Góc nhìn

V. Putin, một lá bài « hữu ích » cho Trung Quốc để đối chọi với Mỹ ?

Cập nhật lúc 11-06-2019 14:23:58 (GMT+1)
Sputnik/Alexander Vilf/Kremlin via REUTERS

 

Ngày 07/06/2019, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc chuyến thăm chính thức nước Nga. Tham vọng của Nga là muốn trở thành một đối tác thương mại của Trung Quốc, thay thế cho Hoa Kỳ. Nhưng với Bắc Kinh, nước Nga hiện chỉ là một đối tác do « hoàn cảnh » và « cực chẳng đã ».


Thượng đỉnh Nga - Trung diễn ra trong vòng ba ngày 5-7/06/2019, trong bối cảnh Hoa Kỳ tăng mức áp thuế nhắm vào các mặt hàng nhập khẩu Trung Quốc bắt đầu từ đầu tháng 5/2019. Tại cuộc gặp này, Nga và Trung Quốc đều loan báo ký kết nhiều hợp đồng thương mại trị giá 20 tỷ đô la và tăng cường hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ.

Nga tuyên bố sẵn sàng gia tăng sản lượng đậu nành và tham gia vào một quỹ đầu tư chung trị giá một tỷ đô la dành cho công nghệ mới. Nước Nga cũng mở rộng vòng tay cho Hoa Vi, phát triển mạng 5G tại Nga. Tóm lại, Vladimir Putin đã làm tất cả để cho thấy nước Nga là một đối tác thương mại đáng tin cậy, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung còn kéo dài.

Tuy nhiên, ông Jean-François Dufour, giám đốc văn phòng cố vấn DCA Trung Quốc - trên đài France 24, lưu ý : « Trung Quốc chỉ xem Nga như là một đối tác bất đắc dĩ và nếu có thể Bắc Kinh tìm cách tránh lệ thuộc kinh tế vào Nga » vì hai lý do chính.

Thứ nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Đối với giới lãnh đạo Trung Quốc, nước Nga vẫn chỉ là một « chú lùn ». Xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga thấp hơn 10 lần so với sang Mỹ. Trung Quốc không dại gì dốc hết tiền vào Nga, vì như thế có nguy cơ làm phật lòng Washington, đối thủ địa chính trị chính của Matxcơva.

Thứ hai là về công nghệ. Nga không thể nào giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu trở thành cường quốc hàng đầu công nghệ cao. Ông Jean-François Dufour nhấn mạnh rằng mục đích đầu tiên của Bắc Kinh là « không bán công nghệ của họ cho người khác, mà tìm cách sở hữu công nghệ mới nhờ vào các mối quan hệ đối tác với các doanh nghiệp đi đầu ». Nhìn từ góc độ này, rõ ràng nước Nga của ông Putin chẳng có được những công nghệ nào hấp dẫn Trung Quốc cả. Duy chỉ có công nghệ hàng không và cung cấp năng lượng là những lĩnh vực duy nhất mà Trung Quốc thật sự cần đến Nga.

Vậy Trung Quốc muốn gì ở Nga nhân cuộc gặp thượng đỉnh vừa qua ? Trong giai đoạn thương chiến căng thẳng với Mỹ, với một tầm vóc địa chính trị to lớn, quả thật nước Nga của ông Putin là một quân cờ có lợi cho Trung Quốc. Do vậy, ông Putin được ca ngợi là « người bạn tốt nhất » của Tập Cận Bình và tổng thống Nga vẫn là một lá chủ bài tốt nhất của Trung Quốc trong các cuộc thương lượng với Mỹ.

Lãnh đạo Trung Quốc có thể dọa mở rộng liên kết với Nga. Điều này « sẽ là một mối họa thật sự quan trọng cho Mỹ » như khẳng định của ông Jean-François Dufour. Một trục Nga - Trung có nguy cơ gây thêm phiền toái cho Donald Trump trong nhiều hồ sơ quốc tế khác như Venezuela, Iran và Syria.

Mặt khác, việc Trung Quốc « giương củ cà rốt » với Nga có lẽ còn nhằm mục đích kềm hãm nước này xích lại gần với phương Tây. « Một sự liên kết giữa Nga với khối này rất có thể sẽ là một cơn ác mộng chiến lược cho Trung Quốc, dù trong trước mắt đây mới chỉ là một giả thuyết có vẻ hơi kỳ cục », theo như phân tích của chuyên gia Arnaud Dubien, giám đốc đài Quan sát Pháp - Nga trên tờ Le Figaro.

Đối tác nhưng cũng không có nghĩa là không có cạnh tranh. Nga cần đầu tư của Trung Quốc để phát triển kinh tế. Quan hệ giữa Nga và Trung Quốc tuy ngày càng được thắt chặt nhưng luôn dựa trên một nguyên tắc « không bao giờ cùng với Trung Quốc, nhưng cũng không bao giờ chống lại Trung Quốc ». Nguyên tắc này cũng được áp dụng tương tự tại Bắc Kinh.

Nguồn: Minh Anh/ RFI

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo