Góc nhìn

Thế giới bí ẩn của đảng cộng sản Trung Quốc

Cập nhật lúc 27-10-2012 18:52:28 (GMT+1)
Ảnh minh họa (Nguồn: internet)

 

“Để sau đại hội” … Đó là câu trả lời cho mọi đề nghị phỏng vấn với các nhà lãnh đạo Trung Quốc — không loại trừ cả các cuộc gặp không chính thức. Điều gì đang xảy ra đằng sau những bức tường đỏ trụ sở của Đảng cộng sản Trung Quốc, chỉ cách Tử Cấm thành 2 bước chân?


Trong khu phố Ngụy Công Thôn, trên vỉa hè rộng nối Đại học Nhân dân, một trong những trường lâu đời nhất ở Bắc Kinh, với bến xe điện ngầm cùng tên, Hội đồng nhân dân đã cho dựng một cột báo điện tử, với màn hình cảm ứng và hệ thống tương tác, cho phép người ta tự định vị mình trong thành phố. Trên các mặt của cột báo điện tử này, các áp phích đỏ hiện dòng chữ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), biểu tượng búa liềm rất bắt mắt, với hình ảnh của những người lao động ưu tú và các nhà lãnh đạo kiểu mẫu. Phải chăng đây là sản phẩm công nghệ tốt nhất để biết mình đang ở đâu trong chính sách cộng sản? Dường như ít có khả năng các nhóm sinh viên, thường đi tiên phong trong lĩnh vực thời trang, trong cái tháng Sáu ấy, con gái thì quần soóc hay váy ngắn khêu gợi, con trai thì sơmi bó hoặc áo phông in những dòng chữ tiếng Anh…, nắm bắt được thông điệp kia. Trung Quốc, nơi sự hiện đại phóng túng nhất chung sống với những cách thức cổ lỗ nhất, bước đi như vậy đó.

Hội nghị thứ 18 của ĐCSTQ, sẽ diễn ra “vào nửa cuối năm 2012”, theo thông cáo chính thức, phản ánh nghịch lý này. Đảng duy nhất, cai quản đất nước kể từ năm 1949, đã hình dung ra một quy chế gia hạn các ban lãnh đạo trung ương. Những người đứng đầu tổ chức Nhà nước (tổng bí thư, cũng là chủ tịch nước Cộng hòa, thủ tướng và chủ tịch Quốc hội) chỉ được bầu tối đa hai nhiệm kỳ và không được quá 10 năm. Tuổi giới hạn đối với các thành viên của các thẩm cấp quốc gia (ủy ban trung ương, Bộ chính trị, ủy ban thường trực) được ấn định là 68.

Như vậy, 2012 sẽ là năm chứng kiến một trong những thay đổi các nhà lãnh đạo lớn nhất chưa từng thấy ở một đất nước theo chủ nghĩa cộng sản. Trong số 9 thành viên của ủy ban thường vụ Bộ chính trị (CPBP), sẽ có 7 người bị thay thế; từ 60% đến 65% ủy viên chính thức ở ủy ban trung ương cũng sẽ phải nhường chỗ. Vậy những người sắp thăng tiến sẽ được chỉ định theo tiêu chí nào? Điều này thì bí mật. Gợi nhớ lại các tục lệ thời còn Tử Cấm thành, sự kế nhiệm trong nội bộ ĐCSTQ được chuẩn bị hết sức bí mật, bằng các trò quyền lực mờ ám, các mánh khóe xảo quyệt, những động tác giả và những đòn ngầm.

Cách đó hơn 2 nghìn km, ở Quảng Đông, Duyệt Tuệ (tên nhân vật được thay đổi để tránh gây phiền toái), mặc quần soóc bò, áo chẽn lụa, mái tóc dài và khuôn mặt trang điểm kỹ, giống như tất cả các thanh niên xuất thân từ tầng lớp trung lưu, với cuộc sống bình lặng và thoải mái trong các cuộc tranh luận. Nếu những người bạn của cô từ chối nói về chính trị, Duyệt Tuệ lúc đầu lưỡng lự, sau đó cũng vui lòng thổ lộ.

Mẹ làm giáo viên tiểu học, bố là công chức, cô tốt nghiệp cao học ngành luật tại trường đại học danh tiếng Tôn Trung Sơn, nơi chúng tôi gặp cô. Cũng như bố mẹ mình, cô là một đảng viên cộng sản. Cô lập tức giải thích: “Đảng là một kiểu tổ chức ái hữu, như một mạng lưới để thành công. Phần nào giống như một hiệp hội nghề nghiệp.” Có nghĩa đó là một đảm bảo giúp cô kiếm được một công việc tốt, có cơ hội thăng tiến. Ngừng một lát, cô đỏ mặt nói tiếp: “Tôi đã ước mơ được vào đảng ngay từ bé”. Giống như phần lớn lớp trẻ ở Trung Quốc, cô đã từng là đoàn viên thanh niên. Cô kể lại với ánh mắt sáng bừng: “Khi tôi được kết nạp đảng vì tôi là một học sinh xuất sắc, tôi đã rất hạnh phúc. Đó như là một phần thưởng, Một ngày hội.”

5 năm sau, nhiệt tình ấy đã tan biến. “Nếu được làm lại, tôi sẽ không làm điều đó vì nó gây ra lắm sự phiền nhiễu. Tôi mất quá nhiều thời gian cho họp hành khi tôi còn có nhiều mối quan tâm khác”. Những tháng vừa qua, các chi bộ đảng, thường lơ mơ ngủ, bỗng trở nên sôi động vì một vụ nổ vang dội phát sinh từ việc cách chức một nhà lãnh đạo nổi tiếng, ông Bạc Hy Lai, khiến những chia rẽ trong nội bộ PCC bị phơi bày ra ánh sáng. Duyệt Tuệ nói tiếp: “Nhưng nhất là tôi cứ phải lặp lại những câu trả lời do đảng viết sẵn. Tôi không được tự do nói những điều tôi nghĩ. Điều này khiến tôi bị ức chế, bởi tôi cũng có một sự độc lập trong ý thức chứ”.

Tất nhiên, chính thức mà nói, chẳng ai cấm cô từ bỏ giọng lưỡi giáo điều chính thức. Nhưng khi đó cô sẽ bị buộc phải thanh minh và đối đầu với những “đồng chí” có trách nhiệm thuyết phục cô và đưa cô trở lại con đường đúng.

Trả lại thẻ Đảng và mở sang trang khác ư? Không thể được. Đó sẽ là một kiểu phản bội chính trị. Có thể cô sẽ tránh đi bằng cách rời bỏ khu phố của mình: chỉ cần cô không thể hiện là mình đang sống. Nhưng, nếu có tham gia một hoạt động công cộng hoặc một doanh nghiệp nhà nước, cô sẽ không tránh được các chỉ thị. Theo lời giải thích của một đảng viên lão làng, người khó chịu về tình trạng này: “Chúng tôi không bị bắt buộc phải tin: chúng tôi đến các cuộc họp, nhắm một mắt và lại tiếp tục như thế…”

Trên thực tế, việc ra khỏi đảng còn khó khăn hơn việc vào đảng. Thông thường, bí thư đảng ủy (nhà trường, khu phố, doanh nghiệp hoặc làng xã) chọn ra người mà anh ta cho là xứng đáng đi theo anh ta. Nếu như, chẳng may, người ta để lỡ cơ hội vào đảng khi còn ở trường trung học hoặc đại học và thấy rằng tấm thẻ búa liềm rất có lợi cho sự nghiệp của mình, người ta có thể trình một đơn xin vào đảng, với điều kiện là có người giới thiệu và phải vượt qua hàng loạt các cuộc điều tra về công tác cũng như về sinh hoạt cá nhân của mình.

Từ năm 2007 đến 2012, tổng cộng đã có hơn 10 triệu người gia nhập ĐCSTQ. Tổ chức khổng lồ này chính thức bao gồm 80,6 triệu đảng viên — gần bằng dân số nước Đức. Theo những thống kê chính thức, gần 1/4 số đảng viên dưới 35 tuổi và một nửa từ 36 đến 60 tuổi. Nghịch lý là: trong khi các nhà lãnh đạo cộng sản (đặc biệt là ở địa phương) chưa bao giờ bị nhân dân chỉ trích một cách công khai như vậy thì cũng chưa bao giờ có số người xin vào đây đông như vậy. Đó là vì tấm thẻ đảng viên là một bảo bối cho những người trẻ (ít ra là cho những người không giàu) và một đảm bảo sự yên ổn cho đảng với hy vọng rằng nhờ đó mà quản lý xã hội tốt hơn.

Các đảng viên trẻ có một vị trí được đảm bảo, cũng như vậy, các nhà trí thức trẻ, trước đây bị coi là “tiểu tư sản”, nay được người ta trải thảm đỏ dưới chân. V ấn đề là xây dựng một “đảng ưu tú”, như lời lẽ được nghe thấy nhiều lần. Vì đảng và Nhà nước là một, nên đất nước cần nhận sự được đào tạo. Và do đó ưu tiên tuyển dụng trong các trường đại học ở Trung Quốc hoặc ở nước ngoài – một hướng đi ngày càng được ưa chuộng. Nhưng điều này không áp dụng với các trường của đảng.

Ngay khi người ta nắm nhũng chức vụ quan trọng, ở tỉnh hoặc ở cấp trung ương, việc được đào tạo qua nhà trường chính trị cao cấp này là bắt buộc. Các vị tân quan đến đó để bắt đầu tìm hiểu sự tinh tế của chủ nghĩa Mác theo kiểu Trung Quốc và của chính sách đương thời, đồng thời tiếp thu những năng lực ở trình độ cao về mặt hành chính công. Đôi khi trong cùng một địa phương, như ở Thượng Hải, trường cộng sản có nguồn gốc từ cuộc cách mạng tồn tại song song với trường hành chính ra đời từ những cải cách hồi những năm 1980, theo kiểu Trường hành chính quốc gia (ENA) của Pháp. Các giáo sư Trung Quốc và người ngoài danh tiếng nhất được mời đến đây giảng dạy, trường Quảng Đông khoe rằng họ đã mời được những nhà kinh tế học lớn nhất của Mỹ, Internet được sử dụng tự do. Không cuốn sách nước ngoài nào, dù là mang tính chỉ trích nhất, bị cấm. Tóm lại, khi cần đào tạo những tinh hoa lãnh đạo của mình, đảng rất hào phóng.

Mặc dù đã nhiều lần yêu cầu, chúng tôi vẫn không thể bước qua ngưỡng cửa Trường Đảng Trung ương, ở Bắc Kinh, do Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo số một của đất nước trong tương lai. Thế nhưng hai nhà báo của tờ Trung Quốc hàng ngày, Trần Hà và Viên Phương, lại đang đắm chìm trong thế giới riêng biệt ấy, nơi tập trung những quan chức cộng sản, đến từ các tỉnh, thành phố và thủ đô, Trong tuần đầu tiên, các học viện (bị tách khỏi thế giới bên ngoài, “ngay cả các thư ký và lái xe cũng phải đợi ở ngoài cổng trường” – tác giả chú thích), phải trải qua “các bài kiểm tra để đánh giá trình độ hiểu biết về lý luận của họ, kể cả các nền tảng của chủ nghĩa Mác”. Sau đó họ được chia theo nhóm để nghe giảng những đề tài khác nhau: lịch sử đảng, các tôn giáo, vấn đề các dân tộc thiểu số, chống tham nhũng, ngăn ngừa bệnh sida-HIV… Họ sẽ họp để trao đổi và mỗi người được hoàn toàn tự do bày tỏ ý kiến của mình. Nhưng vẫn có sự phân cấp rõ rệt: các học viên hạ cấp (huyện, xã) không được học, ăn cùng mâm và ngủ cùng phòng với những học viên thượng cấp (quan chức cấp tỉnh hoặc thủ đô).

Theo Trần Hà và Viên Phương, ở trong trường, có một lớp học đặc biệt, dành cho các cán bộ từ 45 đến 50 tuổi, là những người sẽ tạo nên “xương sống của chính phủ trong tương lai” và thông thường họ học trong 1 năm. Sau 3 tháng đầu tiên chỉ đọc các loại sách kinh điển, như cuốn Tư bản của Các Mác hay Chống Duhring của Friedrich Engels, các học viên nội trú sẽ được đào tạo chuyên sâu về tất cả các vấn đề liên quan thuộc lĩnh vực quản lý: hệ thống lập pháp, soạn thảo một ngân sách, kiểm soát tài chính, chính sách đối ngoại, quản lý, lãnh đạo và quản lý nhân sự, diệt trừ tham nhũng, phương pháp giải quyết các xung đột… Như vậy, họ được tham dự một khóa huấn luyện rất chuyên nghiệp của các nhà lãnh đạo.

Nhưng trường học này cũng là cái sàng lọc. Hai nhà báo nói rõ hơn: Ban tổ chức trung ương đầy quyền lực chi phối các công việc của đảng, các quyết định bổ nhiệm trong chính phủ, giới truyền thông (cùng với ban tuyên giáo), các trường đại học, các doanh nghiệp Nhà nước – “thường xuyên cử cán bộ tham dự các lớp học và tham gia các cuộc tranh luận, để lựa chọn những học viên xuất sắc nhằm đề bạt sau này. Một giảng viên đã tiết lộ với chúng tôi rằng nếu một học sinh nào đó bị đình chỉ học tập vì thái độ không tốt trong lớp (…) thì sự nghiệp chính trị của họ coi như kết thúc.” Chừng ấy điều để nói lên rằng những người muốn thăng quan tiến chức cần phải uốn lưỡi bảy lần trước khi hé ra một ý kiến chỉ trích.

“Phần thưởng luôn dành cho người vâng lời, điều này chưa bao giờ thay đổi”, một cán bộ của ĐCSTQ giấu tên than thở khi gặp chúng tôi cách đây vài tháng ở Bắc Kinh. Ông ấy nhắc lại rằng các tiêu chí thăng tiến được xác định một cách chính thức: không dưới 70 tiêu chí, gồm cả trình độ học vấn, thâm niên và, thành tích nếu là người nắm giữ các trách nhiệm, chẳng hạn trong lĩnh vực đầu tư hoặc môi trường. Và không được quên quy định nổi tiếng này: Mọi vi phạm quấy rối trật tự công cộng mà gây tai tiếng trong cả nước sẽ bị cho những điểm Xấu và điều đó kìm hãm sự nghiệp. Nếu thiếu tính minh bạch, thì sự độc đoán sẽ ngự trị… và việc tái tạo một thế hệ ưu tú theo hình mẫu sẽ kéo dài mãi.

“Sau khi mở cửa và cho đến giữa những năm 1990, một người từ cấp thấp có thể leo cao. Bây giờ thì không thể nữa rồi.”, ông Dương Kế Thằng, nhà kinh tế học, cựu biên tập viên cao cấp của Tân Hoa xã khẳng định. Trong một quán café cũ, nằm ngoài đường vành đai 4 ở phía Nam Bắc Kinh, ông kể lại cho chúng tôi về cuộc phiêu lưu của cuốn sách “Phân tích các tầng lớp xã hội ở Trung Quốc”, xuất bản ở Hồng Công (và vì thế được lưu hành một cách giấu giếm), sau đó được xuất bản ở Đại lục năm 2011 sau 2 lần bị cấm. Tác giả cuốn sách, cũng là đảng viên cộng sản, không hề bị đe dọa, mặc dù ông đã chỉ đích danh vào một trong nhũng điểm yếu của hệ thống: sự hình thành một tầng lớp những người hưởng thừa kế.


Theo ông, “không còn động lực xã hội. về cơ bản, các chỗ ngồi đã được định sẵn cho các con ông cháu cha, được đào tạo tốt hơn. Với thế hệ sinh ra sau các cải cách, người ta nói rằng có một sự phục hồi các tầng lớp xã hội: con em các cán bộ đảng và/hoặc viên chức, sẽ lại trở thành cán bộ; con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa”. Điều gì là bình thường ở phương Tây sẽ trở nên không thể chịu đựng được ở một đất nước rêu rao là “chính quyền nhân dân” và “xã hội chủ nghĩa” đặc sắc Trung Quốc.

Trên thực tế, “các thái tử”, con các nhà lãnh đạo lão thành của đảng (phái thái tử), giữ các ghế chủ chốt trong bộ máy (% số ủy viên hiện nay của Bộ chính trị), và nhất là đứng đầu các tổ chức công hoặc bán công lớn. Người ta nói rằng họ đang cạnh tranh với các nhà lãnh đạo xuất thân từ những gia đình khiêm nhường hơn đã kinh qua công tác Đoàn thanh niên cộng sản, gọi là “phái đoàn thanh niên”, mà tiêu biểu là chủ tịch Hồ cẩm Đào vàThủ tướng Ôn Gia Bảo. Chủ tịch tương lai, ông Tập Cận Bình, con trai của ông Tập Trọng Huân, nguyên phó thủ tướng Trung Quốc (cánh tay phải của cố Thủ tướng Chu Ân Lai), thuộc về phái thứ nhất, trong khi người ngấp nghé chức Thủ tướng, ông Lý Khắc Cường lại thuộc phái thứ hai.

Một cuộc đấu tranh giai cấp trong nội bộ ĐCSTQ chăng? Sự tồn tại những trào lưu tư tưởng khác nhau – không được thừa nhận một cách chính thức – không dính dáng gì đến gốc gác của các thủ lĩnh. Trước khi bị loại khỏi chính trường, ông Bạc Hy Lai, lúc đó là Bí thư thành ủy Trùng Khánh (32,6 triệu dân) và là con trai của một trong những nhà cách mạng lão thành, đã từng đấu tranh cho các quyền của những người công nhân – nông dân (dân công) và là kẻ thù công khai của những người khởi xướng, nhưng cũng là nhà quán quân về những vụ kiện chớp nhoáng, ít đếm xỉa đến nhân quyền. Cách đó 1500 km theo đường chim bay, ông Uông Dương, Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông, nơi có các xí nghiệp xuất khẩu lớn, không phải là con nhà nòi cộng sản. Ông muốn là người truyền bá chủ nghĩa tự do kinh tế, chủ trương mở cửa về chính trị và những quyền tự do công cộng. Như vậy, thật khó có thể phân tích xã hội Trung Quốc theo những hệ quy chiếu chính trị của phương Tây: những nhà cải cách hay bảo thủ, cánh hữu hay cánh tả – mặc dù một số người, trong đó có cả những người nuối tiếc Mao Trạch Đông lẫn những nhà trí thức đấu tranh cho các quyền xã hội, thích tự nhận mình là “cánh tả mới”.

Những bất đồng thậm chí có thể được giải quyết bằng bạo lực (theo nghĩa tượng trưng), như vụ Bạc Hy Lai. Với tiếng tăm là người xóa bỏ tham nhũng, Bí thư thành ủy Trùng Khánh, bị buộc tội tham nhũng và nuối tiếc chủ nghĩa Maoít – đã bị Bắc Kinh thẳng tay loại bỏ. Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã khẳng định sự tồn tại “Nguy cơ quay trở lại thời kỳ Cách mạng văn hóa vẫn tồn tại”.

Các giải thích chính thức này luôn bị lên án trong các cuộc tranh luận ở chốn riêng tư. Khi mà chính đảng chứ không phải một tòa án độc lập nào đưa ra bản cáo trạng ấy, thật khó để phân rõ thật giả. Tuy nhiên, tham nhũng đã ăn sâu ở Trung Quốc đến nỗi người ta không thể hình dung được rằng nhà lãnh đạo tỉnh Trùng Khánh đã có thể thay một bè cánh này bằng một bè cánh khác có lợi cho ông ta. Cũng như vậy, việc ông đã đưa “nhạc đỏ” trở lại gu thời thượng là điều không thể tranh cãi. Nhưng vì thế mà kết luận rằng ông muốn quay trở lại những thời điểm tồi tệ nhất của chủ nghĩa Mao ít và của những hồng vệ binh, thì vẫn còn một bước mà ông không dám vượt qua… Yên Liệt Sơn, một trong những cựu chủ biên của tờ báo Nam Phương cuối tuần ở Quảng Đông nói thẳng: “Điều đó chẳng có ý nghĩa gì cả”. Đã nghỉ hưu ở tuổi 60 và đón tiếp chúng tôi tại trụ sở của nhóm báo chí nổi tiếng về những loạt bài điều tra thanh trừng này, theo ông, “Một số thái độ có thể gợi lại giai đoạn Cách mạng văn hóa. Nhưng, kể từ đó, nhân dân đã hiểu biết hơn, tinh thần cởi mở hơn. Không thể có sự tụt lùi được.”

Là nhà nghiên cứu lịch sử kiến trúc của trường Tôn Trung Sơn, chuyên gia về những biểu tượng gắn với Cách mạng văn hóa, giáo sư Phùng Nguyên, sinh ra đúng thời chủ nghĩa Maoít điên cuồng, năm 1964, rõ ràng không có thói quen nói quanh co: “Có thể có những sự hoài niệm ở những người cổ lỗ nhất. Nhưng chỉ là thứ yếu. Ngược lại, với những người trẻ, việc gợi lại chủ nghĩa Mao phản ánh 2 thực tế: một là thái độ bất mãn không tìm được chỗ để bộc lộ cũng như để giải quyết, với cảm tưởng rằng trước đây xã hội công bằng hơn và thoải mái hơn; hai là việc thiếu cách nhìn chỉ trích đối với giai đoạn này.” Sự đánh giá chính thức về Mao và triều đại của ông luôn được tóm lại bằng một câu ngắn gọn: “70% tốt, 30% xấu”, và những nghiên cứu chỉ trích khó có thể khai thông một lối đi. Phùng Nguyên hẳn biết điều gì đó khi thấy 2 trong số các bài viết của ông về thời kỳ này bị cấm đưa vào một cuốn sách tập hợp các bài giảng của ông. Và người ta hiểu rằng ông đòi hỏi phải có một công trình nghiên cứu lịch sử trung thực, không bị biến thành một công cụ, kể cả vì lý do tốt đẹp nào đó.

Vụ tai tiếng của ông Bạc Hy Lai chắc chắn đã không như vậy nếu như những cuộc tranh luận được tự do hơn và các trào lưu được công nhận, như điều mà Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã hứa vào đầu nhiệm kỳ thứ hai của ông. Lời cam kết đã bị lãng quên, nhưng xung đột về tư tưởng bên trong bộ máy không vì thế mà không bùng nổ, chủ yếu về vai trò của Nhà nước (và của đảng), cũng như về các nội dung cải cách xã hội và chính trị.

Và chủ nghĩa xã hội thị trường theo kiểu Trung Quốc, trong tất cả các vấn đề trên ư? Người ta đọc được trong một cuốn sách mỏng chính thức có tên Bạn biết gì về Đảng cộng sản Trung Quốc rằng: “Đó là một sự áp dụng sáng tạo chủ nghĩa xã hội của Mác và Ăngghen (…) Quan niệm về hệ thống của nó chứng tỏ một chủ nghĩa Mác đang trên đường phát triển”. Chắc hẳn không một người cộng sản nào làm theo tư tưởng cổ lỗ này. Nhưng vấn đề vẫn còn nguyên. Là một chuyên gia về các mối quan hệ xã hội trong doanh nghiệp, giáo sư Hà Cao Triều, người hay qua lại giữa Quảng Đông và New York, thừa nhận rằng “thực sự không có khác biệt giữa chủ nghĩa tư bản Mỹ và chủ nghĩa tư bản Trung Quốc. Nhưng ở Trung Quốc, người ta cố gắng cải thiện hoàn cảnh của công nhân và nông dân, đó là điều tự nhiên”. Dù sao thì cũng không thực sự thuyết phục để định nghĩa về chủ nghĩa xã hội. Dĩ nhiên điều đó giải thích vì sao người ta đề cao một tư tưởng thay thế: Khổng giáo.

Ông Lưu Cẩm Tường, cựu phó thị trưởng chịu trách nhiệm về tài chính của tỉnh Quảng Đông tán thành điều này: “Nếu như cho rằng nhờ chủ nghĩa xã hội mà chúng ta nghe nói đến công bằng nhiều hơn, thì Thụy Điển còn xã hội chủ nghĩa hơn Trung Quốc. Ở đây, nhiều khía cạnh của xã hội cũ vẫn tồn tại. Người ta không biết rõ hơn đi đâu. Người ta không còn những tiêu chí. Không còn hình mẫu. Đánh giá chế độ của chúng ta như thế nào? Kinh tế thị trường, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tư bản nhà nước… Không một khái niệm nào thực sự cho phép chúng ta định nghĩa nó. Vì vậy luôn có sự bối rối về đường hướng phải theo. Chúng ta cần phải thực hiện một công trình lý luận lớn. Người ta có thể cho rằng mình đang ở giai đoạn tư bản nhà nước như là một phương thức để xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa, nơi mỗi cá nhân có vai trò hơn.” Mục đích này thực sự là đáng khen, nhưng người ta vẫn chưa thấy trong công tác chuẩn bị cho đại hội của ĐCSTQ một chút bóng dáng nào của sự chuyển hướng./.

Nguồn: TTXVN/ Basam

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo