Chuyện nước lạc loài và mưa lệch pha ở Trường sa
![]() |
Có lẽ hiếm nơi nào trên lục địa này nước ngọt lại được quí hơn vàng như ở Trường sa. Tôi đã từng đi trên sa mạc Sahara vào giữa hè để đến thăm một bộ tộc duy nhất còn tồn tại qua hàng ngàn năm trong sa mạc và cứ nghĩ, chỉ có nơi này mới coi nước như máu của mình.
Nhưng tôi đã lầm khi đặt chân tới các đảo ở Trường sa. Bởi trên sa mạc các thổ dân còn có nguồn nước giếng, mỗi một giếng tìm được trên sa mạc cháy nóng ấy đủ cho một bộ tộc gần trăm người sống được 20 năm. Nhưng ở Trường sa thì khác vì không thể có giếng, chỉ trông chờ vào những cơn mưa và cung ứng từ đất liền.
Hôm ở Trường sa lớn, khi buổi giao lưu văn nghệ giữa các chiến sỹ và đoàn khách sắp bắt đầu bỗng dưng trời nổi cơn dông và lác đác mưa. Mọi người trong đoàn ái ngại nhưng lính trên đảo cứ tỉnh bơ bởi họ biết kiểu mưa này chỉ lát thôi sẽ tạnh. Sợ mưa gió thất thường bị cảm, tôi chạy vào khu nhà có mấy người lính đảo đang đứng và qua câu chuyện mới biết thế nào gọi là nước lạc loài và mưa lệch pha ở Trường sa.
Gọi lạc loài là bởi những giọt nước này không rơi xuống trực tiếp mà được gió cuốn theo từ cơn mưa ngoài xa vào với đảo. Muốn tiếp đón những giọt vàng này lính đảo phải căng sẵn từng ô vải mưa tựa trong đất liền căng bạt làm đám cưới, khác chăng những ô này phải đặt nằm nghiêng lựa theo chiều mưa để chảy vào máng rồi từ đó chảy vào xô, thùng, chậu. Mỗi lần hứng lộc trời như thế cũng đủ làm lính ta hào hứng và mơ ước. Mùa khô ngoài đảo thường kéo dài tới tháng 9 và bất luận thế nào nguồn nước sinh hoạt phải được gìn giữ, ưu tiên hàng đầu.
Mưa lệch pha là cơn mưa cách đảo nhiều khi chỉ một gang tay, nghĩa là mưa rào trên biển nhưng không có hạt nào rơi vào đảo. Bao lần chiến sỹ mình đứng nhìn những cơn mưa rất to với tay là tới nhưng bất lực. Họ kể cho tôi nghe, rằng nhiều khi gió trên đảo mang hơi nước từ xa về mát lạnh, cứ nghĩ sắp được tắm thoả thích dưới mưa, vậy mà như trêu ngươi, cơn mưa nặng hạt lại rót ngay bờ kè của đảo, không thể nào ra mà tắm mà hứng được. Chiến sỹ ta có thời kỳ phải tắm bằng nước biển, 3 ngày mới được tắm nước ngọt một lần nhưng chỉ được một ít trong chậu nhựa. Tắm ngoài biển xong về ngồi vào chậu như ta tắm cho em bé, lấy cốc nhựa rót từng tí một lên người để không bị bắn nước ra ngoài sau đó lấy nước này để tưới cây, tưới rau. Có thế mới hiểu lính ta mong mỏi mưa đến thế nào. Chỉ cần thấy mây đen báo hiệu có mưa là lính ta đã chuẩn bị tất cả những gì có thế để hứng nước. Vậy mà nhiều khi gió đẩy mưa ra cách đảo chừng nửa mét rồi mưa. Cơn mưa quái quỉ lấy đi nỗi khát khao cháy bỏng của người chiến sỹ. Bởi lẽ đó mưa lệch pha là loại mưa lính ta căm ghét nhất, nó vừa phí phạm của giời lại vừa thử thách tính kiên nhẫn của người trên đảo.
Hôm ở đảo Nam Yết tôi nếm thử tí nước lợ lấy lên từ giếng. Gọi là lợ nhưng còn mặn lắm, mới biết những giọt nước ngọt nơi đảo xa quí tới cỡ nào, có qui đổi ra vàng chiến sỹ ta cũng không màng. Bất chợt tôi nhớ đến những hộp rau xanh mướt trên các đảo mà mình có dịp ghé thăm. Những luống rau mướt mát kia không chỉ thấm đẫm tình người mà còn có cả sự hi sinh của người lính đảo. Vươn lên trong nắng gió, rau ở Trường sa có khác gì người lính, cũng khát nước, cũng âm thầm chờ mưa và mong ngóng người thân đến để được chia sẻ, ngắm nhìn.
Như dự đoán, cơn mưa chợt đến trong đêm giao lưu văn nghệ trên Trường sa lớn ấy ra đi lúc nào không ai để ý. Chỉ thấy bầu trời đã lại đầy sao và dàn hợp ca của người đi, kẻ ở đang vang lên như bất tận một nỗi niềm: Hoàng sa, Trường sa là của Việt Nam!
Thiều Quang