và Khoa học Vác-sa-va đã diễn ra hội thảo khoa học với chủ đề „Biển Đông và tính an toàn cho cả khu vực Châu Á và Thái Bình Dương” do Trung tâm Nghiên cứu Ba Lan - Châu Á và trường ĐH Xã hội Nhân văn Colegium Civitas Vác-sa-va tổ chức.


Tham dự hội thảo có đông đảo người Ba Lan và người Việt cùng tham gia, Những người diễn thuyết đều là những chính trị gia và những nhà nghiên cứu Ba Lan, bao gồm:

- GS Tadeusz Iwiński – chuyên gia chính trị quốc tế, Chủ tịch Hội hữu nghị Ba Lan -Việt Nam.

- GS Małgorzata Pietrasiak, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế, trường ĐHTH Łódź.

- Ông Paweł Bejrendt, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Ba Lan - Châu Á, hiện đang là nghiên cứu sinh ĐHTH Vienna.

- Ông Damian Wnukowski – chuyên gia phân tích chương trình quan hệ kinh tế quốc tế và những vấn đề toàn cầu Viện Quan hệ Quốc tế Ba Lan.

- Ông Jakub Królczyk – cộng tác viên Trung tâm Nghiên cứu Ba Lan - Châu Á, nghiên cứu sinh Khoa tiếng Việt ĐHTH Adam Mickiewicz Poznań.

Như chúng ta đã biết, hiện nay tất cả các cường quốc của thế giới hiện đại đang có mặt ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương, ở đó họ đang tích cực tham gia chính trị về kinh tế và quân sự.

Những vùng ảnh hưởng và chuyện làm ăn đang được tập trung tại khu vực biển Đông. Tại đó có Brunei, Trung Quốc, Philippin, Indonesia, Thái Lan, Đài Loan, Singapore và Việt Nam.

Mục đích của buổi hội thảo khoa học là bàn về những tranh chấp trong khu vực Biển Đông, đặc biệt là tình huống xung quanh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

„Chỉ trong vòng 5 năm gần đây, Trung Quốc đã làm thay đổi tình hình Biển Đông, tạo ra nhiều điều thuận lợi cho mình. USA chưa có biện pháp gì, chưa có một chiến lược gì để có thể làm giảm những tham vọng của Trung Quốc. Gần đây, có một tín hiệu khá mạnh mẽ xuất hiện từ phía USA là đã cử tàu sân bay USS Carl Winson đến thăm Việt Nam.

Từ năm 2013, Trung Quốc đã xây dựng nhiều đảo nhân tạo và như vậy thì Trung Quốc đã thực sự có đủ khả năng kiểm soát đường biển và đường không ở khắp khu vực đang có tranh chấp. Tổng thống Philippin Rodrigo Duterte còn cho là Trung Quốc hiện nay có khả năng biến Philippin thành một tỉnh của Trung Quốc. Vậy là trong khu vực chỉ còn Việt Nam là vẫn đang hiên ngang chống chọi với mọi ý đồ bành trướng của Trung Quốc trong khu vực.

Do vậy Hà Nội đã khẳng định mình có thể là đối tác chủ chốt trong khu vực đối với tất cả những cường quốc khác, những nước này đang muốn hạn chế vùng ảnh hưởng của Trung Quốc. Vậy là từ vị trí là những kẻ thù của nhau, Hà Nội và Oasinhton đã trở thành đối tác quan trọng của nhau, trong tình hình hiện nay khi Philippin và Thái Lan không hẳn luôn là liên minh vững mạnh của USA” - Ông Paweł Bejrendt nói.

Ông Paweł Bejrendt còn đưa ra vấn đề là hiện nay Trung Quốc đang muốn nhấn mạnh vai trò của mình trong chương trình xây dựng những con đường tơ lụa mới, vậy họ sẽ không bao giờ từ bỏ ý đồ muốn làm bá chủ ở khu vực biển Đông, bởi vì vận tải hàng hải hiện nay có vai trò rất lớn trong thương mại. Có được khu vực biển Đông, Trung Quốc sẽ vươn ra được khắp các đại dương, để có thể vượt qua Mỹ, trở thành cường quốc số 1 trên thế giới. Ngoài đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc còn muốn xây dựng và phát triển thêm các đảo khác ở Trường Sa, làm khu căn cứ quân sự vững chắc cho mình ở khu vực biển Đông.

Ông Damian Wnukowski nói về quan điểm của Liên Âu về vấn đề khu vực biển Đông. Nói chung Liêu Âu vẫn luôn có những tiếng nói yếu ớt về vần đề này. Liên Âu luôn hy vọng là khắp nơi trên thế giới luôn có những quan hệ thương mại tốt đẹp, tôn trọng quan điểm tự do thương mại, tránh hiềm khích, hạn chế xung đột và quốc gia nào cũng luôn phải tôn trọng luật pháp quốc tế.

Cách đây không lâu, Liên Âu rất muốn có những mối quan hệ tốt với Trung Quốc, đặc biệt khi USA của Trump đang có nhiều chiến lược và chính sách không hợp với những đường lối của Liên Âu, nhất là về vấn đề biến đổi khí hậu. Nói chung Liên Âu không đưa ra được bất cứ sáng kiến gì, mỗi khi những tranh chấp ở khu vực biển Đông lại nóng hổi lên, cùng lắm là bày tỏ mối quan ngại và hy vọng các bên kiềm chế. Tất nhiên Liên Âu luôn phản đối mọi hành động xây dựng đảo nhân tạo ở khu vực Biển Đông.

Gần đây, quan hệ của Liên Âu với Trung Quốc đã có phần lạnh nhạt hơn, khi Liên Âu nhìn nhận ra được là Trung Quốc không chấp hành khá nhiều tiêu chuẩn quốc tế, nhất là sau khi có tuyên án của Tòa án trọng tài Quốc tế Hague về đường lưỡi bò 9 đoạn, khi Philippin đâm đơn kiện TQ. Ngoài ra, trong thương mại, Trung Quốc có những chính sách cạnh tranh không lành mạnh.

Ông Jakub Królczyk đưa ra góc nhìn của Việt Nam về vấn đề khu vực biển Đông. Ông cho là Việt Nam sẽ tìm cách giữ những vùng đặc quyền kinh tế của mình ở khu vực này, khi Việt Nam muốn kết hợp với các tập toàn quốc tế để khai thác dầu mỏ ở khu vực biển Đông. Khi Trung Quốc muốn hạn chế sự phát triển của Việt Nam thì Việt Nam buộc phải tìm được những mối quan hệ tốt với Mỹ, hoặc Ấn Độ. Ông cho là Việt Nam quan tâm khu vực biển Đông là vì vấn đề kinh tế, ngoài dầu mỏ, khu vực này còn là nguồn cá rất lớn cho ngư dân Việt Nam.

Bà GS Małgorzata Pietrasiak nói thêm là không chỉ vấn đề kinh tế, mà Việt Nam rất coi trọng vấn đề ý nghĩa lịch sử của khu vực biển Đông. Người Việt rất chú trọng sự tự do và tính độc lập của dân tộc mình. Họ đã có những cuộc chiến tranh lâu dài và đã chiến thắng.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Ba Lan quan tâm khu vực Biển Đông?

Bởi vì là khu vực này không chỉ có nguồn tài nguyên giàu có, mà đây là vấn đề của toàn cầu, khi vai trò vận tải đường biển ngày càng được nâng cao.

Bà GS Małgorzata Pietrasiak nhấn mạnh là mọi quốc gia phải tôn trọng luật pháp quốc tế, bởi vì theo phán quyết của Tòa án trọng tài Quốc tế La Hague thì mọi lý lẽ lịch sử của Trung Quốc về vấn đề này là hoàn toàn vô nghĩa, mà hiện nay cần xem xét theo lợi ích của mỗi quốc gia. Nga là một cường quốc, nhưng Nga không chỉ là đối tác chiến lược của Việt Nam, mà cũng là đối tác chiến lược Trung Quốc, vậy thì Việt Nam hiện nay có thể dựa vào ai?

Những nhà khoa học tham gia hội thảo đều biết là hiện nay người Việt rất có cảm tình với USA và Mỹ cũng sẽ luôn quan tâm đến khu vực Biển Đông, không chỉ vì mấy hòn đảo của Việt Nam ở khu vực này, mà là vì lợi ích của chính nước Mỹ. Thế hệ trẻ của Việt Nam không còn mặc cảm gì với cuộc chiến tranh trước đó. Rất có thể là Trung Quốc sẽ vẫn luôn coi thường những tiêu chuẩn pháp lý chung của thế giới, sẽ có những hành động buộc thế giới phải chấp nhận, nhưng ai cũng hy vọng là xung đột chiến tranh sẽ không xảy ra, khi hiện nay các quốc ra trên thế giới đều có nhiều mối quan hệ kinh tế ràng buộc.
Nhưng người ta lại đưa ra thí dụ là trước Đại chiến Thế giới I, Anh và Đức cũng có những mối quan hệ kinh tế ràng buộc, nhưng rốt cuộc chiến tranh vẫn đã xảy ra. Các nhà nghiên cứu lo ngại là Tập Cẩn Bình sẽ trở thành một hoàng đế của Trung Quốc và ông này ngày càng sẽ có nhiều tham vọng hơn.
Những người tham gia hội thảo còn nhắc đến những vai trò khá quan trọng của Ấn Độ, Nhật Bản và Australia trong khu vực Đông Nam Á.

Quan điểm của Ba Lan nói chung vẫn luôn nhấn mạnh về vấn đề luật pháp. Mọi tranh chấp phải được giải quyết theo pháp luật quốc tế (mặc dù Luật Biển rất phức tạp), bởi vì Ba Lan cho là khi mình luôn lớn tiếng phản đối chuyện nước Nga dùng vũ lực chiếm đoạt Crimea thì không thể im lặng khi một cường quốc khác bắt nạt láng giềng nhỏ bé hơn ở Đông Nam Á.
Tóm lại, tất cả những bên liên quan đến tranh chấp luôn cần phải ngồi nói chuyện và đàm phán với nhau, áp dụng luật pháp quốc tế, vì lợi ích chung của cả thế giới. Thật tiếc và rất quan ngại là Trung Quốc luôn là một quốc gia khó lường. Vậy chúng ta không chỉ ngồi chờ xem sẽ có những chuyện gì sẽ xảy ra, mà phải luôn cùng lên tiếng khi cần.

Nguồn: Ngô Hoàng Minh/ Queviet.eu

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo