Biển Đông

Không thể làm ngơ trước việc làm sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông

Cập nhật lúc 28-04-2020 10:12:42 (GMT+1)
Hoạt động của tàu khoan thăm dò đáy biển West Capella của Malaysia đang bị các tàu của Trung Quốc bám sát

 

Các hành động ngang ngược của Trung Quốc, bất chấp luật pháp quốc tế, coi thường những bằng chứng lịch sử chủ quyền khách quan ở Biển Đông đang gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của thế giới và các nước trong khu vực. 


Cảnh giác với âm mưu “thừa nước đục, thả câu”

Thời gian gần đây, lợi dụng việc thế giới đang phải tập trung đối phó với đại dịch Covid-19, Trung Quốc liên tục có các việc làm sai trái, gây căng thẳng trên Biển Đông. Bắc Kinh phê chuẩn thành lập hai đơn vị hành chính mới quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, ban hành bản cập nhật tên gọi của hàng chục đảo, đá và thực thể trong lòng biển ở Biển Đông. Tiếp đó, Trung Quốc gửi công hàm lên LHQ trình bày yêu sách “Tứ Sa” với nội hàm là yêu sách “đường lưỡi bò” mở rộng chiếm trên 90% Biển Đông.

Trên thực địa, Trung Quốc cho tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam, hướng radar điều khiển hỏa lực vào tàu hải quân Philippines, đặt các trạm nghiên cứu khoa học trên các đảo đá chiếm đóng trái phép ở Trường Sa, đưa đội tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế một số nước và thực hiện các hành động ngờ vực trên Biển Đông…

Các việc làm mà như nhiều chính trị gia và giới học giả nhận xét là “thừa nước đục thả câu” của Trung Quốc ngay lập tức gặp phải phản ứng của các nước.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối hành xử phi pháp của Trung Quốc liên quan đến việc lập ra hai quận đảo Tây Sa và Nam Sa vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đồng thời khẳng định các hành vi của Trung Quốc không có giá trị và không được công nhận. Liên quan đến các công hàm của Trung Quốc nêu yêu sách chủ quyền phi lý với Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam đã lưu hành công hàm tại LHQ để bác bỏ các yêu sách này. 

Philippines cũng lên tiếng phản đối Trung Quốc về việc đơn phương lập ra hai quận Nam Sa và Tây Sa, xem một phần lãnh thổ của Philippines là thuộc tỉnh Hải Nam của Trung Quốc. Song song đó, Manila cũng gửi công hàm phản đối việc Trung Quốc hướng radar điều khiển hỏa lực vào tàu hải quân Philippines “ở vùng biển Philippines”.

Ông Teodoro Locsin Jr, Ngoại trưởng Philippines, cho rằng cả hai hành động nói trên của Trung Quốc đều vi phạm luật pháp quốc tế. 

Về phía Malaysia, nước này cũng lên tiếng trước thông tin đội tàu địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc hoạt động gần tàu khoan thăm dò đáy biển West Capella của Công ty Dầu khí Petronas, Malaysia. Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein tuyên bố nước này quyết bảo vệ các lợi ích và quyền lợi của họ ở Biển Đông, đồng thời khẳng định các tranh chấp nên được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình.

Không chỉ các nước trong khu vực, Mỹ và một số quốc gia cũng bày tỏ quan ngại trước hành động leo thang của Trung Quốc giữa lúc thế giới phải tập trung chống dịch. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Washington “phản đối mạnh mẽ mọi hành vi bắt nạt” của Bắc Kinh, đồng thời hy vọng các quốc gia khác cũng sẽ buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm.

Ngoại trưởng Australia Marise Payne bày tỏ sự phản đối với các động thái gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông, trong đó có việc cản trở hoạt động khai thác tài nguyên của những quốc gia khác, đơn phương thành lập các quận hành chính...

Biển Đông căng thẳng trước hành động “diễu võ giương oai”

Các việc làm coi thường luật pháp quốc tế, thậm chí mang tính gây hấn nhằm củng cố yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc diễn ra ngày càng thường xuyên và ngang ngược hơn khiến các nước phải cảnh giác và tìm cách ngăn chặn. 

Theo thông tin của Hải quân Mỹ, tàu tấn công đổ bộ USS America cùng tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill và tàu khu trục USS Barry đã tham gia cuộc tập trận tại khu vực phía nam Biển Đông, cách không xa nơi tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc khảo sát bất hợp pháp ở vùng biển Malaysia. Cùng tham gia tập trận với các tàu của Mỹ có tàu khu trục HMAS Parramatta của Australia.

Người phát ngôn Bộ quốc phòng Australia cho biết tàu tuần dương HMAS Parramatta được triển khai tại khu vực nam Biển Đông trong vòng 2 tháng nhằm củng cố sự ổn định và an ninh trong khu vực, đồng thời khẳng định: “Australia đã duy trì một chương trình can dự quốc tế mạnh mẽ với các nước trong và xung quanh khu vực Biển Đông trong nhiều thập kỷ”.

Cuộc tập trận ở Biển Đông giữa Australia và Mỹ được công bố chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc thiết lập trái phép hai cơ quan hành chính trên các quần đảo ở Biển Đông. Mặc dù giới quan sát cho rằng cuộc tập trận chung Mỹ-Australia có thể đã được lên kế hoạch từ trước, song việc thể hiện sức mạnh quyền lực trên vào thời điểm hiện nay có thể xem như thông điệp trước hành động “diễu võ giương oai” của Trung Quốc. 

Trước đó, chứng kiến Trung Quốc cố tình gây xung đột ở Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson đã phát biểu rằng Anh sắp tới có thể phải can thiệp để đối đầu với Trung Quốc khi nước này tiếp tục bỏ qua luật pháp quốc tế và là quốc gia khơi mào chạy đua vũ trang. Ông Gavin Williamson cũng cho rằng nhiệm vụ hoạt động đầu tiên của tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh sẽ bao gồm khu vực Thái Bình Dương.

Giám đốc chương trình “Nước Anh toàn cầu” thuộc Viện nghiên cứu độc lập Henry Jackson Society ở London cho rằng: “Anh không nên tiến hành chính sách đối ngoại dựa trên những gì Trung Quốc muốn. Vì Anh là một trong những thị trường và nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới, Trung Quốc một phần phụ thuộc vào Anh để bán hàng hóa của mình. Mối quan hệ không đối xứng: Trung Quốc cần bí quyết và sự đầu tư của Anh để phát triển. Anh tuyệt đối không để đánh mất sự thật đó, hoặc cho phép Bắc Kinh định hướng các phát ngôn để khuyến khích chúng ta suy nghĩ như họ muốn”.

Nguồn: Hoàng Sơn/ ANTĐ

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo