Góc nhìn

Hai nhà máy xử lý nước thải lớn nhất của Hà Nội sẽ làm cho các con sông chết hẳn và gia tăng ngập lụt ở Thủ đô

Cập nhật lúc 25-03-2017 03:16:46 (GMT+1)
“Sản phẩm” của người Hà Nội thanh lịch. Ảnh: internet

 

Ngày xưa, ông cha ta đã để lại cho chúng ta các con sông của Hà Nội rất đẹp và thơ mộng như trong những câu cao dao thời ấy:


Sông Tô nước chảy trong ngần,

Con thuyền buồm trắng chạy gần chạy xa.

Thon thon hai mái chèo hoa,

Lướt đi, lướt lại như là bướm bay.

Ngày nay, Hà Nội mới chỉ sau khoảng 30 năm “ưu tiên sản xuất”, vấn đề môi trường xem xét sau, chúng ta đã hoàn toàn bức tử cả 5 con sông, lần lượt từ Đông sang Tây, là sông Kim Ngưu, sông Sét, sông Lừ, sông Tô Lịch và sông Nhuệ (vào Google và Hanoi có thể xem chi tiết về các con sông). Thực tế từ cách đây hơn chục năm, cả 5 con sông trên đều trong tình trạng đen thối và vào mùa khô có đoạn sông còn phơi lòng, trơ đáy. 

Với mục đích làm sống lại 5 con sông, bảo vệ môi trường và thực hiện phát triển bền vững, Hà Nội đã và đang đầu tư xây dựng 2 nhà máy xử lý nước thải (XLNT) lớn nhất của cả nước, như dưới đây:

– Dự án nhà máy XLNT Yên Sở, đặt tại phía bắc hồ Yên Sở, cho lưu vực sông Kim Ngưu và sông Sét nằm ở nửa Đông của Hà Nội; khởi công xây dựng trong năm 2008, công suất là 200.000m3 nước thải/ngày, vốn thực hiện gần 300 triệu USD, cuối năm 2012 đã chạy thử, tháng 8/2013 công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam (công ty mẹ ở Malaysia) đã bàn giao cho phía Việt Nam.

– Dự án XLNT Yên Xá (xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì), cho nửa Tây của Hà Nội (lưu vực sông Lừ, sông Tô Lịch và sông Nhuệ), khởi công ngày 7/10/2016, dự kiến hoàn thành vào năm 2019. tổng vốn đầu tư 16.293 tỷ đồng (khoảng 800 triệu USD vốn ODA Nhật Bản), gồm hai hạng mục sau:

  • Nhà máy XLNT công suất 270.000 m3/ngày đêm,
  • Hệ thống thu gom, cống bao, hệ thống cống đấu nối (dọc hai bờ sông Tô Lịch, sông Lừ) và một phần tả ngạn sông Nhuệ với tổng chiều dài cống các loại 52,621km, đường kính từ 400mm-2.400mm, thu gom nước thải đưa về nhà máy để xử lý.

Tuy nhiên, kết quả đã và sẽ nhận được hoàn toàn trái ngược với mong muốn, dự án XLNT Yên Xá sẽ làm:

a) Gia tăng ngập lụt ở nửa Tây của Hà Nội,

b) Đẩy các con sông đến chết hẳn, phơi lòng, trơ đáy.

Vì sao? vì chúng có những đối kháng với qui luật của tự nhiên và thực tiễn, như những phân tích dưới đây:

1) Về tác động làm gia tăng ngập lụt khi có mưa lớn:

Mặt bằng địa hình Hà Nội dốc thoai thoải từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông. Như vậy vùng Đông Nam Hà Nội là vùng trũng, thấp nhất. Trước đây, vùng này là xã Yên Sở, huyện Thanh Trì. Ngày nay là phường Yên Sở, quận Hoàng Mai.

Ngoại trừ sông Hồng, con sông lớn nhất của miền Bắc, chảy qua nhiều tỉnh rồi đổ ra biển, 5 con sông trên đều bắt nguồn từ Hà Nội, tất cả đều đi qua Yên Sở  rồi chảy tiếp về phía nam (Thường Tín, v.v.)

5 con sông trên đảm nhiệm chức năng thiên bẩm là thoát nước (nước mưa và nước thải) cho khu vực Hà Nội. Hệ thống/mạng lưới chằng chịt cống mở và cống ngầm thoát nước của toàn Hà Nội từ xưa cho đến nay là HỆ THỐNG CỐNG GỘP (combined sewage system) NƯỚC THẢI CHUNG VỚI NƯỚC MƯA, LÀ ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN CỦA HỆ THỐNG THOÁT NƯỚC CỦA TOÀN HÀ NỘI. Mưa to cũng như mưa nhỏ, ngoại trừ những giọt mưa rơi đúng vào lòng sông (không đáng là bao), phần lớn nước mưa còn lại rơi trên các nóc nhà, chảy trong mọi ngõ, ngách, đường phố rồi chui qua các miệng thu ở ven mặt đường để vào cống ngầm, trộn lẫn với nước thải từ các hộ gia đìnhNước “hỗn hợp” này tự chảy trong các đường cống, thường được xây dựng sao cho ngắn nhất và gần nhất đổ vào sông thông qua hàng nghìn miệng xả đang lộ thiên ở suốt dọc hai bên lòng sông.

Với hệ thống thoát nước gộp chung ở Hà Nội, khi có mưa lớn, nước sẽ ào ạt tự chảy vào hệ thống cống chung, trộn lẫn với nước thải và đổ vào các con sông để nhanh chóng tiêu thoát về Yên Sở. Trạm bơm Yên Sở (ở chân đê sông Hồng) có 20 tổ máy bơm cỡ lớn, tổng công suất 90m3/giây (Giai đoạn I dự án thoát nước, công suất là 45.000m3/giây + giai đoạn II 45.000m3/giây) sẽ bơm nước chui qua đê đổ vào sông Hồng. Hà Nội đã gặp nhiều đắng cay về ngập lụt, khi mà ngay bản thân những con sông cũng bị “ngập lụt”, không kịp tiêu thoát nước về  xuôi.

Dự án XLNT Yên Xá với hệ thống cống ngầm thu gom, cống bao, hệ thống cống đấu nối mới dọc hai bờ sông Tô Lịch, sông Lừ và một phần sông Nhuệ, với tổng chiều dài gần 53km, nhằm cắt không cho hàng ngàn miệng xả nước thải vào sông, phải chảy vào đường cống mới dọc ven sông, dẫn về nhà máy XLNT để xử lý. Đây là logic thông thường của suy nghĩ chống ô nhiễm cho sông, cắt không cho nước thải đổ vào sông thì sẽ bảo vệ được sông và qua đó làm “sống” lại các con sông.

Đáng tiếc là hàng nghìn miệng xả thải dọc hai bên trong lòng sông lại thuộc hệ thống thoát nước gộp chung, nghĩa là có chứa chung nước mưa với nước thải đã trộn lẫn lộn từ ở khắp mọi nơi trong các ngõ, ngách, đường, phố. Khi đã cắt hàng nghìn miệng xả nước mưa gộp chung nước thải để đấu nối vào hệ thống 53km đường cống ngầm mới (đường kính từ 0,4 – 2,4m) dọc hai bên sông Lừ và sông Tô Lịch và một phần sông Nhuệ để thu gom dẫn về nhà máy XLNT Yên Xá, đồng nghĩa với việc LOẠI BỎ CHỨC NĂNG TIÊU THOÁT LŨ TỰ NHIÊN CỦA CÁC CON SÔNG. Hiển nhiên là các cống ngầm mới với đường kính lớn nhất là 2,4m không thể tiêu thoát lũ bằng các con sông rộng trên 10mTrong thoát nước, chống ngập lụt, yêu cầu cơ bản là tất cả các đường ống, cống rãnh phải được thông thoáng; càng to, càng mở, nước càng thoát được nhiều và nhanh. Cống mở thoát nhanh và dễ nạo vét hơn cống ngầm nhiều lần.

Rõ ràng là hệ thống 53 km đường ống cống ngầm mới này sẽ làm tổn hại cho đường xá, gây ách tắc giao thông khi thi công và làm suy yếu khả năng thoát lũ, gia tăng ngập lụt cho Hà Nội, phủ định những kết quả của 10 năm thực hiện dự án tiêu thoát nước, chống ngập lụt.

Ngày xưa, khi mà mật độ dân cư còn thấp, ý thức bảo vệ môi trường chưa cao, không cần phải xử lý nước thải sinh hoạt; do vậy, không có nhu cầu phải xây dựng một hệ thống cống riêng cho nước thải. Tất cả mọi gia đình, đơn vị, cơ quan, tổ chức đều đấu nối trực tiếp cống nước thải của mình vào hệ thống cống thoát nước chung của thành phố rồi đổ vào sông ngòi, ao hồHệ thống cống gộp là mô hình thoát nước cổ của nhiều đô thị trên thế giới.

Ngày nay, do yêu cầu bảo vệ môi trường cao hơn và có điều kiện đầu tư hơn, nên các khu đô thị mới thường xây dựng hai hệ thống thoát nước tách biệt (separated drainage systems); một hệ thống cống chỉ thu gom nước thải dẫn về nhà máy/trạm XLNT và hệ thống cống thứ hai, lớn hơn, đảm bảo chống ngập lụt, chuyên thu gom nước mưa, nước chảy bề mặt (surface run-off water), không cần xử lý, dẫn đổ thẳng vào sông ngòi, ao hồ. Hệ thống thoát nước riêng biệt này, tuy tốn kém, nhưng lại phù hợp với xu thế phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và các hệ sinh thái, do vậy sẽ là mô hình thoát nước của tương lai.

2) Đẩy các con sông đến chết hẳn, phơi lòng, trơ đáy. Vì sao?

Từ các con sông uốn lượn tự nhiên vốn có, Hà Nội đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để bê tông hóa bờ và lót sườn dốc bên trong, THU HẸP lòng sông, biến chúng đích thực thành những con KÊNH, MƯƠNG BÊ TÔNG thoát nước. Hệ sinh thái tự nhiên của sông đã chết. Các con sông của Hà Nội đã chết vì ô nhiễm khoảng hơn chục năm nay và sẽ chết hẳn vì cạn kiệt, trơ đáy, không có nguồn nước mát nuôi sông.

NGUỒN NƯỚC CHÍNH ĐỂ NUÔI CÁC CON SÔNG LÀ NƯỚC MƯA VÀ NƯỚC THẢI, tất cả đều tự chảy về vùng Yên Sở, qua đó chảy tiếp về phía nam (Thường Tín v.v..). Ngoại trừ các ngày mưa và vài ngày sau mưa, nguồn nước duy nhất để “nuôi” các con sông lại chính là nước thải. Trong các ngày không mưa, mực nước ở các con sông là rất thấp; đầu sông đã lộ đáy vì nước thải rất ít.

Hạng mục 53 km đường ống cống ngầm mới sẽ thu toàn bộ nước thải và nước mưa vào nó để đưa về nhà máy XLNT Yên Xá, rõ ràng là sẽ cắt nguồn nước thải duy nhất để nuôi sông (mùa khô), “tranh cướp” nguồn nước của sông, do vậy sông sẽ sớm bị phơi lòng, trơ đáy. Sông Nhuệ, do mật độ dân cư sống hai bên còn thưa, nên tổng lượng nước thải sinh hoạt ít (bình quân một người dân Hà Nội xả thải 150 – 175 lít nước thải/ngày), lại bị bà con nông dân khai thác để tưới cây trồng, nên nhiều nơi đã lộ rõ bùn đáy.

3) Giải pháp nào cho nhà máy XLNT Yên Xá vừa mới khởi công?

ĐỂ CÓ NƯỚC NUÔI SÔNG TÔ LỊCH VÀ SÔNG LỪ:

  1. a) Có thể thêm một hạng mục công trình nữa là đặt một đường ống lớn ở giữa lòng sông, từ nhà máy XLNT Yên Xá đến tận đầu sông Tô Lịch và sông Lừ, để nước thải sau xử lý, đạt chuẩn bơm ngược lại đầu sông để có “nước sạch nuôi sông” và chính dòng nước này lại tự chạy về xuôi, lại trở về vị trí ban đầu mà trước đó nó được bơm đi.
  2. b) Hoặc khoan hút nước ngầm lên rồi bơm vào sông mặc dù nước ngầm ở Hà Nội để sản xuất cấp nước sạch cũng chắc chắn sắp hết.
  3. c) Hoặc bơm nước từ sông Hồng qua một hồ trung gian cho lắng đọng phù sa, sau đó bơm vào sông.

Tuy nhiên, tất cả những giải pháp này sẽ tăng thêm cả chi phí vận hành và chưa ở đâu trên Thế giới làm như vậy, nhất là đối với những nước còn nghèo, đang phát triển. Cho dù 3 giải pháp trên có thể “tạo ra” nước để “nuôi sông”, thì dự án này vẫn bị một trở ngại lớn là làm gia tăng ngập lụt cho Hà Nội như đã phân tích ở trên, do đã cắt bỏ chức năng thiên bẩm của sông là thoát lũ.

Trên thế giới, trong đầu tư XLNT để bảo vệ môi trường có 2 cách tiếp cận là phân tán và tập trung (decentralized and centralized approach), cần xem xét và tùy từng điều kiện, hoàn cảnh mà áp dụng. Cả hai nhà máy XLNT lớn nhất của Hà Nội là Yên Sở và Yên Xá đều được thực hiện theo cách tiếp cận tập trung, hoành tráng. Theo cách tiếp cận này, hai nhà máy XLNT chỉ làm được 1 việc cần thiết là XLNT của dân cư Hà Nội, giảm thiểu ô nhiễm cho vùng đầm hồ Yên Sở và vùng xuôi.

Theo cách tiếp cận phân tán, phi tập trung thay vì có một nhà máy XLNT tập trung, qui mô lớn đặt gần cuối sông, có thể chia thành 10 – 15 nhà máy có qui mô nhỏ hơn, phân tán trên suốt dọc chiều dài các con sông. Nước thải sau khi xử lý sẽ hoàn trả vào sông để nuôi sông. Theo cách này sẽ tiết kiệm được hạng mục khoan đào đường thi công 53km cống ngầm mới. Giải pháp này là tốt nhất, vì đảm bảo đáp ứng đồng thời được 3 mục tiêu cốt lõi là: a) Thoát lũ, b) Làm sống lại được các con sông và c) Bảo vệ môi trường.

Việc chăm lo sản xuất trước, đầu tư bảo vệ môi trường sau, dẫn đến quĩ đất/mặt bằng để bố trí các trạm XLNT dọc sông không còn nữa và giá thành đền bù cao hơn so với đất ở Yên Xá. Đây là một vướng mắc đối với giải pháp phân tán, phi tập trung. Tuy nhiên, chỗ nào quĩ đất khó khăn, có thể xem xét việc tận dụng bờ sông và mặt sông để bố trí các trạm xử lý con, gọn, nhỏ mà các doanh nghiệp của Việt Nam đang sở hữu công nghệ này (trạm XLNT sản xuất trước theo các modul, mang đến lắp đặt và vận hành).

Cách tiếp cận phi tập trung, phân tán lại rất phù hợp với hệ thống thoát nước riêng biệt (separated drainage systems) tách nước thải và nước mưa riêng rẽ. Trên một dòng sông, sống định cư hai bên bờ, ví dụ có 50 khu đô thị, cộng đồng dân cư v.v.. tất cả đều có ý thức bảo vệ con sông, muốn nhìn thấy con sông trong lành, để họ có thể đi thuyền du lịch dạo chơi trên sông. Họ đều áp dụng hệ thống thoát nước riêng biệt. Nước mưa được thu gom tiêu thoát thẳng vào sông. Nước thải được thu gom vào 50 trạm xử lý của mỗi cộng đồng/khu đô thị sau xử lý được đổ lại vào sông, có nước sạch để nuôi sông. Cách tiếp cận này rất có ích vì người dân thấy được trách nhiệm của mình, đóng góp tài chính để xây dựng các công trình cho mình, họ quan tâm và bảo vệ công trình. Một đặc điểm quan trọng của công nghệ XLNT là dễ dàng tự động hóa được hoàn toàn; chi phí vận hành cho công nhân lao động chân tay ở 100 trạm xử lý là không đáng kể. Chi phí chủ yếu là cho điện năng và hóa chất dựa trên số lượng m3 nước thải được xử lý. Do vậy, xét về hiệu quả kinh tế theo góc độ qui mô, thì khác biệt giữa qui mô 270.000m3/ngày với 10 trạm x 27.000m3/ngày là không đáng kể. Cách tiếp cận XLNT phi tập trung và hệ thống thoát nước riêng biệt sẽ là chủ đạo trong tương lai.

Nếu Hà Nội cần làm sống lại cả 5 con sông, thì bắt buộc phải áp dụng cách tiếp cận phi tập trung, phân tán, nước thải sau xử lý được hoàn trả lại sông để nuôi sông và không hề làm suy giảm khả năng thoát lũ của sông.

Ngược lại, theo cách tiếp cận tập trung, qui mô hoành tráng, cả 5 con sông chắc chắn sẽ chết và chết rất nhanh. Nhà máy XLNT Yên Sở là một minh chứng sống, đã vận hành được 3 năm rồi, nhưng không thể làm cho hai con sông là Kim Ngưu và sông Sét sống lại được 1 ngày.

Qua thực tế này đối với Việt Nam, bài học cần rút ra là nên đặt công tác đầu tư bảo vệ môi trường luôn ngang bằng với đầu tư phát triển kinh tế. Trong công tác bảo vệ môi trường cũng giống như trong công tác y tế, bảo vệ sức khỏe, quan điểm đầu tư phòng ngừa luôn quan trọng và hiệu quả hơn là đầu tư chữa trị, giải quyết hậu quả.

Để thực hiện theo cách tiếp cận phân tán, phi tập trung, điều không kém phần quan trọng là phải xác định, tính toán lại lưu lượng nước thải thực sự có cho từng nhà máy xử lý. Dân cư thuộc vùng tác động của dự án đã đông đúc, phát triển đến mức bão hòa, trong tương lai dân số không thể tăng hơn được nữa. Hệ thống cống ngầm thoát nước của Hà Nội nhiều nơi là cũ và đứt, gẫy, nước thải cũng phần nào thấm xuống đất, đổ vào các ao hồ. Công suất thiết kế cao quá mà nước thải thực có thấp sẽ gây vấn đề cho nhà máy khi vận hành. Không nên thiết kế nhà máy theo công suất “mong muốn”, “càng to càng tốt”, hay theo khả năng thoát lũ của sông. Nhà máy XLNT chỉ để xử lý nước thải, không xử lý nước mưa.

Hiện tượng nhiều nhà máy XLNT có công suất dư thừa, hay sau xây dựng dựng thường đắp chăn, phủ chiếu, hoạt động cầm chừng, né tránh vận hành là khá phổ biến. Một ví dụ là nhà máy XLNT Hồ Tây của Hà Nội, bao gồm cả hệ thống cống thu gom, công suất thiết kế 33.000m3/ngày, tổng vốn đầu tư gần 1000 tỷ đồng, đã hoàn thành cuối năm 2015, nhưng “không có nước thải” cho nhà máy hoạt động. Trong khi xung quanh Hồ Tây vẫn có gần 30 miệng xả hàng ngày khoảng 1000m3 nước thải trực tiếp vào hồ. Vụ cá chết cấp tính sau một đêm ở Hồ Tây ngày 1/10/2016 đã đi vào lịch sử đất nước.

4) Về dự án nhà máy XLNT Yên Sở:

Nhà máy có công suất 200.000m3/ngày nhằm mục đích xử lý nước thải sinh hoạt cho dân cư vùng lưu vực sông Kim Ngưu và sông Sét. Đến cuối năm 2016 nhà máy đã vận hành được khoảng 3 năm. Kết quả mọi người dân Hà Nội đều có thể thấy là hai con sông chết vẫn hoàn chết.

Tuy nhiên, dự án này không ảnh hưởng đến khả năng tiêu thoát lũ, chống ngập lụt của Hà Nội như dự án XLNT Yên Xá. Vì dự án có điểm khác cơ bản với dự án XLNT Yên Xá là không có hạng mục hệ thống cống ngầm mới, ở dọc hai bên sông để thu gom nước thải. Tất tận mọi thứ nước mưa và nước thải vẫn đổ thẳng trực tiếp vào sông Kim Ngưu và sông Sét.

Tuy nhiên, với công suất thiết kế rất lớn, 200.000m3/ngày, trong khi nước thải thực có đổ về nhà máy là bao nhiêu? điều này cần được đánh giá lại một cách khách quan và trung lập. Bằng mắt thường quan sát người dân ai cũng thấy là các miệng xả nước thải chẩy từ từ, nước trên hai con sông chảy lờ đờ, rác nổi bề mặt không muốn trôi về xuôi. Điều đó có nghĩa là lưu lượng rất thấp. Nhưng cụ thể là bao nhiêu? Cần đo đạc lại tại một số điểm để có được con số chính xác.

Giả sử, lưu lượng nước thải thực là 100.000m3/ngày, nếu nhà máy vận hành ở mức bằng 60% công suất thiết kế, tức 120.000m3/ngày, có nghĩa là hút hết nước thải về nhà máy, sẽ sớm làm con sông phơi lòng, trơ đáy. Vì nguồn nước duy nhất để nuôi sông chỉ có nước thải. Để không làm “cạn kiệt” sông, rõ ràng nhà máy phải vận hành với công suất rất thấp so với thiết kế.

Nhà máy XLNT Yên Sở đã “an bài”. Với hệ thống cống thoát là gộp chung nước thải nước mưa, với cách tiếp cận XLNT tập trung và hoành tráng đã đặt dấu chấm hết cho hai con sông Kim Ngưu và sông Sét, vô phương cứu chữa. Trong tương lai, suốt đời của dự án người dân Hà Nội sẽ luôn chứng kiến cảnh dòng nước đen thối như hiện nay. Để tránh phải nhìn thấy cảnh đau buồn này và giảm mùi hôi đành phải “hóa kiếp” cho hai con sông, đậy nắp bê tông, tạo mặt bằng cho các bãi đỗ xe đang vô cùng khan hiếm của Hà Nội, với một điều kiện tối cao là không được thu hẹp lòng chảy, thoát lũ của sông.

5) Sông Tô gắn với lịch sử Hà Nội, cho muôn đời con cháu mai sau:

“Nước sông Tô vừa trong vừa mát
Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh
Dừng chèo muốn tỏ tâm tình
Sông bao nhiêu nước thương mình bấy nhiêu”.

Khi vua Lý Thái Tổ khai sinh ra kinh thành Thăng Long, con sông Tô trong ngần còn ở ngoại ô của kinh thành. Trải qua hơn 1000 năm phát triển, ngày nay sông Tô là con sông duy nhất uốn lượn quanh co, mượt mà, ở giữa tim của thủ đô Hà Nội. Mé đông và mé tây của sông Tô đã phát triển đậm đặc dân cư. Hà Nội có Hồ Gươm đã đi vào lịch sử, là biểu tượng linh thiêng, thì con sông Tô cần phải được đầu tư để trở thành con sông đẹp của Hà Nội cho muôn đời con cháu mai sau. Dọc hai bên sông, những chỗ cần trồng cây, sẽ phải cậy, bóc các viên gạch đã lát, tạo lỗ để trồng cây. Con sông Tô phải có nước trong ngần, cá bơi lội tung tăng, hai bên bờ phải là những thảm thực vật, những hàng cây đầy hoa lá hương thơm ngào ngạt. Trên sông là những con thuyền du lịch trở khách thăm quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp đầy sắc màu. Suốt dọc hai bên sông luôn là những nơi sạch nhất, đẹp nhất, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí của mọi người dân Hà Nội và khách du lịch trong và ngoài nước. Sông Tô phải là nơi gây ra những cảm xúc đầy lãng mạng cho các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ và nhạc sĩ sáng tác.

Chỉ có cách tiếp cận XLNT phi tập trung, phân tán mới làm cho con sông Tô sống lại với đa chức năng: Văn hóa, kinh tế và thoát lũ.

6) Bài học kinh nghiệm cho lưu vực sông Nhuệ trong tương lai:

Sự phát triển trên lưu vực sông Tô Lịch là tự phát, ào ạt, không có quy hoạch, nhà ở chen vai sát cánh như nêm, nhiều ngõ của ngõ, ngách của ngách; công viên, cây xanh, vườn hoa gần như không có. Một lưu vực với toàn tường gạch và bê tông, nhôm kính, đường nhựa, trở thành “bể, bẫy” giam, giữ nhiệt, thiếu không khí mát, trong lành. Cần phải rút kinh nghiệm đối với quy hoạch phát triển lưu vực sông Nhuệ sao cho 100% các khu đô thị đều phải là khu đô thị sinh thái.

Hiện tại mật độ dân cư hai bên bờ sông Nhuệ còn thưa, là cơ hội rất may để thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội theo lưu vực sônglấy sông Nhuệ làm trọng tâm, trục của sự phát triển. Lưu vực sông Nhuệ khá bằng phẳng, Hà Nội là thượng nguồn của sông, lưu lượng cũng như vận tốc là thấp, do vậy việc gây sạt lở bờ là không đáng kể. Vì thế không nên bê tông hóa bờ sông biến nó thành kênh, mương bê tông thoát nước. Các khu đô thị trong lưu vực sông Nhuệ sẽ trở nên đẹp nếu dọc suốt hai bên bờ sông là những thảm thực vật (cỏ, cây, hoa, rau quả), sau đó mới đến đường và nhà.

Chúng ta đã quen cách sống tận dụng, khai thác sông mà không hề nuôi dưỡng sông. Hệ sinh thái sông cung cấp những dịch vụ (the services of ecological system) của nó là xử lý và làm sạch nước thải của con người, nhưng chúng ta đã không trả phí cho dịch vụ này. Vì vậy hệ sinh thái đã bị khai thác vượt quá khả năng chịu tải (carrying capacity) của nó nên đã chết. Cần đầu tư nhà máy XLNT để có nước “sạch” nuôi sông tức là trả phí dịch vụ cho hệ sinh thái. Cần thực hiện xây dựng hệ thống thoát nước riêng biệt. Nước mưa thu gom theo đường thoát riêng và đổ thẳng vào sông. Nước thải sinh hoạt thu gom riêng dẫn vào các trạm XLNT nhỏ, sau xử lý đổ vào nuôi sông.

7) Phần kết:

Hai nhà máy XLNT lớn nhất của Hà Nội chắc đều phải qua Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Tuy nhiên hai tác động môi trường tiêu cực lớn như vậy của dự án là gia tăng ngập lụt và làm các con sông chết nhanh hơn đã chui lọt, thật đáng tiếc.

Chúng ta đã chứng kiến nhiều mong muốn, mục đích tốt đẹp, cao cả; nhưng đề xuất giải pháp thực hiện không những không đạt mục tiêu mà còn gây ra những thiệt hại to lớn. Hiệu quả yếu kém của đầu tư công là một trong những lý do chủ yếu làm cho Việt Nam tụt hậu so với các nước trong khu vực.

Sông Tô Lịch đã gắn với lịch sử của Hà Nội, đã ở giữa tim của Hà Nội, không quá lớn cũng không quá bé, cần được đầu tư trở thành con sông sạch, đẹp, nước trong ngần, thực hiện đa chức năng là văn hóa, kinh tế và thoát lũ.

Lưu vực sông Nhuệ cần được qui hoạch phát triển để tất cả các khu đô thị trong lưu vực đều phải là khu đô thị sinh thái. Không nên bê tông hóa bờ sông, suốt dọc hai bên bờ sông phải là thảm thực vật có chiều rộng tối thiểu 50m, sau đó mới đến đường nhựa. Tính chất sinh thái của bốn lưu vực sông Kim Ngưu, Sét, Lừ và Tô Lịch đã không còn. Còn lại duy nhất lưu vực sông Nhuệ, do hiện tại đang là “ngoại ô”, mật độ dân cư còn thưa, cần được quy hoạch, đầu tư trả lại thuộc tính sinh thái cho sông. Cần kiên định với tư duy đô thị sinh thái cả trong tương lai, dù đất có lên giá cũng không nên chuyển đổi đất vườn hoa, công viên, “khu đất rừng”, “ốc đảo xanh” trong đô thị thành các tòa nhà chưng cư cao tầng chật như nêm.

Một vài hình ảnh về các con sông của Hà Nội (nguồn: internet):

Lễ ký kết bàn giao nhà máy XLNT Yên Sở

Nạo vét lòng sông Kim Ngưu để khơi thêm dòng chảy

Công suất 33.000m3/ngày nhưng đắp chăn phủ chiếu vì không có nước thải để xử lý.

Cá Hồ Tây chết ngày 1- 2/10/2016, đo nồng độ oxy trong nước = 0, công an được giao nhiệm vụ vào cuộc điều tra truy tìm thủ phạm.

Dòng sông Nhuệ cũng đã chết vì ô nhiễm và thiếu nước

Bắt trộm trên sông Tô Lịch, mực nước ngang đầu gối

Taxi group lao xuống sông Tô Lịch. Báo Kiến Thức

Nhà ga của đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông lấn chiếm sông Tô Lịch đoạn lượn vòng Royal City

Đoạn sông Sét khu Đống Đa, Hà Nội

Bà Thảo người dân làng Đan Nhiễm (Thường Tín,Hà Nội) cho biết, nước sông Nhuệ bị ô nhiễm từ nhiều năm nay, dù trồng sát bờ sông nhưng  rau ăn của gia đình được bà tưới riêng bằng nước máy.


Nguồn: TS Nguyễn Đức Thắng/Anhbasam

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Quy định bình luận
Vietinfo tạo điều kiện cho bạn đọc bày tỏ chính kiến, song không chịu trách nhiệm cho quan điểm bạn đọc nêu trong bình luận của bạn đọc. Quan điểm bạn đọc không nhất thiết đồng nhất với quan điểm của Vietinfo.eu. Khi bình luận tại đây, hãy:
- lịch sự, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau,
- bày tỏ quan điểm tập trung vào chủ đề bài viết,
- không dùng các từ ngữ thô tục, bậy bạ,
- không xâm phạm đến quyền riêng tư cá nhân hay một số cá nhân,
- không tỏ thái độ phân biệt trên bất cứ phương diện nào (dân tộc, màu da, giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp…).
Mọi nội dung không phù hợp với các tôn chỉ trên có thể bị sửa hoặc xóa.
Cách gõ tiếng Việt
Dấu mũ Â, Ê, Ô – gõ 2 lần: AA, EE, OO
Dấu móc Ă, Ơ, Ư – thêm phím W: AW, OW, UW
Dấu huyền – thêm phím F
Dấu sắc – thêm phím S
Dấu hỏi – thêm phím R
Dấu ngã – thêm phím X
Dấu nặng – thêm phím J
Xóa dấu – thêm phím Z

Ví dụ:
Casch gox tieesng Vieejt.
Cách gõ tiếng Việt.
Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo