Biển Đông

Mỹ tính lập liên minh kiềm chế tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông

Cập nhật lúc 24-09-2020 02:59:58 (GMT+1)
Nhóm tác chiến tàu sân USS Ronald Reagan ở Biển Đông tháng 9/2019. Ảnh: AFP.

 

Mỹ đang có kế hoạch xây dựng một mạng lưới gồm các đồng minh và đối tác để kiềm chế tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông.


Sau khi tiến hành một loạt các cuộc tập trận nhằm phản ứng trước các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ đang thực hiện bước đi chiến lược tiếp theo, trong đó có kế hoạch xây dựng một mạng lưới gồm các đồng minh và đối tác để kiềm chế tham vọng của Trung Quốc.

Tìm kiếm sự ủng hộ từ đồng minh và đối tác

Hiện nay, chính quyền Tổng thống Trump đang nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ tối đa về mặt ngoại giao từ các nước Đông Nam Á. Mỹ cũng đã đạt được thành công đáng kể khi quy tụ được nhiều quốc gia cùng chung chí hướng tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Thời gian gần đây, Bộ Quốc phòng Mỹ đã mở rộng sự hiện diện quân sự trong khu vực cùng với 3 nước Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, được biết đến với tên gọi “Bộ tứ Kim cương” – một liên minh không chính thức nhằm đối phó với thách thức ngày càng gia tăng từ Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng tập trung gia tăng khả năng tác chiến chống tàu ngầm (ASW), trong bối cảnh Trung Quốc mở rộng hạm đội tàu ngầm hạt nhân, mà một số báo cáo cho biết lực lượng này có thể đã xuất hiện tại các đảo nhân tạo Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông.

Theo tờ Nikkei Asian Review, các cuộc tập trận của Mỹ hồi tháng 7 cho thấy, trong tình huống chiến tranh, Mỹ có kế hoạch sử dụng tàu sân bay hoặc các lực lượng khác để phá hủy các đảo nhân tạo nói trên, khiến tàu ngầm của Trung Quốc không còn chỗ trú ẩn và dễ bị tổn thương. Tiếp đến, Washington sẽ triển khai hai hoặc nhiều tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân, vốn được huy động để tháp tùng tàu sân bay, ra cú đòn quyết định để phá hủy tàu ngầm của Trung Quốc.  

Không chỉ tăng cường khả năng ASW, Mỹ còn ấp ủ một kế hoạch đầy tham vọng nhằm mở rộng và nâng cao năng lực của Hải quân nước này với việc bổ sung thêm một loạt tàu chiến, tàu ngầm, máy bay không người lái để duy trì ưu thế vượt trội so với Hải quân Trung Quốc.

Ngoài ra, Washington cũng khuyến khích các đồng minh châu Âu theo đuổi lập trường ngày càng cứng rắn hơn với Trung Quốc trong các vấn đề tranh chấp trên biển.  

3 cường quốc châu Âu gồm Anh, Pháp, Đức ngày 16/9 đã đệ trình công hàm chung lên Liên Hợp Quốc bác bỏ các yêu sách chủ quyền bất hợp pháp, cũng như những hành động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong văn bản này, 3 quốc gia trên cho rằng, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) đã đặt ra khung pháp lý được công nhận rộng rãi và thống nhất mà tất cả các hoạt động trên đại dương và trên biển cần phải tuân thủ.

Công hàm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi quyền tự do trên biển, đặc biệt là quyền tự do hàng hải và hàng không theo quy định của UNCLOS. Công hàm cũng viện dẫn phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế năm 2016 nêu rõ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông không tuân thủ luật pháp quốc tế và các quy định của UNCLOS.

Giới quan sát cho rằng, lo ngại ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc, châu Âu hiện giờ đang theo chân Mỹ tìm cách nâng cao vị thế trong khu vực thông qua việc bày tỏ tiếng nói mạnh mẽ hơn và tăng cường thực hiện hoạt động bảo vệ tự do hàng hải khi căng thẳng gia tăng ở Biển Đông.

Sau khi công bố chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, Đức đã theo đuổi lập trường cứng rắn hơn đối với các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc với ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Trong thông báo đăng tải trên trang Twitter ngày 21/9, Đại sứ Đức tại Singapore Norbert Riedel nhấn mạnh: “Đức ủng hộ một bộ quy tắc ứng xử thực chất và có sự ràng buộc về mặt pháp lý” giữa Trung Quốc và ASEAN.

Pháp và Anh – hai quốc gia có lãnh thổ tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương cũng mở rộng việc triển khai lực lượng hải quân trong những năm gần đây. Bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, Pháp đã tiến hành hoạt động tự do hàng hải ở Eo biển Đài Loan, Anh cam kết triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth hiện đại nhất của nước này đến Biển Đông vào năm 2021, còn Đức đang có kế hoạch triển khai hải quân tới khu vực. Về phần mình, Mỹ đang thúc đẩy năng lực của các đồng minh trong khu vực thông qua tăng cường hợp tác an ninh và hỗ trợ về mặt quốc phòng.

Tăng cường sức mạnh quân sự để cạnh tranh với Trung Quốc

Kể từ khi lên nắm quyền chính quyền Tổng thống Trump đã coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược. Với quyết tâm duy trì vị thế của nước Mỹ, chính quyền ông Trump đã theo đuổi chiến lược gia tăng cạnh tranh với Trung Quốc trên nhiều mặt trận, từ ngoại giao, thương mại, đến quân sự quốc phòng.

Tháng 7 vừa qua, lần đầu tiên trong gần một thập kỷ, Bộ Quốc phòng Mỹ đã triển khai cùng lúc hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan đến tập trận tại Biển Đông. Sự kiện này diễn ra trùng thời điểm với cuộc tập trận tác chiến chống tàu ngầm, trong đó có sự tham gia của các đồng minh chủ chốt của Mỹ, chẳng hạn như Nhật Bản. Các chuyên gia tin rằng, những cuộc tập trận mới nhất này của Washington nhằm mục đích thách thức hạm đội tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc.

Một cựu quan chức tình báo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhận xét: “Việc triển khai hai tàu sân bay có ý nghĩa khác biệt so với việc chỉ triển khai một tàu sân bay”. Với một tàu sân bay duy nhất, Mỹ sẽ dễ gặp bất lợi trong trường hợp xảy ra giao tranh bởi chỉ cần một cuộc tấn công của đối phương vào boong tàu cũng sẽ khiến các máy bay chiến đấu không có nơi hạ cánh. Tuy nhiên, với hai tàu sân bay, Washington sẽ dễ kiểm soát được tình hình. Điều này cũng cho thấy Mỹ đang mô phỏng các tình huống khắc nghiệt hơn giống như một cuộc chiến tranh thực thụ.

Bộ Quốc phòng Mỹ hiện đang chuẩn bị các phương án trong trường hợp xấu nhất, theo đó tìm cách vô hiệu hóa tàu ngầm hạt nhân và hệ thống phòng phủ của Trung Quốc bằng cách triển khai một lực lượng hùng hậu gồm tàu sân bay, tàu chiến và tàu ngầm tấn công.

Bên cạnh đó, Bộ này cũng chuẩn bị cho một cuộc cạnh tranh sức mạnh quân sự trong tương lai sau khi hoàn tất bản đánh giá toàn diện về năng lực hải quân Mỹ có tên gọi  “Hướng đến tương lai”. Bản đánh giá đã vạch ra kế hoạch “thay đổi cuộc chơi”, nhằm gia tăng số lượng tàu của Hải quân Mỹ từ 293 chiếc ở hiện tại lên đến 355. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết, kế hoạch này nhằm tạo ra một hạm đội có thể trụ vững trong một cuộc xung đột quân sự cường độ cao, để thể hiện sức mạnh và sự hiện diện của Mỹ./.

Hồng Ạnh (biên dịch)
Theo Asia Times, Nikkei Asia Review
Nguồn: vov.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo