Góc nhìn

Câu hỏi về 'hỏi ngu'

Cập nhật lúc 24-07-2016 18:07:17 (GMT+1)
Doanh nhân Nguyễn Thành Nam

 

“Tôi xin hỏi anh Nam: anh có sẵn lòng tiếp tục dẫn dắt mọi người để giải quyết vấn đề anh đưa ra trong bài viết 'Dốt mà không dám hỏi' hay không?”


> Dốt mà không dám hỏi

Nhiều độc giả, trong phần bình luận dưới bài về việc người Việt Nam không chịu hỏi kể cả "hỏi ngu” để vỡ vạc của tôi, đã đặt ngược vấn đề: Làm sao để giải quyết tình trạng này?

Tất nhiên đây không phải là một câu “hỏi ngu”, mà là một vấn đề nghiêm trọng mà văn hoá của chúng ta đang phải đối mặt. Tất cả mọi sự sáng tạo đều bắt đầu từ sự tò mò khám phá thế giới. Từ những câu hỏi. Trẻ con lớn lên, nhận biết thế giới cũng vì luôn hỏi tại sao. Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà con tàu khám phá sao Hỏa được NASA đặt tên là “Curiosity” tức là “Tò mò”.

Để trả lời câu hỏi “Làm thế nào?” tôi nghĩ cần phải trả lời trước câu hỏi “Tại sao?”. Tôi cho rằng lớp trẻ không hỏi, hay không dám hỏi, chắc chắn đầu tiên là tại người lớn. Hay chính xác hơn là do người lớn làm “ô nhiễm” môi trường hỏi.

Dễ thấy nhất là ở các doanh nghiệp, cơ quan, nhất là những cơ quan Nhà nước. Sếp là cha là mẹ. Nhân viên cứ thế thực hiện, hỏi nhiều sẽ bị đồng nghiệp ghen ghét, bị sếp đánh giá là dốt, là kém.

Ở trường cũng chẳng khá hơn. Thầy cô có tâm huyết đến đâu, thì ngay cả kham cho đủ giáo án cũng đã hết thời gian, nói gì đến hỏi đáp. Chưa kể thi cử vẫn theo hình thức cũ rích, một chiều kiểu: thầy hỏi, chúng em thuộc lòng (hoặc chép trộm). Cái câu “các em có hỏi gì không?” lẽ ra phải phổ biến thì lại trở thành “giờ học đến đây là hết”.

Ở nhà cũng tệ. Cuộc sống thay đổi, đòi hỏi càng nhiều, mưu sinh vất vả, một lúc nào đó quá bận rộn hay lười biếng hay cả hai, chúng ta đã không dành thời gian để lắng nghe các con. Buông câu nhẹ thõng: đi chỗ khác chơi đi, hỏi gì mà lắm thế, để cho bố mẹ làm việc (hoặc nghỉ).

Nguyên nhân là thế, bây giờ chúng ta sửa bắt đầu từ đâu?

Các doanh nghiệp, đương nhiên. Cạnh tranh quốc tế, Tây - Đông tràn vào, không khuyến khích nhân viên đặt câu hỏi, biết phê phán, cứ chính sách “ngu dân” như cũ thì chắc chắn là đối thủ đè chết. Lại nhớ hồi làm Fsoft, ban lãnh đạo chúng tôi  thống nhất mở ra cả một cái website gọi là “Chợ Dưa”, để anh em tha hồ phát biểu, mà đếm lại thì chửi sếp là chính. Cũng nhiều người can bỏ, lợi bất cập hại, phải có chứng cớ, ghi rõ tên tuổi mới cho phát biểu. Tôi đã gạt đi, anh em có tri thức cả, chẳng qua là ù lì, quen rồi, bây giờ cứ phải kích lên đã. Nhiều điều kiện bắt buộc, rồi chẳng ma nào phát biểu. Khi đã quen nói, mọi người sẽ biết cách phát biểu có trách nhiệm. Quả nhiên là thế. Chợ Dưa đã trở thành không gian kích hoạt những ý kiến, tranh luận, thậm chí "chửi sếp". Chúng tôi chấp nhận như một lẽ tự nhiên cần phải thế. Công ty muốn thay đổi, chỉ cần sếp thay đổi.

Trong trường thì khó hơn một chút. Như trên đã nói, không hẳn vấn đề là học sinh không tích cực, cũng không hẳn thầy giáo không khơi gợi. Sự thụ động trong giáo dục nằm ở chỗ thời khóa biểu quá chặt, số học sinh trong một lớp quá lớn, và quy chế thi cử đã lạc hậu. Thay đổi những cái đó, không thuộc hoàn toàn thẩm quyền của hiệu trưởng. Nhưng vẫn nhiều điều có thể thực hiện được ngay.

Một bạn đọc hỏi tôi: “Bài trước anh viết nghĩa vụ của thầy cô là làm sao cho học trò thi đỗ, bài này anh lại viết trò phải chất vấn thầy. Có mâu thuẫn không ạ?”.

Tôi sẽ trả lời rằng chẳng mâu thuẫn gì. Ở trường tôi, điều kiện để thi đỗ môn là phải đặt được tối thiểu 8 câu hỏi. Giáo viên có nhiệm vụ phải làm sao cho các em đặt câu hỏi. Và có cả quyền lợi nữa, vì các giáo viên sẽ được nhận tiền cho mỗi câu học sinh hỏi. Thế là cả hai đều có động cơ để hỏi và trả lời.

Một nghiên cứu tại Mỹ của tổ chức Annenberg Learner chỉ ra con số thống kê: trong các trường học, 60% các câu hỏi của học sinh là “câu hỏi nhận thức thấp” (hay là “hỏi ngu” theo cách gọi của tôi); 20% là “nhận thức trung bình” và chỉ có 20% là “nhận thức cao”. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hễ cứ hỏi thì kiến thức và khả năng tiếp thu của học sinh tăng lên. Như vậy có nghĩa là chất lượng câu hỏi không liên quan đến hiệu quả của chúng, miễn là hỏi. Vậy thì tại sao việc đặt câu hỏi không thể là một loại điểm số hay một tiêu chí đánh giá học sinh?

Ở nhà, là chuyện riêng của mỗi người. Nhưng có một việc ai cũng có thể bắt tay vào làm được là bỏ thêm mỗi ngày 30 phút để nghe câu hỏi của các con. Và sau khi nghe xong, cứ mạnh dạn trả lời không biết, nếu các bạn thực sự không biết. Ngay khi đặt câu hỏi, các con bạn đã trưởng thành thêm một chút, không cần câu trả lời của các bạn.

Người lớn chúng ta cứ cố gắng đi. Còn các bạn trẻ, đừng sợ hỏi ngu. Ngu gì mà không hỏi.

Nguyễn Thành Nam
Nguồn: Vnexpress

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo