Góc nhìn

VN: Cải cách chưa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững

Cập nhật lúc 09-09-2018 10:21:21 (GMT+1)
Trong nền kinh tế chuyển đổi như ở Việt Nam tăng trưởng kinh tế có thể dẫn đến cải cách nhưng sẽ là quá trình chậm chạp nếu t

 

Cuối tháng 8/2018 trong một phiên họp Thường trực Chính phủ để góp ý kiến về báo cáo đánh giá giữa kỳ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 và kế hoạch tài chính-ngân sách Nhà nước quốc gia 3 năm 2019-2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tiếp tục hoàn thiện các báo cáo đánh giá và nhấn mạnh cần chuẩn bị kỹ các nội dung trước khi trình hội nghị BCH TƯ lần thứ 8 và kỳ họp Quốc hội thứ 6 trong quý 4 năm 2018.


Đảng CS và Chính phủ VN luôn coi trọng chính sách kinh tế để duy trì tính chính danh và thể hiện năng lực điều hành. 

Chất lượng tăng trưởng thấp

Từ các đánh giá sơ bộ Thủ tướng cho rằng 12/12 chỉ tiêu năm 2018 mà Quốc hội giao có thể đạt và vượt, trong đó GDP có khả năng đạt trên 6,7%, thu ngân sách vượt dự toán 3-5%, nợ công giảm, lạm phát dưới 4%.

Tự do kinh tế là quyền tự do mà đa số người dân quan tâm. Kinh nghiệm của hầu hết các quốc gia trên thế giới chỉ ra một khi những người dân bình thường được hưởng quyền tự do kinh tế thì đất nước sẽ trở nên giàu có. Tự do là cốt lõi của tự do kinh tế, và hệ thống chính trị cần thay đổi hướng tới điều đó.PGS. TS. Phạm Quý Thọ

Sau thời gian suy giảm của giai đoạn 2010-2016, năm 2017 tốc độ tăng trưởng GDP năm 2017 đạt 6,83%. Tổng cục Thống kê Việt Nam mới công bố chỉ tiêu này 6 tháng đầu của năm 2018 là 7,08%, cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây.

Tốc độ tăng cao GDP của Việt Nam trong hơn 2 năm gần đây và những dự báo khả quan thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu.

Các tổ chức quốc tế như Quỹ tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới nhận định khá lạc quan rằng 'đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua đã được củng cố và song hành với ổn định kinh tế vĩ mô'.

Chính sách kinh tế của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô, khuyến khích tự do kinh doanh, đồng thời loại bỏ các rào cản, điều kiện trói buộc các doanh nghiệp và người dân làm kinh tế. Chính sách này đang mang lại kết quả tích cực.

Dưới góc nhìn kinh tế học đây là chính sách trọng cung. Thực tế chỉ ra rằng mô hình kinh tế này có thể duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối cao trong bối cảnh ổn định và sự tự chủ tương đối của nền kinh tế thị trường.

Bên cạnh những phân tích trên, một số đánh giá thận trọng cảnh báo về chất lượng tăng trưởng chưa bền vững, khi tăng trưởng do hai yếu tố: nông nghiệp dễ tổn thương vì thời vụ và thị trường đầu ra, và đầu tư trực tiếp nước ngoài đặc biệt là các tập đoàn lớn như Samsung.

Một số nhà phân tích kinh tế thậm chí lưu ý về bẫy thu nhập trung bình thấp và chu kỳ khủng hoảng 10 năm 1 lần ở Việt Nam và cảnh báo có thể diễn ra trong các năm tới.

Rào cản điều kiện và thủ tục hành chính

Các ý kiến về tính không bền vững của tăng trưởng kinh tế hiện nay là có cơ sở khi việc dỡ bỏ rào cản điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính đang gặp 'sự trì hoãn' từ bộ máy và nhiều quan chức dưới nhiều hình thức.

Nghị định 19 của Chính phủ về tạo môi trường kinh doanh được coi trọng trong nhiều hoạt động, nhưng sự chuyển động là được nhận định 'chậm chạp', không đáp ứng yêu cầu.

Các báo cáo thường xuyên của Tổ công tác - tổ chức giúp Thủ tướng điều phối hoạt động của các bộ, cho thấy việc thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng giao luôn chậm theo thời hạn ấn định và mục tiêu cắt giảm điều kiện kinh doanh không hoàn thành hoặc thực hiện với chất lượng thấp.

Ông Bộ trưởng chủ nhiệm văn phòng Chính phủ có lưu ý rằng Thủ tướng sẽ phê bình và nêu những cá nhân và cơ quan vi phạm kỷ luật hành chính khi thực thi Nghị định 19, song cho đến nay, kể cả trong các phiên họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng việc đó vẫn chưa xảy ra.

Quyết định hành chính, mang tính mệnh lệnh, đã từng có tác dụng tức thì trong cơ chế tập trung, nhưng nay gặp khó khi đương đầu với các lợi ích cục bộ, bị chia tách dưới tác động của kinh tế thị trường.

Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) trong một báo cáo có nhận xét: "Thực tế cho thấy, những cơ quan, tổ chức bị mất quyền, mất lợi luôn chống lại những cải cách".

Tình trạng 'trên nóng dưới lạnh' của bộ máy đã được cảnh báo, nhưng ít được cải thiện. Tâm lý 'giấu mình chờ thời', 'sợ mắc khuyết điểm' trước thay đổi thời cuộc và tương lai nhân sự bấp bênh đang tạo ra hiện tượng 'đóng băng' ở cán bộ của một số ngành, lĩnh vực và địa phương.

Việt Nam

Thách thức với cải cách của Việt Nam và ban lãnh đạo là còn lớn, theo tác giả

Quyền tự do kinh tế chưa đảm bảo

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra cam kết mạnh mẽ về một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Những nỗ lực của Thủ tướng Chính phủ và một số thành viên nội các khó dẫn đến sự thay đổi hệ thống. Vì vậy, chính sách khuyến khích tự do kinh doanh khó có thể tạo cơ sở cho sự tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, bền vững nếu không có cải cách sâu rộng hệ thống chính trị thích hợp và tương xứng với cam kết về một Chính phủ kiến tạo.

Chủ trương cải cách thể chế đang trở nên phức tạp khi phải đối mặt với bộ máy và cán bộ quan liêu, cồng kềnh, tham nhũng và năng lực kém từ trung ương đến địa phương.

Bộ máy nhà nước vận hành ì ạch, nhưng vẫn đòi hỏi chi tiêu cho các bộ phận và nhân sự 'thừa'. Vận động tăng đầu tư công vì lợi ích nhóm thay vì chống tham nhũng, lãng phí để nâng cao hiệu quả. Bảo trợ chính trị đang là nơi ẩn nấp cho chủ nghĩa cơ hội. Bệnh thành tích che giấu sự trung thực, và yêu cầu công khai minh bạch. Đòi hỏi quan chức đối thoại với dân và đáp ứng các quyền dân sự, quyền con người được hiến định đang bị coi nhẹ.

Bội chi ngân sách, nợ công tăng cao, lạm phát, bất công, tư nhân hoá chậm chạp là hệ quả khó tránh khỏi.

Ngoài ra, với cải cách thể chế ở Việt Nam không thể không tính đến yếu tố quốc tế tác động, đặc biệt yếu tố Trung Quốc, cụ thể hiện tại là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Động thái gần đây như Ngân hàng Nhà nước có quyết định cho sử dụng Nhân dân tệ thanh toán tại 7 tỉnh biên giới Việt - Trung khiến giới quan sát quan tâm theo dõi.

Tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh như trên khó có thể nói sẽ bền vững khi không được hỗ trợ cần thiết từ cải cách đột phá, đòi hỏi thay đổi từ cam kết chính trị đến hành động thực thế.

Trong nền kinh tế chuyển đổi như ở Việt Nam tăng trưởng kinh tế có thể dẫn đến cải cách nhưng sẽ là quá trình chậm chạp nếu trì hoãn hoặc cải cách thể chế vể bản chất.

Nếu coi cải cách thể chế là dư địa tăng trưởng quan trọng thì một chính sách khuyến khích tự do kinh doanh để giải phóng sức sản xuất xã hội là chưa đủ để đảm bảo duy trì trong dài hạn. Tự do kinh tế cần trở thành định hướng của chính sách kinh tế dài hạn.

Tự do kinh tế được định nghĩa là 'môi trường kinh tế cho người ta quyền tư hữu, tự do hoạt động về lao động, tiền bạc, hàng hóa, và hoàn toàn không có chèn ép hay giới hạn tự do kinh tế ngoại trừ những giới hạn tối thiểu cần thiết để bảo đảm người dân được tự do'.

Mức độ tự do kinh tế ở Việt Nam rất thấp. Chỉ số tự do kinh tế được tính toán dựa trên 12 yếu tố định tính và định lượng thuộc bốn nhóm: Nền pháp trị, Quy mô của Chính phủ, Hiệu quả điều tiết kinh tế và Thị trường tự do. Trong thời gian dài chỉ số này không được cải thiện, năm 2014 là 50/100 Việt Nam xếp hạng 140, đến năm 2017 là 52,4 xếp hạng 147/180 quốc gia.

Tự do kinh tế là quyền tự do mà đa số người dân quan tâm. Kinh nghiệm của hầu hết các quốc gia trên thế giới chỉ ra một khi những người dân bình thường được hưởng quyền tự do kinh tế thì đất nước sẽ trở nên giàu có. Tự do là cốt lõi của tự do kinh tế, và hệ thống chính trị cần thay đổi hướng tới điều đó.

Khẳng định tri thức tạo nên sự giàu có, các nhà nghiên cứu kinh tế thể chế khẳng định rằng khi người dân có nhiều tự do hơn, sẽ có nhiều trí thức và phát minh hơn. Và nhiều phát minh dẫn đến nền kinh tế tăng trưởng năng động hơn, và ngược lại. Vì vậy, tự do kích thích tri thức và sáng tạo sẽ dẫn đến tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững hơn.

Nguồn: BBC

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo