Góc nhìn

Sài Gòn: ‘Dọn dẹp vỉa hè’ là đánh vào sinh kế của dân

Cập nhật lúc 18-03-2017 06:15:32 (GMT+1)
Ông Ðoàn Ngọc Hải, phó chủ tịch quận 1 trong chiến dịch “đòi lại vỉa hè.” (Hình: zing.vn)

 

Một cựu phó chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội Việt Nam, nhận định, việc lãnh đạo chính quyền nhiều địa phương ở Việt Nam đổ ra đường để “dọn dẹp vỉa hè” chẳng khác gì đánh vào nền kinh tế.


Trong bài viết có tựa là “Khía cạnh kinh tế của hàng rong,” đăng trên tạp chí Tia Sáng – cơ quan ngôn luận của Bộ Khoa Học-Công Nghệ-Môi Trường, ông Nguyễn Sĩ Dũng khẳng định, “hàng rong không phải là một vấn đề mà là một giải pháp.”

Tuy hàng rong luôn gắn với vỉa hè và trong bối cảnh lãnh đạo chính quyền nhiều địa phương ở Việt Nam đang thi nhau tự quảng cáo thông qua việc dẫn đầu những đoàn cưỡng chế để “lập lại trật tự vỉa hè,” ông Dũng cho rằng, sự kỳ thị đối với hàng rong (xua đuổi, hạch sách, hất đổ hàng hóa, tịch thu quang gánh,…) không chỉ phản cảm mà xét về mặt kinh tế là hết sức bất hợp lý.

Theo ông Dũng, trong bối cảnh thất nghiệp tràn lan tại Việt Nam như hiện nay, hàng rong là một kênh cung cấp việc làm. Tuy khó xác định đang có bao nhiêu người kiếm sống bằng bán hàng rong cũng như sản xuất, cung ứng hàng hóa cho những người bán hàng rong nhưng qua những tiếng rao đêm, qua những chiếc xe đẩy, những gánh hàng hóa đủ loại, con số chắc chắn là rất lớn.

Bán hàng rong rõ ràng là sinh kế của rất đông dân nghèo thành thị, những nông dân nhập cư, những đối tượng đứng bên lề tiến trình đô thị hóa. Dù bán hàng rong nhọc nhằn, ít có tương lai nhưng đó là sinh kế duy nhất của vô số người.

Ông Dũng còn gợi ý nên nhìn hoạt động bán hàng rong là một phần của mạng lưới phân phối hết sức hiệu quả. Thiếu hoạt động hàng rong, hoạt động của các chợ đầu mối sẽ chựng lại. Thiếu hàng rong, nền nông nghiệp, thậm chí cả nền tiểu thủ công nghiệp theo mô hình gia đình chắc chắn sẽ gặp khó khăn bởi thiếu hệ thống phân phối hiệu quả và phù hợp như hàng rong. Ngược đãi dẹp bỏ hàng rong sẽ không chỉ làm những người bán hàng rong mất sinh kế mà còn khiến nhiều giới khác điêu đứng.

Ông Dũng nhấn mạnh một khía cạnh khác, đó là trong khi hệ thống công quyền Việt Nam lập luận, phải “dọn dẹp vỉa hè” để khách bộ hành có chỗ đi lại, giảm bớt sự hỗn loạn trong giao thông thì chính hàng rong đang giúp hệ thống giao thông giảm bớt tình trạng quá tải.

Các thành phố lớn ở Việt Nam có rất nhiều ngõ hẹp. Hàng rong là cách cung ứng hàng hóa rất hiệu quả và thiết thực. Nếu không còn hàng rong, tất cả mọi người cùng đổ đến những nơi mua bán tập trung thì tình trạng kẹt xe ở Sài Gòn, Hà Nội chắc chắn sẽ trầm trọng hơn.

Dẫu tin rằng sẽ đến ngày hệ thống siêu thị sang trọng-hiện đại, hệ thống cửa hàng bán lẻ tiện lợi sẽ loại bỏ hàng rong ra khỏi sinh hoạt xã hội ở Việt Nam nhưng theo ông Dũng, ngày đó còn xa, trước mắt, hàng rong vẫn là một cấu thành quan trọng của nền kinh tế. Cựu phó chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội Việt Nam đề nghị, thay vì cấm đoán, kỳ thị, hãy hướng dẫn và tạo điều kiện cho những người bán hàng rong kiếm sống, vừa duy trì được trật tự của vỉa hè, vừa không vi phạm quyền mưu cầu hạnh phúc của những người phải mưu sinh trên đường.

Không biết những nhận định của ông Dũng có làm các viên chức hữu trách động tâm hay không? Vào lúc này, các viên chức lãnh đạo phường xã, quận huyện ở nhiều thành phố lớn vẫn đang say sưa dẫn đầu các toán cưỡng chế “đòi lại vỉa hè.”

Nguồn: Nguoiviet

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo