Góc nhìn

Đảng đang quyết tâm 'mổ xẻ cơ thể sinh bệnh tật'

Cập nhật lúc 18-09-2017 04:26:23 (GMT+1)
Ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Ocean Bank bị đề nghị mức án Chung thân

 

Việc đưa ra xét xử các vụ đại án liên tục trong suốt thời gian qua và đến nay cho thấy Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam đang quyết tâm 'mổ xẻ cơ thể sinh bệnh tật', theo ý kiến của một cựu quan chức lãnh đạo thuộc Văn phòng Quốc hội Việt Nam.


Cùng lúc, đang có câu hỏi đặt ra trong công luận về việc vì sao chỉ có những doanh nhân bị xét xử, hầu tòa, mà không phải là những người có trọng trách nhưng đã 'cố ý làm sai' phải đối diện với công lý, một ý kiến khác từ một nhà phân tích chính sách nói với Bàn tròn thứ Năm hôm 14/9/2017.

Việc mở ra những vụ đại án sẽ cố gắng xử hết trong năm 2017 này và tiếp tục mở ra các vụ đại án khác cho thấy Đảng và Nhà nước quyết tâm mổ xẻ cơ thể đã sinh ra bệnh tật này, mà theo cách nói là cố gắng bóc ra được những con sâu tạo nên những chuyện thiệt hại rất lớn đến nền kinh tế và tài sản của nhà nước

Luật sư Trần Quốc Thuận

Các vụ đại án và nhiều vụ việc liên quan hệ thống ngân hàng vừa qua đều liên quan tới việc điều hành chính phủ và hệ thống ngân hàng từ các nhiệm kỳ lãnh đạo trước, đây có thể sẽ là những cấp phải trả lời câu hỏi chính về trách nhiệm điều hành, lãnh đạo đất nước trong thập niên qua, một ý kiến khác tại cuộc Tọa đàm của một nhà báo nói với BBC Tiếng Việt.

Trước hết, từ Sài Gòn, bình luận về diễn biến các mức án được cho là rất cao mới được đề nghị với các cựu lãnh đạo Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank) là các ông Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm, bên cạnh việc cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đặng Thanh Bình mới bị khởi tố, cùng một số đại án khác, Luật sư Trần Quốc Thuận từ Sài Gònnói:

"Việc mở ra những vụ đại án sẽ cố gắng xử hết trong năm 2017 này và tiếp tục mở ra các vụ đại án khác cho thấy Đảng và Nhà nước quyết tâm mổ xẻ cơ thể đã sinh ra bệnh tật này, mà theo cách nói là cố gắng bóc ra được những con sâu tạo nên những chuyện thiệt hại rất lớn đến nền kinh tế và tài sản của nhà nước.

Ông Nguyễn Xuân Sơn

Ông Nguyễn Xuân Sơn , nguyên Tổng Giám đốc Ocean Bank bị đề nghị mức án Tử hình

"Vấn đề quan trọng nhất, tôi nghĩ, là phải tìm cho ra nguyên nhân sâu xa mà để những vụ án này lan truyền những vụ án khác mà bây giờ trên hệ thống chính trị Việt Nam, ta nhìn nhiều nơi hễ mà đi thanh tra thì đều là có vấn đề, mà hiện giờ vụ án đã lên đến mức án lần đầu tiên trong nhóm án này có đưa một mức án cao nhất là tử hình.

"Còn mức án trước kia như vụ Vinashin, Vinalines, thì cũng chỉ ở mức án 20 năm, chung thân thì không đáng kể, nhưng thực tế người đó làm sao làm được? Những người lãnh đạo làm sao làm được? Phải có người bổ nhiệm, người đề bạt và trách nhiệm theo dõi, giám sát, kiểm tra là như thế nào? Cho nên đó là câu chuyện mà cần phải làm tới nữa.

Cách xử lý ở Việt Nam không giống như các nước nào, đầu tiên cứ phải giải quyết từ những cái mà chúng ta cho đó là vùng cấm, để được Đảng giải quyết xong, sau đó mới đến chính phủ, cái gì chưa đạt được thì phải đưa ra Quốc hội

PGS. TS. Phạm Quý Thọ

"Cho nên người ta nói rằng phải làm cho ra nguyên nhân sâu xa là người ban hành chủ trương, tạo điều kiện cho người đó có thể phạm tội như thế,... những người đứng sau lưng, người đứng bên trên thì phải lôi ra cho được, từ đó phải tìm giải pháp nào mà người ta đương nói nhiều là đang có một cuộc cải cách cơ chế, thể chế, câu chuyện đang đặt ra để làm sao mà ngăn chặn được," nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam nói.

Tại sao lại chỉ có doanh nhân?

Bình luận về thực chất của các vụ đại án ngân hàng, bên cạnh nhiều diễn biến khác xuất hiện khá 'dồn dập' gần đây trên truyền thông Việt Nam như câu chuyện thu phí giao thông với các dự án xây dựng, vận hành, chuyển giao (BOT), các 'lùm xùm' liên quan ngành dầu khí Việt Nam trong đó có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và nhiều vụ việc khác, từ Hà Nội, PGS. TS. Phạm Quý Thọ nói:

"Trong dư luận có nói rằng tại sao lại chỉ có các nhà kinh doanh, các nhà doanh nghiệp, thí dụ từ ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) ngày xưa cho đến bây giờ toàn những nhà kinh doanh thôi, nhưng thực ra cái cố ý làm sai này cũng là các quan chức đứng đằng sau ba đại án lớn này và hiện tượng BOT, thì rõ ràng là nó đang rối và chắc chắn phải có người chịu trách nhiệm.

Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng

Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiếp tục đốc thúc và giao nhiệm vụ cho các cấp, ngành hữu quan đẩy mạnh tiến độ xử lý các vụ đại án từ nay tới cuối năm, theo truyền thông Việt Nam

"Tuy nhiên chúng ta phải bình tĩnh, bởi vì chúng ta biết rằng cách xử lý ở Việt Nam là nó không giống như các nước nào, đầu tiên cứ phải giải quyết từ những cái mà chúng ta cho đó là vùng cấm, để được Đảng giải quyết xong, sau đó mới đến chính phủ, cái gì chưa đạt được thì phải đưa ra Quốc hội.

"Nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta không làm việc này cho những người đứng đằng sau, cái lợi ích nhóm mà sân sau ấy, thì sẽ mất lòng tin của dân chúng, bởi vì người dân đang mong là phải có đích đến của việc chống tham nhũng này.

"Còn nếu không làm được việc này, người ta sẽ nói [đó] là việc đấu đá trong nội bộ, thì nó cũng không hay. Chúng ta [Việt Nam] nên làm minh bạch trong chuyện này, hoặc là nó có một vùng cấm nào đấy thì lại càng không tốt, khi chúng ta nói rằng 'không có vùng cấm,' chuyên gia về chính sách công từ Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư của Việt Nam nói với Bàn tròn.

Tất nhiên tất cả những câu chuyện này đều hướng tới một người hoặc một số người và nó đều liên quan tới chính sách điều hành quốc gia

Nhà báo Mạc Việt Hồng

Từ Warsaw, thủ đô Ba Lan, nhà báo Mạc Việt Hồng, Chủ biên tờ báo mạng Đàn Chim Việt Online đưa ra thêm bình luận với BBC:

"Tôi nghĩ rằng chắc chắn có ai đó, hoặc những ai đó đứng đằng sau tất cả những câu chuyện này, chúng ta cứ tạm gọi là một đồng chí X, hay một đồng chí Y nào đó, nhân những vụ án ở ngân hàng vừa rồi, tôi nghĩ rằng tiếp theo đây sẽ có nhiều ngân hàng lớn, mà các quan chức của các nhà băng này, Tổng Giám đốc, rồi Chủ tịch Hội đồng Quản trị sẽ đứng trước vành móng ngựa, chứ không riêng là mấy ngân hàng đã bị bắt như chúng ta [đã thấy], mà theo tôi sẽ có những ngân hàng khác nữa.

"Tất nhiên, tất cả những câu chuyện này đều hướng tới một người hoặc một số người và nó đều liên quan tới chính sách điều hành quốc gia... và người phụ trách là Thống đốc ngân hàng..., tôi nghĩ rằng đây mới là những người phải chịu trách nhiệm chính về việc điều hành đất nước trong thập niên vừa qua," bà Mạc Việt Hồng nêu quan điểm với BBC hôm 14/9.

Được biết, ngày 31/7/2017, Tổng Bí thư đảng CSVN, ông Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, đã chủ trì tổ chức Phiên họp thứ 12 của cơ quan này để thảo luận, cho ý kiến về tiến độ, kết quả thực hiện chương trình công tác của Ban Chỉ đạo 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017, truyền thông chính thống Việt Nam cho hay.

Về nhiệm vụ sáu tháng cuối năm, ông Tổng Bí thư và Ban Chỉ đạo yêu cầu "tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu như tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn trong công tác phòng chống tham nhũng, nhất là ở địa phương, cơ sở; chỉ đạo tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng," vẫn theo truyền thông trong nước.

Nguồn: BBC

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo