Góc nhìn

Quốc gia dân tộc không có tương lai, tại châu Âu, các quốc gia này chỉ tồn tại một thời gian ngắn

Cập nhật lúc 04-12-2018 21:42:31 (GMT+1)
Ảnh: ihned.cz

 

Nhà sử học nổi tiếng Timothy Snyder mới ra một cuốn sách mới mang tên Đường mất tự do, bàn về hiện tại và tương lai. Snyder là một người am hiểu sâu sắc về Trung và Đông Âu, lâu nay ông sống tại Viên và làm việc tại Viện khoa học nghiên cứu về con người. Trong bài nói chuyện dành cho Hospodářské noviny (HN) vào dịp kỷ niệm 100 năm tan rã của Đế quốc Áo-Hung, ông cảnh báo không chỉ trước ảnh hưởng ác tính và ngày càng gia tăng của nước Nga đối với nền dân chủ phương Tây, nhưng trước hết là trước sự thiếu hiểu biết đối với lịch sử của chính mình và trước các cá nhân, mà trong con mắt của ông là ngây thơ tin tưởng vào khả năng sống của các quốc gia theo chủ nghĩa dân tộc.


HN: điều gì đã khiến một sử gia lại viết về hiện tại và tương lai? Bởi vì hai cuốn sách cuối cùng của ông là Bạo quyền và Đường mất tự do

Tôi đã ý thức được rằng đề tài hồi ức đã trở thành đề tài để bàn về hiện thực và tương lai. Các chính quyền thường quan tâm đến hồi ức - cho dù là Séc, Ba Lan hay là các quốc gia khác - họ có các viện lưu trữ các hồi ức của dân tộc. Hồi ức có nghĩa là những gì mà chúng ta cần phải ghi nhớ. Lịch sử thì là những gì đã thực sự xảy ra. Và đó là hai điều khác nhau khá rõ. Các nhà lịch sử vì thế thường xuyên chịu áp lực, điều gì cần ghi nhớ hay không.

Trong các năm 2014-2015, vào khoảng thời gian xảy ra các cuộc biểu tình tại Majdan để phản đối chính phủ và cuộc chiến tranh tại Ucraina, đường lối chính trị của nước Nga đã giống với hồi ức về đường lối đối ngoại của nước Nga đến không ngờ. Tôi đã cố gắng giải thích cho mọi người, nước Nga đang sử dụng một chính sách lịch sử để biện minh cho cuộc chiến này ra sao. Tôi bắt đầu nghiên cứu nhiều hơn cách thức họ sử dụng truyền hình và internet. Và khi đó tôi nhận ra rằng, đó là một phần của chính sách của người Nga để gây bất ổn không chỉ tại Ucraina, mà cả toàn bộ châu Âu.

5 năm trước đây, khi hoàn thành một cuốn sách về Holocaust, tôi suy nghĩ nhiều hơn về hồi ức. Điều đó dẫn tôi đến việc suy nghĩ về nước Nga, và thế là tôi đi đến kết luận rằng châu Âu và Hoa kỳ đang dần dần có vấn đề.

Nói chung thì lịch sử là việc suy ngẫm về chính trị. Khi bạn có niềm tin vào lịch sử, thì bạn sẽ tin tưởng rằng, thời gian sẽ tiến lên phía trước. Điều đó có vẻ như là những gì khá đơn sơ. Nhưng khá nhiều các tư tưởng chính trị lại cố gắng phủ nhận điều đó. Nếu như  bạn là Orban hay là Putin, bạn sẽ không nói về tương lai. Bạn sẽ nói đến một quá khứ được dàn cảnh, bạn sẽ cố gắng thuyết phục người dân, rằng cuộc sống là một sự quay vòng, rằng quá khứ là một sự quay vòng. Lịch sử thì lại nhấn mạnh một điều, rằng tương lai vẫn đang đến, và như thế  đó là một dạng tư duy chính trị.

Việc thứ ba: vào thời điểm khủng hoảng bạn sẽ làm những gì mà bạn thông thạo. Nếu gặp đám cháy và bạn là vận động viên nhảy cao, thì rất có thể bạn sẽ nhảy vào ai đó để cứu người. Và khi lụt lội và bạn là người biết bơi, có lẽ bạn cũng sẽ cố gắng cứu ai đó cho dù bơi không phải là nghề nghiệp của bạn. Nếu bạn là bác sĩ và gặp tai nạn giao thông, bạn sẽ thử cứu giúp người gặp nạn, ngay cả khi bạn là bác sĩ nhi. Và hiện chúng ta đang trong hoàn cảnh mà những người có một khả năng nhất định nào đó đều nên mang ra sử dụng. Và thế là tôi viết về lịch sử. Con đường mất tự do là cuốn sách lịch sử về thời đại hiện nay, nó sử dụng các quy trình, các nguồn thông tin gốc và cách viết của một người nghiên cứu lịch sử. Đơn giản là chúng ta cần phải dùng những gì mà chúng ta thông thạo để làm rõ cuộc khủng hoảng hiện nay.

HN: Năm 2010 ông có viết một bài cho New York Times, trong bài viết ông lên án cách sử dụng chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản như hai đại lượng song song với ngày hôm nay. Trong các cuốn sách mới đây thì ông lại sử dụng chính điều này. Đã có gì thay đổi vậy?

Tôi không nói rằng không được so sánh quá khứ với hiện tại. Tôi viết là Barack Obama không nên so sánh Hitler với Stalin và đến bây giờ tôi vẫn cho là như thế. Nhưng tôi hiểu ý anh. Quá khứ có thể bị lạm dụng, nếu như chúng ta khẳng định với tất cả mọi người rằng Hitler là Stalin. Chúng ta sẽ không giúp được gì cho lịch sử, một khi chúng ta làm mất đi giá trị của lịch sử, bằng cách so sánh như vậy chúng ta hủy hoại không chỉ hiện tại, mà cả quá khứ. Chúng ta đục rỗng nội dung của cả hai khái niệm. Nhưng chúng ta có thể vận dụng được quá khứ - quá khứ không lặp lại, nhưng nó cho ta thấy, điều gì có thể xảy ra. Rằng một nền dân chủ phương Tây có dân trí cao sụp đổ và trở thành một chế độ toàn trị là việc hoàn toàn có thể. Chúng ta biết điều đó bởi vì chuyện này đã xảy ra trong những năm 20 và 30 của thế kỷ trước. Điều này không có nghĩa là Hoa kỳ sẽ giống hệt Đức, nhưng nó cho ta thấy chuyện gì có thể xảy ra.
Có những mô hình nhất định mà chúng ta có thể theo dõi và sử dụng cho thời hiện tại. Ví dụ, một chính phủ thông minh tại Tiệp khắc trong những năm 70 đã cho thấy rằng, có thể sử dụng truyền thông như một thứ để thay thế chính trị. Khi ấy đó là truyền hình và Jaroslav Dietl. Ngày nay, ngoài truyền hình còn có internet. Trong cuốn Con đường mất tự do tôi sử dụng các phương pháp của ngành sử học và viết về thời hiện tại. Chúng tôi sử dụng các tư liệu gốc và theo trình tự thời gian.

HN: Liệu có thể sử dụng các phương pháp này để mô tả lịch sử của các giai đoạn cách đây chưa lâu? Chúng ta vừa kỷ niệm 10 năm cuộc khủng hoảng kinh tế mà đã dẫn đến sự khủng hoảng của nền dân chủ tự do. Liệu người dân đã mất lòng tin vào nền tự do dân chủ, hay là chính nền tự do dân chủ đã kiệt lực?

Năm 2008 là một ví dụ rất tốt để thấy lịch sử có ích như thế nào. Tất cả các nhà sử học nghiên cứu về chủ nghĩa tư bản sẽ nói, khủng hoảng sẽ lặp đi lặp lại. Họ cũng sẽ nói với bạn rằng, các nhà băng sẽ luôn luôn khẳng định rằng ngược lại, khủng hoảng sẽ không lặp lại, nhưng rồi nó sẽ luôn luôn xảy ra. Một cuộc khủng hoảng kinh tế mới có thể sẽ không xảy ra trong ngày mai, hoặc ngày kia, nhưng một lúc nào đó, nó sẽ đến, bởi vì quá nhiều người Mỹ tin rằng điều đó sẽ không thể xảy ra một lần nữa.

Một điều khác mà lịch sử có thể là hữu ích trong khía cạnh có liên quan tới năm 2008, là sự toàn cầu hóa. Sự toàn cầu hóa tạo nên các bong bóng căng phồng rồi sau đó vỡ dần và chính sách danh tính.

Làm sao mà chúng ta biết được điều này? Từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 tất cả những chuyện này đã xảy ra. Làn sóng toàn cầu hóa đầu tiên diễn ra trong thời kỳ đó đã đưa ra một chính sách tương tự những gì chúng ta đang trải qua ngày hôm nay. Hồi đó cũng có các nhà dân túy hệt như bây giờ và họ cũng nói đến những đề tài tương tự.

Năm 2008 là một cú sốc, nhưng lớn hơn so với lẽ ra có thể xảy ra, chính bởi vì chúng ta đã đánh mất khái niệm về lịch sử. Một trong các vấn đề của chúng ta là vì không biết rõ lịch sử, chúng ta nhìn tất cả những gì đang xảy ra hôm nay, như là những gì hoàn toàn mới mẻ. Và tất cả những gì mà chúng ta coi là mới mẻ, thường làm chúng ta bất ngờ và bối rối không biết xử trí ra sao. Chúng ta bấn loạn. Chúng ta không xác định được bối cảnh. Và không biết phải làm gì.

Phải, khoảng thời gian 2008-2018 là một giải đoạn mang tính lịch sử. Tôi không biết, liệu sau 100 năm nữa các nhà sử học sẽ nói gì về nó, nhưng tôi thấy đây là giai đoạn mà sự bất bình đẳng gia tăng mạnh, nhất là tại Hoa kỳ và Trung quốc. Đó là một khuynh hướng có thể thấy rõ, nó không liên quan đến việc ai cảm thấy thế nào. Và sự bất bình đẳng  mang theo mình các hậu quả kinh tế quen thuộc, xã hội trở nên thiếu đoàn kết. Điều này làm tăng cơ hội để những người như Putin, hay là Trump đạt tới quyền lực và để thành lập chính phủ từ những trùm tư bản, mà sẽ  trở thành thông lệ.

Khoảng thời gian 10 năm này xứng đáng được phân tích về mặt lịch sử, cả bởi vì các loại phân tích khác sẽ không có nhiều tác dụng. Bởi chúng ta đã đạt được tới một tư duy lịch sử cho rằng điều duy nhất có ý nghĩa là điều hiện đang xảy ra. Một khi rơi vào trạng thái này thì sẽ rất khó ý thức được, điều gì quả thật đang xảy ra.

HN: Tôi đã gặp các quan điểm cho rằng, trong thập kỷ này các chế độ chuyên chế đã cho thấy họ có khả năng vận hành về mặt kinh tế, có nghĩa là nền dân chủ tự do vốn nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng cuộc sống con người, đã đánh mất một phần sức hấp dẫn của mình. Có thể là vì thế mà nền dân chủ tự do đã đánh mất chủ nghĩa tư bản như là một động cơ thúc đẩy sự phát triển?

Tôi nghĩ rằng đây chính là sự hiểu lầm cơ bản: nền tự do dân chủ và chủ nghĩa tư bản không phải là hai khái niệm đồng nhất, nhưng nó liên quan mật thiết với nhau. Thị trường là yếu tố tích cực để xác định giá thành, để phân phối. Nếu như có ai đó nghĩ rằng thị trường mang lại nền tự do dân chủ mà vốn là một hệ thống các quan điểm và thực hành, hệ thống các cơ cấu tổ chức và các hành vi, thì chúng ta quả là đã chờ đợi quá mức. Thị trường có tể mang lại công ăn việc làm, nhưng không phải là tính tự do và cũng chẳng phải là nền dân chủ. Chúng ta có thể tạo dựng nền tự do dân chủ, bởi vì chúng ta muốn điều đó và chúng ta nghĩ rằng đó là điều tốt. Chúng ta không thể tạo dựng nó để nó mang lại cho chúng ta một nền kinh tế phát triển. Nó có thể mang lại, nhưng cũng có thể không.

Bởi sẽ có một chế độ chuyên chế nào đó có mức phát triển kinh tế cao hơn, ví dụ như là chủ nghĩa Stalin trong những năm 50 của thế kỷ trước. Khi đó, nhà nước Xô viết đã phát triển nhanh hơn Hoa kỳ dưới thời Einsenhower. Nhưng liệu điều đó có nghĩa rằng, đó là một nơi tốt hơn để sống và liệu chúng ta có muốn sống tại đó? Không. Trung quốc ngày nay có các con số cao hơn California. Liệu điều đó có nghĩa rằng, cuộc sống ở đó tốt hơn tại California? Dĩ nhiên là không. Để đánh giá, chúng ta cần sử dụng các chỉ số, trong đó không chỉ có mức tăng trưởng của tổng sản phẩm nội địa. Nền tự do dân chủ cần phải tự bảo vệ mình.

Thêm nữa, tôi không đồng ý với tiền đề rằng, các nền chuyên chính về mặt kinh tế là ổn định. Nước Nga là một thảm họa toàn diện. Và cả trong tình trạng đó, nó vẫn có khả năng gây ảnh hưởng về mặt ý thức hệ tới các sự kiện diễn ra tại châu Âu và Hoa kỳ. Trong điều kiện mà sự bất bình đẳng quá cao, mà thêm vào đó truyền thông lại yếu kém, người ta thường có khuynh hướng nhìn thế giới trong sự phân cực "chúng ta và họ". Và trong tình huống đó các quốc gia như nước Nga có thể gây được ảnh hưởng rất lớn, bởi vì họ có hàng đống ý tưởng để thực hiện điều này.

Khi nhìn sang Hoa kỳ - liệu có phải Trump được bầu lên là vì nền kinh tế bị xuống cấp? Không, Hoa kỳ hiện đang rất ổn. Trump được bầu lên phần nào cũng chính nhờ sự bất bình đẳng, một phần vì sự yếu kém của truyền thông, và một phần nữa là vì một số người nước ngoài muốn đạt được kết quả như vậy.

Tuy nhiên nếu như đúng là giới trẻ 25 tuổi ở châu Âu tự nhủ rằng, nếu như kinh tế không tăng 10% thì họ sẽ ủng hộ chế độ chuyên chế, thì chúng ta xong. Nếu như mọi người quả thật cho rằng kinh tế phát triển và tự do là một, thì quả là hết chuyện.

HN: vậy dưới góc nhìn này có lẽ các nước phương Tây có thể hiểu được tại sao người Séc, người Slovakia, người Ba lan, người Hungari không đồng ý tiếp nhận người tị nạn?

Vâng, đây chính là điều tôi muốn giải thích. Một cách nhìn khác về Thế chiến thứ hai nói rằng, tất cả chúng ta là nạn nhân, thậm chí kể cả người Hung. Và mọi rắc rối đều đến từ phương Tây. Thái độ chúng ta là nạn nhân này  không cho phép nhìn thấy, ai là nạn nhân thật. Tại Varsava hiện có rất nhiều người cho rằng họ là nạn nhân, bởi vào năm 2010 nước Nga và Donald Tusk đã bắn rơi chiếc máy bay chở tổng thống của họ tại Smolensk. Hay là có rất nhiều người ở đó cho rằng, họ là nạn nhân bởi Liên minh châu Âu đã lợi dụng họ sao đó. Đó là một vị thế rất khó có thể phân giải một cách nghiêm túc. Mà tất cả là trong tình trạng là Varsava chẳng có lấy dù chỉ một người tị nạn Syrie. Cách thức tự đánh giá bản thân như thế này làm bạn mù quáng trước những gì đang thực sự diễn ra trên thế giới và nó cũng tự biện hộ cho bản thân bạn trong việc bạn chẳng làm bất cứ điều gì. Bạn tốt đẹp chỉ bởi vì bạn là nạn nhân.

HN: Chúng tôi có thể làm được gì đây?

Một câu hỏi quả thật thú vị. Chúng ta hãy quay về câu hỏi đầu tiên của anh, là một người nghiên cứu lịch sử, tại sao tôi lại viết về thời hiện tại. Lịch sử có thể làm mọi điều, nhưng một điều mà lịch sử dạy chúng ta là, trách nhiệm luôn ở đâu đó quanh ta. Lịch sử không định trước, chỉ nghĩa là trong cấu trúc đối thoại thì một số việc có thể xảy ra, và một số việc khác thì không. Anh có trách nhiệm của anh, tôi có trách nhiệm của tôi. Là người nghiên cứu lịch sử, tôi viết về lịch sử trong bối cảnh nặng về các hồi ức, buộc người đọc phải đi đến tận khoảnh khắc mà họ phải tự nhủ rằng rõ ràng, lịch sử là những gì mà tất cả chúng ta đều quyết định liệu chuyện gì sẽ xảy ra.  Việc đặt bản thân vào vị thế là nạn nhân nọ đang loại trừ rằng bạn có thể tự quyết định giữa các khả năng của mình. Vị thế đó luôn nhắc rằng bạn là nạn nhân, vì thế tốt hơn hết hãy đi theo một lãnh tụ nào đó, thay vì tự quyết định. Về bản chất thì thật ra cuộc khủng hoảng tị nạn cũng chính là thế này đây.

HN: Khi nói về mối tương quan giữa lịch sử và hồi ức - ông có sử dụng Facebook và Twitter. Hai mạng xã hội này và cả các mạng khác thường bị lên án, rằng các mạng đều gây nên cuộc khủng hoảng hiện nay của nền dân chủ tự do. Ông có đồng ý với quan điểm này?

Một cách nào đó thì có. Việc này vẫn còn cần phải nghiên cứu nhiều, nhưng có một thực tế làm tôi ngỡ ngàng, rằng khi internet phát triển thì tính dân chủ lại bị thuyên giảm. Cùng với việc nối kết internet tới từng gia đình, thì dân chủ và nhân quyền lại bị hạn chế. Tôi không cho rằng đó là tình cờ. Truyền thông xã hội đang cố gắng làm chúng ta rơi vào một trạng thái tinh thần, hay là rơi vào các mối ràng buộc đầy cảm xúc mà rất khó có thể hợp nhất được với tính dân chủ. Các ví dụ đơn giản nhất là, khi vận hành trong một nền dân chủ, thì tôi cần phải ý thức được rằng, không phải lúc nào mình cũng đúng. Nhưng Facebook thì lại nói với tôi rằng, tôi luôn luôn đúng và nó tìm cho tôi các trang mạng và những người có cùng ý kiến với tôi.

Việc thứ hai là tính dân chủ buộc những người không đồng ý với nhau phải cùng cộng tác với nhau. Các anh có thể thuộc các đảng khác nhau, nhưng các anh không phải là kẻ thù. Truyền thông xã hội thì dạy cho chúng ta rằng đấy là chúng ta chống lại bọn họ và tạo sự phân cực. Nó làm chúng ta phân tán, làm cảm xúc của chúng ta gia tăng, hay là thuần túy làm gia tăng phản ứng hóa học trong cơ thể. Tôi cũng đã viết về điều này trong cuốn Đường mất tự do, về quan hệ giữa Hoa kỳ và nước Nga. Nếu như không có internet, nước Nga khó có thể can dự vào tình hình chính trị tại Hoa kỳ đến như thế.

Bởi vì Facebook đã có mặt tại đó và phân loại hồ sơ người sử dụng theo các dự đoán cảm xúc của họ, mà nước Nga, một cách có chủ đích, có thể gây tác động đến những ai có ác cảm với người da đen, hay là tác động đến những người không thích dân Hồi giáo, hay là ngược lại, chỉ nhằm vào người da đen. Một những điều mà nước Nga đã thực hiện trong kỳ bầu cử 2016 là đã nỗ lực ngăn các cử tri da đen đi bỏ phiếu bằng cách gọi Hillary Clinton là kẻ phân biệt chủng tộc, và qua đó đã nói rằng, Clinton và Trump là như nhau. Điều này là có thể chỉ do cách thức vận hành của truyền thông xã hội.

Tôi thường sử dụng Twitter, sử dụng Facebook thì ít hơn một chút, nhưng là để khuyến nghị mọi người rằng cần đọc điều gì đó khác, hoặc là để ủng hộ họ làm điều gì đó. Cuốn sách về bạo chúa lúc đầu chỉ là những mẩu status trên Facebook và là lời kêu gọi rời bỏ Facebook để bắt tay thực sự làm một việc gì đó. Bạn có thể sử dụng mạng xã hội, nhưng vào thời điểm mà bạn cho rằng đó là cách giải quyết, thì đó là bạn đang gặp vấn đề rất lớn. Bạn có thể sử dụng Facebook để có thể bắt đầu một việc gì đó, nhưng không thể sử dụng nó để hoàn thành công việc đó.

HN: Một khi chúng ta quay lại mối liên quan trên internet giữa Nga và Hoa kỳ thì trong cuốn Đường mất tự do ông viết nhiều về mối hiểm họa từ nước Nga. Cùng với đồng nghiệp chúng tôi thường nói rằng, không biết chúng ta có cường điệu hóa nó không, khi mà chúng ta viết không biết bao nhiêu bài báo, cuốn sách, rồi dựng phim. Không phải đó cũng là đang đóng góp cho chiến thuật tạo dựng nỗi sợ hãi của người Nga?

Tôi hiểu, nhưng tôi không tin lý lẽ này. Một khi bạn không nhìn thấy nước Nga, bạn không nhìn được bản thân. Nước Nga đã hạ gục Hoa kỳ trong cuộc chiến tranh mạng trong năm 2016. Chúng ta chẳng thích nghe điều này, nhưng đó là thực tế. Một khi không dám nhìn thẳng vào sự thật, bạn sẽ chẳng nhìn thấy chính mình. Và một khi không nhìn thấy chính mình, bạn sẽ chẳng thể sửa mình. Hiệu quả phụ có thể là việc người Nga sẽ cảm thấy mình thật quan trọng, nhưng điều này lại không quan trọng. Quan trọng là nước Nga đang chỉ ra những gì mà các bạn có thể sửa đổi. Ví dụ chúng ta có thể thấy trong trường hợp Cộng hòa Séc: cách thức mà nước Nga gây ảnh hưởng tới nền chính trị tại Séc, đang cho thấy những điều cần phải sửa trong hiến pháp và chính trị của Séc. Tại Hoa kỳ sự can thiệp của người Nga đã cho thấy các kênh xã hội có thể bị lợi dụng như thế nào, nó cho thấy vấn đề kỳ thị là quan trọng hơn so với chúng ta tưởng, nó cho thấy hàng loạt vấn đề mà chúng ta không biết. Và nay thì chúng ta cần sử dụng các phát hiện này để cải thiện chế độ của chính chúng ta. Nếu như bạn nói rằng tất cả là tại nước Nga, thì đó là bạn đi sai hướng. Nước Nga đã rất có ích trong việc chỉ ra yếu điểm của nền dân chủ của thế kỷ 21. Giải đáp không phải là bắt đầu căm hận nước Nga. Giải đáp là xây dựng hệ thống tin tức địa phương, thay đổi cách thức hoạt động của truyền thông mạng, giảm thiểu sự bất bình đẳng, đơn giản là làm tất cả mọi điều để nền dân chủ có thể vận hành được tốt hơn.

HN: Chúng ta cần phải biết sợ hơn nước Nga có Putin đứng đầu, hay là nước Nga hậu Putin?

Chúng ta không phải sợ ai. Sợ hãi không phải là điều tôi muốn dùng khi suy nghĩ về nước Nga. Có Putin hay không thì cũng là hướng đi mà Cộng hòa Séc hay là Hoa kỳ có thể theo đuổi, tức là cách thức làm chính trị. Họ có thể là thứ dân chủ giả dạng của các trùm tư bản phủ nhận sự thay đổi của khí hậu. Chúng tôi cũng có các trùm tư bản vốn phủ nhận sự thay đổi khí hậu của mình, tại Nga những người này cũng đang nắm giữ quyền lực. Chúng ta không phải sợ nước Nga, về mặt này thì tôi sẽ không dùng từ sợ hãi. Chúng ta cần phải học nước Nga, cần rút ra kinh nghiệm từ họ. Tôi không muốn tiên đoán, nước Nga sắp tới sẽ ra sao. Tôi không cho rằng sẽ tốt hơn hiện trạng. Nhưng nước Nga đang chỉ ra cho phương Tây thấy một trong các khả năng phát triển của tương lai và chúng ta cần tự nhủ, liệu đó có thật sự là tương lai mà chúng ta mong muốn.

HN: Vậy phương Tây sẽ nói sao với những gì đang xảy ra tại nước Nga?

Trong năm 2014, khi nước Nga tiến hành cuộc xâm chiếm vào  Ucraina, chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội. Giai đoạn đó, khi Moscow khẳng định họ đang nhằm vào bè lũ phát xít tưởng tượng, thì phương Tây lẽ ra đã phải kiên quyết đáp trả.

Vấn đề thứ hai là chúng ta cần phải nghiêm túc suy nghĩ về văn hóa truyền thông của chúng ta, để có thể hiểu, tại sao chúng ta lại để mình dễ dàng bị lôi kéo vào các tuyên truyền của nước Nga về những gì đang xảy ra. Phải làm gì ư? Một cách thẳng thắn nhất thì tốt hơn hết, nên giải quyết các vấn đề của chủ nghĩa tư bản toàn cầu, mà là những gì đã tạo điều kiện làm nên sự tồn tại của nước Nga ngày hôm nay.

Putin và Trump là những người mà chúng ta có thể, nhưng không nhất thiết phải yêu quí. Quan trọng hơn hết là các nguyên tắc của cuộc chơi, vốn là những điều cho phép những người như họ hành động và gây ảnh hưởng lên nhau và qua đó, gây ảnh hưởng tới phần còn lại của thế giới. Putin và Trump thì muốn, tốt hơn hết là quay về với các thị trường hoàn toàn không bị điều khiển. Tôi cũng ưng thị trường, nhưng phải do luật pháp điều khiển. Nếu một khi bạn cho phép các công ty của các ông chủ ẩn danh, thì đó không phải là một hình thức lành mạnh của chủ nghĩa tư bản. Nếu một khi bạn cho phép việc mua bán cổ tức ẩn danh, thì đó cũng không phải là chủ nghĩa tư bản lành mạnh và đó là chủ nghĩa tư bản mà đã cho phép Trump lên nắm quyền.

Khi đó, trong năm 2014, chúng ta lẽ ra đã phải phản ứng mạnh mẽ hơn. Nếu như tôi là người phải chịu trách nhiệm đối với nền chính trị của Hoa kỳ, thì tôi sẽ quan tâm nhiều hơn tới các đề tài thông thường hơn như chủ nghĩa tư bản offshore (đặt cơ sở tại nước ngoài để sử dụng nhân công giá rẻ), về chủ nghĩa tư bản vô chính phủ hiện đang diễn ra bên ngoài biên giới của chúng ta, về việc có 200 000 công ty đăng ký tại một địa chỉ duy nhất ở Delaware. Khi các bạn giải quyết được việc này, thì nó sẽ thúc đẩy hàng loạt các việc khác.

Ví dụ như internet. Trong việc này người Mỹ khá ngốc nghếch. Sẽ là ngớ ngẩn mà nghĩ rằng lấp đầy một căn phòng bằng tiếng động hay là bằng các bản tin thì cũng tương tự như nhau. Sự thật không tự hiển hiện, chỉ bởi vì trên màn hình có rất nhiều điểm sáng. Sự thật sẽ xuất hiện khi mà các phóng viên đi xuống thực địa để tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra. Nếu như tôi có phép màu nào đó để có thể có ảnh hưởng tới nền chính trị của Hoa kỳ, thì tôi sẽ cố gắng để có thể có càng nhiều càng tốt các thông tin từ địa phương - mà không bị định hướng chính trị. Đơn thuần là các sự kiện thực tế. Nó sẽ là câu trả lời tốt nhất cho nước Nga. Ngày nào cũng có thể tìm thấy các robot virtual (robot ảo) hỗ trợ cho Đảng Con đường khác cho nước Đức (AfD). Nguời Anh đã phải thừa nhận rằng các robot ảo này đã làm ảnh hưởng cuộc trưng cầu dân ý về Brexit. Nguy cơ xuất hiện hàng ngày, các bạn sẽ phải chống đỡ. Giải pháp thực sự là một nền dân chủ tự do thực thụ.

HN: Ông đã nhắc tới Hoa kỳ, vậy ông có cho rằng hai năm Trump làm Tổng thống liệu đã cho thấy cơ chế dân chủ của Hoa kỳ là đủ bền vững?

Chắc chắn đây là khoảnh khắc khá thú vị mà Hoa kỳ đang trải nghiệm. Câu trả lời có thể cả là có và không. Tôi không biết, liệu có là đủ, nhưng một số các cơ chế cơ bản của một nhà nước pháp quyền là ổn. Cũng giống như đại đa số các quan tòa và bộ tư pháp. Một  phần các chuyên gia như bác sĩ hay là luật sư, cũng làm việc thiện mà điều này hạn chế các tiêu cực. Các nhà báo cũng làm không tồi, tại USA hiện chúng ta đang là nhân chứng cho cuộc phục sinh của ngành điều tra báo chí.

Nền dân chủ đang phản ứng thông qua việc đang có rất nhiều người tìm đến làm việc tại ngạch hành chính công, và là điều đã nhìn thấy trong cuộc bầu cử vào Quốc hội, là nơi có mặt rất nhiều các ứng cử viên trẻ 30-40 tuổi và tài giỏi. Nhưng một mặt khác chúng ta thấy, hệ thống phanh và các đối trọng truyền thống thường không hoạt động. Các nhà lập pháp cần phải kiểm soát Tổng thống, điều này không mấy khi xảy ra. Tổng thống thì phải kiểm soát các nhà lập pháp. Điều này cũng không xảy ra. Còn Tòa án tối cao thì không kiểm soát bất kỳ ai trong họ. Có một sự thất vọng, rằng chế độ không vận hành như nó cần phải vận hành.

HN: Và cũng câu hỏi như thế về nước Đức và các cơ chế của nó. Ông có lo sợ cho sự phát triển ở nước Đức?

Tôi không thích từ sợ hãi, vì thế có lẽ tôi sẽ dùng cách thể hiện "làm tôi lo ngại". Nước Đức sẽ ổn thôi. Họ giải quyết tốt vấn đề bất bình đẳng về của cải, họ có truyền thông tốt hơn, họ có sự chuẩn bị tốt để đối phó với việc này. Tôi có lo lắng, nhưng trong 5 năm cuối đây, giới lãnh đạo của Đức đã giải quyết tốt nhất so với tất cả các cường quốc dân chủ - ngoại trừ vấn đề người tị nạn. Cần phải nhìn nhận những người tị nạn như những con người và cần có trách nhiệm cả với các nước láng giềng châu Âu. Nhưng bà Merkel đã mở ra cánh cửa cho mối nguy hiểm từ nước Nga bằng cách chấp thuận nhận nửa triệu người tị nạn Syria, bởi vì điều này đã cho phép Putin ném bom Syria - và ông ta đã cho ném bom. Đó là điều hơi ngây thơ. Vì thế mà làm tôi lo lắng cho nước Đức, nhưng các nhà lãnh đạo của họ ý thức được điều này rõ hơn ai hết.

HN: Khi nhìn sang các nước Trung Âu xung quanh, chúng ta có thể như thấy sự hồi sinh của các quốc gia dân tộc, và theo những gì ông viết trong các cuốn sách của mình thì ông có thái độ khá nghi ngờ đối với các quốc gia này. Vậy ngày nay, các quốc gia dân tộc đang được các thủ lĩnh  Kaczynski hay là Orban sử dụng như một công cụ chính trị chính, có vai trò như thế nào tại châu Âu?  

Một cách lãng mạn, người ta cho rằng một quốc gia dân tộc là một điều gì đó xứng đáng để người ta hy sinh. Tại châu Âu, chủ nghĩa quốc gia dân tộc không có quá khứ và tôi sẽ rất ngạc nhiên, rằng nó có tương lai. Tôi tin vào các quốc gia, tôi tin vào sự tồn tại của Cộng hòa Séc, và tin rằng sự tồn tại đó là quan trọng. Tôi tin vào nước Anh và tôi tin nước Anh là quan trọng. Nhưng tôi không tin rằng, sẽ có ai đó biết được điều gì sẽ xảy ra với các hình thái quốc gia này một khi Liên minh châu Âu không tồn tại.

Tôi nghĩ đơn giản rằng toàn bộ cách thức người ta mô tả các nét đặc trưng của Liên minh châu Âu, đều sai. Tôi không cho rằng, đấy là Cộng hòa Séc chống lại châu Âu. Cộng hòa Séc tồn tại, bởi vì đây là châu Âu. Đó là một sự cộng sinh. Châu Âu tạo điều kiện cho các quốc gia, các quốc gia tạo điều kiện cho châu Âu. Một khi bạn cho rằng châu Âu là kẻ thù thì sự tồn tại của bạn đứng ngoài châu Âu.

Một thế kỷ trước đây một đất nước mang tên Tiệp khắc đã từng tồn tại trong hai mươi năm. Và kết cục của nó không mấy tốt đẹp. Hungary, Ba lan, Litva và Latvia cũng tương tự. Tại châu Âu có một số các quốc gia dân tộc chỉ tồn tại vài thập kỷ. Và đó là tất cả. Các quốc gia còn lại là các đế quốc và sự hội nhập chung. Cho rằng chúng ta có thể có một nhà nước quốc gia dân tộc đứng ngoài châu Âu thật ra chỉ là một cách đi vào chỗ chết một cách oai  hùng. Nó có tiếng vang của một biểu tượng, nhưng nó là cuộc tự sát cho cả một dân tộc.

Đối với tôi, bài học của lịch sử Tiệp khắc hay là lịch sử Ba lan từ những năm 20 và 30 của thế kỷ trước là quốc gia cũng được thôi, nhưng chỉ một khi có được quanh mình một châu Âu đúng thể loại. Nếu bạn là một quốc gia nhỏ hay là trung bình, thì việc tham gia góp phần để có một châu Âu có ý nghĩa vận hành xung quanh bạn, là một điều có ý nghĩa cho sự tồn tại của bạn. Còn nếu nhìn nhận châu Âu như kẻ thù thì điều đó thật là thiếu logic.

Trước kia tôi yêu thích Tiệp khắc, nay tôi yêu thích Cộng hòa Séc và tôi mừng là nó tồn tại. Tôi yêu thích Litva. Tôi yêu thích Croatia. Tôi đánh giá cao sự nối tiếp của lịch sử, các ngôn ngữ và văn hóa. Điều mà làm châu Âu trở nên tốt đẹp là một thực tế, rằng ở đây có ngần ấy nền văn hóa chính trị và ngôn ngữ tồn tại gần sát nhau. Tôi đánh giá cao điều đó, nhưng có được tất cả những điều này đều là nhờ có sự tồn tại của Liên minh châu Âu. Sự sống còn của các dân tộc là điều được Liên minh châu Âu tạo điều kiện, chứ hoàn toàn không phải là những gì bị nghi ngờ.
Những gì Orban và Kaczynski đang làm, là một trò chơi vô cùng nguy hiểm. Họ biết rõ rằng sự tồn tại của Ba Lan và Hungary phụ thuộc vào châu Âu. Nhưng họ giả vờ như không biết, và họ đặt cược sự nghiệp chính trị của mình vào trò chơi đó. Điều này nguy hiểm, bởi vì bạn cần hiểu là có ai đó sẽ đẩy nó đi xa hơn.

HN: Trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Tiệp khắc chúng ta sẽ cần kỷ niệm điều gì tại Cộng hòa Séc và Slovakia?

Dĩ nhiên là tôi không được giao khiến nhiệm vụ này, nhưng nếu như có, thì như một hồi ức về Tiệp khắc, tôi sẽ kỷ niệm những sự kiện đã đạt tới được sự thỏa hiệp. Bộ ngũ (một nhóm phi chính thức gồm những người đứng đầu của 5 đảng phái chính trị trong thời Cộng hòa thứ nhất) đã có mâu thuẫn. Những người Slovakia cũng đã có những giai đoạn khó khăn, nhưng lịch sử Tiệp khắc có chứa những khoảnh khắc khi các thỏa hiệp thú vị đã diễn ra, ví dụ thỏa hiệp liên quan đến thiểu số người Đức. Tiệp khắc nhắc chúng ta một loạt các thỏa hiệp, chính Masaryk (Tổng thống đầu tiên - người đặt nền móng cho nền Tiệp khắc) là một sự thỏa hiệp biết đi. Vâng, đó là điều cần kỷ niệm: sự thỏa hiệp và cơ cấu.

Thêm một điều nữa: Masaryk và Tiệp khắc đã khá ngả theo phe các nước bên bờ Atlantic, Tiệp khắc trong thời kỳ giữa hai thế chiến cũng theo phương Tây. Khuynh hướng này kết thúc cùng với Hiệp ước Munich và từ lúc đó một truyền thống đầy nghi kỵ đối với phương Tây bắt đầu ngự trị. Nhưng tôi muốn đặt một câu hỏi, tại sao Tiệp khắc trước Hiệp ước Munich lại theo phương Tây? Tại sao lại theo Hoa kỳ? Đây là điều mà tôi muốn biết.

Timothy Snyder (49)
Sinh tại Ohio, ông là giáo sư Lịch sử tại trường Yale và làm việc tại Viện khoa học về con người tại Viên, là nơi ông sống cùng gia đình trong nhwuxng năm cuối đây.
Ông là tác giả của các cuốn sách được đánh giá cao, chủ yếu về lịch sử hiện đại của các nước Trung và Đông Âu. Ông bảo vệ Tiến sĩ tại Oxford, giảng dạy tại Harvard và nhận được nhiều giải  thưởng Hàn lâm.
Ngoài tiếng Anh, ông còn nói được 4 ngôn ngữ khác, kể cả tiếng Ucraina và đọc được 4 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Tiệp.

Nguồn: ihned.cz

Người dịch: Thanh Mai - vietinfo.eu

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo