Góc nhìn

Khủng hoảng Slovakia - Việt Nam

Cập nhật lúc 04-05-2018 06:39:51 (GMT+1)
"Vụ Trịnh Xuân Thanh" nay có cơ tạo thêm khủng hoảng ngoại giao với Slovakia.

 

‘Điềm báo vi cá mập’ xảy đến vào đầu năm 2018 đã ứng nghiệm. Chỉ 3 tháng sau vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Chi Lê phơi phóng hàng trăm vi cá mập trên nóc tòa đại sứ và vi phạm nghiêm trọng các công ước và quy định bảo vệ động vật quý hiếm của nước sở tại, ‘năm thành công đối ngoại chưa từng có’ mà Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh tuyên rao vào cuối năm 2017 đang có thể tiếp biến thành một khủng khủng hoảng ngoại giao mới mang tên ‘Slovakia - Việt’.


Tô Lâm làm bình phong?

Nếu vào tháng Giêng năm 2018, giới hữu trách, các tổ chức bảo vệ động vật quý hiếm và báo chí quốc tế đồng loạt công bố và lên án Việt Nam về vụ vi cá mập, thì đến tháng Tư và liên quan đến phiên tòa của Tòa án Đức xử Nguyễn Hải Long - nghi can tham gia đường dây bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin, đã bất thần bùng phát một thông tin liên đới một cấp cao hơn rất nhiều: Slovakia đang làm việc với phía Đức để xác minh khả năng ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an Việt Nam, đã sử dụng chuyến thăm của mình đến nước này hồi tháng Tám năm 2017 để làm bình phong bắt giữ Trịnh Xuân Thanh - Thông tấn xã Cộng hòa Slovakia TASR dẫn nguồn tin chính thức từ Bộ Nội vụ nước này cho biết như thế.

Theo Văn phòng báo chí của Bộ Nội vụ Slovakia, về danh nghĩa mục đích chuyến thăm của ông Tô Lâm là để tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước, và Tô Lâm đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Nội vụ Slovakia lúc đó là ông Robert Kaliňák vào ngày 26/7/2017. Nhưng Bộ Nội vụ Slovakia cho rằng chuyến thăm của ông Tô Lâm có thể đã được sử dụng cho mục đích nào khác thay vì mục đích làm việc và hữu nghị.

“Nếu thông tin mà giới chức Đức đưa ra được xác nhận là đúng thì chúng tôi sẽ xem đó là biểu hiện của sự bất công trắng trợn của đối tác Việt Nam, sự lợi dụng lòng hiếu khách của chúng tôi cho mục đích không phải là hữu nghị và gây bất ổn cho mối quan hệ song phương đang tiến triển tốt đẹp giữa hai nước” - thông cáo của Bộ Nội vụ gửi cho TASR viết.

Mặc dù Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini trả lời báo chí rằng ông sẽ yêu cầu báo cáo chi tiết về việc liệu Slovakia có liên quan đến vụ việc bắt giữ ông Trịnh Xuân Thanh hay không, nhưng xác suất về việc một cơ quan nào đó của Slovakia đã ‘tự nguyện hợp tác’ với Bộ Công an Việt Nam để bắt giữ Trịnh Xuân Thanh tại quốc gia này cũng hoàn toàn ngang bằng với khả năng ‘Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú’ mà sau đó đã phải nhận đến hai cái án chung thân trong hai phiên tòa vào đầu năm 2018.

Vào tháng Chín năm 2017, người tiền nhiệm của Peter Pellegrini là Thủ tướng Robert Fico đã đón tiếp Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Slovakia là một trong những trọng tâm của chuyến công du Tây Âu và Đông Âu của ông Huệ nhằm vận động các nước châu Âu ‘ủng hộ mạnh mẽ việc thúc đẩy quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) với Việt Nam, trong đó có việc sớm ký và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa hai bên (EVFTA)’.

Đến tháng Ba năm 2018, Thủ tướng Robert Fico bị mất chức do cái chết của một nhà báo. Còn người kế nhiệm ông là Peter Pellegrini thì nhiều khả năng sẽ phải ‘làm lại từ đầu’ với giới quan chức Việt Nam về công cuộc vận động EVFTA.

Nhưng vụ ‘Tô Lâm làm bình phong?’ đang có nguy cơ phá hỏng tất cả công sức vận động EVFTA của giới quan chức chính phủ và quốc hội Việt Nam.

Những cuộc khủng hoảng và tương lai EVFTA

Nếu trong thời gian tới, phía Slovakia tổ chức điều tra làm rõ và xác định được nghi vấn của cơ quan an ninh Đức về vụ ‘Tô Lâm làm bình phong?’ là đúng, phản ứng tối thiểu của Chính phủ Slovakia đối với Việt Nam sẽ là hạ cấp mối quan hệ ngoại giao và thương mại mà được xem là ‘tốt đẹp’ trước đây, cùng lúc có thể chấm dứt hoàn toàn ý định hỗ trợ Việt Nam để vận động EVFTA.

Và nếu xảy ra hậu quả về EVFTA như thế, Slovakia sẽ là quốc gia thứ hai, sau Đức, khiến chính thể độc đảng ở Việt Nam mất hẳn 2 phiếu trên cung đường đầy gai nhọn hoa hồng dẫn đến một EVFTA ‘cứu cánh’.

Cuộc khủng hoảng Slovakia - Việt Nam nếu xảy ra còn chắc chắn làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa người đồng hương của Slovakia là Cộng hòa Séc với Việt Nam. Vào nửa đầu năm 2017, một quan chức cao cấp của Việt Nam là Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến Séc để vận động nước này ủng hộ Việt Nam vào EVFTA. Khi đó, có vẻ giới lãnh đạo Séc còn lưỡng lự.

Ít ngày trước khi xảy ra vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ vào tháng Bảy năm 2017 là một chuyến công du của thủ tướng Việt Nam - ông Nguyễn Xuân Phúc - đến bên lề Hội nghị G20 ở Đức, với một trọng tâm của chuyến đi này là vận động Đức “linh hoạt thông qua EVFTA”. Khi đó, đã xuất hiện vài tín hiệu thuận lợi từ thủ đô Bruxelles của Bỉ - nơi đặt trụ sở của Liên minh châu Âu (EU) - về Hiệp định EVFTA có thể được ký kết vào cuối năm 2017 và tiến tới phê chuẩn trong năm 2018.

Nhưng sau vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”, phần lớn trong số 28 nước châu Âu đã dừng vô thời hạn kế hoạch xem xét thông qua EVFTA.

Cái cách bắt cóc Trịnh Xuân Thanh mà theo một người bình luận phải ví von “không xin được thì ăn cắp” đã khiến nổ ra cuộc khủng hoảng Đức - Việt.

Không chỉ trục xuất vài cán bộ ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức về nước, Nhà nước Đức còn thẳng tay tuyên bố tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam vào tháng 10/2017 và một tháng sau đã thông báo ngừng luôn hiệp định về miễn trừ visa đối với quan chức Việt Nam đi công tác ở Đức.

Trong thực tế, người Đức chưa bao giờ giận dữ đến thế trong suốt chiều dài quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Cho tới vụ “khủng hoảng bắt cóc”, có lẽ giới chính khách Đức mới nhận ra một Việt Nam của tráo trở chính trị rõ đến như thế. Bấy lâu nay, một Hà Nội nên thơ vẫn được giới quan chức văn hóa Việt lồng vào những vần thơ của Goethe và Heine - từ những dự án dĩ nhiên được viện trợ bởi chính phủ Đức. Nhiều năm qua, người Đức cũng chỉ biết về Việt Nam thời hậu chiến lúc nhúc tham nhũng và không thiếu cảnh vi phạm nhân quyền. Nhưng chỉ vài năm gần đây, những nghị sĩ Đức vận động trả tự do Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài mới bắt đầu thấm thía và cám cảnh thân phận quyền làm người của mình khi họ bị công an Việt Nam cấm nhập cảnh vào đất nước này.

Trước khi phiên tòa xử Hội Anh Em Dân Chủ - một tổ chức nhân quyền của Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài - diễn ra vào tháng Tư năm 2018, báo đảng Việt Nam đã ồn ào khoa trương về việc Việt Nam đang đôn đốc vận động Ủy ban châu Âu hoàn tất bản thảo của EVFTA vào cuối tháng 3/2018 để trình Hội đồng châu Âu và sau đó trình Nghị viện châu Âu với hy vọng “sẽ thông qua vào mùa thu năm 2018”. Tuy nhiên sau cú giáng án bất công và quá nặng nề đối với Hội Anh Em Dân Chủ, đã hết tháng Tư mà vẫn không có bất kỳ tin tức nào về “hoàn tất bản thảo”.

Chờ Tô Lâm

Cùng với Hội Anh Em Dân Chủ, vụ ‘Tô Lâm làm bình phong?’ đang khiến lần thứ hai trong vòng 10 tháng, cánh cửa của EVFTA vừa hé ra đã sập trở lại ngay trước mũi giới chóp bu Việt Nam.

Giờ đây, dư luận xã hội đang quan tâm và chờ đợi việc Bộ trưởng công an Tô Lâm sẽ phản ứng ra sao trước cáo buộc của cơ quan an ninh Đức về ‘Tô Lâm là bình phong cho vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’.

Liệu Tô Lâm sẽ có thể đưa ra những bằng chứng nào để chứng minh rằng trong chuyến đi Slovakia vào năm 2017, ông ta không liên quan đến những kẻ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh?

Nhưng nếu các cơ quan an ninh và tình báo của Đức và Slovakia trưng ra những bằng chứng cho thấy có mối liên đới trên thì sao?

Cần nhắc lại một sự thật im lặng nhưng đầy ý nghĩa: kể từ tháng Tám năm 2017 khi Đức tố cáo mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và trục xuất ít nhất hai nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, cho tới nay phía Việt Nam vẫn chỉ một mực ‘Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú’ nhưng lại chẳng dám có bất kỳ phản ứng công khai hay trục xuất trả đũa nào đối với các nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Đức tại Hà Nội.

Nguồn: Phạm Chí Dũng/Blog VOA

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Quy định bình luận
Vietinfo tạo điều kiện cho bạn đọc bày tỏ chính kiến, song không chịu trách nhiệm cho quan điểm bạn đọc nêu trong bình luận của bạn đọc. Quan điểm bạn đọc không nhất thiết đồng nhất với quan điểm của Vietinfo.eu. Khi bình luận tại đây, hãy:
- lịch sự, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau,
- bày tỏ quan điểm tập trung vào chủ đề bài viết,
- không dùng các từ ngữ thô tục, bậy bạ,
- không xâm phạm đến quyền riêng tư cá nhân hay một số cá nhân,
- không tỏ thái độ phân biệt trên bất cứ phương diện nào (dân tộc, màu da, giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp…).
Mọi nội dung không phù hợp với các tôn chỉ trên có thể bị sửa hoặc xóa.
Cách gõ tiếng Việt
Dấu mũ Â, Ê, Ô – gõ 2 lần: AA, EE, OO
Dấu móc Ă, Ơ, Ư – thêm phím W: AW, OW, UW
Dấu huyền – thêm phím F
Dấu sắc – thêm phím S
Dấu hỏi – thêm phím R
Dấu ngã – thêm phím X
Dấu nặng – thêm phím J
Xóa dấu – thêm phím Z

Ví dụ:
Casch gox tieesng Vieejt.
Cách gõ tiếng Việt.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo