Góc nhìn

Người Việt chúng ta có thương con cháu?

Cập nhật lúc 10-10-2015 10:16:54 (GMT+1)
Con cháu người Việt Nam chúng ta phải được quyền tự do bày tỏ quan điểm, tham gia quyết định vận mệnh của quốc gia dân tộc.

 

Câu trả lời chắc chắn là có. Người Việt Nam chúng ta rất thương con cháu, sẵn sàng hy sinh và dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho con cháu của mình. Bạn cũng vậy và tôi cũng vậy. Những người lao động trí óc cũng vậy, lao động chân tay cũng vậy; dân thường cũng vậy mà quan chức cộng sản cũng vậy.


Thế nhưng khi quan sát cuộc sống đang diễn ra ở tất cả mọi vùng miền Nam, Trung, Bắc từ thành thị cho đến thôn quê, và nhìn cách bọn trẻ đang được thương yêu như thế nào, đang sống như thế nào... người Việt chúng ta không thể không ray rứt băn khoăn và buộc phải tự vấn lại lương tâm mình: Có thật là người Việt Nam yêu thương con cháu lắm không!?

Xin hãy khoan nghi ngại và ném đá phê phán trước một câu hỏi lạ kỳ và có vẻ như đang xúc phạm mọi người, trước khi chúng ta cùng thử trả lời chung xem thử chúng ta đang thương con cháu như thế nào!?

Thương con cháu, vậy tại sao ngày ngày người Việt Nam chúng ta vẫn lặng im, rất vô tư nhìn con cháu phải vào lớp đến trường, nơi chúng ta thừa biết là con trẻ đang phải chịu đựng, đang bị khủng bố tinh thần, bị bào mòn hủy hoại, bị đánh cắp tuổi thơ từng giây, từng phút, từng ngày...

Trường học đang là nơi con cháu chúng ta ngày ngày vẫn đã và đang bị tra tấn và chịu tác động nặng nhất, bị nhồi sọ bởi vô số kiến thức giáo điều vô bổ, thậm chí độc hại, sẽ chỉ làm méo mó, thui chột nhân cách chúng. Là nơi con cháu chúng ta đang bị xem như những con chuột bạch để thí nghiệm lung tung về cải cách và thực nghiệm... Là nơi học sinh bị đối xử như một món hàng để kinh doanh, tận thu ngay từ khi bước chân vào trường bằng các khoản thu chạy chỗ, chạy lớp, chạy... điểm, bảo hiểm, học thêm, đóng góp cơ sở vật chất, kế hoạch nhỏ, quỹ phụ huynh khen thưởng, sinh hoạt đội-đoàn... Nơi mà tình thầy trò, tình bạn cao đẹp dưới mái hiên trường đang ngày càng bị tồi tệ hóa, thay thế bằng sự giả dối, đối phó lừa mị lẫn nhau nhằm chạy theo thành tích chỉ tiêu thi đua... Nơi mà sự hơn thua, đua đòi, ganh tị, nạn bạo lực học đường, côn đồ, băng nhóm, độc ác, vô cảm, thanh toán, hành hạ lẫn nhau, đang ngày càng phát triển về số lượng vụ việc và mức độ man rợ...

Vâng, chính ngay cái nơi vô cùng quan trọng, nơi mà lẽ ra nhân cách một con người, một thế hệ... được vun vén, định hình, nơi mà “học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau,” nơi các giá trị tinh thần cao đẹp nhất của một con người được dạy dỗ gieo mầm như lòng nhân đạo, sự lương thiện, lòng ái quốc, tình yêu gia đình, thiên nhiên, tình nghĩa thầy trò, bạn bè... được nuôi dưỡng và phát triển thì nay đã và đang trở thành ngược lại. Do sự quản lý bất tài, bất lực, vô trách nhiệm, vô đạo đức, ngành giáo dục trở thành nơi đã và đang góp phần đánh tráo, đầu độc và tàn phá, hủy hoại những giá trị cao đẹp nhất của một con người, của một thế hệ...

Vâng, thương con cháu nhưng có bao giờ ta thử hình dung là con cháu chúng ta ngày ngày đang nghĩ gì, đang và sẽ phải chịu đựng những gì, và chúng ta có suy nghĩ gì không, suy nghĩ gì về nguồn cơn, về nguyên do, về cái nguồn gốc sâu xa của sự việc... Và chúng ta có đã làm gì, có đã lên tiếng, dấn thân đấu tranh được chút gì cho chúng hay chưa!?

Thương con cháu, mà có vẻ như chúng ta đã thờ ơ buông xuôi bất lực, chấp nhận ngày ngày mỗi sáng sớm từ khi con cháu chúng ta bước chân ra đường là may nhờ rủi chịu, chúng ta phó mặc con trẻ, mặc kệ chúng với những nguy cơ tai nạn chực chờ, có thể đổ ụp lên đầu chúng với tỉ lệ xác suất, khả năng xảy ra tai nạn giao thông thuộc vào loại cao trên thế giới.

Chúng ta dường như đã quá quen thuộc chai lì, vô tư, vô cảm với chính sức khỏe, mạng sống... của con cháu mình. Vô tư chấp nhận cho chúng ngày ngày hít thở không khí ô nhiễm, khói xe bụi bặm, cống rãnh kẹt thối; vô tư ăn uống các loại hóa chất độc hại tẩm ướp, có thể gây ra ung thư, bịnh hoạn...

Còn nhiều nhiều lắm những vấn nạn, những câu hỏi mà chúng ta cần phải dũng cảm, trung thực tự vấn, nếu muốn nhìn lại cách làm cha, làm mẹ và trách nhiệm của phụ huynh chúng mình.

Như yêu thương con cháu kiểu gì mà chúng ta cứ để mặc cho người ta phá phách thiên nhiên, hủy hoại môi trường; mượn nợ, cấn nợ chia nhau ăn xài đập phá rồi đổ nợ lên đầu con trẻ... Những khoản nợ khổng lồ hàng tỉ tỉ đô mà chỉ vài năm sau thôi, khi vừa mới lớn lên bọn chúng sẽ phải đau khổ, vô can oằn lưng gánh nợ, trở thành thế hệ của những con nợ, phải trả cả vốn lẫn lời... những khoản nợ mà chúng không thể nào hiểu nổi.

Yêu thương con cháu kiểu gì mà lúc giặc ngoại xâm đánh chiếm nhà mình, chiếm đoạt đất đai biển đảo của cha ông mình để lại, mà lại không liều thân gìn giữ; lại hèn nhát tránh né, còn đểu cáng đến mức nhận giặc là bạn, trốn chui trốn nhủi, rồi lừa lọc, bán cái cho con cháu đời sau, giao ban thế hệ đồi bại theo cái kiểu chờ con cháu lớn lên chúng sẽ đi (chết thay cho cha chú chúng) để đòi...

Kể ra nữa thì dài, dài lắm, người Việt Nam chúng ta ai ai cũng có thể tự vấn lương tâm mình, dũng cảm đặt ra thêm nhiều câu hỏi tương tự khác để suy ngẫm thêm về cách yêu thương và ý thức trách nhiệm, cũng như về những gì mà thế hệ phụ huynh chúng ta hôm nay đang để lại cho con cháu mình.

Người Việt Nam chúng ta ai cũng thương con. Vâng, phải công bằng mà nói các quan chức cộng sản cao cấp cũng vậy, chỉ khác ở chỗ, họ nhờ có “thông tin nhiều hơn, điều kiện nhiều hơn, trách nhiệm cao hơn...” nên dường như họ có cách yêu thương con cháu tốt hơn. Ða số họ đều khôn ngoan chuẩn bị xong hết chỗ ngồi theo quy hoạch cho con cháu họ, họ lo xa đến mức chuẩn bị luôn cho đời con họ “con vua thì lại làm vua” và xa hơn nữa, cả chỗ đi xa “khi nào Trời nổi can qua” cho con cháu họ được bay đến một nơi xa, rất sung túc, kín đáo, an toàn...

Như vậy thì phải chăng là quan chức cộng sản họ thương con cháu hơn, và “biết cách thương con” hơn. Xin được thưa rằng cũng chưa chắc đâu, chưa hẳn như vậy là đã biết thương con cháu đâu. Bởi vì ít nhất thì một cuộc sống tha phương phải ngày ngày giao dịch nói tiếng của người, ăn thức ăn của người, sống theo phong tục tập quán, thời tiết, khí hậu xứ người; phải xa lìa tổ quốc, trốn tránh nguồn gốc, tránh né cộng đồng... cũng là một hình thức lưu đày biệt xứ, cũng có rất nhiều mất mát đau thương, bất hạnh!

Nói đi thì cũng nói lại, thật ra họ chính là thủ phạm mà cũng vừa là nạn nhân, họ không rành đường, không biết lái xe nhưng cứ leo lên xe giành lái, cướp lái. Nên họ làm mọi chuyện tệ lậu, xấu hổ cũng chỉ vì tâm họ bất an. Họ không tin vào tương lai, vào con đường họ đang đi vào nơi họ sẽ đến, họ biết trước là mọi sự sẽ ngày càng tồi tệ, kết thúc... có thể sẽ rất thê thảm bi đát nên họ tranh thủ vơ vét chụp giựt tối đa để mong giao lại cho con cháu họ thật nhiều của cải vật chất càng tốt. Thế nhưng đó càng là bi kịch, vì vật chất không thể đem lại giá trị làm người, không bao giờ đem lại sự bình an, hạnh phúc cho con cháu họ mà luôn là ngược lại...

Nhưng thôi mặc kệ họ, “gieo gió thì gặp bão” và “đời cha ăn mặn đời con khát nước,” luật Trời và luật người cũng đã định sẵn vậy thôi.

Trở lại với dân thường, thì hình như là đa số trong lứa thế hệ phụ huynh người Việt chúng ta hôm nay, mọi người ít nhiều còn nợ con cháu mình, do chúng ta đều chưa làm hết sức mình và dường như đã chưa yêu thương con cái đúng mức; hoặc nói khác đi, nói nhẹ hơn là chưa biết cách, chưa hiểu được rằng tình yêu thương luôn luôn phải song hành, luôn phải được thể hiện qua bổn phận và trách nhiệm...

Và nếu như chúng ta còn không thương, không tự mình trả giá, hy sinh cho con cháu mình thì ta chờ mong ai đây, hay là chúng ta đang chờ mong, đòi hỏi một “ông hàng xóm tốt... bụng” nào đó rồi sẽ vào mà thay ta làm chồng, làm cha tốt!?

Càng nghĩ càng thương, càng rất đau xót, lo lắng... cho con cháu dân thường chúng ta. Càng nghĩ sẽ càng thêm thẹn lòng vì không biết rồi đây, sắp đến chỉ vài năm nữa thôi, khi lớn lên, chúng có sống được không và có đau lòng lắm không khi nghĩ về những gì mà chúng sẽ phải nhận lại, bị bàn giao lại từ thế hệ cha, chú một đất nước hận thù, một cơ đồ rách nát, tả tơi...

Ai cũng vậy, sinh ra làm con trẻ, lớn lên thành phụ huynh và rồi sẽ phải đi xa, đi về một ngôi nhà mới, đến một thế giới mới nào đó... Và dân tộc nào, ở đâu rồi cũng vậy thôi, những người làm cha, làm mẹ có trách nhiệm, thương yêu con cháu trước khi vĩnh biệt đi xa đều mong muốn để lại nhà cửa, ngôi nhà chung cho con cháu mình được khang trang sạch sẽ.

Nhà cửa tan hoang, dơ dáy, rách nát, sâu chuột lúc nhúc với vi trùng, mầm bệnh quá nhiều, kèo cột giả dối lung lay không biết sụp đổ lúc nào... thì làm sao con cháu có thể thở được, ở được, sống an toàn hạnh phúc được!

***

Thương con cháu và biết lo xa, có trách nhiệm... sẽ luôn phải mơ ước và khát khao được góp phần xây dựng một ngôi nhà chung Việt Nam bình an, hạnh phúc tràn ngập yêu thương xóa bỏ hận thù, dân chủ, văn minh, tiến bộ; trong đó con cháu mình và tất cả mọi con dân đều được quyền tham gia quyết định vận mệnh của quốc gia dân tộc bằng lá phiếu, không phân biệt lý lịch. Nơi có tam quyền phân lập để thực thi hiến pháp và giám sát quyền lực, có các đảng phái đối lập và báo chí tự do để ai ai cũng có thể nói lên suy nghĩ của mình, và phản biện chống độc tài, tham nhũng... Ðó mới chính là một ngôi nhà lý tưởng mà tất cả người dân Việt thế hệ chúng ta đang làm cha, làm mẹ, đều mong ước được để lại cho con em mình.

Nhưng muốn vậy thì đâu còn con đường nào khác, trước khi quá muộn: Phải chăng đó chỉ có thể là con đường đoàn kết, dứt khoát vứt bỏ ngay chủ nghĩa cộng sản ngoại lai tàn độc vào bãi rác phế thải, độc hại của loài người và cùng chung tay nhau nắm lấy yêu thương, xóa bỏ hận thù!

Nguồn: Thành Tôn (Từ Toronto, Canada)/Diễn Đàn Thế Kỷ

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo