Góc nhìn

Yêu nước Nga, mới hiểu tại sao Việt Nam mãi nghèo...

Cập nhật lúc 18-08-2016 17:04:14 (GMT+1)
Nước Nga trong mắt nhiều người Việt luôn hoàn hảo ở mức độ cao nhất - Minh họa: huffingtonpost.com

 

“Chúng ta yêu nước Nga, chúng ta không cho phép ai được yêu khác kiểu của chúng ta, nghĩa là chỉ được phép ca ngợi. Chúng ta quên mất chẳng có cái gì là hoàn hảo cả - đến mặt trời còn có vết nữa là nước Nga, nước Mỹ hay nước Lào”.


Năm 2005, nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng phát-xít, tôi bỏ tiền túi ra để thuê thiết kế một trang web về nước Nga, và tự mình chuẩn bị nội dung cho nó. Đến thời điểm đó, trên mạng internet không có bất cứ một trang web nào khác bằng tiếng Việt về nước Nga, nên trang web của tôi là trang đầu tiên. 

Nhiều người không thể hiểu được, tại sao một người “mù tịt” về Nga như tôi, lại có thể đam mê về một đất nước xa lạ đến thế. Nhưng như biết bao nhiêu người Việt Nam khác, tôi lớn lên trong những câu chuyện từ những tác phẩm văn học Nga và Xô-viết, trong những bộ phim về người lính Hồng quân đã góp phần quan trọng cứu nhân loại khỏi thảm họa phát-xít… Những giai điệu Nga làm mê đắm không chỉ lòng tôi, mà cả các thế hệ trên tôi, các anh chị, bố mẹ, các bác các chú. 

Người Việt Nam yêu nước Nga không chỉ một thế hệ, mà nhiều thế hệ. Đến bây giờ cũng có rất nhiều bạn trẻ yêu nước Nga. Vì truyền thông của chúng ta mấy chục năm qua về Nga, vẫn nói như cũ, chẳng có gì thay đổi cả.

Trang web đã làm thay đổi nhận thức của tôi đến tận gốc rễ. Chúng ta cứ quen với những khái niệm như “người Nga nhân hậu” - nhưng khi đi nhiều nước trên thế giới, tôi mới hiểu ở đâu cũng rất nhiều người nhân hậu, và nơi ít nhất là… Việt Nam ta (thật đau khổ). Và ở Nga thì đúng, còn đầy những ông già bà già Nga cực kỳ nhân hậu, trong khi những “người Nga mới” thì khinh khỉnh và nhìn người nước ngoài bằng nửa con mắt.

Tôi không muốn nói nước Nga, người Nga là xấu; chỉ muốn nói, “nhân hậu không phải là đặc quyền của bất cứ dân tộc nào”. Chúng ta đang là nạn nhân của định kiến - những nhìn nhận một chiều, cứng nhắc về bất cứ vấn đề gì, là một trong những nguyên nhân mà chúng ta mãi vẫn nghèo.

Thứ nhất, chúng ta hồ đồ. Chúng ta rất hồ đồ khi đánh đồng giữa đất nước, dân tộc và nhà cầm quyền. Là một người làm nghiên cứu luật quốc tế, tôi đồng ý với rất nhiều đồng nghiệp rằng hành động của Nga xâm lược và sáp nhập bán đảo Crimea là vi phạm pháp luật quốc tế. Không có một dân tộc Crimea nào ở đây để áp dụng “quyền dân tộc tự quyết”, vì người Tatar Crimea gốc của bán đảo, đã bị Stalin đuổi đi Siberia từ lâu rồi. Trưng cầu dân ý ở Crimea chỉ là một thủ tục pháp lý, bản chất của nó là che đậy và kết quả của nó ai cũng có thể nhìn thấy từ đầu. Đó là những hành động của nhà cầm quyền Nga, chứ không phải nguyện vọng của tất cả những người dân Nga. Đáng tiếc những ai lên tiếng về chuyện đó, đều bị coi là chống nước Nga, “bài Nga”. Cho dù, nước Nga của dân tộc Nga trường tồn và “nước Nga của Putin” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.

 

Có thể tôn trọng chính quyền một nước chủ trương gây hấn để xâm lấn? - Ảnh: harborlight.hinghamschools.com

Chính thái độ hồ đồ này của người Việt, làm chúng ta thích phủ nhận sạch trơn mọi thứ, cũng như chỉ nhìn thấy cái này, cái kia là duy nhất đúng, duy nhất tốt. Dư luận gần đây phàn nàn nhiều về chất lượng của xe máy Honda Việt Nam, nhưng 70% thị phần vẫn thuộc về Honda, vì ăn sâu vào não trạng của người Việt là “xe máy phải Honda, ôtô phải Toyota” nên vẫn vui vẻ cho họ móc túi.

Thứ hai, chúng ta quen với độc quyền tư tưởng yêu ghét. Có một người bạn từ Hungary, rất yêu nước Nga (còn hơn tôi nhiều!) và ngay người bạn đời của anh ấy cũng từng ở Liên Xô cũ - duyên nợ nhiều lắm chứ! Sau những sự kiện Ukraine - Crimea thì anh ấy bày tỏ quan điểm muốn có một nước Nga dân chủ, văn minh, hòa nhập Châu Âu… nhưng đó là điều không được phép. Anh không liên quan gì đến Nga cả - không học ở Nga, không sinh sống làm việc ở Nga, thì anh không nên tham gia và chỉ được phép đứng ngoài. Chúng ta khoanh vùng lãnh địa, chỉ những người học và sinh sống ở Nga thì mới được quan tâm và yêu Nga. Những người nào chưa học, chưa sinh sống ở Nga nếu yêu Nga y hệt như chúng ta, thì được vào. Còn những người đã học và sinh sống ở Nga mà dám yêu nước Nga khác chúng ta, thì chúng ta coi họ là “thoái hóa biến chất”. 

Chúng ta yêu nước Nga, chúng ta không cho phép ai được yêu khác kiểu của chúng ta, nghĩa là chỉ được phép ca ngợi. Chúng ta quên mất chẳng có cái gì là hoàn hảo cả - đến mặt trời còn có vết nữa là nước Nga, nước Mỹ hay nước Lào. Cái sự bịt tai không dám nghe những ý kiến trái chiều, làm cho chúng ta mãi chỉ loanh quanh với sự ca ngợi hoài niệm du dương và không biết đâu là khiếm khuyết để sửa chữa.  

Thứ ba, chúng ta thích độc quyền kiến thức. Những ai chưa đi Nga, chưa sống ở Nga, chưa làm việc ở Nga… thì ô-tô-ma-tích không được phép bàn về Nga. Tôi đã có lần viết về một ví dụ thế này. Ngay trước thềm vụ kiện Biển Đông của Philippines chống Trung Quốc ra PCA chuẩn bị có phán quyết, ông Lavrov và mấy ông bà phát ngôn khác của ngành ngoại giao Nga phát biểu phải nói thẳng ra là rất bất lợi cho những nước nhỏ đang có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông, một tiến sĩ luật quốc tế và một cựu đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ có bình luận và đương nhiên là trái ý chúng ta, những người yêu nước Nga một cách vô điều kiện. Thế là chúng ta lên tiếng: “Ông chưa đến Nga bao giờ, nên im đi thì hơn. Hoặc ông nên lên tiếng về Mỹ, thì tốt hơn. Còn về Nga, để cho những người từng làm việc và sinh sống, học tập ở Nga như chúng tôi nói”.

Vấn đề là họ chỉ cần bình luận từ góc độ luật pháp quốc tế và quan hệ quốc tế là quá đủ, chẳng cần phải biết gì về Nga. Nếu không phải là Lavrov mà là ông Răng Mắc Ơ-rô (Jean-Marc Eyraud - không phải Răng Mắc Đô-la đâu nhé!) phát biểu thì các chuyên gia vẫn có quyền đưa ra những bình luận tương tự mà chẳng cần phải sinh sống, học tập hoặc làm việc ở Pháp.

Chính vì độc quyền kiến thức, chúng ta tưởng cái ao là đại dương và do đó, chúng ta không tiếp nhận những kiến thức khác của nhân loại.

 

Nước Nga, dân tộc Nga không đồng nghĩa với nhà cầm quyền Nga - Ảnh: america.aljazeera.com

Thứ tư, chúng ta hiểu tất cả những điều trên đây, nhưng vì giữ cái ghế đang ngồi nên chúng ta im lặng, thậm chí chúng ta hòa cùng nhịp tô hồng.

Từ tất cả những điều đó, chúng ta sa vào cực đoan: chỉ có Nga là nhất, còn Mỹ và Phương Tây là đế quốc. Có “một ông anh” của tôi, người giỏi tiếng Nga viết mà người Nga đọc còn phải sợ, sau những sự kiện Ukraine năm 2014, anh ấy không đồng ý với những gì Putin đã làm. Anh tỏ thái độ rõ ràng và thẳng thắn đến mức, mà những người “yêu nước Nga không điều kiện” chúng ta không thể chấp nhận được. Chúng ta đương nhiên không thể chấp nhận anh ấy là người yêu nước Nga. Thực ra tôi hiểu anh là người cực kỳ yêu nước Nga, vì những gì anh ấy dành cho nó, vì thời gian và công sức anh bỏ ra cho nó. Chỉ có một điều khác, là anh muốn nhìn thấy một nước Nga khác, không giống hiện nay.

Ví dụ này có cả mấy đặc điểm trên đây: phải yêu nước Nga kèm theo cả Putin và chỉ được yêu nước Nga theo kiểu của chúng ta, nghĩa là chỉ du dương ca ngợi mà không được phép nói về những mặt trái của nước Nga.

Chỉ một góc “nước Nga trong lòng người Việt” đó thôi đã đủ thấy tại sao chúng ta dù đi năm châu bốn biển, vẫn mãi chỉ “lấy được cái đuôi trâu làm thước ngắm”, còn “sánh vai các cường quốc” thì còn lâu…

Nguồn: Phúc Lai/ nhipcauthegioi.hu

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo