Biển Đông

Philippines đề xuất 'khai thác ba bên' ở Trường Sa?

Cập nhật lúc 15-05-2017 04:45:15 (GMT+1)
Khu vực có tranh chấp, Đá Subi thuộc Quần đảo Trường Sa, là nơi Trung Quốc đang chiếm đóng. Hình chụp hôm 21/4/2017

 

Đặc phái viên Philippines chuyên về đối thoại liên văn hóa đề xuất việc khai thác tài nguyên ba bên, giữa Philippines, Việt Nam và Trung Quốc, tại khu vực Quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp, hãng tin Reutes tường thuật.


Ông Jose de Venecia nêu vấn đề tại Bắc Kinh, nơi đang có diễn đàn thượng đỉnh nhằm thảo luận về dự án đầy tham vọng của Trung Quốc, theo đó muốn nối liền châu Á, châu Âu và châu Phi bằng những tuyến đường trên bộ và trên biển.

Ông De Venecia nói rằng nỗ lực khai thác ba bên sẽ thúc đẩy hòa bình và phát triển kinh tế.

Bắc Kinh và Manila sẽ bắt đầu tham vấn song phương về các bất đồng trên Biển Đông vào tuần này, hãng tin Reuters dẫn lời đại sứ Philippines tại Bắc Kinh nói, vào lúc Manila đang muốn làm giảm căng thẳng với quyền lực kinh tế hàng đầu của Á châu.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hiện đang có mặt tại Bắc Kinh, tham dự diễn đàn Một Vành đai Một Con đường.

Cũng tại diễn đàn, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi sáng kiến còn được coi là Con đường Tơ lụa mới này là bước đi đúng đắn hướng tới một tương lai "hạnh phúc, hòa bình và hòa hợp", và nhằm kết nối chiến lược các kế hoạch đang có, gồm các kế hoạch với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Mông Cổ và Việt Nam, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng tường thuật.

Hiện ông Duterte đã chọn cách theo đuổi Trung Quốc nhằm đạt được các khoản đầu tư, kinh doanh của Bắc Kinh và tránh những tranh cãi chủ quyền mà các lãnh đạo tiền nhiệm của ông để lại.

TQ và Philippines tham vấn song phương về Biển Đông

Đại sứ Philippines tại Trung Quốc, Jose Santiago Santa Romana nói với các phóng viên vào cuối ngày thứ Bảy rằng việc tham vấn giữa hai quốc gia sẽ được thực hiện tại Trung Quốc.

Ông nói thêm rằng tranh cãi giữa hai nước "không thể giải qu‎yết chỉ sau một đêm".

"Phiên tham vấn đầu tiên sẽ diễn ra trong tuần tới, nhưng đây sẽ là phiên họp được thực hiện hai năm một lần. Nó sẽ là cơ hội để hai bên trao đổi quan điểm về vấn đề Biển Đông," ông đại sứ được hãng tin AFP dẫn lời.

Đại sứ Santa Romana nói rằng việc ông Duterte có mặt tại diễn đàn Một Vành đai, Một Con đường không nên bị coi là việc Philippines từ bỏ các tuyên bố chủ quyền của Manila tại Biển Đông

Đại sứ Santa Romana nói rằng việc ông Duterte có mặt tại diễn đàn Một Vành đai, Một Con đường không nên bị coi là việc Philippines từ bỏ các tuyên bố chủ quyền của Manila tại Biển Đông

Hồi cuối tháng Ba vừa qua, trang tin philstar.com đã đưa tin về việc Trung Quốc và Philippines sẽ bắt đầu có các cuộc thảo luận trực tiếp về tranh chấp ở Biển Đông vào tháng Năm.

Trang tin này dẫn nguồn Bộ Ngoại giao Trung Quốc theo đó nói Bắc Kinh đã mời các quan chức ngoại giao Philippines tới đàm phán về một cơ chế tham vấn song phương đối với chủ đề Biển Đông, và đề nghị hai bên bắt đầu có cuộc họp tham vấn trong tháng Năm.

Tuy nhiên, tới nay phía Trung Quốc chưa đưa ra tuyên bố công khai nào về việc này, Reuters nói.

Ông Duterte đã bị một số người cáo buộc là có quan điểm chịu thất bại trước Trung Quốc và trong việc bảo vệ chủ quyền của Philippines. Ông coi cách tiếp cận của mình là thực tiễn, và nói việc thách thức Trung Quốc sẽ chỉ đẩy tới nguy cơ nổ ra chiến tranh.

Đại sứ Santa Romana nói rằng việc ông Duterte có mặt tại diễn đàn Một Vành đai, Một Con đường không nên bị coi là việc Philippines từ bỏ các tuyên bố chủ quyền của Manila tại Biển Đông.

Chính phủ Philippines hồi 2013 đã đệ đơn lên Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague (PCA), và tới 7/2016 đã được cơ quan này ra phán quyết có lợi trong tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Duterte sau đó đã xếp lại nội dung phán quyết và nói ông sẽ quay trở lại xem các nội dung đó vào cuối nhiệm kỳ.

Trung Quốc lâu nay tuyên bố chủ quyền với hầu hết các vùng biển giàu tài nguyên ở Biển Đông, nơi có tuyến đường hàng hải quan trọng trị giá 5 ngàn tỷ đô la hàng hóa qua lại mỗi năm.

Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền từng phần ở nơi này.

Nguồn: BBC

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo