Góc nhìn

Cảnh giác trước những thủ đoạn “cướp” tiền tinh vi của các ngân hàng SCB, VPBank, Agribank, BIDV, NCB

Cập nhật lúc 27-03-2017 02:36:40 (GMT+1)
Bà Trần Thị Thanh Xuân , khách hàng của VPBank, vừa qua cho rằng đã bị mất 26 tỷ đồng.

 

Nếu một ngày tiền gửi tiết kiệm cả đời của bạn trong ngân hàng “không cánh mà bay”, không rõ lý do. Hay khi đi rút tiền tại thùng ATM thì nhận được toàn giấy in mệnh giá 500 ngàn đồng. Thì bạn sẽ làm gì? Liệu ngân hàng có hoàn trả lại số tiền đã mất cho bạn hay không?


Thời gian gần đây dư luận vô cùng hoang mang vì liên tiếp xảy ra những vụ tiền gửi trong các ngân hàng đột nhiên bị biến mất mà chủ tài khoản không hề hay biết.

Điển hình là vụ Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) tự ý cho người lạ rút tiền trong tài khoản của khách hàng. Đó là trường hợp bà Trần Thị Thanh Phúc (Nguyễn Khuyến, Hà Nội) gởi 4 tỷ VND vào ngân hàng SCB, chi nhánh / phòng giao dịch số 529 Kim Ngưu, Hà Nội. Tại đây, số tiền 4 tỷ của bà Phúc đột nhiên biến mất, phía ngân hàng thì đứng ngoài cuộc. Được biết, lý do số tiền bà Phúc mất đi là do Ngân hàng SCB đã cho một đối tượng lạ mặt không được ủy quyền của bà, thực hiện ủy nhiệm chi đến 4 tỷ đồng, chuyển từ tài khoản của bà Phúc cho một người đàn ông khác. Quá bức xúc, bà Phúc đã làm đơn khởi kiện ngân hàng SCB nhưng đến giờ bà vẫn chưa nhận lại được số tiền số tiền đã mất. Bà Phúc nói: “Chúng tôi đã kiệt quệ về tài chính, tổn thương về tinh thần, hoang mang không biết tin vào đâu”.

Còn vụ nhân viên ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tự ý rút tiền của khách hàng. Vụ việc là Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Quang Huân (trụ sở ở Củ Chi, chuyên mua bán nông sản), khi đến rút tiền thì bà Trần Thị Thanh Xuân, Giám đốc Công ty mới tá hỏa, bởi 26 tỷ đồng trong tài khoản đã biến mất, chỉ còn lại vài trăm ngàn đồng đủ “giữ” tài khoản. Lý do là do nhân viên của ngân hàng bà Đoàn Thị Thúy Hằng tự ý mua séc dùm cho công ty, rồi giao cho chồng bà Hằng là ông Nguyễn Huy Nhựt, cùng 2 người bạn tên Đỗ Đình Bảo, Phạm Văn Trinh rút tiền. Tại sao ngân hàng dễ dàng cho giải ngân số tiền lớn như thế mà không có sự đồng ý của chủ tài khoản?

Hay vụ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) chiếm 400.000 Euro gửi tiết kiệm của Việt kiều Pháp là ông Dương Thanh Nghị. Tại phòng giao dịch chi nhánh Mạc Thị Bưởi Quận 1, TP.HCM, ông Nguyễn Lê Kiều Quang nguyên giám đốc đã làm giả hồ sơ thế chấp sổ tiết kiệm của ông Nghị để thế chấp hơn 10 tỷ đồng rồi chiếm đoạt. Khi ông Nghị đến tất toán sổ tiết kiệm thì được ngân hàng thông báo “seri trên sổ tiết kiệm của ông và hồ sơ lưu tại ngân hàng không giống nhau” và sổ này đã được nguời khác vay hơn 10 tỷ đồng. Đến giờ ông Nghị vẫn chưa nhận lại được số tiền đã mất.

Thêm một vụ việc nữa là, ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lừa đảo 32 tỷ đồng của khách hàng. Cụ thể giữa bà Ngô Phương Anh và bà Bùi Thị Anh Thư có giao dịch mua đất tại Đà Lạt giá 36 tỷ đồng. Thay vì trả tiền mặt, bà Thư làm thủ tục ủy quyền cho bà Phương Anh được toàn quyền rút số tiền 32 tỷ đồng khi đến hạn. Khi đến ngân hàng làm thủ tục, ông Phạm Thế Long Giám đốc phòng giao dịch D2 Giảng Võ, cùng một người đàn ông khác tên là Chung yêu cầu bà Anh và bà Thư đưa chứng minh nhân dân để photo, cùng với một tờ giấy trắng không có nội dung yêu cầu, bà ký phía dưới để ngân hàng xác nhận có đúng chữ ký của bà tại ngân hàng hay không.

 

32 tỉ đồng từ sổ tiết kiệm ‘không cánh mà bay’, cùa bà Ngô Phương Anh

Hoàn tất mọi giao dịch ông Long và ông Chung đưa sổ tiết kiệm mới kèm theo 5 bản sao y do ông Long ký và đóng dấu cho bà Phương Anh. Hai tháng sau, bà Phương Anh nhận được tin nhắn từ ông Chung nói rằng chính anh đã cho bà Thư mượn tiền để làm sổ tiết kiệm 32 tỷ này. Bà Anh nhờ người nhà kiểm tra trên hệ thống BIDV mới biết, toàn bộ 32 tỷ trong sổ tiết kiệm đã được rút từ ngày bà ký vào nhiều giấy tờ để làm thủ tục sang tên sổ tiết kiệm. Đến giờ bà cũng chưa nhận lại số tiền đã mất và đang chờ kết luận của cơ quan điều tra.

32 tỉ đồng từ sổ tiết kiệm ‘không cánh mà bay’, cùa bà Ngô Phương Anh

Mới đây nhất là vụ Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) chi nhánh Hà Nội, phòng giao dịch số 14 (Trần Khát Chân, Hà Nội) làm bốc hơi gần 9 tỉ đồng tiền tiết kiệm của khách hàng. Bà Nguyễn Bạch Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) có gửi tiết kiệm tại ngân hàng, trong suốt thời gian gửi bà Mai không có bất cứ giao dịch nào, nhưng 9 tỉ đồng tiền gửi trong tài khoản bỗng dưng ‘bốc hơi’, khiến bà rơi vào cảnh kiệt quệ, bức xúc gửi đơn tố cáo ngân hàng.

Bà Mai khẳng định, từ khi gửi tiền đến nay bà không rút tiền cũng như nhận lãi khi đến hạn vì phía NCB thông báo nhưng chỉ để cộng dồn vào tài khoản. Nhưng phía ngân hàng NCB cho biết, qua tra soát trên hệ thống xuất hiện 17 giao dịch thể hiện chi tiết số tiền đã bị rút ra khỏi tài khoản, có chữ ký của bà Mai và NCB khẳng định, tiền đã được rút theo đúng quy trình. Ngân hàng thì phủ bỏ trách nhiệm, tiền gởi của khách hàng thì biến mất thì đúng quy trình, liệu rồi đây người dân có còn tin tưởng và gởi cả gia tài của mình vào ngân hàng nữa chăng?

Qua quá nhiều vụ tiền trong tài khoản tiết kiệm của khách hàng không cánh mà bay. Người dân có quyền đặt ra câu hỏi: Liệu hệ thống ngân hàng Việt Nam có khả năng đảm bảo tài sản tiền gởi của khách hàng? Nếu không có sự tiếp tay từ phía ngân hàng thì những hành vi chiếm đoạt tài sản có diễn ra trơn tru như thế không? Tiền mất, ngân hàng đứng ngoài cuộc, khách hàng thì phải trông chờ vào cơ quan điều tra, nhưng vụ việc vẫn chờ được xử lý… Chẳng lẽ không có nơi nào chịu trách nhiệm, khiến người dân và doanh nghiệp sống trong hoang mang?

Nguồn: Lâm Quang/Blue.vn

 

 

 

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo