Biển Đông

Mỹ ngăn Trung Quốc ‘hạt nhân hóa’ biển Đông

Cập nhật lúc 13-10-2018 15:33:04 (GMT+1)
Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry. Ảnh: AP

 

Washington lo ngại Bắc Kinh sử dụng công nghệ hạt nhân cho các hoạt động quân sự, trong đó có khu vực biển Đông.


Chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ hạn chế bán công nghệ hạt nhân sử dụng trong lĩnh vực dân sự cho Trung Quốc (TQ) vì lo ngại rằng Bắc Kinh đang chuyển mục đích sử dụng các công nghệ này sang lĩnh vực quân sự và các lĩnh vực trái phép khác, CNN đưa tin hôm 12-10.

Lo ngại Trung Quốc đưa hạt nhân vào biển Đông

Chính sách mới này của Mỹ được thông báo sẽ có hiệu lực ngay lập tức. Phía Mỹ ban hành các hướng dẫn thực hiện chính sách đối với tất cả đối tượng liên quan, bao gồm hoạt động chuyển giao công nghệ đang diễn ra, chuẩn bị diễn ra hay các kế hoạch chuyển giao trong tương lai giữa các doanh nghiệp Mỹ và TQ.

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry nói: “Mỹ không thể phớt lờ các tác động đến an ninh quốc gia trước khả năng TQ có thể sử dụng công nghệ hạt nhân cho các mục đích bên ngoài các lĩnh vực đã ký kết trong thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự với Mỹ”. Washington đặc biệt lưu ý đến các hợp đồng liên quan công nghệ được sử dụng cho tàu ngầm, tàu sân bay và các lò phản ứng hạt nhân nhỏ kiểu môđun có thể được sử dụng trong các nhà máy sản xuất năng lượng hạt nhân nổi trên biển Đông.

Bộ trưởng Perry khẳng định: “Chính phủ Mỹ đã kết luận rằng việc thay đổi trong quan hệ hợp tác hạt nhân dân sự giữa Mỹ và TQ là cần thiết nhằm đảm bảo sự cân bằng giữa các rủi ro trong dài hạn đối với an ninh quốc gia của Mỹ và các lợi ích về kinh tế, cũng như những ảnh hưởng đối với ngành công nghiệp hạt nhân của Mỹ”.

Quan chức chính phủ Mỹ khẳng định TQ “đang tích cực theo đuổi các công nghệ hạt nhân tiên tiến của Mỹ và chuyển mục đích sử dụng sang lĩnh vực quân sự, cụ thể là trong việc phát triển hệ thống tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ ba, phát triển tàu sân bay và trong việc sử dụng các nền tảng năng lượng hạt nhân mang tính chiến lược kép, chẳng hạn các lò phản ứng hạt nhân nhỏ kiểu môđun và các nhà máy năng lượng hạt nhân nổi có thể triển khai ở biển Đông”.

Phía Mỹ khẳng định Washington biết rõ Bắc Kinh đang sẵn sàng sử dụng năng lượng hạt nhân trên các thực thể đã bị TQ chiếm giữ, bồi lấp, xây dựng trái phép thành các đảo nhân tạo ở biển Đông. “Chúng tôi biết rằng TQ đang phát triển các cơ sở năng lượng để phục vụ các đảo này và cho các tàu phá băng chạy bằng điện hạt nhân, đồng thời đưa các nhà máy năng lượng hạt nhân nổi ra biển để có thể triển khai bất kỳ phương tiện nào thích hợp” - một quan chức Mỹ khẳng định.

Từ chối bán công nghệ hạt nhân cho Trung Quốc

Theo CNN, quyết định lần này của Washington nhằm vào TQ được đưa ra sau khi Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ xem xét, đánh giá toàn diện chính sách của chính phủ Mỹ, nhất là trong bối cảnh Mỹ cáo buộc Bắc Kinh đang cố gắng thao túng các công nghệ tiên tiến, vật liệu sản xuất hạt nhân và các thiết bị hạt nhân từ các doanh nghiệp Mỹ.

Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đã cân nhắc hai khía cạnh an ninh kinh tế lẫn an ninh quốc gia, được triển khai khi Washington nhận thấy Bắc Kinh đang nỗ lực tấn công nhằm đoạt lấy tài sản trí tuệ của doanh nghiệp Mỹ bằng nhiều cách khác nhau, thậm chí bằng các phương thức bất hợp pháp, tìm cách làm suy yếu doanh nghiệp Mỹ và ngành quốc phòng Mỹ.

Một quan chức Mỹ nói Mỹ sẽ trong tâm thế từ chối tất cả hồ sơ xin cấp phép chuyển giao công nghệ liên quan Tập đoàn Điện nguyên tử TQ. Doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước này của TQ đang bị dính cáo buộc toan tính đánh cắp công nghệ hạt nhân của Mỹ. “Trong nhiều thập niên qua, TQ đã và đang duy trì một chiến lược nhất quán do chính phủ chỉ đạo nhằm đạt được các công nghệ hạt nhân tiên tiến” - vị này nói.

Xuất khẩu công nghệ hạt nhân sang TQ đạt khoảng 170 triệu USD trong năm 2017. Washington khẳng định chính quyền Mỹ đã cân nhắc một cách cẩn trọng các tác động về mặt kinh tế trước khi ra quyết định hạn chế xuất khẩu hạt nhân với TQ, vì bảo vệ an ninh quốc gia phải được đặt lên trên hết.

“Chúng tôi hiểu rằng ngành công nghiệp của Mỹ có thể sẽ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn. Nhưng chúng tôi tin rằng trong dài hạn, chính sách này sẽ mang lại lợi ích cho Mỹ và bảo vệ nền công nghiệp hạt nhân của Mỹ” - quan chức Mỹ khẳng định. Vị này nói thêm TQ đang áp dụng các chính sách không công bằng để tìm cách vượt mặt nền công nghiệp Mỹ. Nếu không áp dụng chính sách hạn chế xuất khẩu hạt nhân lần này, các doanh nghiệp Mỹ có thể sẽ rơi vào tình thế bất lợi hơn nữa.

Động thái leo thang mới nhất trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc

Việc Mỹ tuyên bố hạn chế bán công nghệ hạt nhân cho TQ là động thái mới nhất trong chuỗi hành động chống lại Bắc Kinh của Washington kể từ giữa năm nay. Mỹ-TQ đang lún sâu vào cuộc chiến thương mại do Tổng thống Trump phát động. Hiện hơn một nửa hàng hóa TQ bán qua Mỹ, ước tính khoảng 250 tỉ USD đang bị Mỹ đánh thuế; trong khi TQ trả đũa bằng việc đánh thuế gần như tất cả hàng hóa Mỹ bán sang TQ trị giá hơn 110 tỉ USD. Cuộc chiến thuế quan này dự báo tiếp tục leo thang đến ít nhất cuối năm nay.

HOÀNG PHÚ - THÙY ANH (Pháp luật TPHCM)

Mỹ 'không bỏ qua' hành vi cắt mặt tàu chiến của Trung Quốc

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ cho rằng việc Trung Quốc điều tàu chiến áp sát gây nguy hiểm cho khu trục hạm Mỹ là không thể chấp nhận.

 

Chiến hạm Type 052C Trung Quốc (phải) áp sát khu trục USS Decatur Mỹ tại Trường Sa hồi tháng 9. Ảnh: US Navy.

"Chúng tôi sẽ không bỏ qua cho bất cứ ai gây nguy hại cho các binh sĩ Mỹ. Chúng tôi sẽ quyết tâm bảo vệ quyền tự do đi lại tại các tuyến hàng hải quốc tế. Đây là điều mà Trung Quốc cần phải hiểu. Hành động của họ là động thái khiêu khích quá mức", Washington Free Bacon ngày 12/10 dẫn tuyên bố của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đề cập đến việc Trung Quốc điều chiến hạm áp sát khu trục Mỹ tại Biển Đông hồi cuối tháng 9.

Trung Quốc ngày 30/9 điều một tàu chiến thuộc lớp Lữ Dương II (Type 052C) nhằm cản trở khu trục hạm USS Decatur của Mỹ tuần tra tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Bắc Kinh bồi đắp trái phép trên đá Ga Ven và đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Hải quân Mỹ xác nhận tàu chiến Trung Quốc cơ động càng lúc càng gần khu trục hạm Mỹ, đồng thời phát cảnh báo yêu cầu tàu Mỹ rời khỏi khu vực. Có thời điểm chiếc Type-052C vượt lên, chạy kiểu cắt mặt cách mũi tàu USS Decatur khoảng 41 m, buộc tàu chiến Mỹ phải đổi hướng để tránh va chạm.

Bolton nhấn mạnh sự cố chạm mặt giữa tàu chiến hai nước lần này là một ví dụ điển hình về hành vi nguy hiểm của Trung Quốc và các chỉ huy hải quân Mỹ hoàn toàn có khả năng bảo vệ chiến hạm của họ theo đúng quy định và thẩm quyền.

Cố vấn Mỹ cho rằng dưới thời cựu tổng thống Barack Obama, Trung Quốc từng nhiều lần không bị trừng phạt khi có hành động gây hấn, đe dọa tàu chiến và máy bay Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Donnald Trump là người cứng rắn và sẽ có biện pháp đáp trả khiến Bắc Kinh phải bối rối.

"Họ chưa từng thấy tổng thống Mỹ nào cứng rắn như vậy trước đây. Tôi cho rằng hành vi của họ cần được điều chỉnh trong lĩnh vực thương mại, quốc tế, quân sự, chính trị và toàn bộ những lĩnh vực khác", Bolton nói.

Bolton cũng khẳng định Mỹ và đồng minh cần hành động nhiều hơn nữa để ngăn chặn việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông. "Họ cần nhận thức được rằng họ không thể tạo ra 'một việc đã rồi'. Biển Đông đã và sẽ không phải là một tỉnh của Trung Quốc", cố vấn này tuyên bố.

Căng thẳng trên Biển Đông gần đây gia tăng sau khi Trung Quốc ngang nhiên xây dựng đảo nhân tạo trái phép và tăng cường hoạt động quân sự tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Hành động này đi ngược cam kết của Bắc Kinh về việc không quân sự hóa Biển Đông và hứng chịu nhiều chỉ trích của dư luận quốc tế.

Lầu Năm Góc giữa tháng 6 tuyên bố cân nhắc về một chiến dịch tự do hàng hải cứng rắn hơn trên Biển Đông. Động thái có thể bao gồm việc tuần tra dài hơn, sử dụng nhiều tàu hơn hoặc tiến gần các đảo nhân tạo Trung Quốc cải tạo trái phép.

Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, phù hợp với UNCLOS, đề nghị các nước có đóng góp tích cực và thiết thực vào việc duy trì hoà bình, ổn định, tôn trọng và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý quốc tế liên quan, thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.

Mỹ sẽ ‘chặt đường lưỡi bò’ Trung Quốc trên Biển Đông

Đạo luật Ủy nhiệm quốc phòng 2019 (NDAA) trị giá 176 tỉ USD, được Quốc hội và Tổng thống Mỹ Donald Trump duyệt thông qua chính là kế hoạch mới “chặt đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tự vẽ để độc chiếm Biển Đông, theo National Interest.

Máy bay Mỹ từ tàu sân bay cất cánh tuần tra Biển Đông - Ảnh: Independent

NDAA cấp kinh phí quốc phòng trong năm tài khóa 2019, được Quốc hội Mỹ thông qua ngày 1.8, Tổng thống Trump ký duyệt ngày 13.8, được ghi nhận là một phản ứng mạnh hơn của Mỹ đối với hành xử hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Trung Quốc o ép các nước ven Biển Đông đến “sởn tóc gáy”

Sau một thời gian yên tĩnh đầu những năm 2000, sự căng thẳng tăng lên từ năm 2009: Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát Bãi Scarborough Shoal của Philippines năm 2012, và năm 2014 đưa dàn khoan Hải Dương 981 vào lãnh hải Việt Nam suốt hai tháng.

Cũng năm 2014, Trung Quốc tiến hành các dự án xây đảo nhân tạo trái phép, và chứng cứ của hoạt động này trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm trái phép bắt đầu xuất hiện trên giới truyền thông từ tháng 5.2014. Các nhà nghiên cứu nói thật ra Bắc Kinh có thực hiện các dự án cải tạo đất từ cuối năm 2013. Từ năm 2014, Trung Quốc dàn radar, xây đường băng, bệ đặt tên lửa, súng điện tử trên các đảo nhân tạo.

Ngày 2.5.2018, CNBC đưa tin Trung Quốc dàn tên lửa chống hạm YJ-12B và tên lửa phòng không HQ-9B trên một số đảo của Việt Nam.

Dù Trung Quốc đã dàn tên lửa trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (cũng bị Trung Quốc chiếm trái phép) từ năm 2016, đấy là lần đầu tiên tên lửa được dàn ở Trường Sa, cho thấy Trung Quốc công khai leo thang chương trình quân sự hóa.

Cuối tháng 5, lần đầu tiên máy bay ném bom tầm xa H-6K của Trung Quốc cất-hạ cánh trên quần đảo Trường Sa. Để phản ứng, Mỹ hủy việc mời Trung Quốc tham dự cuộc tập trận hải quân quốc tế Vành Đai Thái Bình Dương 2018 (RIMPAC).

Bộ Quốc phòng Mỹ nói đấy là “phản ứng ban đầu”. Nay, NDAA 2019 được thông qua, sẽ củng cố lệnh cấm Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hàng hải của Lầu Năm Góc được tổ chức hàng năm.

Lệnh cấm sẽ chỉ được dỡ bỏ khi Trung Quốc dừng lại tất cả các hành động xâm chiếm biển đảo và loại bỏ các hệ thống vũ khí ra khỏi các “tiền đồn” ở Biển Đông. Quy định này về cơ bản tương đương với lệnh cấm vĩnh viễn.

Ngày 17.4.2018, tân tư lệnh Bộ Chỉ huy quân Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (INDOPACOM), Đô đốc Philip Davidson báo cáo Quốc hội Mỹ: “Trung Quốc nay có khả năng kiểm soát Biển Đông, trong tất cả các kịch bản chiến tranh ngắn với Mỹ”.

Mỹ dùng sự minh bạch chống việc “nổi loạn hàng hải” của Trung Quốc

Theo National Interest, vài năm qua, vì sự bất ổn trên Biển Đông gia tăng, Mỹ can thiệp trực tiếp hơn vào khu vực này. Tại Diễn đàn ASEAN tháng 7.2010, Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là bà Hillary Clinton tuyên bố Mỹ chuẩn bị giữ vai trò trung gian, và các năm sau, Mỹ nâng cấp quan hệ phòng thủ với Philippines và đào sâu quan hệ với Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN).

Từ tháng 10.2015, hải quân Mỹ liên tục tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải (FONOP) trên Biển Đông, nhằm thách thức tính hợp pháp từ các dự án cải tạo đất của Trung Quốc. Nhưng FONOP không thể ngăn Bắc Kinh tiếp tục quân sự hóa các đảo nhân tạo xây trái phép.

Phản ứng của Mỹ về tình hình bất ổn ở Biển Đông được chú ý nhiều. Theo dữ liệu dân Mỹ theo dõi tin tức của tổ chức ProQuest, thông tin về Biển Đông trên các báo Mỹ tăng, từ 239 bài xếp hạng “tin thời sự” năm 2009 lên 4.061 bài hồi năm 2016.

Các chính khách Mỹ cũng rất quan tâm vụ tranh chấp Biển Đông. Trong cuộc tranh cử tổng thống 2016, ứng cử viên của cả hai đảng Dân chủ- Cộng hòa đều tranh luận về Biển Đông.

Nhưng sau đó, sự quan tâm giảm xuống. Năm 2017, báo chí Mỹ chỉ có 2.245 bài về Biển Đông, phản ánh một sự “yên tĩnh giả tạo”, sau khi Tòa án trọng tài thường trực PCA bác bản đồ “đường lưỡi bò 9 đoạn” mà Trung Quốc tự vẽ để đòi độc chiếm Biển Đông.

Nhưng Điều khoản 1262 của NDAA 2019 sẽ giữ vai trò "cốt tử" để lật ngược tình hình, giảm sự chú ý Biển Đông của người Mỹ. Điều khoản này qui định Bộ trưởng Quốc phòng phải lập tức báo cáo dân Mỹ và Quốc hội Mỹ biết, tiếp sau “bất kỳ hành vi nào của Trung Quốc như cải tạo đất, tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông”.

Nay với điều khoản 1262, chính phủ Mỹ sẽ cần sự ủng hộ của dân Mỹ, nếu chính phủ muốn chống “cuộc nổi loạn hàng hải” trên Biển Đông của Trung Quốc.

Mỹ cũng rất cần sự ủng hộ của các đối tác khu vực và nhân dân các nước ven Biển Đông, nhất là Philippines. Theo National Interest, nếu dân Philippines biết nhiều hơn thông tin về sự o ép của Trung Quốc, có thể ông Duterte sẽ bị ép phải chống Trung Quốc. Ngoài ra, NDAA 2019 cho Mỹ cơ hội bác giọng điệu của Bắc Kinh, gồm cáo buộc ngược Mỹ quân sự hóa Biển Đông, hoặc cáo buộc các nước ven Biển Đông cũng có những hoạt động hung hăng.

Việc thường xuyên thông tin về sự o ép, bắt nạt và quân sự hóa của Trung Quốc sẽ thách thức chiến dịch xuyên tạc của Bắc Kinh. Theo National Interest, cho đến nay, vì thiếu sự minh bạch về Biển Đông, dân Mỹ, các nhà nghiên cứu và giới truyền thông phải dựa vào công nghệ ảnh vệ tinh để nắm thông tin về cuộc tranh chấp chủ quyền Biển Đông, vốn bắt đầu từ giữa thế kỷ 20, đôi lúc nóng lên trong những năm 1970 và 1990.

Trung tâm Nghiên cứu quốc tế-chiến lược (CSIS) đã lập Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) hồi cuối năm 2014, nhằm giúp dân Mỹ tiếp cận thông tin về Biển Đông. Qua năm 2015, giới truyền thông dựa hẳn vào ảnh vệ tinh của AMTI chụp các dự án cải tạo- quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc.

Các quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cũng thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình Biển Đông cho Reuters. Mới đây, Lầu Năm Góc cho người của CNN tháp tùng một chuyến bay tuần thám biển P-8A Poseidon thực hiện tuần tra FONOP, để cho dân Mỹ biết tàu chiến Trung Quốc thường cảnh cáo – xua đuổi máy bay Mỹ bay trên Biển Đông.

Vĩnh Thụy (theo National Interest)

Nguồn: 24h.com.vn, VnExpress.net, motthegioi.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo