Biển Đông

Mỹ-Trung bế tắc Biển Đông: Hà Nội sẽ ngả hơn về Washington?

Cập nhật lúc 06-10-2015 16:00:16 (GMT+1)
Tổng thống Obama và Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng tại phòng Bầu dục Tòa Bạch Ốc, ngày 7/7/2015.

 

"...Rốt cuộc, cuộc gặp Tập Cận Bình - Obama vào cuối tháng 9/2015 tại Washington được Trung Quốc kỳ vọng đã không mang lại kết quả để đời nào, thậm chí còn nguyên trạng những căng thẳng trên Biển Đông. Bộ Chính trị Hà Nội sẽ “vận dụng” tình thế này ra sao?..."


‘Đạo đức giả’

Điều gì trở nên ấn tượng nhất đối với Tập Cận Bình trong thời gian ông ta ở Washington?

“Đạo đức giả” là hình dung từ mà chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa phải lãnh nhận - một thực trạng khác hoàn toàn với não trạng ngạo mạn chưa có điểm dừng của giới lãnh đạo Bắc Kinh. Có lẽ trước chuyến công du Hoa Kỳ, Tập Cận bình khó mà tưởng tượng nổi ông ta sẽ được đón tiếp cay đắng đến thế.

Người chỉ trích thói “đạo đức giả” của nguyên thủ Trung Quốc không phải ai khác - chính là cựu ngoại trưởng và hiện là một trong những ứng viên tranh cử tổng thống sáng giá nhất của Mỹ, bà Hillary Clinton. Bà Clinton mô tả việc ông Tập Cận Bình bày tỏ ý định tổ chức một hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc để tôn vinh nữ quyền với sự tham gia của các đệ nhất phu nhân đã hoạt động tích cực trong lĩnh vực này 20 năm qua là hành vi “đáng hổ thẹn” sau khi bà đưa ra một loạt dẫn chứng về kỷ lục vi phạm nữ quyền của Bắc Kinh.

Khi không thể đối thoại, người ta đành nói về chuyện thời tiết

Kết quả đầu tiên, nếu có thể gọi đó là “kết quả”, vẫn là chuyện mua bán; Hoa Kỳ cam kết ủng hộ Trung Quốc trong việc thúc đẩy cải cách tài chính và cải cách thị trường vốn. Nhưng Hoa Kỳ cũng nhắc lại rằng, điều kiện tiên quyết là đồng Nhân dân tệ (RMB) phải đạt được những tiêu chuẩn hiện hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì Hoa Kỳ mới sẵn sàng ủng hộ đồng RMB gia nhập Giỏ tiền tệ của IMF (SDR).

Chỉ thuần túy là một lời hứa hẹn có điều kiện. Câu chuyện này làm người ta liên tưởng đến thái độ giả vờ phớt lờ của Trung Quốc trong lúc các vòng đàm phán hiệp định TPP đang diễn ra, và Bắc Kinh lại “tỏ ý” muốn tham gia hiệp định này vào lúc TPP sắp hoàn tất đàm phán.

Sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình, kết quả thứ hai là hai bên đã đạt được thỏa thuận về các vấn đề an ninh mạng. Mỹ - Trung nhất trí thiết lập một cơ chế đối thoại cao cấp chống tội phạm mạng và các vấn đề có liên quan giữa hai bên.

Tuy nhiên, chuyên gia an ninh mạng Herb Lin tại Đại học Stanford cho rằng, thỏa thuận này cũng không giải quyết được vấn đề an ninh mạng giữa hai nước Mỹ - Trung. Bởi trước đó Trung Quốc luôn khẳng định rằng họ không tham gia vào hoạt động gián điệp mạng và không ủng hộ các công ty của mình sử dụng thủ đoạn này, nên sự thỏa thuận chỉ là trên thái độ mà thôi.

Nhưng đứng đầu trong danh sách của Tuyên giáo Trung Quốc về kết quả chuyến thăm Hoa Kỳ của ông Tập là việc xác nhận “mối quan hệ cường quốc kiểu mới” giữa Mỹ và Trung Quốc.

Lần đầu tiên, khái niệm “mối quan hệ cường quốc kiểu mới” được nêu ra. Tuy thế, có lẽ đây là kết quả bị giới phân tích đánh giá là hời hợt nhất, vì cho tới giờ chẳng mấy ai biết nội hàm của nó chứa đựng những gì.

Tình hình trên cũng khiến dư luận liên tưởng đến chẵn một chục “đối tác chiến lược toàn diện” của nhà nước Việt Nam, bao gồm cả những quốc gia chẳng có liên đới nào về quân sự như Tây Ban Nha. Khi giàn khoan HD-981 nhảy bổ vào lãnh hải VN và chính thể Hà Nội buộc phải cầu cứu quốc tế, đã chẳng có bàn tay nào từ con số hàng chục kia chìa ra.

Cuối cùng và cũng theo cách mô tả của truyền thông Trung Quốc, Chủ tịch Tập và Tổng thống Obama cũng thu được một số kết quả đáng kể trong vấn đề biến đổi khí hậu.

Vào năm 2013, Bộ Chính trị Việt nam cũng đã ra Nghị quyết Trung ương 7 về “chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu”, trong bối cảnh nạn tham nhũng đang tràn ngập và tình hình ngân sách bắt đầu trầm kha. Cho tới nay, hầu như chẳng có dấu hiệu nào cho thấy bản nghị quyết trên “đi vào thực tiễn”.

Cả Biển Đông lẫn nhân quyền đều bế tắc

Tương tự thái độ của nhà nước Việt Nam trong các cuộc đối thoại nhân quyền với Hoa Kỳ vào giai đoạn trước năm 2013, Tập Cận Bình một lần nữa nhắc lại cam kết thuần tính ngoại giao: “Tuy vẫn còn có sự khác biệt trong quan điểm và thái độ đối với vấn đề này, nhưng hai bên sẽ tiếp tục đối thoại trong thời gian tiếp theo”.

“Tôi đã sử dụng ngôn ngữ thẳng thắn để bày tỏ những tranh luận mạnh mẽ sau đây: không cho phép các phóng viên, luật sư, tổ chức phi chính phủ, đoàn thể công dân tự do hoạt động, đóng cửa nhà thờ, không cho phép người dân tộc thiểu số được hưởng đãi ngộ, chúng tôi xem những việc làm này là có vấn đề, nó thực sự gây cản trở cho người dân Trung Quốc được phát huy đầy đủ tiềm năng của họ” - Tổng thống Obama nói thẳng với báo giới sau buổi hội đàm với ông Tập Cận Bình.

Trong khi đó, chuyện xử lý mâu thuẫn ở biển Hoa Đông và Biển Đông cũng chẳng khá gì hơn. Obama khẳng định rằng tất cả các nước đều có quyền tự do đi lại bằng đường biển cũng như đường hàng không trên vùng biển của mình. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thực hiện luật pháp quốc tế về biển để đảm bảo quyền lợi này cho các nước. Obama cũng bày tỏ thái độ trước việc cải tạo, xây dựng căn cứ quân sự, … của đảng Cộng sản Trung Quốc, vì nó làm ảnh hưởng đến vấn đề hòa bình của các nước trong khu vực. Còn Tập Cận Bình lại nhấn mạnh rằng đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ duy trì “chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi trên biển” ở biển Đông.

Khách quan mà xét, chuyến công du Hoa Kỳ của Tập Cận Bình đã gần như chìm tối trước hình ảnh sáng chói của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Trong khi nguyên thủ Trung Quốc ngồi nói chuyện một - một với Obama, người chuyên chở Tin Mừng được đến 2 triệu giáo dân đón mừng ở Philadelphia.

Thậm chí, yếu tố kém thực chất trong chuyến đi Mỹ của Tập Cận Bình có thể còn làm giảm sức nặng của ông đối với Bộ Chính trị Hà Nội khi Tập đến Việt Nam vào tháng 11 tới, cho dù có thể mối quan tâm hàng đầu của nguyên thủ Trung Quốc là cơ cấu nhân sự “thân Trung” dự kiến tại Hội nghị Trung ương 12 của đảng Cộng sản Việt Nam - cũng diễn ra vào tháng 11.

Lãnh đạo Việt Nam bắt đầu ‘lên giọng’?

 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Obama tại sân cỏ phía nam của Tòa Bạch Ốc, ngày 25/9/2015.

Trước chuyến công du Hoa Kỳ của Tập Cận bình, đã dậy lên một luồng dư luận phản ánh tâm trạng ngổn ngang đến tự kỷ của giới lãnh đạo Việt Nam: kịch bản mà họ lo sợ nhất là một cú “đi đêm” giữa Washington và Bắc Kinh về Biển Đông, mà do đó sẽ làm cho thế “chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu” của Bộ Chính trị Hà Nội trở nên hết phương cứu chữa.

“Với Việt Nam, hoài nghi lo ngại tăng lên sau khi Tập Cận Bình đi Mỹ và có những tuyên bố công khai thách thức chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa, né tránh Hoàng Sa và tìm cách thỏa hiệp, bắt tay với Mỹ, đó là mối quan tâm, cũng là lo ngại hàng đầu của người Việt về Biển Đông hiện nay” - một xác nhận của ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ trên báo Giáo dục.

Là một quan chức đảng và trong thời gian qua đóng vai trò như một trong số ít chuyên gia nhà nước xuất hiện khá dày trên truyền thông, có những nhận định của ông Trần Công Trục phản ánh phần nào hệ tư tưởng đa chiều, đa hướng lẫn đu dây chưa dứt trong nội bộ giới lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam hiện thời.

Nhưng may mắn làm sao, kịch bản quá xấu trên đã không xảy ra. Bây giờ thì một bộ phận giới lãnh đạo Việt Nam đã có thể thở phào, đồng thời ngẩng cao đầu hơn một chút. Phản ứng đầu tiên trước tuyên bố của Tập Cận Bình về “Trường Sa, Hoàng Sa là của… Trung Quốc”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã “nói lại cho rõ”: việc Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo tại Biển Đông và xem đấy là những hành động vi phạm luật pháp quốc tế và đe dọa an ninh hàng hải.

Cử chỉ trên được đưa ra trong dịp ông Sang đến New York tham gia khóa họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng 9/2015. Tuy nhiên như một hãng truyền thông phương Tây nhấn mạnh, phát ngôn của chủ tịch nước VN chỉ là “bên lề Liên Hiệp Quốc”, tức là trong một cuộc trả lời phỏng vấn của hãng tin Mỹ AP, chứ không được chính ông đưa ra tại diễn đàn chính thức quốc tế.

Với cá nhân ông Trương Tấn Sang, báo chí quốc tế cũng bình luận đây là lần đầu tiên ông tỏ ra can đảm đến thế, so với thế cúi đầu quá thấp trước quốc kỳ Trung Hoa tại Bắc Kinh vào giữa năm 2013.

Ngả hơn về Hoa Kỳ?

Ngày càng hiện ra nhiều dấu hiệu cho thấy ngay cả những lãnh đạo Việt Nam mà trước đây thường ca ngợi không chút thẹn thùng mối quan hệ “Mười sáu chữ vàng’’, đã và đang thấm trải nỗi thất vọng sâu xa và trên hết là nỗi lo sợ về một cuộc xâm lược mới của Trung Quốc đối với Việt Nam sẽ xảy ra trong tương lai gần.

Nếu kịch bản bị xâm lược tái diễn, khó mà cho rằng sức mạnh quân đội lẫn lòng dân của Việt Nam còn ổn thỏa như hồi Chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Vào lúc này và nếu thất bại, nhiều quan chức cao cấp của Việt Nam sẽ bị biến thành tù binh, mất hết tài sản; còn một ít quan chức khác sẽ bị biến thành nô tài thời Giao Chỉ.

Một chỉ dấu khác, không biết ngẫu nhiên hay cố ý, cũng đã phát lộ: chỉ vài ngày sau khi kết thúc cuộc gặp Tập Cận Bình - Obama, Tòa án nhân dân Hà Nội lần đầu tiên công khai xét xử một cựu nhà báo bị truy tố về tội danh “làm gián điệp” liên quan đến tình báo Trung Quốc. Dù chứng cứ trong cáo trạng có vẻ chưa chắc chắn, nhưng mức án sơ thẩm 6 năm tù đối với cựu nhà báo này là đủ ấn tượng để khiến cho Bắc Kinh và cơ quan tình báo Hoa Nam cảm thấy bị xúc phạm trực tiếp.

Mới đây, tờ The Diplomat chú ý tới hiện tượng khi Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội tổ chức chiêu đãi mừng ngày Quốc khánh Trung Quốc (được tổ chức sớm vào ngày 29/9/2015), Việt Nam chỉ cử đại diện do Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đến dự. Ông Vinh lại không phải là một thành viên của Bộ Chính trị và dự kiến sẽ nghỉ hưu sau Đại hội Đảng lần thứ 12. Có tin đồn đoán tại Hà Nội là tại sao một viên chức tương đối “thấp cấp” như vậy lại đại diện cho Chính phủ Việt Nam.

”Một khi ai đó bất chấp tất cả, dùng sức mạnh quân sự uy hiếp độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đe dọa chiến tranh với Việt Nam như lo ngại của học giả Joshua Kurlantzick từ Hội đồng Quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ cảnh báo gần đây về khả năng xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc, thì cá nhân tôi cho rằng lúc đó bắt buộc Việt Nam phải tìm mọi cách bảo vệ mình, kể cả phải tính đến việc liên minh với Mỹ” - một nhận định khác của ông Trần Công Trục.

Nhận định trên cũng phản ánh thực trạng ngày càng nhiều, và có thể hiện thời đang chiếm đa số nhỉnh hơn trong giới lãnh đạo VN nghiêng về khả năng “liên minh với Mỹ”, ngả về Hoa Kỳ và phương Tây - đó là xu thế hầu như không thể thay đổi trong ít ra hai năm tới, tuy trong thực tế xu thế này vẫn chưa thể coi là bền vững và Hà Nội vẫn có thể quay ngoắt sang Bắc Kinh như đã từng nhiều lần trong quá khứ.

 

Nguồn: Phạm Chí Dũng/ VOA

 

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo