Góc nhìn

'Người rơm' trong đại dịch

Cập nhật lúc 04-05-2020 10:17:42 (GMT+1)

 

“Bây giờ muốn về Việt Nam mà không về được, anh có cách nào giúp tôi không?”, một người rơm ở Anh hỏi tôi.


"Người rơm" là từ chỉ những người nhập cư bất hợp vào vào Anh và các nước châu Âu. Họ, vì nhiều lý do, bằng nhiều con đường bất hợp pháp đến với miền đất hứa nhằm kiếm được thật nhiều bảng Anh, USD hay đồng Euro. Khi không còn hộ chiếu, giấy tờ tùy thân trong tay, sinh mệnh của những người này được ví như rơm.

Chặng đường vượt biên phó mặc số phận cho đường dây buôn người, tiềm ẩn rủi ro và luôn phải chuẩn bị sẵn tâm lý: sống không ai biết, chết không ai hay.

"Sợ lắm anh ơi. Khu vực em đang ở có khoảng 5 người nhiễm nCoV, nhưng ở những chỗ khác thì không ổn", Tuấn trả lời khi tôi hỏi thăm về tình hình Covid-19 tại Anh. Tuấn, 32 tuổi, quê thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh, đã trở thành một con người như vậy vào năm 2016, sau chuyến vượt biên đầy khổ ải bằng container đông lạnh đến Anh với giá 25.000 USD, gần 600 triệu đồng tiền Việt Nam. Bốn năm qua, anh làm nhiều nghề như nhân viên tiệm nails, nhà hàng, xây dựng... mỗi tuần kiếm được từ 500-700 bảng Anh chuyển về quê. Món nợ vay để xuất ngoại đã trả hết, Tuấn cũng tích lũy thêm được kha khá vốn để vợ gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Nhưng từ năm 2019, anh không tìm được việc làm, tình hình tưởng khả quan hơn vào năm 2020, song Covid-19 đã phá hỏng tất cả.    

Anh là vùng dịch lớn thứ năm châu Âu với hơn 180.000 bệnh nhân, trong đó gần 29.000 người đã chết. Tuấn nói một tháng qua đang thực hiện lệnh cách ly xã hội, nên không biết tình hình thế giới bên ngoài chuyển biến ra sao, và cũng không muốn quan tâm vì quá sợ, khi thấy ca nhiễm nCoV tăng nhiều mà giảm ít. Cứ một tuần, anh ra cửa hàng, siêu thị mua thức ăn về bỏ tủ lạnh dự trữ, rồi nhốt mình trong căn phòng trọ rộng khoảng 30 m2 phòng dịch.    

Ở Anh, nếu thấy ai đeo khẩu trang thì người dân sẽ kỳ thị, cho rằng bị bệnh. Nên thời điểm này không muốn ra đường chút nào, nhưng khi hết lương thực thì bắt buộc phải liều mình đi. Mỗi sáng thức dậy, anh có thói quen sờ tay lên đầu xem có bị sốt và đổ mồ hôi không, cảm giác cổ hơi ngứa một tý cũng giật mình, lại cắt ngay thanh gừng để ngậm vì sợ ho - ho là triệu chứng mắc nCoV.    

"Nếu bị nhiễm nCoV, chắc em tự tìm phương pháp chữa, dù chưa biết sẽ chữa ra sao khi không biết bất cứ chuyên môn gì về y tế", Tuấn nói một cách mơ hồ, và cho hay đã xác định "sống chung với lũ" khi Covid-19 khởi phát ở Anh hồi tháng một. Anh chia sẻ hệ thống y tế ở xứ sở Sương mù hiện quá tải, bác sĩ không kịp khám hết cho bệnh nhân bản địa. Những người nhập cư như Tuấn – nếu nhiễm bệnh sẽ bị liệt vào "chế độ chờ". Và khi thoát ra khỏi chế độ chờ đợi ấy, anh cũng chưa chắc được khám, trừ khi đó là bệnh cực nặng, thập tử nhất sinh.    

Tuấn bảo may mắn khi bốn năm qua chưa khi nào ốm liệt giường. Thỉnh thoảng bị cảm cúm nhẹ, anh thường mua một số loại lá cây ngoài chợ đem về rửa sạch bỏ nồi đun sôi, sau đó đem xuống trùm chăn lại, ngồi xông khoảng 15 phút cho ra mồ hôi. Khoảng ba lần xông như vậy là hết cảm. Một đơn thuốc cảm thông thường tại Anh không đắt, chỉ 3-5 USD, song để mua được không hề đơn giản, dược sĩ chỉ bán thuốc theo đơn của bác sĩ gia đình hay bệnh viện kê.

"Không có đơn chỉ định của bác sĩ, có chết đó họ cũng không bao giờ dám bán thuốc", Tuấn kể. Nhiều "người rơm" mà anh biết có trường hợp mua được thuốc, nhưng bằng một hình thức rất dị biệt, đó là: bắt bệnh qua ông chủ. Anh giải thích, nếu "người rơm" nào đó chẳng may bị bệnh trùng vào lúc ông chủ cũng bị bệnh, và có triệu chứng giống nhau, thì khi ông này đi lấy thuốc sẽ nhờ lấy thêm vài liều về chia ra uống cùng. Còn lúc bản thân mắc bệnh mà ông chủ không bị, tất nhiên không thể kêu ông ấy đi gặp dược sĩ được, phải tự nén đau mà chữa.

Tuấn tâm sự bị tiểu đường nhiều năm nay, giờ chẳng may vô tình đen đủi mà nhiễm nCoV thì thật tai hại, vì qua tìm hiểu thấy bệnh này rất nguy hiểm đối với những người mắc thêm một bệnh lý nền khác. Không dám nghĩ tiếp các viễn cảnh về sau, Tuấn cắt ngang cuộc trò chuyện rồi hỏi: "Bây giờ muốn về Việt Nam mà không được, anh có cách nào giúp tôi không?".    

Sau thoáng chần chừ và có phần bất ngờ, tôi hỏi lại: "Chắc anh đùa? Phải rất vất vả và mất nhiều tiền, thậm đánh đổi cả tính mạng mới vượt biên sang Anh. Bây giờ nếu trở về, dự định kiếm thêm nhiều USD hay bảng Anh được đặt ra từ trước sẽ tiêu tan?". Tuấn đáp một năm qua thất nghiệp phải sống cầm chừng, hiện dịch bệnh ở Anh không biết bao giờ mới chấm dứt. Ở lại thì tương lai cũng mơ hồ, nếu chẳng may nhiễm nCoV thì chỉ đành phó thác số phận cho ông trời. Giờ hết cách rồi, phải trở về quê thôi. Làm ra ít tiền cũng được, nhưng an toàn.    

Bố mẹ, vợ con mấy tháng qua gọi điện qua hỏi thăm liên tục. Dù thâm tâm lo lắng, nhưng anh phải giấu đi, nói mình vẫn ổn để mọi người không hoang mang. Ông bố của hai đứa trẻ hi vọng đường bay quốc tế Anh - Việt Nam sớm được mở lại để về quê đoàn tụ với gia đình, không phải sống trong sợ hãi thêm bất cứ ngày nào nữa.

Tôi không dám chắc sau khi nước Anh tuyên bố hết dịch Tuấn sẽ trở về quê hay không, vì rất có thể ma lực của những đồng bảng Anh sẽ níu kéo anh ở lại, giống như bốn năm trước từng để lại hộ chiếu, giấy tờ tùy thân lại biên giới Pháp để trở thành một người không quốc tịch, vượt phà qua cảng Calais vào nội địa Anh theo đuổi ước vọng đổi đời.

"Không phải riêng em, bây giờ nhiều lao động bất hợp pháp cũng muốn về Việt Nam mà không làm sao về được đây", Tuấn nói. Đứng giữa lằn ranh sinh tử của Covid-19, Tuấn và rất nhiều "người rơm" khác đã có thời gian suy nghĩ và thấy được nỗi lo lắng bình thường của một công dân về bệnh tật. Họ muốn lấy lại lòng tự trọng từng vứt bỏ, muốn trở về nơi mình từng từ chối quốc tịch để được bảo vệ các quyền công ước về con người, hơn là ở xứ sở được cho là "thiên đường" nhưng lại mất đi nhiều quyền năng đáng lẽ ra ai cũng được hưởng.    

Chắc Tuấn và nhiều "người rơm" sẽ phải suy nghĩ. Bởi trước khi và sau khi sang Anh được cả một đường dây tội phạm xuyên quốc gia hỗ trợ, từ quá trình vượt biên cho đến việc chuyển những đồng ngoại tệ bất minh về quê. Nhưng trong thời điểm Covid-19, không có một ai ở bên họ tư vấn hay đưa ra một lời khuyên. Có chăng chỉ là những câu nói động viên xa xôi cách hàng chục nghìn km qua điện thoại từ phía người thân ở Việt Nam.    

Có phân tích khẳng định rằng trong 19.000 ca tử vong ở Anh, chính quyền sở tại chỉ tính những trường hợp chết trong bệnh viện, song số liệu thực tế có thể cao hơn vì nhiều người qua đời tại nhà và viện dưỡng lão. Đem so sánh lời kể của Tuấn, tôi nghĩ những gì mình được nghe từ đồng hương có lẽ đó chỉ là một phần nổi của tảng băng, còn những phần chìm ở phía sau thật sự còn bi đát hơn nhiều, nhưng chắc anh không dám nói thêm vì nhiều lý do.

Rời cuộc nói chuyện, lòng tôi lấn cấn câu hỏi: Liệu Covid-19 không xảy ra, thì khi nào những "người rơm" ấy sẽ có ý định trở về Việt Nam?    

Nguồn: Đức Hùng/ Vnexpress

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo