Trường sa bất khuất
![]() |
Từ lâu tôi đã ngưỡng mộ những con người huyền thoại trên các đoàn tàu không số trên đường Hồ Chí Minh trên biển. Bao tấn vũ khí, khí tài đã được lực lượng này chở chi viện cho chiến trường trong những thời kỳ khó khăn, gian khổ nhất giúp cho chúng ta dành thắng lợi sau này.
Đọc thêm:
Khi đi trên thực tế, giữa biển rộng bao la bạn sẽ thấy cha ông ta đã giỏi tới cỡ nào khi điều khiển con tàu không có phương tiện kỹ thuật chỉ đường, lại thường xuyên phải đi vào ban đêm. Ngoài việc tìm mọi cách để tránh gặp tàu tuần tra của địch còn phải tìm luồng để không đi vào vùng cạn, bãi đá san hô và trăm thứ không lường hết được. Những con người quả cảm trước khi xuống tàu tự làm lễ truy điệu cho mình ấy đã để lại cho muôn đời con cháu đất Việt trang sử chói lọi về lòng yêu nước và ý chí quật cường chống giặc ngoại xâm.
Khi đến đảo Cô lin cách Gạc ma chừng 15 km tôi để ý đến thân một con tàu nửa nổi trên mặt nước biển rồi hỏi người chiến sỹ đang đứng bên cạnh, mới hay đó chính là một trong 3 con tàu của chúng ta bị Trung Quốc bắn chìm để chiếm Gạc ma. Trong hoàn cảnh vô cùng gian nan nguy hiểm ấy, người tàu trưởng quyết định điều khiển con tàu đã bị thương sắp chìm cố lao về đảo Cô lin để kịp cắm lá cờ tổ quốc khẳng định chủ quyền rồi hy sinh. Con tàu lỗ chố vết đạn, hoen gỉ theo thời gian nhưng như một chứng tích nó vẫn nằm kia chứa theo mình huyền thoại bất tử của lòng yêu nước.
Gần với Cô lin là đảo Phan Vinh. Sở dĩ hòn đảo có tên Phan Vinh là bởi chính tại nơi này vào ngày 29/ 2/1968 chiếc tàu vỏ sắt do ta tự đóng chở theo 14 tấn vũ khí, đạn dược chi viện cho Khánh Hoà đã bị địch phát hiện. Trên tàu lúc đó có 20 người và Nguyễn Phan Vinh là thuyền trưởng. Người trung uý quả cảm trước đó đã thực hiện được 11 chuyến đi trót lọt. Biết đã bị máy bay trinh sát của địch phát hiện, anh ra lệnh cho các thuỷ thủ chuẩn bị phương án chiến đấu và sẽ huỷ tàu. Trong tình huống bị bao vây tứ bề bởi 5 tàu tuần tiễu của Hải quân Nguỵ, 3 tàu tuần dương và khu trục đến tiếp ứng ở các góc khác nhau quyết bắt sống bằng được. Anh hội ý với các thuỷ thủ trên tàu thả hoả mù gây nhiễu rồi hướng tàu chạy về phía gần vị trí bến qui định nhất để thả vũ khí xuống. Trong gang tấc của sự sống và sự hy sinh anh vẫn bình tĩnh chỉ huy đồng đội thả vũ khí ở nơi gần nhất cho đất liền rồi ra lệnh cho đồng đội phải lập tức rời tàu, chỉ để lại mình và Thượng sỹ cơ điện Ngô Văn Thê. Khi máy chính của tàu bị hỏng, không cơ động được anh lệnh cho Thượng sỹ cơ điện điểm hoả khối thuốc nổ được chuẩn bị sẵn. Một tiếng nổ kinh hoàng cắt vụn tàu C235 thành những mảnh nhỏ. Các anh đi về phía vĩnh hằng với vầng hào quang chói lọi tinh thần yêu nước. Ngàn đời sẽ không quên sự hy sinh của các anh! Nhà nước truy tặng anh danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và trong dịp kỷ niệm 15 năm ngày giải phóng quần đảo Trường sa, tên anh đã được đặt cho hòn đảo mà hôm nay chúng tôi được đặt chân đến để thắp lên nén hương thành kính cho anh và đồng đội anh, những con người bất khuất của dân tộc. Theo lời chỉ dẫn của các chiến sỹ tôi tới thắp hương ở miếu 3 cô. Gọi như thế là bởi khi các chiến sỹ tới xây dựng đảo đã tìm thấy 3 bộ hài cốt được xác định là của phụ nữ nên đã lập ra miếu thờ này. Chưa rõ vì sao các cô lại mất ở đây, chỉ biết họ đã được nằm trên lãnh thổ của đất nước mình, được nhớ đến như những công dân của đảo. Trong buổi gặp mặt giữa các đại biểu và chiến sỹ trên đảo chúng tôi có dịp hiểu rõ hơn về cuộc sống của người lính biển, đặc biệt ở đảo Phan Vinh này. Đây có lẽ là đảo duy nhất có luồng sóng đánh dồn từ bốn mặt và ở mức độ thất thường. Các chiến sỹ điều khiển xuồng chở chúng tôi đã phải lượn theo chiều sóng để đảm bảo tối đa an toàn cho những người trên xuồng.
Trường sa lớn được ví như Thủ đô của quần đảo Trường sa. Ở đây có sân bay cho trực thăng và hơn cả đây là đơn vị hành chính. Là đảo duy nhất ở Trường sa có bến cho tàu vào neo đỗ và cảnh quan như phố thị trong đất liền. Chúng tôi tập trung trước nghĩa trang liệt sỹ Trường sa cùng tưởng niệm, thắp hương cầu mong cho linh hồn của các liệt sỹ, ngư dân đã hi sinh vì sự vẹn toàn lãnh thổ. Dưới bóng mát của những cây bàng, cây phong ba chúng tôi cùng các chiến sỹ trao đổi cho nhau những câu chuyện không đầu, không cuối nhưng đầy cảm xúc về con người, cuộc sống hôm nay. Trong đêm giao lưu văn nghệ, những người lính trên đảo đã khiến chúng tôi bất ngờ về tài ca hát của mình. Họ đã truyền cho chúng tôi những người đang được sống trong ấm êm tình yêu đất nước, con người và vượt lên trên cả, đó là tình yêu nguồn cội.
Tôi lang thang ra cầu tàu trong bàng bạc của trăng đêm trên biển. Tiễng sóng vỗ lao xao mạn tàu hoà vào bạt ngàn gió của mêng mông Trường sa mà thấy đất nước mình đẹp và hùng vĩ thế. Còn vài giờ nữa chia tay một hành trình có đủ vị ngọt, bùi, thương nhớ, chia tay những con người đang từng giờ đối mặt với thách thức, hiểm nguy để rồi tin, giữa bão táp phong ba, lính ở Trường sa vẫn vững vàng như cây phong ba trên đảo.
Thiều Quang.