Góc nhìn

Ông Trần Tuấn Anh đã loại bỏ "di sản tham nhũng" của Nguyễn Tấn Dũng

Cập nhật lúc 22-09-2017 11:01:18 (GMT+1)
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

 

Huy Đức(Fb): Di sản lớn nhất của Nguyễn Tấn Dũng không chỉ là tham nhũng mà còn là hơn 5.000 giấy phép con & điều kiện kinh doanh (con số của VCCI là 7.000). 5.000 GFC & ĐKKD này không chỉ huỷ hoại nền kinh tế trong hai nhiệm kỳ. Một khi những rào cản kinh doanh này vẫn còn thì cho dù có loại bỏ được "di sản tham nhũng", nguời dân vẫn sẽ còn bị nhũng nhiễu. Tôi cho rằng đây là quyết định quan trọng nhất của Bộ Công Thương cũng như của Chính phủ hiện nay:


........

Bạch Hoàn (Fb): Một việc tốt hiếm hoi...

Có một việc tốt tôi muốn nói lời khen chân thành và thể hiện sự ủng hộ đối với việc làm ấy. Anh chị nào quen biết có thể giúp tôi nói điều này với ông Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh. Hôm nay, ông Trần Tuấn Anh đã làm được một việc chưa từng có trong lịch sử ngành công thương, đó là cắt giảm tới 675 điều kiện kinh doanh, chiếm tới 55% tổng số điều kiện kinh doanh thuộc quản lý của ngành này.

Nếu anh chị nào làm kinh doanh sẽ thấy, các giấy phép con, các thủ tục hành chính, trên thực tế đang là thứ khiến các doanh nghiệp mệt mỏi đến nhường nào. Chỉ một giấy phép thôi đã có thể ngốn của doanh nghiệp vô số nguồn lực, từ con người, đến thời gian, tiền bạc...

Có một thực tế không thể phủ nhận là từ năm 2016 trở về trước, dù kêu gọi các bộ ngành, các địa phương phải tăng cường cải cách hành chính, tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, nhưng số lượng điều kiện, giấy phép con lại đẻ ra ngày càng nhiều. Đã có những con số thống kê chỉ ra rằng, từ năm 2014-2016, cứ 3 doanh nghiệp thì lại có 1 doanh nghiệp phải bỏ ra 10% quỹ thời gian để giải quyết các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính đặt ra từ các cơ quan nhà nước. Trong khi tỉ lệ trước đây là 1/5.

Thủ tục hành chính rườm rà, cồng kềnh, nhiều điều kiện phức tạp, chồng chéo, là cơ sở để các cán bộ, công chức có thể hành doanh nghiệp, từ đó sinh ra tệ quan liêu, nhũng nhiễu, khiến doanh nghiệp tốn kém thời gian và chi phí. Điều này cũng chính là nguyên nhân làm giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của đất nước.

Một thống kê mới nhất liên quan đến thủ tục hành chính đã cho kết quả có đến 66% doanh nghiệp phải thường xuyên chi trả các khoản không chính thức và các khoản chi này chiếm tới 10% tổng doanh thu của họ.

Nghĩa là, doanh nghiệp làm ra 100 tỉ đồng thì phải chi 10 tỉ đồng cho các khoản chi không chính thức để thủ tục hành chính xuôi chèo mát mái.

Mức chi như vậy thực sự quá kinh khủng. Nó bào mòn tất cả mọi nỗ lực của doanh nghiệp, của nền kinh tế, nó khiến nền kinh tế khó có thể ngóc đầu lên được.

Thế nên, nếu cắt giảm bớt thủ tục hành chính, chắc chắn doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí, có thêm tích luỹ để lớn mạnh, năng lực cạnh tranh tăng và nền kinh tế có đà để phát triển.

....

Điểm nhấn kiến tạo: Bộ Công Thương cắt thẳng 675 điều kiện kinh doanh

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký Quyết định số 3610a/QĐ-BCT ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017 – 2018.

Theo Quyết định này, 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh được cắt giảm. Đây là con số lớn chưa từng có trong lịch sử ngành Công Thương (cao hơn dự kiến ban đầu 63 điều kiện và chiếm tới 55,5% tổng các điều kiện đầu tư kinh doanh).

Trước đó, vào tháng 10/2016, Bộ Công Thương cũng tiến hành một đợt cắt giảm các thủ tục hành chính theo quyết định số 4846, gồm: bãi bỏ 15 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 108 thủ tục hành chính trong tổng số 443 thủ tục, tương đương 27,8% tổng số thủ tục hành chính hiện có của Bộ Công Thương.

Sau đợt cắt giảm “lớn chưa từng có” này, số điều kiện kinh doanh còn lại của ngành Công Thương là 541.

Như VietnamFinance đã thông tin, ngày 15/9 vừa qua, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có buổi làm việc với tổ công tác về cải cách hành chính Bộ Công Thương.

Tại buổi làm việc, tổ công tác đã đề xuất 2 phương án cắt giảm: phương án 1, cắt giảm 464 điều kiện, tương đương với 38,15% tổng số điều kiện kinh doanh; phương án 2, mức cắt giảm lên đến 612 điều kiện kinh doanh, tương đương với mức cắt giảm 50,3% tổng số 17 ngành nghề.

Trong 27 ngành nghề nằm trong diện rà soát, có 10 ngành, nghề không có đề xuất cắt giảm gồm: Kinh doanh ngành, nghề có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ; dịch vụ nổ mìn; xuất khẩu gạo (lĩnh vực này đã được đề xuất đơn giản hóa theo hướng bỏ yêu cầu về quy mô trong từng điều kiện và thay vào đó áp dụng quy chuẩn); tạm nhập tái xuất hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt; tạm nhập tái xuất hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa đã qua sử dụng.

Cùng với đó là kinh doanh khoáng sản; hoạt động mua bán hàng hóa và mua bán hàng hóa của doanh nghiệp FDI; hoạt động dầu khí; kiểm toán năng lượng, kiểm định kỹ thuật an toàn lao động máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; sản xuất, gia công quân phục cho các lực lượng vũ trang nước ngoài.

17 ngành, nghề kinh doanh còn lại đề xuất cắt giảm gồm: Xăng dầu; khí; tiền chất thuốc nổ; hóa chất; rượu; thuốc lá; thực phẩm; điện; tạm nhập tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh; nhượng quyền thương mại; logistics; tiền chất công nghiệp; sở giao dịch hàng hóa; giám định thương mại; đa cấp; thương mại điện tử; vật liệu nổ công nghiệp (bao gồm cả hoạt động tiêu hủy).

Nguồn: Vĩnh Chi/Vietnamfinance

 

 

 

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo