Góc nhìn

VN: 'Luật hình sự sai sẽ mãi còn sai'

Cập nhật lúc 21-09-2016 11:36:22 (GMT+1)
Image: Istock

 

Giống như người đi trong đêm chỉ khi bị vấp mới biết có đá, đột nhiên nhìn đâu cũng thấy đá to, đá nhỏ lổn nhổn khắp trên đường khi trời bừng sáng, người ta mỗi ngày lại dễ dàng thấy thêm nhiều sai sót chết người trong Bộ Luật hình sự 2015.


Bên cạnh Điều 344 làm các Nhà xuất bản hoang mang, còn thêm Điều 292 khiến giới doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân muốn khởi nghiệp phải hoảng hồn. Đến nỗi đích thân thủ tướng phải đề nghị quốc hội bỏ điều 292. Chúng không phải là những lỗi kỹ thuật hoặc do bất cẩn.

Vì khi chú ý đến các bộ luật khác, người ta cũng có thể thấy nhiều sai sót tương tự. Đó là kết quả của việc xây dựng luật mà không chú trọng đến những nguyên tắc căn bản.

Điều 344 và Điều 292 Bộ LHS 2015 giống nhau ở chỗ: chúng không được phép là những qui định của một Bộ Luật hình sự.

1. Nguyên tắc hợp pháp và hợp hiến:

Đây là nguyên tắc về ttính chính danh của một điều luật. Một điều luật phải dựa trên hoặc xuất phát từ một cơ sở pháp lý luật định hiện hành và phải phù hợp với Hiến pháp.

Luật hình sự là một bộ luật đặc biệt, vì là bộ luật cấm các hành vi cụ thể, xác định.

Đó là những hành vi xâm phạm, làm tổn hại đến cuộc sống, sức khỏe và tài sản của cá nhân; các hành vi gây mất trật tự, an ninh xã hội hoặc xâm phạm, gây ảnh hưởng tiêu cực đến các giá trị nền tảng của cuộc sống chung của xã hội.

Nói một cách khác, bộ luật hình sự không được phép cấm các hành vi khác với những hành vi mang tính chất và gây hậu quả như các hành vi đó.

Việc không có giấy phép, hoặc không đúng nội dung được cấp phép, khi thực hiện các hành vi nêu tại Điều 292; hay không tuân thủ quy định về biên tập và duyệt bản thảo nhưng vẫn xuất bản xuất bản phẩm, không nộp xuất bản phẩm lưu chiểu nhưng vẫn phát hành xuất bản phẩm…tại Điều 344, chỉ là vi phạm các qui định hành chính, điều kiện kinh doanh (nếu có).

Chúng hoàn toàn không mang tính chất hoặc gây hậu quả như một hành vi mà một bộ luật hình sự được phép cấm; cũng không thể là yếu tố cấu thành một hành vi hình sự bị cấm trong khuôn khổ ý nghĩa và mục đích của một bộ luật hình sự.

Là một bộ luật cấm công dân thực hiện một số hành vi, hoạt động xác định, nghĩa là hạn chế quyền tự do hiến định của công dân, các điều luật của bộ luật này vì thế phải rất rõ ràng, không được cho phép hiểu đa nghĩa, suy diễn đa chiều để có thể tùy tiện cấm.

Định nghĩa và các yếu tố cấu thành một hành vi bị cấm phải rõ ràng và có khả năng xác định.

Vì vậy, Điều 292 còn đặc biệt nguy hại, do có điểm e, cho phép cấm “Các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định của pháp luật”.

Với qui định như vậy, cơ quan công quyền, Viện kiểm sát, hoặc công an, có thể lý giải và tùy tiện áp dụng để có thể cấm bất cứ loại dịch vụ trên mạng nào mà họ muốn.

2. Nguyên tắc cần thiết:

Một điều luật dù hợp pháp, hợp hiến và theo đuổi mục đích được chính danh, vẫn sẽ bị loại bỏ, nếu nó không phải là cần thiết để đạt được mục đích.

Điều 344 Bộ LHS 2015 là không cần thiết. Vì những hành vi vi phạm về xuất bản đã được quy định trong Luật xuất bản 2012 và nghị định 159/2013/NĐ-CP, và chỉ phạt tiền đối với những hành vi quy định tại điều 344 Bộ LHS 2015.

Các hành vi bị coi là hình sự của Điều 292 cũng đã được xử lý đầy đủ tại các bộ Luật chuyên ngành khác như:

- Luật đầu tư 2014 và Nghị định 118/2015/NĐ-CP: quy định một danh mục về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, và cả quy định về xử lý vi phạm pháp luật đầu tư (tại Điều 73 – LĐT 2014).

- Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng: đã quy định các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này tại Điều 19.

- Nghị định 42/2014/NĐ-CP quy định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp và cả việc xử lý hành vi vi phạm bán hàng đa cấp tại Điều 34 của nghị định.

- Theo thông tư số 39/2014TT-NHNN Hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán: quy định trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc cấp phép, thu hồi và cấp lại Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

- Giao dịch điện tử: Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về Thương mại điện tử: quy định cụ thể, chi tiết về hoạt động thương mại điện tử, những hành vi bị nghiêm cấm trong thương mại điện tử và việc xử lý các hành vi đó (Điều 78 – Nghị định 52).

- Luật bảo vệ người tiêu dùng đã có các quy định bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử.

3. Nguyên tắc phù hợp:

Dù thỏa mãn hai nguyên tắc trên, một điều luật cũng vẫn có thể bị loại ra, nếu nó không phù hợp để đạt được mục đích, không phù hợp với thực tế.

Hoạt động xuất bản đang bị đe dọa nghiêm trọng do nạn xuất bản “chui” không phép, in sang lậu. Điều 344 không cấm được các hoạt động xuất bản “chui” vốn đã là bất hợp pháp, mà lại gây khó khăn cho hoạt động xuất bản hợp pháp. Gián tiếp thúc đẩy hoạt động xuất bản “chui” để đáp ứng như cầu thị trường khi xuất bản hợp pháp bị trói tay.

Điều 292 cũng không phù hợp để ngăn chặn những hành vi nó muốn ngăn chặn. Trong thời đại công nghệ tin học toàn cầu như hiện nay, các doanh nghiệp sẽ dễ dàng chuyển serve ra nước ngoài, hoặc làm “chui”.

Lúc đó thì vừa không cấm nổi các hành vi đó, mà mục tiêu bảo vệ quyền lợi người dùng, hay chống thất thu thuế, cũng không thể đạt được.

4. Nguyên tắc thỏa đáng:

Một điều luật hạn chế quyền tự do cá nhân chỉ được coi là hợp pháp, hợp hiến và có hiệu lực, nếu nó còn phải thỏa mãn nguyên tắc thỏa đáng và tác động tiêu cực hay hạn chế quyền của nó đối với công dân là ở mức có thể đòi hỏi được.

Một mặt, do đã vi phạm ba nguyên tắc đã nói ở trên, việc trừng phạt mang tính chất hình sự vừa phạt tiền vừa phạt tù như qui định tại Điều 344, 292 là phi lý và không thỏa đáng với bản chất của hành vi vi phạm.

Mặt khác, đa số Nhà xuất bản, công ty phát hành và các đơn vị trong ngành xuất bản đều thấy Điều 344 Bộ LHS 2015 không phù hợp, gây bất an, lo sợ trong giới làm nghề xuất bản. Bởi nó sẽ khiến người làm xuất bản, cán bộ, biên tập, giám đốc nhà xuất bản rất dễ bị rơi vào vòng lao lý.

Hành vi bị cấm tại Điều 292 về bản chất là các hình thức ứng dụng CNTT, mạng xã hội vào các hoạt động kinh doanh, đã đem lại những lợi ích to lớn không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.

Điều 292 vừa gây khó khăn cho việc tìm tòi mở rộng áp dụng công nghệ cũ, sáng tạo các áp dụng mới, sang tạo công nghệ mới, vừa gây khó khăn cho các hoạt động khởi nghiệp.

Hầu hết người khởi nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, hay các kỹ sư phần mềm sáng tạo các chương trình game, vốn đã gặp nhiều khó khăn khi thử nghiệm các sản phẩm mới, khi cho người tiêu dùng thử nghiệm, chạy thử, dùng thử, dùng miễn phí để đánh giá khả năng đưa sản phẩm vào thị trường.

Với Điều 292 thậm chí họ có nguy cơ bị đi tù nếu “chẳng may” các chương trình dùng thử, dùng miễn phí của mình mang lại lợi nhuận. Buộc họ đi tù vì những hành động cần phải có để tham gia thị trường như thế, rõ ràng là một đòi hỏi phi lý, vượt quá giới hạn mà luật pháp có thể đòi hỏi ở công dân.

Điều 344 và Điều 292 Bộ LHS 2015 đều vi phạm trọn vẹn cả bốn nguyên tắc dễ thấy nhất trong số các nguyên tắc phải tuân thủ khi xây dựng một điều luật.

Các bộ luật, điều luật của một Nhà nước pháp quyền phải được xây dựng theo những nguyên tắc căn bản.

Đây là những nguyên tắc có giá trị phổ quát buộc phải tuân thủ khi xây dựng luật của một Nhà nước pháp quyền, không phụ thuộc vào việc ai là người nắm giữ quyền lực nhà nước tối cao và ở quốc gia, dân tộc nào.

Những sơ xuất, sai sót vừa qua trong một số bộ luật của Việt nam cho thấy dường như Việt nam vẫn tiếp tục theo đuổi các cách làm luật của riêng mình mà không theo tiêu chuẩn quốc tế.

Nguồn: TS.Nguyễn Vân Nam/BBC

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo